Trang chủ
Cảm nhận về 2 ca khúc “Anh Còn Nợ Em” – “Anh Còn Yêu Em” – dòng nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Anh Bằng thập niên 2000
Nhạc sĩ Anh Bằng là người có sức sáng tác có thể gọi là phi thường. Cho dù bắt đầu viết nhạc ở tuổi khá trễ so với những người cùng thế hệ, nhưng ông đã sáng tác miệt mài, liên tục suốt hơn nửa thế kỷ, cho tận những năm cuối đời. Có lẽ Anh Bằng là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất có ca khúc tạo được “hit” được sáng tác ở tuổi ngoài 80. Năm 2008, ở tuổi 82, ông sáng tác bài Anh Còn Yêu Em, phổ từ thơ Phạm Thành Tài. Trước đó vài năm nhạc sĩ Anh Bằng cũng sáng tác 1 ca khúc nổi tiếng hơn, cũng phổ từ thơ Phạm Thành Tài: Anh Còn Nợ Em.
ca sĩ Nguyên Khang hát Anh Còn Nợ Em
Cũng giống như bài thơ gốc, 2 bài hát này chỉ có mấy câu thơ 4 chữ lặp đi lặp lại, nhưng không hề nhàm chán, ngược lại còn mang đến sự day dứt trong lòng người, những luyến tiếc khó nguôi ngoai về cuộc tình cũ lỡ làng, vẫn còn nợ nhau những khoảnh khắc êm đềm và ngọt ngào của tình nhân:
Anh còn nợ em
Công viên ghế đá
Công viên ghế đá
Lá đổ chiều êm
Có lẽ hầu hết những cặp đôi yêu nhau ở trên đời này, đều ít nhất là đã có một vài lần dìu dắt nhau đi về qua lối nhỏ, khi chùng chân mỏi gối rồi thì cùng nép sát vào nhau ngồi trên ghế đá công viên vắng người, nghe lá đổ chiều êm và thì thầm nhỏ to tâm sự cùng những nụ hôn nồng nàn.
Anh còn nợ em
Dòng xưa bến cũ
Dòng xưa bến cũ
Con sông êm đềm
Hình ảnh “dòng sông, bến cũ” được nhà thơ sử dụng, và được giữ nguyên khi đưa vào nhạc, nghe rất trừu tượng và tưởng chừng như vô nghĩa, không ăn khớp gì với trước và sau đó. Tuy nhiên, nếu nhìn lại toàn vẹn bài ca, thì hình ảnh “dòng xưa bến cũ” và “con sông êm đềm” như là một lời tạ lỗi gửi đến người xưa. Con đường tình của đôi tình nhân ngày ấy đã thành những dòng xưa bến cũ của một thời quá khứ. Dòng đời hiện tại đang là “con sông êm đềm”, là cuộc sống bình yên người đã chọn, vậy nên là “anh còn nợ em”, vẫn nợ muôn đời không thể nào trả được.
Điều đặc biệt của bài hát này là ca sĩ nam hay nữ đều hát được mà không cần phải đổi ngôi xưng. Giả sử có đổi ngôi thành “Em còn nợ anh” thì nghe cũng hơi bị ngược tai, vì muôn đời chỉ có “anh” mới nợ “em” mà thôi. Anh đã nợ người con gái mong manh, yếu đuối, nợ người đã tin tưởng trao hết cho anh tình yêu ban đầu để nhận về phần mình nỗi thiệt thòi, khi tình xa rồi thì như là cánh chim trong bão giông bay chập chùng mưa đêm, về một phương trời vô định:
Anh còn nợ em
Chim về núi nhạn
Trời mờ mưa đêm
Trời mờ mưa đêm
Anh còn nợ em
nụ hôn vội vàng
nụ hôn vội vàng
Nắng chói qua song
Thế gian này có muôn triệu mối tình, không phải mối tình nào cũng đến được hôn nhân. Cuộc sống này có biết bao nhiêu phong ba giăng sẵn để đón người vào, nên cũng không thể kể hết được những lý do làm cho người ta phải xa nhau. Không phải vì tình đã hết, mà vì do cuộc sống ngăn chia đôi đường, nên dù thương và nặng tình cách mấy thì rồi cũng đành xa. Lời nói “anh còn nợ em” được lặp đi lặp lại nhiều lần, đầy nuối tiếc, da diết, để tỏ rõ rằng anh còn yêu, nhưng nợ kia thì không thể trả.
Trong tình yêu lứa đôi, người ta thường hay dùng 2 chữ Duyên và Nợ. Có Duyên thì mới gặp nhau, và có Nợ thì mới lấy được nhau để ăn đời ở kiếp. Nợ ở đây là nợ từ kiếp trước, cùng nợ nhau, không phải nợ nần về vật chất, mà là nợ về ân tình, nợ những yêu thương, nên kiếp này dồn hết tất cả tình yêu cho nhau để trở thành tình vợ chồng.
Trong bài hát Anh Còn Nợ Em, chỉ có 1 người nợ 1 người, và không phải là nợ kiếp trước, nên cuộc tình thành ra lỡ làng.
Anh còn nợ em
Con tim bối rối
Con tim bối rối
Anh còn nợ em
Và còn nợ em
Cuộc tình đã lỡ
Cuộc tình đã lỡ
Anh còn nợ em
Nhạc sĩ Anh Bằng sinh thời có kể rằng ông đọc được tập thơ nhỏ của Phạm Thành Tài, có mấy bài thơ ngắn, rồi thích thú phổ thành bản Anh Còn Nợ Em. Bài thơ đó như sau:
Anh còn nợ em
Công viên ghế đá
Lá đổ chiều êm
Anh còn nợ em
Dòng xưa bến cũ
Con sông êm đềm
Anh còn nợ em
Chim về núi Nhạn
Trời mờ, mưa đêm
Anh còn nợ em
Nụ hôn vội vã
Nắng chói qua rèm
Và còn nợ em
Cuộc tình đã lỡ
Con tim anh mềm
Anh còn nợ em
Khoảng năm 2001, bài hát này được trung tâm Asia phổ biến phần thể hiện đầu tiên của nam ca sĩ Gia Huy. Thời gian sau này, nhạc sĩ Anh Bằng nhờ người tìm tác giả bài thơ, nhưng khi tìm được thông tin thì mới biết thi sĩ Phạm Thành Tài đã qua đời nhiều năm. Ông đã chép tay bài nhạc Anh Còn Nợ Em và tặng cho người vợ của thi sĩ làm kỷ niệm:
Năm 2007, ca sĩ Bảo Yến hát trở lại Anh Còn Nợ Em trên Asia 55, gần như là làm sống lại bài hát, thậm chí còn nổi hơn cả thời điểm được ra mắt năm 2001.
Từ đó trở về sau, Anh Còn Nợ Em được rất nhiều ca sĩ hát lại, cả hải ngoại lẫn ở trong nước. Năm 2008, nhạc sĩ Anh Bằng tiếp tục phổ nhạc cho bài thơ khác cùng của Phạm Thành Tài, mang tên Anh Còn Yêu Em, cũng nổi tiếng và được yêu thích nhiều không kém Anh Còn Nợ Em. Nếu như Anh Còn Nợ Em là lời xác nhận anh vẫn còn yêu em, thì bài thơ – bài nhạc Anh Còn Yêu Em là những lời cuồng nhiệt của cuộc tình mê đắm.
Bảo Yến hát Anh Còn Nợ Em trên Asia
Nguyên tác bài thơ Anh Còn Yêu Em:
Anh còn yêu em
Như ngày xưa ấy
Cửa mới buông rèm
Gối kề bên gối…
Anh còn yêu em
Đường xanh ngực nở
Bạch đàn thâu đêm
Thầm thì tóc rủ…
Anh còn yêu em
Chênh vênh mi buồn
Nụ cười răng khểnh
Áo nhàu qua đêm…
Anh còn yêu em
Dẫu thân tù ngục
Tình xô đáy vực
Đôi chân gông xiềng…
Anh còn yêu em
Như biển triều lên
Buồm trăng giương cánh
Sóng xa êm đềm ..
Anh còn yêu em
Ngời trong giọt máu
Cánh môi thơm mềm
Nồng nàn hương men
Anh còn yêu em…
Nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành nhạc như sau:
Anh còn yêu em như rừng lửa cháy
anh còn yêu em như ngày xưa ấy
chiều xuống mờ sương, cửa đóng rèm buông
gối kề bên gối, môi kề bên môi
Anh còn yêu em đường xanh ngực nở
anh còn yêu em lồng tim rạn vỡ
bạch đàn thâu đêm, bạch đàn thâu đêm
thầm thì tóc rũ
anh còn yêu em
Anh còn yêu em chênh vênh mi buồn, chênh vênh mi buồn
anh còn yêu em nụ hôn sim tím, áo nhàu qua đêm
anh còn yêu em buồm trăng giương cánh khi biển chiều lên
ôi biển chiều lên sóng xa êm đềm, sóng xa êm đềm
Anh còn yêu em ngời trong giọt máu
anh còn yêu em bờ vai mười sáu
cánh môi thơm mềm, nồng nàn hương ấm
anh còn yêu em…
Lâm Thúy Vân hát Anh Còn Yêu Em
Không chỉ “nói suông” là “anh còn nợ em” nữa, ca khúc này còn nhắc nhớ về vô số những kỷ niệm êm đềm mà tình nhân đã từng có với nhau. Những “cửa đóng rèm buông”, “gối kề bên gối môi kề bên môi”, “thì thầm tóc rũ” và “đường xanh ngực nở”, “áo nhàu qua đêm”… là vô số những câu chữ gợi tình thể hiện đó là một tình yêu cuồng nhiệt.
Ý tứ của 2 bài hát này rất đơn giản, không có gì khó hiểu, không ẩn dụ sâu xa, thậm chí lời còn lặp đi lặp lại, nhưng đủ để làm cho người nghe cảm thấy xót xa và chìm đắm vào một không gian u tình, nhớ tiếc.
Mặc dù là nhạc phổ thơ, lời của người khác, nhưng bài hát như là thể hiện được tâm sự của nhạc sĩ Anh Bằng. Là một người được mô tả là lãng mạn, tình cảm, thời trẻ được lòng nhiều cô gái, nên ngoài người vợ đã gắn bó với ông từ thuở thanh xuân cho đến lúc cuối đời, nhạc sĩ Anh Bằng cũng trải qua nhiều mối tình thoáng qua, nhưng dĩ nhiên là không thể thành đôi được. Vì là một người nặng tình, nên có lẽ suốt cuộc đời mình ông phải hát hoài ca khúc “anh còn nợ em”.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn