Trang chủ
Ca khúc Vợ Chồng Quê (nhạc sĩ Phạm Duy) – Khúc hát thanh bình và yêu đời chốn đồng quê
Vợ Chồng Quê là một trong ba khúc hát tình tự dân tộc (được gọi là Hương Quê) của nhạc sĩ Phạm Duy, viết về những người dân quê ở chốn ruộng đồng, bên cạnh Em Bé Quê và Bà Mẹ Quê, được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành vào năm 1954. Nhạc sĩ Phạm Duy đã nói ngắn gọn về ca khúc này: “Vợ Chồng Quê tượng trưng cho tình yêu trong sạch, sức làm việc, niềm hạnh phúc chỉ dành cho những kiếp người lành mạnh, biểu tượng hiện tại”.
Quả thực, ca khúc Vợ Chồng Quê mang đến cho người nghe một luồng sinh khí tươi trẻ, nồng nhiệt, đắm say của những người trẻ, của những cặp vợ chồng mới cưới đang cùng chung tay xây đắp đời sống mới.
Chàng là thanh niên mạch sống khơi trên luống cầy
Nói năng hiền lành như thóc với khoai
Nàng là con gái nết na trong xóm
Nước da đen ròn với nụ cười son
Ngay mở đầu ca khúc, nhạc sĩ giới thiệu đến người nghe hình ảnh chàng trai lực điền chất phát và cô gái thôn quê mang làn da rám nắng đen ròn nhưng duyên dáng, nết na. Họ giống như những hạt giống tốt nhất của làng quê tươi trẻ, khoẻ khoắn và hăng say lao động:
Hỡi anh gánh gạo trên đường, chàng ơi
Gạo Nam, gạo Bắc
Đòn miền Trung, gánh đừng để rơi
Chàng chàng ơi, gánh đừng để rơi
Duy Khánh – Tuyết Mai thu âm Vợ Chồng Quê thập niên 1950
Đất nước Việt Nam từ ngàn xưa đã được gầy dựng, giữ gìn bởi những người dân thôn quê, chân lấm tay bùn. Dù chỉ làm những công việc lao động bình thường trên đồng ruộng, nhưng trong máu huyết của những chàng trai, cô gái ấy là dòng máu nóng Việt Nam. Trong tình yêu lao động hăng say, nhiệt thành là tình yêu đất nước, yêu trời biển quê hương nước Việt.
Người Việt xưa nay thường ví von dải đất miền Trung nhỏ hẹp, nghèo khó, luôn chịu nhiều thiên tai, mất mát giống như một chiếc quang gánh, gánh hai đầu Bắc Nam. Không lâu sau khi bài hát này được ra đời, miền Trung lại trở thành vùng hỏa tuyến gánh chịu nhiều đau thương nhất. Vậy nên hình ảnh chàng trai gánh gạo Bắc – Nam, bằng chiếc “đòn gánh” miền Trung giống như trọng trách của những người trai đất Việt, phải gánh vác trên vai gánh nặng sơn hà. Và câu hát “Đòn miền Trung, gánh đừng để rơi/ Chàng chàng ơi, gánh đừng để rơi” chính là lời nhắn gửi, mong cầu của nhạc sĩ nói riêng và những người con Việt nói chung mong non sông đất nước luôn liền một giải, không bị gẫy gánh chia đôi.
Hỡi em tát ruộng bên ngòi, nàng ơi
Biển Đông ta tát cạn
Nàng nàng ơi, cho đời thuận nhau
Nàng nàng ơi, cho đời thuận nhau
Nàng nàng ơi, chàng chàng ơi
Nàng nàng ơi, chàng chàng ơi
Hình ảnh những cô gái tát ruộng, tát cạn cả Biển Đông chính là hình ảnh của những người phụ nữ Việt dù nhỏ bé nhưng không hề hèn yếu, luôn đồng thuận, kề vai sát cánh cùng những người trai, cùng gánh vác sơn hà.
Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết hát Vợ Chồng Quê trước 1975
Chàng nhìn đàn chim rồi ước như chim ngang trời
Sống chia miếng mồi, như đũa có đôi
Nàng cười không nói, ngước ra sông núi
Má em hây hồng như áng mây trời
Tình yêu của đôi trai gái quê được khắc hoạ giản dị và đầy ý nhị qua từng câu chữ mộc mạc: “Chàng nhìn đàn chim rồi ước như chim ngang trời, sống chia miếng mồi, như đũa có đôi”. Đó chính là thứ tình yêu bản năng, hồn nhiên, nồng nhiệt và đắm say nhất. Chẳng cần ước hẹn trăm năm, chẳng cần cung vàng điện ngọc, nhà cao lầu lớn, chỉ cần chung đôi, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi.
Một ngày sang Thu
Một buồng cau tơ
Quanh co lối xóm những tà áo mới
Mẹ già yên lòng
Thiếu nữ mơ mòng
Các em nhi đồng trống ếch khua vang
Bức tranh đám cưới làng quê nghèo khó nhưng thanh bình, ngọt ngào, vui tươi, nồng hậu được nhạc sĩ khắc hoạ đầy đủ và rõ nét qua hình ảnh buồng cau tơ, những tà áo mới, mẹ già yên lòng, thiếu nữ mơ mòng và các em nhi đồng trống ếch khua vang. Bất kỳ ai sinh ra và lớn lên ở những miền quê, hẳn sẽ cảm nhận rõ ràng cái không khí nao nao, vui tươi, rộn rã, thân tình của những đám cưới quê. Đó không phải là sự kiện riêng của cá nhân gia đình mà là niềm vui chung của cả làng, cả xóm. Khi một đám cưới diễn ra, hàng xóm làng giếng hoàn toàn không phải là những người ngoài cuộc, họ chung tay cùng nhau giúp đỡ, vun vén cho ngày vui của đôi trai gái được vẹn tròn, vui vẻ.
Chàng vừa cầy sâu, vừa hứng mưa trên đất mầu
Hái bông ngô vàng hay bới khoai nâu
Nàng vừa cuốc bẫm, tắm trong sương sớm
Tát xong nước rồi, sẽ về thổi cơm
Chữ i móc ngược o o ó o tròn, người ơi
Còn trong một nước
Người người ơi, ta còn yêu nhau
Người người ơi, ta đừng bỏ nhau
(“Chữ i móc ngược o tròn” trong câu hát có lẽ được nhạc sĩ mượn từ câu dạy cách học vỡ lòng tiếng Việt từ đời xưa “Chữ i móc ngược, chữ tờ gạch ngang”, như là cách đề cao tinh thần dân tộc của những người chung một nước).
Á ơi, con ngủ cho muồi
À ơi, cười vui trong giấc mộng
À à ơi ! Yêu đời tự do
À à ơi, À à ơi ! À à ơi, à ơi.
Thuở nào vườn cau vừa mới cao ngang mái đầu
Lúa dăm ba sào, nay đã hai trâu
Nhìn thằng cu bé dẫm mưa trong ngõ
Nước mưa chan hoà cho tốt lúa nhà
Mùa màng năm nay
Gạo tròn tay say
Đêm đêm thức giấc lúc gà chưa gáy
Vì đời yên lành
Nên lúa đa tình
Hứa cho đôi mình kiếp sống thanh bình
Sau bao khó nhọc, vất vả, đôi vợ chồng trẻ cũng xây đắp được một tổ ấm tươm tất với vườn cau, ruộng lúa, con trâu và những đứa trẻ khoẻ mạnh, hồn nhiên. Họ sống một cuộc đời thanh đạm, nghèo khó nhưng yên bình, lạc quan và hạnh phúc.
Nhật Trường – Thanh Lan hát Vợ Chồng Quê trước 1975
Ca khúc Vợ Chồng Quê được sáng tác vào khoảng năm 1953, và trong đó chứa đựng rất nhiều hình ảnh của chính đôi vợ chồng quê Phạm Duy – Thái Hằng, vào thời điểm họ cưới nhau ở vùng quê Thanh Hóa. Dù là viết nhạc dựa trên hoàn cảnh và những cảm xúc của chính mình, nhưng nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã nói thay được tâm tư tình cảm của hàng triệu đôi vợ chồng quê của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Với ca khúc này, có thể thấy không chỉ tình yêu trai gái, vợ chồng, mà cả tình yêu gia đình, quê hương, xứ sở cùng xuất hiện, hoà thành một thể thống nhất, cùng thăng hoa trong những lời ca ngọt ngào, vui tươi, nồng hậu của thể điệu âm nhạc dân gian được nhạc sĩ Phạm Duy lồng ghép vào ca khúc.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn