Trang chủ
Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Họa Mi – Một cuộc đời phong ba
Ca sĩ Họa Mi là một trong những ca sĩ nổi bật nhất thuộc thế hệ sau cùng của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Cô được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phát hiện, nhận làm học trò và được đánh giá là có “giọng hát trong và thánh thót ở những nốt cao, ấm áp và tình cảm ở những nốt trầm”, vì vậy đã trình bày thành công được đa dạng thể loại nhạc.
Ca sĩ Họa Mi tên thật là Trương Thị Mỹ, sinh năm 1955, là con gái út trong gia đình có 2 người anh trai, từ nhỏ được cha mẹ rất cưng chiều. Tuy nhiên khi Họa Mi mới 11 tuổi, cha của cô qua đời vì bệnh nan y, người mẹ vì đau buồn nên bị trầm cảm sinh đau bệnh và cũng ra đi chỉ 6 năm sau đó. Năm 17 tuổi, Họa Mi mất cả cha lẫn mẹ và sống cùng với người anh trai.
Năm 12 tuổi, Họa Mi theo học tại trường nữ trung học Gia Long. Vì có năng khiếu ca hát từ nhỏ nên cô thường tham gia các chương trình văn nghệ tại trường và được xuất hiện trên đài truyền hình lần đầu từ khi mới 15 tuổi.
Đó là năm 1970, cô nữ sinh tên Trương Thị Mỹ đăng ký tham gia vào ban hợp xướng Gió Khơi gồm những ca sĩ nghiệp dư được lên đài truyền hình mỗi tháng 1 lần. Việc tham gia trong ban hợp xướng này là cơ hội để Họa Mi bắt đầu tiếp cận với hoạt động nghệ thuật một cách chuyên nghiệp. Thời gian sau đó, trong 1 lần nghệ sĩ Đoàn Chính (con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) được mời hát chung với ban hợp xướng Gió Khơi, ông nhận thấy Họa Mi có chất giọng tốt nên khuyên cô thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc, nơi ông cũng chuẩn bị được nhận vào giảng dạy.
Đến năm 1972, Họa Mi thi đậu vào khoá đầu tiên của khoa thanh nhạc trường Quốc Gia Âm Nhạc, và người thầy dạy nhạc đầu tiên của Họa Mi chính là nhạc sĩ Đoàn Chính. Tại đây Họa Mi còn được theo học thanh nhạc với ca sĩ Bùi Thiện, là 1 ca sĩ của miền Bắc “hồi chánh” vào miền Nam tương tự như Đoàn Chính.
Trong thời gian theo học nhạc ở trường Quốc Gia Âm Nhạc, ngoài việc vẫn tham gia ban Gió Khơi, Họa Mi còn thường xuyên được xuất hiện trên truyền hình cùng với ban nhạc của trường, đồng thời cũng tham gia cùng một ban nhạc khác nữa Lạc Hồng, chuyên hát hợp xướng cùng với dàn nhạc cụ dân tộc và cũng có xuất hiện trên đài truyền hình.
Lúc này Họa Mi lấy nghệ danh đi hát là Trường My (dựa theo tên thật Trương Thị Mỹ), cùng một lúc tham gia trong 3 ban nhạc và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình quốc gia như vậy nên may mắn lọt vào mắt xanh của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.
Thời điểm đó ca sĩ Bùi Thiện tham gia trong đoàn hát Maxim’s của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã làm cầu nối để Họa Mi gặp được Hoàng Thi Thơ vào năm 1974.
Họa Mi kể lại, ngay lần đầu gặp mặt, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nói với cô: “Chú đã thấy cháu hát trên TV và rất thích giọng hát của cháu. Nếu bây giờ chú lăng xê cháu thành một ca sĩ chuyện nghiệp thì cháu nghĩ sao?” Họa Mi vui mừng đồng ý khi vinh dự được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nhận làm học trò. Chỉ 1 tuần sau đó, tại phòng trà Maxim’s của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Họa Mi xuất hiện trên sân khấu ca nhạc lần đầu tiên trong sự nghiệp với ca khúc Đưa Em Xuống Thuyền của Hoàng Thi Thơ.
Đó là cũng là thời điểm nghệ danh “Họa Mi” được ra đời. Trong chương trình Jimmy Show, ca sĩ Họa Mi kể lại rằng lúc đó khi chuẩn bị bước lên sân khấu để hát Đưa Em Xuống Thuyền, cô bỗng thấy giới thiệu người hát ca khúc này là Họa Mi, chứ không phải nghệ danh Trường My của cô lúc đó. Nghĩ là có sự nhầm lẫn, cô vào trong hậu trường để hỏi thầy của mình, thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cười trả lời: “Kể từ tối hôm nay, cháu là Họa Mi chứ không phải là Trường My nữa. Cuộc đời cháu thay đổi kể từ đêm hôm nay”.
Về ý nghĩa của nghệ danh Họa Mi này được kể lại rằng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ muốn đặt nghệ danh cho các học trò của mình là tên của các loài chim quý. Trước đó ông cũng đã nhận làm học trò và lăng xê thành công ca sĩ Sơn Ca, cũng được mang nghệ danh mà ông đặt cho.
Từ khi trở thành học trò của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, ca sĩ Họa Mi ngày càng xuất hiện nhiều trong làng nhạc, từ phòng trà, băng nhạc cho đến truyền thanh truyền hình. Cô được đứng trên sân khấu phòng trà Maxim’s hàng đêm, rồi trong cuốn băng Hoàng Thi Thơ số 3 phát hành trong cùng năm 1974, Họa Mi được thầy cho thu âm đến 4 bài, với lời giới thiệu là “một tiếng chim mới trên bầu trời âm nhạc Việt Nam”. Một điều đặc biệt là hình bìa cuốn băng này cũng là hình của Họa Mi, cho thấy nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ rất tích cực “lăng xê” cho cô học trò mới.
băng Hoàng Thi Thơ 3 năm 1974
Tên tuổi Họa Mi thật sự được đông đảo quần chúng biết đến là khi cô được xuất hiện trong chương trình ca múa nhạc kịch của Hoàng Thi Thơ phát trên truyền hình hàng đêm. Họa Mi nói rằng chính chương trình này đã thực sự làm thay đổi cuộc đời của mình.
Cuối năm 1974, Họa Mi còn tham gia cùng với ca sĩ Ngọc Yến và Diễm Chi trong tam ca Mắt Biếc, biểu diễn tại phòng trà của ca sĩ Khánh Ly.
Đầu năm 1975, Hoàng Thi Thơ chia đoàn Maxims thành 2 tốp, một nửa để ở lại hát ở vũ trường Maxim’s, một nửa đi lưu diễn bên Nhật. Khi đó Họa Mi nằm trong tốp ở lại trong nước, với kế hoạch là thay phiên nhau, sau 3 tháng sẽ được đi lưu diễn thay cho tốp kia trở về. Tuy nhiên trong lúc nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đang dẫn đoàn sang tới Nhật thì xảy ra biến cố 197, 1 nửa đoàn Maxim’s kẹt bên Nhật rồi sau đó là lưu lạc xứ người, một nửa còn lại ở trong nước rồi cũng tan rã.
Sau năm 1975, Họa Mi không còn được thầy hướng dẫn nữa, cô nghĩ rằng sự nghiệp ca hát của mình đã chấm dứt, nên dự định tiếp tục theo học ngành luật để kiếm sống bằng nghề khác.
Nhưng chỉ 1 thời gian ngắn sau đó, Họa Mi được nhạc sĩ Ngọc Chánh đến tận nhà tìm và mời tham gia trong chương trình ca nhạc kịch trong đoàn kịch nói Kim Cương, là đoàn hát duy nhất của miền Nam được hoạt động ngay sau thời điểm tháng 4 năm 1975. Mỗi đêm diễn của đoàn Kim Cương thường có 45 phút ban đầu là ca nhạc do nhạc sĩ Ngọc Chánh phụ trách, và phần sau là kịch trong thời gian 2,5 tiếng do nghệ sĩ Kim Cương phụ trách. Trong đoàn Kim Cương lúc đó còn có nhiều ca sĩ nổi tiếng trước năm 1975 khác cùng góp mặt là Thanh Tuyền, Thái Châu, Thanh Phong, Phương Đại, Duy Mỹ, Lệ Thu, Hà Thanh, Sơn Ca…
Khi đó, các ca sĩ của đoàn không được hát nhạc như trước nữa mà chủ yếu chỉ được hát nhạc đỏ. Bài hát đầu tiên mà Họa Mi hát trong đoàn Kim Cương là Bóng Cây Kơ Nia của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ban nhạc của nhạc sĩ Ngọc Chánh phụ trách thu âm, trong ban này có nghệ sĩ thổi saxophone nổi tiếng là Lê Tấn Quốc vừa mới tham gia vào để cùng diễn tấu cho Họa Mi hát. Khi đó Lê Tuấn Quốc là một nghệ sĩ trẻ, đẹp trai và tài năng. Trong những lần gặp gỡ nhau trong hàng đêm hát ở đoàn Kim Cương, Họa Mi và Lê Tấn Quốc nảy sinh tình cảm và quyết định về chung một nhà vào năm 1976, chỉ sau 6 tháng quen nhau.
Sau đám cưới, cũng giống như phần lớn nghệ sĩ khác, đời sống kinh tế của vợ chồng Lê Tấn Quốc và Họa Mi vô cùng khó khăn, nhất là khi 3 người con của họ lần lượt ra đời. Sự thiếu thốn về tiền bạc khiến cho cả ba người con này bị suy dinh dưỡng và lao phổi.
Sau này Lê Tấn Quốc kể về Họa Mi thời điểm đó như sau:
“Cô ấy là một hình ảnh khó phai trong tôi, dù khốn khó thế nào cũng một lòng một dạ lo cho chồng con. Những người hàng xóm vẫn nhớ hình ảnh cô ấy mặc chiếc áo rách, chiếc quần bạc màu bồng con đi dọc xóm hoặc đội chiếc nón lá tả tơi đi chợ…
Rồi thời “ngăn sông, cấm chợ” cô ấy phải nhảy tàu đi hát (hồi đó ca sĩ chỉ được hát ở một tụ điểm trong thành phố), để đứa con dưới sàn tàu, cô ấy thức quạt cho con ngủ, tối lại phải lên sân khấu. Về nhà, cô bưng tô cơm nguội, canh đã nguội tanh để ăn. Đi lưu diễn ở nước ngoài, hành lý mang về là những thứ mua cho chồng, cho con còn cô ấy chẳng có thứ gì… Cô ấy đã sống hết mình cho chồng con…”.
Khó khăn không dừng ở đó, Lê Tấn Quốc lại bị bệnh mắt bẩm sinh, gọi là hẹp thị giác, thị lực ngày càng yếu dần.
Năm 1988, một đoàn văn nghệ của Sài Gòn được lưu diễn ở Pháp, và Họa Mi cũng có tên trong đoàn. Nhân dịp này, Họa Mi quyết định trốn ở lại Pháp, không về nước cùng đoàn. Vì việc này mà Họa Mi đã chịu rất nhiều lời dị nghị ở trong nước, nói rằng cô bỏ quê hương, bỏ người chồng tật nguyền và 3 người con nhỏ dại. Ở bên Pháp, Họa Mi có lý do để làm như vậy nhưng không thể tự thanh minh cho mình. Cô muốn ở lại Pháp để tìm cơ hội đưa chồng sang cùng, hy vọng nền y khoa tiên tiến của phương Tây có thể chữa khỏi bệnh mắt của người chồng đang dần trở nên trầm trọng.
Cũng tại Pháp, Họa Mi được gặp lại thầy của mình là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lần đầu sau 13 năm xa cách. Đêm đêm Họa Mi đi hát ở nhà hàng người Hoa và cộng tác với trung tâm Thúy Nga. 2 năm ở Pháp, cô làm việc cật lực để có tiền gửi về cho chồng con ở trong nước. Cô kể lại: “Đó là 2 năm tủi cực không sao kể xiết. Ở quê nhà thì công chúng, những người yêu mến giọng hát mình đang trách giận, còn ở xứ người thì lại đơn độc một thân, một mình với nỗi nhớ thương chồng con”.
Lúc đó câu chuyện thương cảm của Họa Mi xuất hiện trên các báo Việt ngữ tại Pháp, nhạc sĩ Lam Phương – lúc đó cũng đang ở Pháp – đã đọc được chuyện đời của cô, và mặc dù chưa gặp mặt, nhưng nhạc sĩ đã viết tặng cho Họa Mi ca khúc Em Đi Rồi dựa theo câu chuyện đời của cô, rồi gửi đến cho trung tâm Thuý Nga. Sau đó trung tâm Thuý Nga liên lạc với chính Họa Mi để đưa cô hát bài này trong lần hợp tác đầu tiên năm 1988 (Paris By Night số 6).
Họa Mi hát Em Đi Rồi
Họa Mi đã làm mọi cách để lo chữa bệnh cho chồng, trong đó có việc cô đã gửi thư đến tận đệ nhất phu nhân Pháp lúc đó là Danielle Mitterrand để kể về hoàn cảnh của mình và mong nhận được sự giúp đỡ. Sự kiên trì của Họa Mi may mắn được hồi đáp, đệ nhất phu nhân đã giúp cô làm thủ tục cho cả gia đình được đoàn tụ tại Pháp, ngoài ra còn giới thiệu các bác sĩ giỏi nhất của Pháp quốc để chữa bệnh cho nghệ sĩ Lê Tấn Quốc.
Họa Mi vui mừng đón cả gia đình sang Pháp, nhưng sau đó lại nhận được tin buồn là những bác sĩ nhãn khoa giỏi nhất của Pháp cũng không thể cứu chữa được cho Lê Tấn Quốc.
Lê Tấn Quốc rơi vào tuyệt vọng, đồng thời lại không thể hoà nhập được với cuộc sống mới, ông cảm thấy mình là gánh nặng cho Họa Mi trên xứ người và không biết làm việc gì để giúp đỡ cho vợ. Họ đi đến một quyết định khó khăn là chia tay nhau, dù lòng vẫn còn quyến luyến.
Sau này, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc nói rằng thời gian 4 tháng ở Pháp là những ngày tháng kinh khủng nhất trong cuộc đời. Ông về lại Việt Nam một mình, để lại 3 con cho Họa Mi chăm sóc và nuôi dưỡng. Vì nuôi con 1 mình nên Họa Mi không thể đi lưu diễn dài ngày, tài chính trở nên khó khăn, nhưng cô cũng cố gắng vượt qua quãng thời gian này.
Lê Tấn Quốc về Việt Nam được 3 năm thì kết hôn với một phụ nữ nhỏ hơn ông 18 tuổi, có thêm 2 người con. Đợi chồng cũ lập gia đình và đã có người mới chăm sóc, Họa Mi đã có thể yên tâm để tái giá vào năm 1995 với người chồng là kỹ sư, quê ở Sa Đéc nhưng đã sống ở Pháp từ nhỏ.
Sau khi làm đám cưới tại Pháp, Họa Mi và chồng về lại Việt Nam tổ chức lễ báo hỷ tại nhà hàng đã tạo dựng tên tuổi cho Họa Mi năm xưa là Maxim’s, khi đó Lê Tấn Quốc cùng người vợ mới cũng đến chung vui. Đó có thể xem là một kết cuộc đẹp cho cuộc hôn nhân cũ của Họa Mi và Lê Tấn Quốc.
Sau khi lấy chồng mới, Họa Mi nghỉ hát để giúp chồng kinh doanh cửa hàng bánh. Khi công việc tạm ổn, cô dự định đi hát trở lại thì lại mang thai con út.
Hơn 10 năm sau đó nữa, Họa Mi ới trở lại âm nhạc, về Việt Nam suốt 3 tháng để thu âm 1 lúc 4 album tại hãng Phương Nam Phim và Sài Gòn Vafaco, trong đó có 1 album hợp tác với tiếng saxophone của chồng cũ Lê Tấn Quốc.
CD Họa Mi hợp tác cùng Lê Tấn Quốc năm 2010
Có thể nói Họa Mi đã trải qua một cuộc đời đầy phong ba và nhiều thử thách. Sự nghiệp của cô từ khi bắt đầu được biết đến năm 1974 cho đến tháng 4 năm 1975 là khoảng thời gian rất ngắn nên không có được nhiều thành tựu như thế hệ đi trước. Sau năm 1975, vì hoàn cảnh khó khăn, lại phải lo lắng nhiều cho gia đình nên mãi đến nửa cuối thập niên 1980 Họa Mi mới có thể đi hát trở lại, nhưng cũng chỉ được một thời gian rồi ngắt quãng. Tuy thời gian hoạt động ca hát không dài, ca sĩ Họa Mi vẫn để lại một dấu ấn khó phai trong lòng người yêu nhạc trữ tình với chất giọng vừa trong trẻo, vừa ấm áp. Hiện nay ở tuổi ngoài 60, Họa Mi đã đang có những ngày tháng êm đềm và hạnh phúc cùng với gia đình, những bão tố cuộc đời đã trở thành quá khứ trôi xa.
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn