Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác bài “Khúc Hát Ân Tình” – Ca khúc mang đậm tinh thần hòa hợp dân tộc của nhạc sĩ Xuân Tiên
Trong suốt sự nghiệp nghệ thuật kéo dài trên 80 năm của nhạc sĩ Xuân Tiên, dù không sáng tác nhiều như những nhạc sĩ danh tiếng khác, nhưng nhạc của ông luôn có nét khác biệt, hầu hết các bài hát đều mang đậm tính dân tộc, được cảm hứng từ những làn điệu của quê hương của cả 3 miền.
Nói về nhạc mang âm hưởng miền Trung, ông có những ca khúc trầm buồn đặc trưng xứ Huế như là Mong Chờ, Tiếng Hát Trong Sương. Với làn điệu âm hưởng dân ca Nam Bộ, ông có Cùng Một Mái Nhà và Khúc Hát Đồng Xanh. Ngoài ra, ca khúc nổi tiếng Hận Đồ Bàn thì mang hơi thở của dân Chàm vùng Nam Trung Bộ.
Bên cạnh đó, ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông phải kể đến Khúc Hát Ân Tình (có tên khác là Duyên Bắc Tình Nam), mang làn điệu của dân ca Bắc Bộ.
song ca tiếng hát của 2 danh ca Thanh Thoại – Tuyết Mai trước 1975
Nói về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Xuân Tiên cho biết:
“Sau hiệp định Geneve 1954, miền Nam mở rộng vòng tay chào đón cả triệu người Bắc di cư vào cùng sống chan hòa với nhau trong vận hội mới của đất nước. Triệu người Bắc cũng đã nhận miền Nam như là quê hương mới của mình. Trong cuộc sống mới có nhiều mối tình Nam – Bắc nảy nở, kết hợp với nhau, nhưng bên cạnh đó cũng có những ngộ nhận đáng tiếc về sự khác biệt địa phương, có thể gọi là kỳ thị giữa những người khác miền với nhau. Cái đó chẳng qua là do mưu đồ của Tây áp đặt vào người mình đã lâu. Thì trong hoàn cảnh đó, bài hát Khúc Hát Ân Tình ra đời như là một lời kêu gọi mọi người con của đất nước hãy sống thân ái với nhau và ca ngợi tình yêu không phân biệt Nam – Bắc. Đó là lý do tôi sáng tác bản nhạc này.”
Phương Dung hát Khúc Hát Ân Tình trước 1975
Người từ là từ phương Bắc đã qua dòng sông, sông dài.
Tìm đến phương này, một nhà thân ái.
Ơi! Tình Bắc duyên Nam
Là duyên tình chung muôn đời ta đắp xây.
Gặp nàng, nàng là thôn nữ mắt duyên cười say môi hồng.
Tình ngát đôi lòng mộng vàng chung bóng.
Ơi! Mạch đất dâng hương là hương
cần lao chung đời vai sát vai.
Bài hát này không nói về một mối tình cụ thể, về những người cụ thể, mà mang tính biểu tượng với tinh thần kêu gọi đoàn kết Bắc Nam, xóa bỏ khác biệt về địa lý để hòa hợp dân tộc của 2 miền vốn bị ngoại bang chia rẽ một thời gian dài tang thương.
Nội dung bài hát nói về một người từ phương Bắc đã vượt nghìn trùng để vào đến miền Nam trù phú sinh sống dưới một mái nhà thân ái. Tại đây, chàng gặp một nàng thôn nữ xinh xắn rồi kết duyên mộng vàng chung bóng, nguyện cùng nhau chung đời sát vai trong cuộc đời cần lao có tương lai rộng mở.
Cùng góp bàn tay thương yêu nhau rồi
ngô khoai hai mùa ngát một niềm vui chung vui.
Cho thơm hương đời lúa vàng tình ơi!
Ngày mai hạnh phúc nơi nơi reo cười.
Quê hương thôi đau sầu ngăn sông núi cách chia.
Ta đem yêu thương về cho phương Bắc.
Bài hát này được sáng tác khoảng năm 1958, khi đất nước đã chia đôi, nên bên cạnh việc kêu gọi góp bàn tay để dựng đời mới trên đất lành, bài hát cũng thể hiện giấc mơ một ngày mai được thái bình trọn vẹn, để quê hương thôi đau nỗi đau ngăn sông cách núi, để yêu thương được về trên khắp chốn, để người tha hương được đưa người bạn đời về lại cố hương, tìm về mảnh vườn hoa thắm hái bông tầm xuân trao nàng:
Tìm về mảnh vườn hoa thắm hái bông tầm xuân trao nàng.
Lời hát ân tình hồng hồng đôi má.
Ơi! Đời sống yên vui, là vui.
Dìu nhau đi vào chung bóng mơ.
Có thể thấy bài hát này từ đầu chí cuối đều có giai điệu và nội dung reo vui, yêu đời, với niềm tin lạc quan về một ngày mai tươi sáng.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Xuân Tiên nói rằng ông thích những âm điệu lạc quan yêu đời, yêu những lời hát ca ngợi quê hương dân tộc.
Sau 1975, một thời gian dài Khúc Hát Ân Tình không được cấp phép phát hành trong nước, có lẽ là một số lời trong bài hát không thích hợp với quan điểm mới. Dù bị cấm nhưng bài hát vẫn được công chúng yêu thích trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên đến năm 2014, một điều bất ngờ đã xảy ra, có lẽ là nhờ tinh thần hòa hợp dân tộc mà bài hát đã được cấp phép phổ biến trong nước theo quyết định số 312/QĐ-NTBD ngày 21/08/2014, từ đó bài hát đã được trình diễn một cách chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước mà không bị sửa bất kỳ câu chữ nào của lời gốc. Dưới đây là một phần trình diễn trên VTV9:
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn