Trang chủ
Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Xuân Thu qua hình ảnh – Một thời tiếng hát đằm thắm thuở học trò
Những người yêu mến dòng nhạc trữ tình miền Nam trước 1975, có lẽ là sẽ có nhiều người chưa quên người ca sĩ có cái tên đặc biệt mang tên của 2 mùa trong năm là Xuân Thu, gợi nét hiền dịu như chính giọng hát và ngoại hình của cô. Thời đỉnh cao nhất trong sự nghiệp âm nhạc trước năm 1975 của Xuân Thu là khi cô vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường vào thập niên 1960.
Giọng hát Xuân Thu hơn 50 năm trước đã từng gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng miền Nam, thường xuất hiện trên đài phát thanh với những ca khúc gắn liền với tên tuổi cô, như là Biển Nhớ, Màu Kỷ Niệm, Tuyết Trắng, Ai Lên Xứ Hoa Đào, Ai Đưa Em Về, Mộng Ban Đầu…
Xuân Thu hát Tuyết Trắng trước 1975
Xuân Thu sinh năm 1950, là chị cả trong gia đình có cha là người Bắc, mẹ người Huế, và những người con đều lần lượt được sinh ra trong căn nhà ấm cúng trong hẻm số 12 đường Phan Thanh Giản – Sài Gòn (nay là đường Điện Biên Phủ).
Lớn lên, Xuân Thu theo học trung học đệ nhất cấp (nay là cấp 2) tại trường Văn Hiến, và sau đó là trung học đệ nhị cấp (nay là cấp 3) tại trường Huỳnh Thị Ngà. Cô được học nhạc lý căn bản trong các giờ nhạc từ khi mới học lớp đệ thất.
Vào đầu thập niên 1960, bà ngoại của Xuân Thu có mở một nhà hàng có sân khấu ca nhạc hàng đêm do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết phụ trách, và mời những ca sĩ tên tuổi như Minh Hiếu, Mỹ Thể… đến cộng tác với nhà hàng. Một buổi tối nọ, có lẽ là do kẹt xe nên các ca sĩ không đến đúng giờ, Xuân Thu có mặt hôm đó, và vì rất thích hát nên xin bà ngoại được lên hát thế. Vì lúc đó còn sớm, chưa đông khách nên nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết đồng ý cho cô bé 11 tuổi Xuân Thu lên hát cùng ban nhạc với ca khúc Xuân Ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Giọng hát bản năng của cô đã chinh phục được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, nên ông có đề nghị đưa cô vào Ban Tuổi Xanh của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh để trau dồi thêm về giọng hát.
Hai tuần sau đó, bà Kiều Hạnh sang gặp song thân của Xuân Thu để xin phép nhận cô về làm học trò. Ban đầu cha mẹ Xuân Thu ngại ngần vì cô còn quá nhỏ, sợ ca hát sẽ ảnh hưởng đến việc học. Tuy nhiên vì quý mến bà Kiều Hạnh với chồng là Phạm Đình Sỹ, và nhận thấy lớp nhạc Tuổi Xanh là một môi trường tốt, song thân của Xuân Thu đã bằng lòng, nhưng ra điều kiện là Xuân Thu không được lơ đễnh việc học.
Sau khi được tham gia vào Ban Tuổi Xanh có nhiều giọng ca thiếu nhi mà đa số đều trở thành những ca sĩ nổi tiếng sau này, giọng hát Xuân Thu cũng rất được chú ý những khi cùng với ban Tuổi Xanh lên hát trên đài phát thanh Sài Gòn.
Vài năm sau, Xuân Thu từng có một thời gian ngắn cộng tác với ban nhạc trẻ nữ đầu tiên tại Việt Nam là The Blue Stars, trình diễn trong các chương trình đại nhạc hội vào khoảng năm 1964 với những nhạc phẩm ngoại quốc thịnh hành vào thời đó. Ông bầu của ban nhạc là Nguyễn Ngọc, vốn có quen biết với gia đình Xuân Thu. Khi mới lập ban nhạc, vì thiếu ca sĩ nên ông đến nhờ Xuân Thu gia nhập trong thời gian ban đầu để trình diễn đại nhạc hội.
Ngay sau khi The Blue Stars được bổ sung thêm 2 nữ ca sĩ Hồng Loan và Kim Thoa thì Xuân Thu cũng rời ban nhạc. Cô nói rằng mình không thích hợp với nhạc ngoại quốc, và muốn theo đuổi sở trường là các bài buồn, tình cảm của nhạc trữ tình Việt Nam.
Một năm sau, Xuân Thu có cơ hội lần đầu tiên xuất hiện cùng với một ban nhạc người lớn để hát ca khúc tình cảm nhạc Việt trên đài phát thanh (trước đó cô chỉ hát nhạc vui tươi hoặc nhạc thiếu nhi cùng Ban Tuổi Xanh). Đó là ban nhạc Tiếng Hát Đôi Mươi của ca sĩ – nhạc sĩ Nhật Trường. Ông đã mời cô bé 15 tuổi Xuân Thu hát bài Hãy Trả Lời Em, với phần bè của 3 ca sĩ danh tiếng thời đó là Mai Hương, Hoàng Oanh và Nhật Trường.
Sau thời gian đó, Xuân Thu được cộng tác với rất nhiều ban nhạc trên đài phát thanh, như là ban Trường Sơn của Duy Khánh, ban Đàn Dây của Hoàng Lang, ban nhạc của Dương Thiệu Tước… Ngoài ra cô cũng xuất hiện trên truyền hình cùng các ban Hương Thời Gian, Tiếng Tơ Đồng, Thi Văn Tao Đàn…
Thời gian hát ở đài phát thanh, Xuân Thu được vinh dự cùng với các nghệ sĩ khác của đài được tổng thống mời đến dự một buổi tất nhiên trong Dinh Độc Lập.
Từ đó khán giả yêu nhạc khắp miền Nam trở nên quen thuộc với tiếng hát ngọt ngào và mượt mà của Xuân Thu trong những nhạc phẩm tiền chiến, hoặc của các tác giả Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng,…
Về mặt thu thanh trong dĩa nhạc, Xuân Thu đã hợp tác với Hãng Dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên và Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
Xuân Thu là một tiếng hát đặc biệt, luyến láy rất đặc trưng, giọng hát như là nũng nịu, bẽn lẽn của một nữ sinh mới lớn. Thời nổi tiếng nhất trong sự nghiệp, cô vẫn học trung học và chưa tròn 20 tuổi. Tuy là một ca sĩ chuyên nghiệp nhưng cô chỉ xem ca hát là cuộc dạo chơi, như là để thỏa mãn tâm hồn yêu văn nghệ của mình. Vì vậy cô ngưng ca hát rất sớm, vào khoảng năm 1971-1972.
Thực ra từ trước đó khá lâu, vì bận rộn với việc học, với các đợt thi tú tài, thi vào đại học Văn Khoa, tần suất đi hát của Xuân Thu đã dần thưa thớt, và gần như kết thúc hẳn vào năm 1972, khi cô vừa theo học trường Văn Khoa, vừa ứng tuyển vào làm cho Bank Of Ameria, sau đó là làm cho công ty dầu khí của Anh Quốc năm 1973. Tháng 9 năm 1974, Xuân Thu được công ty cho sang London để tu nghiệp trong 2 tháng. Chỉ với thời gian ngắn ngủi đó, Xuân Thu nói rằng cô đã được mở mang tầm mắt rất nhiều.
Sau tháng 4 năm 1975, cả gia đình Xuân Thu cùng vượt biên. Họ ở trại tị nạn Fort Chaffee hơn 1 tháng thì được công ty ITT (là nơi cha cô làm việc trước đó ở Việt Nam) đưa về tiểu bang New Jersey cư ngụ, và cha của cô được vào làm việc trở lại cho ITT ở tiểu bang này. Cũng tại đây, Xuân Thu được ở gần nhà của vợ chồng ca sĩ Hoàng Oanh.
Năm 1978, khi cha mẹ của Xuân Thu đã lớn tuổi, cả đại gia đình lại chuyển sang bang California vì ở đây có nắng ấm. Đến nơi được xem là thủ phủ của người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ, nhiều nhà sản xuất âm nhạc đã tìm đến Xuân Thu mời cô đi hát. Ban đầu Xuân Thu từ chối vì đã rời xa âm nhạc quá lâu. Tuy nhiên được sự khuyến khích của cha mẹ, cô đi hát lại và vẫn được khán giả ngày xưa nhớ đến. Năm 1979, với sự giúp đỡ của chồng, Xuân Thu tự thực hiện cuốn băng Ngàn Thu Áo Tím, do chính tay cô chọn nhạc và được nhạc sư Lê Văn Thiện hoà âm.
băng nhạc Xuân Thu – Ngàn Thu Áo Tím
Ngoài ra cũng từng có một thời gian ngắn, Xuân Thu xuất hiện cùng với Mai Hương và Jo Marcel trên sân khấu của một số phòng trà nhỏ vào đầu thập niên 80 tại vùng Orange County. Cho đến cuối năm 1983, Xuân Thu đi làm trở lại ở Bank of America.
Từ sau đó, vì bận rộn với công việc ở ngân hàng, có khi mỗi ngày phải làm 12 tiếng, Xuân Thu một lần nữa dần dần rời xa việc ca hát, và ngưng hẳn vài năm sau đó, ngoại trừ một số chương trình gây quỹ cho người tị nạn, hoặc các chương trình mang tính nghệ sĩ thân tình.
Ngoài ra, Xuân Thu cũng tiết lộ trên Jimmy Show lý do chính của việc cô gần như giã từ sân khấu là muốn dành nhiều thời gian hơn cho những người con đang ở tuổi mới lớn.
Xuân Thu đi làm ở Bank Of America từ năm 1983 cho đến khi về hưu năm 2005, thỉnh thoảng mới hiện diện trong một vài sự kiện âm nhạc ở hải ngoại.
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn