Trang chủ
Chuyện tình được nhiều người ngưỡng mộ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Thúy Nga
Xưa nay, những chuyện tình giữa các nghệ sĩ với nhau không phải là hiếm, nhưng trường hợp nghệ sĩ đến được với nhau và cùng đi đến được cuối con đường thì không nhiều. Thông thường, các ca sĩ ít chọn bạn đời là đồng nghiệp, dù trong thời gian sinh hoạt văn nghệ với nhau có nhiều tiếp xúc và gần gũi.
Trong số những cặp đôi nghệ sĩ nổi tiếng đã thành vợ và sống bên nhau đến trọn đời, có thể kể đến Phạm Duy – Thái Hằng, Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết, Bạch Yến – Trần Quang Hải, Mạnh Phát – Minh Diệu, Văn Phụng – Châu Hà, Hoàng Oanh – Mai Châu, và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ – ca sĩ Thúy Nga.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là tên tuổi lớn trong làng nhạc vàng với rất nhiều ca khúc bất hủ được nhiều thế hệ cùng yêu mến và sống mãi cùng thời gian. Ngược lại, vợ của ông là ca sĩ Thúy Nga không được nhiều người biết đến, dù bà đã là ca sĩ tân nhạc nổi tiếng từ giữa thập niên 1950. Lý do là sau khi kết hôn với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vào năm 1957, bà Thúy Nga lui về hậu trường để chăm sóc gia đình, thỉnh thoảng có đi hát hoặc thu âm nhưng rất hạn chế.
Thúy Nga hát Tình Xa của Trịnh Công Sơn trước 1975
Ca sĩ Thúy Nga sinh năm 1936 tại Hải Phòng, được học nhạc từ nhỏ và được cha khuyến khích, vì ông là người có tâm hồn nghệ sĩ.
Khi gia đình sinh sống ở Hà Nội, Thúy Nga được học thêm đàn Accordion và Piano ở trường Huyền Trân do giáo sư Phạm Văn Cẩn dạy, đến năm 1953 đã kéo phong cầm bài “Hồn Tử Sỹ” tại nhà Hát Lớn Hà Nội.
Ca sĩ Thúy Nga cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954 và bắt đầu sự nghiệp ca hát sau khi trúng tuyển cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh tổ chức ở hý viện Thống Nhứt (rạp Norodom) năm 1955. Cũng tại đây, ca sĩ Thúy Nga 19 tuổi đã gây ấn tượng với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với hình ảnh đặc biệt: Một cô gái tóc dài thả ngang lưng, vừa hát vừa chơi đàn Accordion. Cây đàn phong cầm choáng hết nửa phần trên của hình dáng.
Thời ấy, ca sĩ vừa hát vừa chơi nhạc cụ rất hiếm, cùng lắm là có vài nam ca sĩ vừa cầm guitar vừa hát, nên Thúy Nga và cây đàn phong cầm trên sân khấu đã trở thành một hình ảnh rất ấn tượng với những người đi xem nhạc thập niên 1950.
Trước khi gặp ca sĩ Thúy Nga, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã từng có một mối tình sâu đậm với nữ ca sĩ nhạc đỏ huyền thoại của miền Bắc là Tân Nhân, và có một người con chung là nhà báo Lê Khánh Hoài. Tuy nhiên do thời cuộc, đất nước phân đôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ở Nam, ca sĩ Tân Nhân ở Bắc và cách biệt nhau từ đó.
Tại Sài Gòn, sau năm 1955 nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã trở thành thầy dạy nhạc cho Thúy Nga, từ thầy trò thành tình nhân, rồi đến tháng 9 năm 1957 thì họ trở thành vợ chồng, cùng chung sống hạnh phúc cho đến khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tạ thế vào năm 2001, và Thúy Nga cũng đã ra đi sau đó 9 năm. Họ có với nhau 3 người con trai và 1 con gái.
Thời đó, việc thầy trò yêu nhau rồi thành vợ chồng dễ bị người đời dị nghị. Vì vậy nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã sáng tác ca khúc Yêu Mãi Còn Yêu với những lời đáp trả rằng “ai có thể cấm được tình yêu”?
Ai cấm được tình yêu
Ai ép lòng cô liêu
Khi lòng còn say nước non tình tứ
Ai cấm được tình yêu
Ai ép lòng cô liêu
Khi hình quê hương khói vương nương chiều
Ai cấm được tình yêu
Ai ép lòng cô liêu
Khi lòng còn say những trang sử thắm
Ai cấm được tình yêu
Ai ép lòng cô liêu
Khi đàn em bé thiếu mâm cơm chiều.
ca sĩ Thúy Nga hát Yêu Mãi Còn Yêu
Trong 2 năm, kể từ khi nổi tiếng năm 1955 cho đến khi thành vợ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, ca sĩ Thúy Nga là cái tên quen thuộc với thính giả đài phát thanh và trong những chương trình phụ diễn tân nhạc. Tuy nhiên sau lấy chồng, Thúy Nga tình nguyện lui về làm vợ, làm mẹ, không còn tham gia nghệ thuật, chỉ thỉnh thoảng thu âm trong các chương trình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thực hiện, nhưng số lượng rất hạn chế. Cũng vì vậy nên từ đó đến sau này, tên tuổi ca sĩ Thúy Nga không được nhiều người nhắc tới. Người ta chỉ biết đôi chút về bà khi chính nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nói như sau lúc sinh thời:
“Thúy Nga thành hôn với tôi tháng 9 năm 1957. Sự đóng góp của nàng là rất nhiều, nhưng quan trọng nhất vẫn là quan niệm rõ ràng của nàng về đời nghệ sĩ của tôi. Nàng phân biệt được ở tôi có 2 con người: Người của gia đình và người của nghệ thuật. Khi tôi là người của gia đình, nàng biết tôi luôn luôn cư xử theo mẫu mực của con người nề nếp và trọng đạo lý. Khi tôi là con người nghệ thuật, nàng cho tôi cái tự do hoàn toàn trong việc tiếp xúc với phái nữ và trong việc sáng tác, nhất là sáng tác cho tình yêu”.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có quan điểm về tình yêu rất đặc biệt, tình yêu là thứ mà ông tôn thờ, là thứ nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng của ông, và theo ông, tình yêu là cái duy nhất có thể đưa người ta lên được thiên đường mà không cần đi qua cửa tử. Tất cả những thứ đó, có lẽ ông đã tìm thấy được ở người vợ suốt đời yêu thương và chung thủy của ông.
Thúy Nga hát Mùa Thu Đông Kinh trước 1975
Ngoài ra, Lê Khánh Hoài, là con trai của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và mối tình đầu Tân Nhân, cũng đã nhắc đến người vợ của cha mình với sự trân trọng như sau:
“Năm 2008, con trai tôi cưới vợ. Khi này ba tôi không còn nữa, nhưng nghệ sĩ Thúy Nga, vợ của ba tôi mà tôi gọi là Mợ, dù đã đau yếu lắm, cũng đã từ Mỹ gửi về mừng cưới cho cháu 200 USD. Cháu Hưng Việt và vợ cháu là Quỳnh Thi đã hết sức xúc động về tấm lòng của bà”.
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn