Trang chủ
Cuộc đời và sự nghiệp của Trường Kỳ – “Ông vua Nhạc Trẻ Sài Gòn”
Những người sinh ra vào thập niên 1950 tại miền Nam, yêu thích dòng nhạc trẻ tại Sài Gòn trước năm 1975, có lẽ không ai là không biết đến nhạc sĩ Trường Kỳ, người được mệnh danh là “ông vua nhạc trẻ”, là một trong những người khởi xướng cho phong trào nhạc trẻ phát triển như một cơn lốc từ thập niên 1960, bên cạnh các dòng nhạc trữ tình vốn chiếm lĩnh làng nhạc thời gian trước đó.
Đóng góp của nhạc sĩ Trường Kỳ cho sinh hoạt văn nghệ còn đáng kể ở lĩnh vực báo chí. Ông viết báo từ những năm 1960, rồi sau năm 1975, đặc biệt là vào thập niên 1990, 2000, những bài báo và bài ký sự về các ca nhạc sĩ do Trường Kỳ thực hiện mang tính hệ thống, giúp cho các khán giả yêu nhạc có thể biết thêm về thông tin tiểu sử của nghệ sĩ được công chúng mến mộ, thậm chí những thông tin đó vẫn còn giá trị tham khảo rất lớn cho nhiều bài báo về nhạc sau này.
Nhạc sĩ, nhà báo Trường Kỳ tên thật là Vũ Trường Kỳ, sinh năm 1946 tại Hà Nội. Ngay từ thuở nhỏ cho đến lúc trưởng thành ông đều được đào tạo trong môi trường văn hóa Pháp (học trường Tây), hết trường Puginier ở Hà Nội lại đến các trường Aurore, La Salle Taberd tại Sài Gòn. Cha mẹ của Trường Kỳ là ông Vũ Ngọc Trân và bà Phạm Thị Trọng Yêm, ông được người bác vốn là soạn giả nhiều bộ sách giáo khoa Pháp văn đặt cho cái tên Trường Kỳ.
Khi mới được 3 tháng tuổi, cha mẹ không còn chung sống với nhau nên Trường Kỳ được đưa về làng Đồng Nghĩa tỉnh Nam Định cho ông bà nội nuôi dưỡng. Lớn lên, ông được đưa trở về Hà Nội để học trường Puginier cho đến năm năm 1954 di cư vào Sài Gòn cùng gia đình.
Những năm 1960, ở tuổi 15-16, cậu thiếu niên Trường Kỳ đã thể hiện khá rõ niềm đam mê âm nhạc của mình. Cậu sưu tầm rất nhiều lời bài hát ngoại quốc, hình ảnh của những tài tử và ca sĩ nổi tiếng, rồi các tạp chí âm nhạc, sách nhạc nước ngoài. Cũng vì quá đam mê âm nhạc và điện ảnh mà có giai đoạn việc học của Trường Kỳ trở nên sa sút. Ông viết lại trong hồi ký như sau:
“Những con sổ, những công thức của các môn toán hay vật lý, hóa học không thể nào quyến rũ tôi được bằng Elvis Presley hoặc Sandra Dee. Những quyển sách học dày cộm không hấp dẫn tí nào so với những tập sách nhạc, những tạp chí điện ảnh như Cinémonde, Ciné Revue hay Jeunesse Cinéma. Lời thầy giáo, hay các sư huynh giảng bài chán phèo, làm sao bì được với những tiếng hát phát ra từ “hệ thống âm thanh” tối tân của tôi mới có. Kết quả đương nhiên là tôi được các sư huynh mời ra khỏi trường Taberd vào cuối năm 62”
Việc bị đuổi khỏi ngôi trường trung học danh giá Taberd, mà phải rất khó khăn mới xin vào được, là một điều không thể chấp nhận đối với người cha của cậu quý tử Trường Kỳ. Sau một năm trôi dạt vào trường Đông Tây Học Đường trên đường Hai Bà Trưng, rồi trường Pasteur trên đường Sương Nguyệt Anh, Trường Kỳ cuối cùng cũng cố gắng học hành để được xin được trở lại vào trường Taberd.
Quay lại ngôi trường quen thuộc với bạn bè cũ, Trường Kỳ hào hứng mở một Club lấy tên là Ký Cine Club, quy tụ được hơn hai chục người bạn thỉnh thoảng hội họp, bàn luận và mở mang kiến thức về điện ảnh. Trong số này có cô bạn Catherine Phạm Thái Thanh Lan, tức nữ ca sĩ Thanh Lan sau này.
Sau club “cine” được bạn bè hưởng ứng, Trường Kỳ hứng khởi lập thêm Teenager’s Club tụ họp những thành viên yêu nhạc trẻ không chỉ ở Việt Nam, mà còn kết bạn với rất nhiều bạn trẻ ở Âu Châu thường xuyên trao đổi qua thư từ. Chính nhờ hoạt động này, Trường Kỳ sưu tập được rất nhiều những đĩa nhạc, tạp chí, hình ảnh, poster của những nghệ sĩ, ban nhạc trẻ ở nước ngoài, những thứ rất khó kiếm ở Việt Nam.
Thời gian này Trường Kỳ đã theo dõi âm nhạc bằng cách mở radio nghe đều đặn các chương trình tuyển lựa ca sĩ của đài Phát Thanh. Từ đó âm nhạc từng bước đi vào cuộc sống Trường Kỳ. Ông cũng thường đến phòng trà Anh Vũ, đến rạp Kim Chung và không bỏ sót bất kỳ chương trình Đại Nhạc Hội nào.
Trường Kỳ sớm biết mê tiếng đàn, tiếng trống của ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng, hoặc của ban The Blue Jean Boys. Sau khi được theo học đàn accordéon từ nhạc sĩ Vũ Lung, ông đã có lần trình diễn trước công chúng đầu tiên trên sân khấu trường Lạc Hồng, trước khán giả của ông là các học sinh cấp tiểu học cùng cha mẹ học sinh.
Với những hiểu biết về nhạc trẻ sau thời gian dài đam mê và tìm hiểu, Trường Kỳ mạnh dạn viết một bài báo dài với tựa đề “Sài Gòn Bão Nhạc 64” gửi tờ Kịch Ảnh. Chính từ bài báo này, Trường Kỳ trở thành cộng tác viên của báo Kịch Ảnh, viết các bài báo về phong trào nhạc trẻ Sài Gòn, phỏng vấn và giới thiệu nhiều ban nhạc trẻ thời đó như Lestridents, Lé Fenatiques, The Teddy Bears, Lé Faucons Noirs, The Black Cáp, The Blue Stars, Les Daltons,…Công việc viết lách tuỳ hứng này đã góp phần đẩy cao tên tuổi của Trường Kỳ không chỉ trong làng nhạc mà còn ghi dấu ấn trong làng báo chí.
Nhờ mối quan hệ với báo chí, Trường Kỳ quyết định khuếch trương tên tuổi của Teenager’s club bằng việc mở mục “Trang Teenager’s” trên tuần báo Kịch Ảnh, chuyên chọn lựa những nhạc phẩm đặc sắc và mới mẻ nhất để giới thiệu. Đồng thời, Trường Kỳ còn liên hệ với Đài Phát Thanh Quân Đội để thực hiện chương trình nhạc ngoại quốc hàng tuần, giới thiệu những đĩa nhạc ngoại quốc thịnh hành nhất.
Có thể nói, ký giả Trường Kỳ với tiếng nói và uy tín của mình đã bênh vực rất nhiều cho phong trào nhạc trẻ ở giai đoạn thai nghén đầu tiên.
Năm 1964 là năm đánh dấu cột mốc Trường kỳ trở thành… bầu sô. Biết được mối quan hệ của Trường Kỳ với giới văn nghệ sĩ sau thời gian làm ký giả, một ông bầu đã đề nghị Trường Kỳ hợp tác tổ chức Đại Hội Kích Động Nhạc. Và nhiệm vụ của cậu thanh niên 18 tuổi Trường Kỳ khi đó là làm việc với các ban nhạc trình diễn cho chương trình tại rạp Nhà Văn Hoá Đa Kao. Đây chính là bước khởi đầu vào sân chơi âm nhạc rộng lớn của Trường Kỳ.
Không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, từ một cậu bé có vóc dáng khiêm tốn và nhút nhát, Trường Kỳ đã cố tập cho mình sự tự tin và tính tháo vát, năng động. Trải qua một quá trình dài sinh hoạt văn nghệ, Trường Kỳ xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với nhiều bằng hữu, và bằng khả năng tổ chức cùng tầm nhìn xa, ông đã kết nối được những người cùng chí hướng và sở thích vào chung lại với nhau, để rồi trong suốt hai thập niên 1960 – 1970, ông đã cùng các bạn nghệ sĩ là Jo Marcel, Tùng Giang, Nam Lộc… tổ chức thành công nhiều cuộc trình diễn âm nhạc quy mô lớn tại Sài Gòn.
Bước khởi đầu vào sân chơi âm nhạc rộng lớn của Trường Kỳ và bằng hữu chính thức mở màn trong năm 1964. Thị dân Sài Gòn, nhất là lớp trẻ của một thời tự do hẳn khó quên những: Đại Nhạc Hội Nhạc Trẻ tại sân trường Taberd liên tiếp từ năm 1965 đến năm 1973 (trừ năm 1968), Đại hội nhạc trẻ quốc tế ngoài trời (sân Hoa Lư, 1971), Đại hội nhạc trẻ (tại Thảo Cầm Viên 1974).
Ngoài ra ông còn là người tổ chức rất thành công chương trình nhạc trẻ hàng tuần mang tên “Hippies À Go Go” tại các vũ trường của Jo Marcel từ năm 1967 đến 1971 là Chez Jo Marcel, Queen Bee và Ritz”, gây được tiếng vang và góp phần lớn vào việc đưa nhạc trẻ trở nên thịnh hành tại Sài Gòn kể từ những năm cuối thập niên 1960.
Thời gian này, Sài Gòn có rất nhiều ban chơi nhạc trẻ: Les Fanatiques, Les Vampires, The Teddy Bears, The Daltons, Les Faucons Noirs, Les Tridents, The Rockin’ Stars, The Black Caps, The Hard Stones, Les Penitents, The 46, The Spotlights, Phượng Hoàng, The Strawberry Four, The Apple Three, The Cats Trio, The Hammers, The Dreamers, The Crazy Dogs, The Teen Sound, The Peanuts Company, The Enterprise, The New Flintsones Corporation, The Hard Stones, The Fighters, The Starling Show, The Blue Stars, The Free Ones… Tuy nhiên số lượng ca khúc nhạc trẻ Việt Nam lại rất ít, nên các ban nhạc này chủ yếu hát nhạc lời ngoại quốc. Trước tình hình đó, Trường Kỳ đã tiên phong viết lời Việt cho nhiều ca khúc nhạc nước ngoài, đồng thời cho phát hành những băng Tình Ca Nhạc Trẻ số từ 1 đến 7 trong khoảng thời gian 1972-1973.
Băng Tình Ca Nhạc Trẻ 1 do Trường Kỳ thực hiện
Kể từ băng Tình Ca Nhạc Trẻ 2 còn có thêm sự tham gia viết nhạc trẻ, đặt lời Việt nhạc ngoại của các nhạc sĩ danh tiếng là Phạm Duy, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nam Lộc, Tuấn Dũng, Trung Hành, Cao Giảng…
Ngoài ra Trường Kỳ còn viết lời cho một số sáng tác của Tùng Giang như: Biết Đến Thuở Nào, Cuộc Tình Xưa, Ta Hôn Nhau Trong Công Viên…
Những ca khúc Trường Kỳ viết lời Việt được in thành tờ nhạc và phát hành rộng rãi, được thu thanh trên các băng nhạc Tình Hồng, Tình Ca Nhạc Trẻ, Thế Giới Nhạc Trẻ…
Trường Kỳ không chỉ nổi tiếng trong âm nhạc, mà ông còn bước sang lĩnh vực báo chí. Nghề làm ký giả, tưởng chỉ đóng vai trò phụ, nhưng công việc viết lách tùy hứng này đã giúp tên tuổi Trường Kỳ nổi tiếng nhiều hơn.
Ông đã dùng tên Johnny Kỳ cho một số bài phóng sự âm nhạc của mình trên báo Kịch Ảnh từ năm 1964. Về sau Trường Kỳ còn được mời viết ở tuần báo Màn Ảnh, rồi phụ trách trang nhạc trẻ trên nhật báo Sống của nhà văn Chu Tử. Phóng sự hoặc những bài viết có liên quan đến âm nhạc của Trường Kỳ còn xuất hiện trên nhiều tuần báo, nhật báo tại Sài Gòn như Tinh Hoa, Chính Luận, Tiền Tuyến… Phóng sự ăn khách của Trường Kỳ lúc bấy giờ có tên “36 Kiểu Cua Đào” đi trên tạp chí Thứ Tư, trước sự phát triển mạnh mẽ của nhạc trẻ, những trang báo của người khác chủ trương có phần không đủ chỗ cho Trường Kỳ múa bút, nên ông đã bàn với một số bạn chí thân để khai sinh một vùng đất mới, chuyên đề về âm nhạc.
Báo của Trường Kỳ chủ trương thực hiện đó mang tên Nhạc Trẻ, khổ nhỏ như tạp chí, 100 trang, phát hành 300 bản. Tòa soạn đặt trụ sở trên đường Trương Công Định (nay là Trương Định). Nhưng rất tiếc do không có kinh nghiệm tính toán trong việc phát hành báo, tiền bán báo không được đáng là bao so với chi phí bỏ ra nên báo Nhạc Trẻ chỉ ra 1 số duy nhất.
Trong nghiệp viết của Trường Kỳ, ngoài phóng sự ra thì ông còn viết tiểu thuyết. Cuốn “Tuổi Choai Choai” của ông được ca sĩ Jo Marcel, nhạc sĩ Nam Lộc cùng với ông góp chung thực hiện thành phim Vết Chân Hoang, một phim màu scope khá thành công. Trước phim này, Trường Kỳ và Jo Marcel cũng thực hiện được phim Thế Giới Nhạc Trẻ.
Ngoài phát hành tờ nhạc, băng nhạc trẻ, Trường Kỳ còn cho in các tập phóng sự: Mặt Trái Của Nữ Sinh Sài Gòn (1968), 36 Kiểu Cua Đào (1969), Tuổi Choai Choai (phóng sự tiểu thuyết, 1971). Những tập sách này đều rất ăn khách vì ông biết rõ được thị hiếu của lớp trẻ thành phố.
Năm 2002 tại hải ngoại, Trường Kỳ cho xuất bản tập bút ký ưng ý nhất của mình, cuốn Một Thời Nhạc Trẻ. Sách dày 384 trang bìa màu được trình bày bởi Lê Phan Lân, một giọng ca tài tử rất được mến mộ tại Montréal. Một Thời Nhạc Trẻ được chia làm 4 chương. Mỗi chương mang một tên riêng. Chương 1: Một Thuở Ham Vui. Chương 2: Một Thời Nhạc Trẻ. Chương 3: Những Ngày Tháng Hippy. Chương kết: Một Chốn Bồng Lai.
Danh từ Nhạc Trẻ cũng do chính Trường Kỳ đề nghị đưa ra dùng thay cho tên gọi Nhạc Kích Động từ năm 1965 và được sử dụng một cách phổ thông suốt gần 60 năm qua. Nhạc Trẻ vốn đem lại không khí tươi vui, hoạt náo, năng động, nhưng với mắt nhìn của xã hội, nhất là trong thời loạn, không thể tránh khỏi việc dòng nhạc này đã phải nhận nhiều phê phán.
Nhạc sĩ Trường Kỳ gắn bó với người vợ duy nhất là Thu Huyền từ thời trẻ cho đến lúc cuối đời. Sau đây là những hình ảnh Trường Kỳ và vợ:
Gia đình Trường Kỳ sinh sống nhiều năm tại Montreal – Canada, với công việc chính là viết về nghệ sĩ, du lịch và ẩm thực đăng trên các tạp chí ở cả Canada lẫn Hoa Kỳ, Úc, Âu Châu, đồng thời phụ trách phần văn nghệ trên nhiều đài phát thanh, nổi tiếng nhất là đài VOA của Hoa Kỳ.
Khi vẫn đang bận rộn với nhiều công việc như vậy thì Trường Kỳ đã bất ngờ ra đi lúc 13 giờ ngày 22/3/2009 tại Toronto (Canada).
Sau đây là những hình ảnh khác tái hiện được phần nào cuộc đời của Trường Kỳ:
nhacxua.vn biên soạn