Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác “Bây Giờ Tháng Mấy” – Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Từ Công Phụng năm 18 tuổi
Giới thanh viên, sinh viên và trí thức miền Nam hồi thập niên 1960 đã chú ý đến nhạc sĩ Từ Công Phụng ngay với tác phẩm đầu tay là Bây Giờ Tháng Mấy, được ra đời lúc tác giả mới 18 tuổi.
Từ Công Phụng hát Bây Giờ Tháng Mấy trước 1975
Trong chương trình Jimmy Show, nhạc sĩ Từ Công Phụng kể lại rằng đó là bài hát của một học sinh mới lớn, đang học trung học và đã có những rung động, những tình yêu thầm kín không dám thổ lộ của một thời thư sinh. Từ những cảm xúc riêng tư, cộng với một chuyện tình trong tưởng tượng với sự ảnh hưởng từ tiểu thuyết, Từ Công Phụng đã viết thành ca khúc Bây Giờ Tháng Mấy.
Trước đó, từ năm 16 tuổi, nhạc sĩ đã đọc rất nhiều sách, trong đó có các tiểu thuyết, và những tình tiết cùng chất lãng mạn trong các tiểu thuyết kinh điển đã gắn với chính cuộc đời thật, góp phần định hình phong cách nhạc Từ Công Phụng, kể từ bài hát đầu tay Bây Giờ Tháng Mấy cho đến nhiều nhạc phẩm sau này.
Những chi tiết trong bài hát, như là “anh đi tìm màu hoa em cài” hay khung cảnh rất đẹp: “đưa nhau về dưới mưa giăng chiều nắng tàn”… đều được nhạc sĩ tưởng tượng ra với sự ảnh hưởng của các tiểu thuyết lãng mạn.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm
Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi,
cách nhau một lời thôi
Tâm hồn mình đâu lẻ đôi.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm màu hoa em cài
Chiều nay nhớ em rồi
và nhớ áo em đẹp màu thơ,
môi tràn đầy ước mơ
Mai đây anh đưa em đi về,
mưa giăng chiều nắng tàn
cho buốt lạnh chúng mình.
Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa,
nhìn nhau buồn vời vợi,
để mùa đông buốt giá bờ vai mềm.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?
Anh đi tìm mùa xuân trên đời
Mùa đông chết đi rồi mùa xuân
mắt em đẹp trời sao
cho mình thương nhớ nhau.
Lệ Thu hát Bây Giờ Tháng Mấy trước 1975
Bây Giờ Tháng Mấy nói về nỗi buồn bâng khuâng của một chàng trai đang bị người yêu hờn dỗi. Từ đầu đến cuối bài hát là những giai điệu mênh mang trôi theo cùng dòng tâm tư của chàng trai kia. Như là quên hết cả ngày tháng, anh chàng thành ngàn mây lênh đênh trong một vùng miên viễn, đi tìm những lời lẽ ngọt ngào lãng mạn nhất để dỗ dành người yêu.
Sáng tác xong Bây Giờ Tháng Mấy, Từ Công Phụng chỉ có dịp giới thiệu đến các bạn bè cùng trường. Chỉ đến khi ông từ Phan Rang lên Đà Lạt để học tiếp trung học. Tại xứ sở sương mù, khoảng năm 1963-1964, Từ Công Phụng cùng với nhạc sĩ Lê Uyên Phương thành lập ban nhạc Ngàn Thông để chơi nhạc trên đài phát thanh Đà Lạt, mỗi tuần một ngày lên đài để thu và phát trực tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên ông có dịp giới thiệu đến đông đảo công chúng ca khúc Bây Giờ Tháng Mấy.
Từ Công Phụng hát Bây Giờ Tháng Mấy sau 1975
Với ca khúc đầu tay này, Từ Công Phụng nhận được rất nhiều thư của thính giả khen ngợi và ngưỡng mộ, giúp ông tự tin hơn trong lãnh vực sáng tác. Sau đó, lần lượt những ca khúc như Mùa Thu Mây Ngàn, Bài Cho Em… ra đời.
Trong số những bức thư gửi về cho Từ Công Phụng, có một thư kèm với bài thơ 5 chữ, nội dung dựa vào bài hát Bây Giờ Tháng Mấy. Ông cảm thấy thích bài thơ này và nghĩ ra một cách hành âm khác để phổ nhạc cho thơ, lấy tên là Bây Giờ Tháng Mấy (bài số 2). Mời các bạn nghe chính tác giả trình bày sau đây:
Ca khúc Bây Giờ Tháng Mấy nổi tiếng vào thập niên 1960 đến nổi có một phiên bản chế lời cũng nổi tiếng không kém, lời ca mượt mà đó đã bị nhiều người vặn vẹo để hát thành “bây giờ mấy tháng rồi hỡi em…”
Nhạc sĩ Từ Công Phụng nói rằng lần đầu tiên nghe được lời chế như vậy ông cũng cảm thấy buồn và có chút bực mình. Nhưng sau đó suy nghĩ lại, sở dĩ như vậy là vì bài hát đã đi sâu được vào quần chúng, đó cũng là một may mắn của người nhạc sĩ.
Tuấn Ngọc hát Bây Giờ Tháng Mấy trên Asia
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn