Trang chủ
Cảm nhận âm nhạc: Khúc Thụy Du – Một bài ca ký ức
Bài hát Khúc Thụy Du của nhạc sĩ Anh Bằng (thơ Du Tử Lê) là một khúc ca thật đẹp, phải chăng bởi nó là ký ức. Nghe để cảm và dường như càng nghe càng cảm. Có khi nào như loài chim bói cá, ta khắc khoải đi tìm đời đánh mất không? Ta là ai trong đời sống này? Ta đã sống hết mình chưa với tình yêu và cuộc đời hiện tại?
Những giọt nhạc nhẹ nhàng rơi xuống tâm hồn, đi kiếm tìm đồng cảm. Người ta gọi đây là Khúc Thụy Du hay là Khúc du ca cho Thụy, được phổ từ thơ của Du Tử Lê. Khúc Thụy Du là bài thơ dài hàng trăm câu, tác giả viết đầu tháng 3 năm 1968, Sài Gòn, trong bối cảnh biến cố Tết Mậu Thân, 1968. Khi báo Văn nói riêng, các tạp chí nói chung, được phép xuất bản lại, sau biến cố vừa kể, bài thơ được phổ biến. Nhưng nó bị kiểm duyệt đục bỏ khoảng 2/3 bài thơ. Thời đó hầu hết các nhà văn viết tay, không có phương tiện như bây giờ, nên sau này, khi in thành sách, bài thơ chỉ còn lại những câu mà bộ thông tin đã cho phép in trên báo.
Với Khúc Thụy Du, có biết bao nhiêu câu hỏi. Những câu hỏi nối tiếp nhau trong bài hát, những câu hỏi nối tiếp nhau khi bài hát đã khép lại.
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi và tình ơi
Thụy ơi và tình ơi…, ngoài trống vắng mà thôi… Day dứt và khắc khoải, tất cả những boăn khoăn còn đó. Có câu trả lời nào cho dấu hỏi Thụy Du là ai? Nàng là người con gái mang tên Thụy? Hay Thụy Châu, vợ nhà thơ Du Tử Lê, chữ đầu của tên hai người ghép lại thành Thụy Du, Khúc Thụy Du vì thế?
Thụy cũng có khi là giấc ngủ, Khúc Thụy Du, phải chăng khúc du ca mơ về một cuộc đời, một chuyến đi – thực thực, ảo ảo, tỉnh tỉnh, mê mê? Không cần cắt nghĩa, cũng không nên cắt nghĩa, bởi lẽ nếu cắt nghĩa quá rạch ròi thì đâu còn là thơ ca và âm nhạc, cho người ta mê đắm, khiến người ta trăn trở, hỏi rồi lại bỏ lửng, để mặc cái mờ ảo ấy!
Đừng bao giờ em hỏi
Vì sao ta yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay anh lạnh
Vì sao thân anh run
Vì sao chân không vững
Vì sao và vì sao…
Tình yêu có trăm ngàn câu hỏi, nhưng em yêu ơi câu trả lời nào sẽ xác đáng nhất cho câu hỏi “vì sao ta yêu nhau”? Em đừng bao giờ boăn khoăn bởi tình yêu ta dành cho em nhé.
Một tình yêu trìu mến, tình tứ, có ngọt ngào và cay đắng khi bánh xe cuộc đời khiến “anh” và “em” xa nhau. Cũng đừng bao giờ hỏi vì sao ta xa nhau, phải không em?
Thoảng đâu đây cái mãnh liệt của thuở yêu xưa trong điềm đạm, tĩnh lặng khi nhớ lại một cuộc tình đã mất. Ôi “tình yêu mật ngọt/ Mật ngọt trên môi/ Tình yêu mật đắng/ Mật đắng trong đời”, nhưng trong Khúc Thụy Du, không phải cái cảm giác xót xa đó mà là một sự bâng khuâng, đi tìm hoài niệm.
Tình yêu qua đi để lại những vết xước trong tim, vết xước đớn đau, vết xước ngọt ngào, để đôi khi nhớ lại ta tự hỏi “Thụy bây giờ về đâu?”. Câu hỏi vang mãi trong tâm trí, như một niềm khắc khoải khôn nguôi… Khắc khoải đấy, nhớ thương đấy nhưng tìm đâu ra câu trả lời? Khúc thụy du không có câu trả lời!
Trong bài hát còn có thêm một đoạn không có trong thơ:
“Tôi là chim bói cá
Em là bóng trăng ngà
Chỉ cách một mặt hồ
Mà muôn trùng chia xa“.
Khoảng cách tưởng chừng như mong manh của mặt hồ đã chia lìa hai thế giới, không thể vượt qua, không thể chạm tới.
Khúc Thụy Du thật đẹp, phải chăng bởi nó là ký ức. Ai cũng có những ký ức của riêng mình, bản thân mỗi người luôn tự hỏi tại sao tôi lại mang nhiều ký ức đau buồn đến thế? Tôi đã từng muốn quên những đoạn ký ức đó, nhưng lại không nỡ, mọi thứ đều có hình ảnh người tôi yêu quý.
Không nhắc đến không có nghĩa rằng đã xóa hết mọi thứ, chỉ là cảm thấy những chuyện đã qua không nhất thiết phải kể cho mọi người nghe. Có những tâm tình không nhất thiết phải bày tỏ, thật ra trong cuộc sống này không phải lúc nào đau đớn cũng có thể la hét.
Quá khứ hay hiện tại bản thân phải tập quen dần với những nỗi đau để có thể mạnh mẽ và trưởng thành hơn, dù đó chỉ là chiếc vỏ bọc đi chăng nữa. Cần một chiếc vỏ bọc mạnh mẽ để che đi sự yếu đuối của bản thân. Cần một chiếc vỏ bọc như thế để giấu đi sự bất ổn trong lòng, để mọi chuyện diễn ra một cách bình thường nhất.
Che giấu những cảm xúc và để mọi thứ tan đi lặng lẽ như băng tuyết. Bởi bản thân không muốn những người thân yêu phải đau lòng hay lo lắng, cất giữ những nỗi niềm riêng vì không muốn nhìn thấy ánh mắt buồn của mọi người… Lâu nay tôi đã quen một mình đối mặt với tất cả mọi thứ. Có đôi lúc cảm thấy khá mệt mỏi nhưng lâu dần cùng thành thói quen, mọi chuyện rồi cũng ổn.
Cuộc đời vốn vô thường, ai rồi cũng sẽ đến lúc phải trở về với cát bụi. Chỉ mong sao những người tôi yêu quý có thể ra đi một cách nhẹ nhàng và thanh thản, những người ở lại có thể sống tiếp những ngày tháng bình yên. Hy vọng trên thiên đường mọi người có thể gặp nhau, có thể cùng nhau nghêu ngao “Khúc Thụy Du”.
“Nỗi nhớ vốn là một bản năng.
Chẳng thể quên đi, chẳng thể xóa đi một phần đời buồn có vui có…
Chẳng dễ dàng chối bỏ, chẳng dễ dàng lãng quên quá khứ.”
Nghe để cảm và dường như càng nghe càng cảm. Có khi nào như loài chim bói cá, ta khắc khoải đi tìm đời đánh mất không? Ta là ai trong đời sống này? Ta đã sống hết mình chưa với tình yêu và cuộc đời hiện tại?
Khúc Thụy Du day dứt mà nhẹ nhàng như thế đấy!
Nguồn: bacsiletrungngan.wordpress.com