Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác bài “Thu Ca” (nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương) – Tuyệt phẩm tango kinh điển của nhạc Việt
Trong cuộc đời và sự nghiệp có rất nhiều đóng góp cho nền âm nhạc miền Nam của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, người ta vẫn nhớ nhiều nhất đến bài hát Thu Ca, được ông sáng tác từ năm 1953, là một trong những bài tango nổi tiếng nhất của nhạc Việt.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từng kể rằng từ thời học trung học ở Huế, ông đã rất mê nhạc tình ca lãng mạn, đặc biệt là những bài hát như Thu Quyến Rũ hay Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, và những sáng tác sau này của ông có chút gì đó ảnh hưởng từ Đoàn Chuẩn.
Từ đầu thập niên 1950, khi Phạm Mạnh Cương còn là một cậu học trò xứ Huế đã được thưởng thức những tuyệt phẩm viết về mùa thu ở Hà Nội của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua làn sóng điện. Đến năm 1953, khi có dịp ra đến Hà Nội, cảm xúc về nét đẹp của mùa thu nơi đây, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã sáng tác ca khúc có thể xem là nổi tiếng nhất sự nghiệp của mình: Thu Ca.
Theo nhạc sĩ kể lại, sau khi đậu tú tài 2 năm 1953 tại Huế, ông ra Hà Nội theo học trường Cao đẳng sư phạm và Văn khoa. Tháng 8 trong cùng năm đó, ông đáp chuyến bay của Air Vietnam ra xứ Bắc. Chuyến xe từ sân bay về nơi trọ học có đi ngang qua trường nữ sinh Trưng Vương trên phố Hàng Bài. Đó là một chiều chớm thu trời buồn man mác, Phạm Mạnh Cương nhìn thấy được hình ảnh tan trường rất đẹp trước cổng trường nữ sinh, với các cô tiểu thư khuê các xứ Hà thành trong áo dài khăn voan nhẹ nhàng khoan thai, 2 tà áo bay theo gió heo may se lạnh của mùa thu Hà Nội, trong đầu chàng nhạc sĩ đa cảm bật lên một giai điệu:
Lạnh lùng sương rơi heo may
Buồn ngơ ngác bóng chim bay
Mây tím giăng sầu đó đây…
Đó là ngôi trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng của Hà Nội được thành lập từ năm 1917, là trường duy nhất của toàn miền Bắc chỉ dành tiêng cho nữ sinh tới cấp trung học. Đến năm 1948 đổi tên thành Trưng Vương và vẫn giữ tên này cho đến ngày nay.
Ngày đi chiều mang sầu tới
Làn sương chiều thu lả lơi
Tiếng mưa rơi đều trên lối
Chiều về gieo thương với nhớ
Lòng người lữ thứ bơ vơ
Nghe lá hoa rụng xác xơ
Chiều thu về đây lạnh lẽo
Mà sương chiều rơi hắt hiu
Gió xa đưa nhẹ tiếng tiêu…
Bài hát Thu Ca là nỗi niềm của một cậu học trò lần đầu tiên cách xa quê nhà, thấy lòng bơ vơ trong một khung cảnh thu buồn với lá hoa rụng xác xơ vào một buổi chiều lạnh lẽo và hiu quạnh.
Bước phiêu lãng trên vùng đất lạ, đi ngang qua trường nữ sinh, người lữ thứ chợt bâng khuâng khi nhìn thấy những tà áo nữ sinh nhẹ rung trước cơn gió thoảng, môi người thiếu nữ cười thắm như cánh hoa đào, chạnh nhớ về hình bóng cũ đã mờ xóa theo tháng ngày:
Nhớ ai chiều thu
Nhìn bao lá úa rơi đầy lối
Nhẹ rung tà áo
Làn môi cười thắm như cánh hoa đào
Cách xa vì đâu!
Dù bao lần lá hoa phai màu
Rung chi cành hoa lá
Khi tà dương đã khuất non xa
Mầu chiều thu reo lá úa
Buồn se sắt nhớ thu xưa
Tôi biết em chiều gió mưa
Thanh Lan hát trước 1975
Người đi về đâu ngàn lối
Màu hoa chiều thu úa phai
Xót xa cho lòng tê tái
Ngập ngừng sương rơi non xa
Chiều thu giăng lối cô đơn
Nghe tiếng mưa sầu chứa chan
Mà bóng chiều phai vàng úa
Mờ xóa tình quen biết nhau
Trách chi cho lòng đớn đau
Nhịp Tango dìu dặt của bài hát phù hợp với tâm trạng khắc khoải bâng khuâng của nhân vật, dễ nhận được sự đồng cảm và sự đón nhận của người nghe. Thành công của ca khúc Thu Ca trong gần 70 năm qua có lẽ là vì đã mô tả tâm trạng của một người tha hương cô độc mà hầu như ai trong chúng ta cũng một vài lần đã trải qua, cùng với việc khắc họa được những nét đặc trưng của mùa thu: buồn nhưng thật đẹp. Nét đẹp thuần mộc của cảnh quan, kết hợp với tâm sự lữ thứ, đã làm rung động bao trái tim người nghe nhạc.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn