Trang chủ
Đôi nét về ca sĩ Pat Lâm – Ban Shotguns và một thời lừng lẫy
Những người yêu nhạc ở Sài Gòn thập niên 1960 có lẽ vẫn còn nhiều người nhớ đến giọng hát của một ca sĩ có nghệ danh rất lạ là Pat Lâm, hát chính trong ban Shotguns cùng với Ngọc Mỹ, Elvis Phương. Pat Lâm và Ngọc Mỹ được xem là những người hát tiếng Anh chuẩn nhất trong số nhiều ca sĩ hát nhạc ngoại của Sài Gòn thời đó. Ngoài ra, Pat Lâm cũng chính là người đầu tiên tập hợp bạn bè để thành lập ban Shotguns một thời lừng lẫy ở Sài Gòn từ cuối thập niên 1960.
Cho đến nay, thông tin về Pat Lâm rất hiếm, ngoại trừ một vài bài hồi ức của khán giả thời đó viết về những kỷ niệm và thông tin ít ỏi, nhưng những thông tin đó vừa thiếu lại vừa không chính xác.
Trong nỗ lực tìm kiếm tư liệu về người ca sĩ quá cố này, tôi may mắn liên hệ được với một trong những người con còn ở Việt Nam của ca sĩ Pat Lâm, đó là anh Lâm Nhựt Thăng, anh đã tiết lộ một số thông tin và hình ảnh quý giá của Pat Lâm.
Ca sĩ Pat Lâm tên thật Lâm Trọng Khánh, sinh năm 1935, nguyên quán ở Phước Kiến – Trung Quốc. Ông được mẹ dẫn sang Hà Nội ở từ nhỏ, sau đó chuyển vào Sài Gòn định cư ở Chợ Lớn từ thập niên 1950.
Trước khi trở thành ca sĩ, Pat Lâm là một thầy giáo dạy tiếng Anh, vì vậy dễ hiểu vì sao khi bắt đi hát từ đầu thập niên 1960, ông là người hát các bài nhạc Mỹ rất chuẩn.
Thời điểm đó ở Mỹ có một ca sĩ rất được yêu thích là Pat Boone, nhận thấy giọng hát của giống với ca sĩ này, ông chọn nghệ danh là Pat Lâm.
Có lẽ Pat Lâm là một trong những ca sĩ Việt đầu tiên hát nhạc nước ngoài tại Sài Gòn, nổi tiếng ở khắp các phòng trà. Từ năm 1965, khi có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam, đã có rất nhiều club Mỹ ở khắp nơi, vì Pat Lâm hát nhạc tiếng Anh chuẩn nên rất được các khán giả là quân nhân Mỹ ủng hộ, yêu mến. Cũng từ đó, Pat Lâm được ông chủ một club tên là Sam Anderson mến tài và nhận làm con nuôi.
Thời gian sau đó, Pat Lâm có thời gian hát trong ban Hoa Tình Thương, tại đây ông quen biết với những người sau này cùng nổi danh trong ban Shotguns là Elvis Phương, Duy Khiêm… Nhắc đến ban Shotguns, người ta thường nhắc trước tiên đến nhạc sĩ Ngọc Chánh, nhưng không nhiều người biết rằng Pat Lâm mới là người đầu tiên tập hợp nghệ sĩ để thành lập ban nhạc.
Đó là năm 1968, sự kiện Tết Mậu Thân làm cho toàn bộ những chương trình giải trí ở các phòng trà, vũ trường tại Sài Gòn đều bị đóng cửa, giới nghệ sĩ bị thất nghiệp hàng loạt, ngoại trừ một số ca sĩ hát nhạc ngoại quốc tại các club Mỹ.
Trước tình hình đó, ca sĩ Pat Lâm được người cha nuôi người Mỹ đề nghị ông quy tụ những nghệ sĩ trong ban Hoa Tình Thương để thành lập một ban nhạc trình diễn vào mỗi cuối tuần tại USO (viết tắt từ United Services Organizations, là tổ chức phi lợi nhuận đưa các hoạt động giải trí tới phục vụ quân đội Mỹ đóng ở khắp nơi trên thế giới), cũng như biểu diễn ở các club Mỹ khắp miền Nam.
Khi đó các nghệ sĩ đang thất nghiệp, gặp được lời đề nghị quý giá này, chỉ 1 tuần sau ban nhạc Shotguns đã được thành lập với Ngọc Chánh (piano), Duy Khiêm (bass), Đức Hiếu (trống, sau đó thay bằng Lưu Bình), Hoàng Liêm (guitar) và 2 tiếng hát Pat Lâm, Elvis Phương. Được một thời gian thì bổ sung thêm giọng hát Ngọc Mỹ và Quốc Hùng đánh bass, Duy Khiêm đánh guitare accord…
Nhạc sĩ Ngọc Chánh và ca sĩ Pat Lâm là 2 linh hồn của ban nhạc đã quyết định chọn tên ban nhạc là Shotguns, bắt nguồn từ bài nhạc Mỹ của Junior Walker trong đĩa đơn cùng tên là Shotgun rất ăn khách vào thời điểm đó.
Sang thập niên 1970, Pat Lâm ít đi hát và dành nhiều thời gian hơn để điều hành phòng thu Pat Lâm tại nhà riêng của ông ở số 126 Nguyễn Huỳnh Đức – Chợ Lớn (nay là đường Trần Tuấn Khải Quận 5), là nơi đã thu âm nhiều băng nhạc nổi tiếng của thập niên 1970, trong đó có các băng Shotguns, băng nhạc Trường Hải, băng Siêu Âm, Cỏ May… Các băng nhạc đầu tiên của trung tâm Thúy Nga vào giai đoạn đầu tiên cũng được thu âm ở Pat Lâm. Trong suốt sự nghiệp của mình, Pat Lâm chỉ hát nhạc nước ngoài, và ca khúc nhạc Việt duy nhất từng được ông hát ở phòng trà là Mộng Dưới Hoa của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Sau năm 1975, Pat Lâm có đi hát một thời gian. Năm 1981, ông quyết định dẫn theo 2 người con gái vượt biển. Không may thuyền bị đá ngầm, ông quyết định xuống biển cùng 2 con để bơi vào bờ, nhưng không may là còn quá xa bờ nên cả 3 cha con nằm lại với biển vĩnh viễn.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn