Trang chủ
Hình ảnh “nón lá” trong các ca khúc nhạc vàng nổi tiếng
Nón lá là hình ảnh thân thuộc với người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa đến nay. Tuy nó mộc mạc, mong manh, có khi gợi nét lam lũ, nhưng cũng không kém phần duyên dáng.
Nguồn gốc của chiếc nón là câu chuyện kể về một phụ nữ cao lớn, luôn đội một chiếc nón làm từ bốn chiếc lá hình tròn. Bất cứ nơi nào bà xuất hiện, những đám mây tan biến nhanh và thời tiết trở nên thuận lợi. Sau khi dạy người dân trồng lúa và những loại cây lương thực, vị nữ thần này biến mất. Người Việt biết ơn và đã xây dựng một ngôi đền để tưởng nhớ công ơn của nữ thần.
Người Việt xưa đã cố gắng tạo ra một mô hình chiếc nón tương tự của nữ thần đó bằng cách xâu những lá cọ lại với nhau và bây giờ nó được gọi là nón lá.
Nón lá có thể vừa che nắng tốt, cũng có thể tạm thời che mưa nhè nhẹ, được sử dụng với nhiều công việc khác nhau. Từ các bà các mẹ đội nón đi chợ, người nông dân làm việc trên nương, những em bé chăn trâu trên đồng nón rách tả tơi cho đến những cô nữ sinh duyên dáng nghiêng vành nón lá khi bước chân đến trường.
Nón lá còn được xem là một biểu tượng của con người Việt Nam hiền hòa. Mặc dù hiện nay chiếc nón lá không còn là vật dụng hàng ngày của người phụ nữ ở các thành phố lớn nhưng nó vẫn rất phổ biến ở làng quê Việt Nam.
Hình ảnh người con gái trong tà áo dài và đội chiếc nón lá là nét đặc trưng cho người con gái Việt Nam ở khắp mọi miền. Tuy vậy, không hiểu vì sao khi nhắc đến nón lá, người nghĩ đến xứ Huế trước tiên, nơi mà nón là còn có tên gọi rất thi vị là “nón bài thơ”, bắt nguồn từ việc người ta hay thêu thơ lên nón lá Huế.
Quy trình làm nón với nhiều công đoạn yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ để có một chiếc nón lá Huế đẹp đã tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm. Điểm đặc sắc quan trọng nhất, đặc điểm làm nên tên tuổi và danh tiếng cho nón lá Huế, là những “bài thơ trong chiếc nón”. Không biết tự bao giờ, và ai là người đầu tiên nghĩ ra việc làm nón bài thơ, tức là việc ghép các câu thơ, các bức tranh phong cảnh, các hoa văn cắt giấy vào nón lá Huế để có sản phẩm mới, độc đáo là nón bài thơ. Có lẽ cũng như các tác phẩm nghệ thuật dân gian: tác giả là nhân dân.
So với chiếc nón lá các vùng miền khác thì nón Huế đi vào thơ ca, nhạc họa nhiều nhất. Hình ảnh cô gái Huế với chiếc nón bài thơ, khi che trên đầu, khi cầm trên tay, khi nghiêng nghiêng e thẹn đã tạo nên một vẻ đẹp rất Huế. Trong ca khúc Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có đoạn:
Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài…
Ở đoạn buồn nhất của bài hát, nhạc sĩ đã nhắc đến nón lá như là một hình tượng mong manh của người phụ nữ Huế trước những đau thương.
Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy trước 1975
Trong ca khúc Huế Xưa, nhạc sĩ Anh Bằng cũng nhắc đến nón lá với hình ảnh rất đẹp:
Buổi trưa em che nón lá,
cá Sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ…
Thiên Trang hát Huế Xưa
Người con gái Huế che nón lá và dạo bước trên cầu Trường Tiền ban trưa, cá ở dưới sông liếc lên thấy dung nhan của nàng cũng phải ngẩn ngơ nhìn, thì thử hỏi những chàng trai mới lớn nếu nhìn thấy thì chịu sao đặng. Cũng giống như một câu ca dao hồi xa xưa, lúc mà học trò còn phải lều chõng ra kinh kỳ ứng thí:
Học trò xứ Quảng ra đi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành…
Trong một bài nhạc vàng viết về người con gái Huế khác là Người Em Vỹ Dạ, nhạc sĩ Minh Kỳ mô tả cô nữ sinh Đồng Khánh e lệ giấu đôi mắt biếc đằng sau vành nón lá khi gặp người trai viễn phương bên chợ Đông Ba:
Nón lá che khuất mắt biếc.
Cắp sách sớm trưa chiều
Đi học Ðồng Khánh qua cầu Trường Tiền…
Hoàng Oanh hát Người Em Vỹ Dạ trước 1975
Tà áo dài nữ sinh và chiếc nón lá đã xuất hiện nhiều ở trong thi ca, thể hiện sự nhẹ nhàng và tinh tế. Nếu tà áo dài tôn lên vẻ đẹp thướt tha, duyên dáng, thùy mị của người con gái thì nón lá lại làm cho người con gái mang một vẻ đẹp tiềm ẩn, kín kẽ và đậm đà hơn rất nhiều. Khung cảnh Huế mộng mơ, những con đường im mát, những cô gái Huế trong tà áo dài tha thướt đội nón bài thơ đã trở thành một trong những hình ảnh đẹp tượng trưng của Huế.
Không chỉ nón lá xứ Huế mới được đi vào trong nhạc vàng, mà nón lá vùng Hậu Giang cũng trở nên đằm thắm trong ca khúc nổi tiếng nhất mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác sau năm 75:
Chiếc áo bà ba trên giòng sông thăm thẳm.
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh.
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ.
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời…
Hương Lan hát Chiếc Áo Bà Ba
Nón lá mà kết hợp với chiếc áo bà ba là gợi lên hình ảnh lam lũ chịu thương chịu khó (nhưng cũng không kém phần duyên dáng) của những người con gái vùng sông nước.
Trong một ca khúc sau năm 1975 khác, nhạc sĩ Khánh Băng vẽ lên hình ảnh rất đẹp về người con gái chờ ngóng người yêu:
Một người con gái đứng nghiêng nghiêng vành nón lá
Đường chiều bờ đê lối xưa kỷ niệm thiết tha… (Chờ Người)
Như Quỳnh hát Chờ Người
Bên bờ đê xung quanh là màu xanh bạt ngàn của đồng lúa, hình ảnh một cô gái đứng nghiêng vành nón đứng chờ, gợi hình ảnh nhỏ bé đáng thương của những cô thôn nữ vẫn luôn trung trinh một mối tình. Chiều chiều, bóng dáng ấy lại ra đứng ngóng, dù không hề biết rằng phải chờ người đến khi nào…
Nón lá và quê hương là hai khái niệm tuy rất khác nhau nhưng thường đi đôi với nhau, và trong nhiều bài hát quê hương, nón lá là hình ảnh quen thuộc. Ngoài Chiếc Áo Bà Ba và Chờ Người, bài hát Quê Hương của Giáp Văn Thạch phổ thơ Đõ Trung Quân cũng nhắc về nón lá của mẹ thật đẹp:
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Và một bài hát khác đậm chất dân ca của nhạc sĩ Bắc Sơn:
Em đi trên cỏ non mọc ôm đôi bờ đường đê.
Em che nghiêng nón lá chân rụt rè qua nhịp cầu tre.
Quê hương em ở ngoại thành xóm nhà tranh.
Em đi qua mấy sông vượt mấy đèo.
Dẫu trèo lên đỉnh cao mấy núi, cũng lặn lội về thăm…
Hương Lan hát Em Đi Trên Cỏ Non
Ngày nay ở thành thị, với nét sống vội vã nơi phố phường, nón lá không còn phù hợp nữa. Các chị, các cô đi xe giữa đường không thể đội nón lá, cũng như không thể đội nón lá để đi làm ở công sở. Vì vậy nón lá chỉ còn được nhìn thấy ở thôn quê, ở những nơi mà thời gian vẫn còn thong dong và trôi qua chậm rãi.
Tổng hợp