Trang chủ
Cảm nhận về ca khúc “Không Bao Giờ Quên Anh” (nhạc sĩ Hoàng Trang) – Gói yêu thương và trao trả ân tình…
Từ thập niên 1960, nhạc sĩ Hoàng Trang nổi tiếng với nhiều ca khúc nhạc vàng viết về tình yêu, tiêu biểu là Ngỏ Hồn Qua Đêm, Đêm Ru Điệu Nhớ, Ăn Năn, Kể Chuyện Trong Đêm, Tâm Sự Với Anh, Nếu Đời Không Có Anh,…và đặc biệt là Không Bao Giờ Quên Anh – một trong số những ca khúc phổ biến nhất của dòng Nhạc Vàng từ trước đến nay, nói về tâm trạng của người con gái thiếu may mắn trong tình yêu.
Một điều đặc biệt là nhạc sĩ Hoàng Trang có lẽ là người sáng tác những ca khúc nói thay cho nỗi lòng người con gái nhiều nhất so với các nhạc sĩ khác, hầu hết cũng là nam giới, và những nữ khán giả thường tìm thấy trong nhạc của ông sự đồng cảm đặc biệt trong những bài ca buồn về tình yêu, những tâm sự nữ nhi trong các ca khúc Nếu Đời Không Có Anh, Ăn Năn, Tâm Sự Với Anh, và nổi tiếng nhất là Không Bao Giờ Quên Anh.
Bài hát này được thể hiện như là một trang thư, và cô gái muốn gói trọn hết tất cả yêu thương vào trong trang giấy để gửi đến người xưa vào lần sau cuối, để tỏ rõ hết suy nghĩ và nỗi lòng của mình.
“Tôi viết lên đây với tất cả chân thành của lòng tôi trao anh
Ngày nao mới quen nhau vì chung hướng đời mình trót trao nhau nụ cười.
Và tình yêu đó tôi đem ép trong tim.
Dù bụi thời gian có làm mờ đi kỷ niệm của hai chúng mình
Tôi cũng không bao giờ tôi không bao giờ quên anh.”
Tình yêu chân thành và sự chung thuỷ của người con gái khi yêu được thể hiện ở phần đầu với hát với giai điệu rất tha thiết, lời ca ngân dài và chậm rãi như là lời kể lể tâm sự và thủ thỉ trong đêm buồn. Hình ảnh ẩn dụ “trót trao nhau nụ cười” và “tình yêu đem ép trong tim” thể hiện tình yêu trong sáng buổi ban đầu của cô gái, cùng với lời khẳng định tình yêu đó sẽ là mãi mãi không bao giờ quên dù cho “thời gian có làm mờ đi kỷ niệm”.
Phương Dung hát trước 1975
“Cho đến hôm nay với nức nở nghẹn ngào mình mềm lòng xa nhau
Còn đâu những đêm anh dìu tôi lối về buồn kể nhau nghe chuyện đời
Tình mình nay chết như lá úa thu rơi
Đường trần mồ côi tôi lạnh lùng ôm kỷ niệm của hai chúng mình
Ngơ ngác trong đêm trường tôi chưa vơi niềm yêu thương.”
Nhưng rồi tình yêu chân thành đó lại kết thúc bằng nỗi đau, bằng những “nức nở” và “nghẹn ngào”, dù cho chuyện tình được dệt bằng bao nhiêu tin yêu, bằng bao nhiêu kỷ niệm trong những đêm dìu nhau lối về kể nhau nghe chuyện đời. Những điều đó thể hiện rằng họ không chỉ là đôi tình nhân, mà còn là đôi bạn lòng đã cùng nhau trải qua biết bao nhiêu buồn vui, nhưng cuối cùng cũng phải đành “mềm lòng xa nhau”.
Thanh Tuyền hát trước 1975
Đến nay, đếm bao nhiêu lá thu vàng rơi là bấy nhiêu giọt lệ đã rơi theo cánh lá úa tàn như là khóc cho một tình yêu đã hết. Nhìn về đường trần phía trước, cô gái vừa bị mồ côi cuộc tình chợt thấy một nỗi cô độc u ám đến rợn người vây quanh, giờ đây chỉ còn biết tự ôm lấy mình, ôm tròn kỷ niệm buồn trong đôi tay nhỏ bé đã giá lạnh tự bao giờ. Chuyện tình tưởng là tha thiết dài lâu nhưng đã vụt qua quá nhanh, nàng như là vẫn còn ngơ ngác giữa đời, với niềm yêu thương chưa thể nào vơi đi một chút nào, dù con tim thì đã băng giá từ cái buổi chia phôi với người:
“Nhớ lúc chia phôi cầm tay chưa nói hết bao nhiêu niềm thương của tuổi xuân vừa tròn.
Xa nhau mấy người không buồn không nhớ xót xa cho tình yêu
Nuối tiếc xa xôi. Ngày xưa anh nói: “Vẫn yêu em nghìn năm, vẫn đợi em trọn đời”
Nhưng nay hết rồi, hai người hai lối lúc đêm buồn không anh?”
Đến đây mới biết rằng đôi tình nhân trong bài hát phải đành lòng chia tay dù rằng vẫn còn yêu tha thiết, vào ngày chia phôi vẫn còn cầm tay nghẹn ngào vì chưa nói hết bao nhiêu niềm thương tràn ngập còn dồn nén trong lòng ngực của tuổi xuân căng tràn. Trong nỗi nuối tiếc và xót xa, nàng nhớ lại những lời hứa hẹn xưa, rằng yêu nghìn năm và đợi ngàn đời, nhưng cuối cùng lại không thể vượt qua sự ngăn cấm của gia đình, đành đoạn chia đường tình thành hai lối.
Phiên khúc cuối cùng của bài hát là những lời tạ từ của người con gái gửi đến cho mối tình dở dang:
“Tôi gói yêu thương xin trao trả ân tình về người tôi yêu mến
Đừng thương tiếc chi anh chuyện hai chúng mình là giấc mơ trong cuộc đời
Tình mình nay chết như lá úa thu rơi
Đường trần mồ côi tôi lạnh lùng ôm kỷ niệm của hai chúng mình
Tuy đã xa nhau rồi nhưng không bao giờ quên anh.”
Từ “gói yêu thương” được nhạc sĩ sử dụng để thể hiện sự trân trọng của cô gái dành cho mối tình tan vỡ. Gói lại trọn vẹn, hoàn toàn trinh nguyên và chưa vơi đi chút nào niềm yêu thương này để “trao trả ân tình”, xin người yêu hãy đừng thương tiếc và xem chuyện đã qua như “giấc mơ trong cuộc đời”, một giấc mơ đẹp để làm hành trang bước tiếp trên con đường riêng.
Dù nói người yêu rằng “đừng thương tiếc chi anh”, nhưng chắc hẳn cô gái chỉ nói vậy để cho an lòng người yêu, vì đến cuối cùng, nàng là người phải lạnh lùng ôm kỷ niệm bước một mình trên đường trần mồ côi, một mình ôm thương tiếc vì không thể nào và không bao giờ quên được chuyện tình đã như là lá úa thu rơi…
Bài: Minh Hiếu – Đông Kha
Bản quyền bài viết cùa nhacxua.vn