Trang chủ
Ca khúc “Tình Đời” của nhóm Lê Minh Bằng: Đời người ca sĩ đáng thương và đáng được yêu…
Tình Đời là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác vào khoảng cuối thập niên 1960 với bút danh là Minh Kỳ – Vũ Chương. Bài hát này thường bị nhầm tên thành Duyên Kiếp Cầm Ca hoặc Kiếp Cầm Ca (trùng với tên một bài hát nổi tiếng khác của nhạc sĩ Huỳnh Anh).
Ca khúc Tình Đời này, cùng với Phận Tơ Tằm và Kiếp Cầm Ca trở thành bộ 3 bài hát nói về tâm sự buồn của ca sĩ phòng trà nói riêng và phận đời của người ca sĩ nói chung, là những nghệ sĩ đã mang giọng ca tiếng hát của mình để mua vui cho khán giả, rồi đêm về quạnh hiu và buồn tủi cho số phận của mình, cho nghiệp dĩ đã bị người đời dị nghị, thậm chí còn bị người xưa xem thường là “xướng ca vô loài”.
Hùng Cường và Bạch Tuyết hát Tình Đời
Bài hát Tình Đời dường như được viết là để song ca nam nữ với nhau, là lời trò chuyện của một đôi tình nhân, mà người con gái là một ca sĩ phòng trà. Người nữ ca sĩ liên tục đưa ra những câu hỏi mang tâm trạng âu lo, ngại ngần, còn người yêu thì kiên nhẫn đáp lại với lời an ủi yêu thương:
Khi biết em mang kiếp cầm ca
Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát
cho người người bỏ tiền mua vui
Hỏi rằng anh ơi: Còn yêu em nữa không?
Đừng nói nữa em ơi
Xin đừng nói nữa làm gì
Anh nghĩ rằng
Đời người ca sĩ đáng thương và đáng được yêu…
Những người ca sĩ đêm đêm phòng trà, dù đứng dưới đèn hoa với hào quang rực rỡ, thì suy cho cùng cũng là để mua vui cho người đời, đứng trên sân khấu nhìn xuống nhoẻn miệng cười với tất cả, còn lệ thì nuốt vào âm thầm cho riêng mình. Nàng ca sĩ mặc cảm với điều đó. Nhưng may mắn cho nàng vì đã tìm được một người tri âm tri kỷ, có thể thông cảm cho nghiệp dĩ này, chỉ thấy nàng đáng thương và đáng được yêu, tuyệt đối không có một chút khinh khi nào.
Tình yêu, em sợ tình yêu
Vì tình yêu như là hương hoa
Lỡ mai sau em mất người yêu
Em khổ thật nhiều
Ngày mai trên đường phố này
Những đêm khuya có anh đưa về xóm nhỏ
Xa lìa ánh đèn có anh đưa em về bến mơ…
Nhưng nếu nói về tình yêu, thì nàng ca sĩ bỗng thấy sợ, có lẽ vì như con chim ngại cành cong, đã có bao nhiêu người từng đến với nàng bằng sự hào nhoáng của vẻ bề ngoài, chưa kịp tìm hiểu những tâm tình ẩn sâu bên trong thì đã vội nói lời từ giã. Nên với nàng, tình yêu ví như là hương hoa dễ thoáng qua nhanh, và mỗi lần như vậy, nàng sẽ bị khổ lụy.
Biết rõ tâm tình đó, để cho người nữ ca sĩ được an tâm, chàng trai hứa rằng sẽ đưa nàng về mỗi canh khuya để đường về không còn cô quạnh. Không những vậy, chàng sẽ dìu người yêu về bến mơ khi đã xa lìa ánh đèn, quên đi những thị phi nghiệp hát.
Trước năm 1975, chúng ta đã từng chứng kiến nhiều trường hợp ca sĩ quyết định “xa lìa ánh đèn” sau khi tìm được một “bến mơ” như vậy. Dù ở đỉnh cao ở sự nghiệp, được hàng triệu người mến mộ, nhưng những ca sĩ tài danh như Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Phương Dung… đều gác lại sự nghiệp ca hát sau khi lấy chồng, để lại nhiều niềm lưu luyến cho khán giả hâm mộ. Tuy nhiên vài năm sau đó, sau khi đã ổn định cuộc sống gia đình, vì nhớ nghề, nhớ khán giả, những ca sĩ này đã trở lại thu âm trong băng dĩa, chỉ là không còn đi hát phòng trà như xưa.
Ngoài ra phải kể đến những trường hợp khác, gần như giải nghệ sau khi lập gia đình, như danh ca Thái Hằng, ca sĩ Dạ Hương, Thanh Tâm, hoặc thậm chí là mất tích dù đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, như trường hợp ca sĩ Lệ Thanh.
Khi trót mang duyên kiếp cầm ca
Em xin bằng lòng nghe tiếng trách chê của đời
Chỉ cần anh thôi, chỉ cần anh thôi
Còn tin anh nữa thôi
Đời vẫn thế em ơi
Xin đừng nói đến tình đời
Em nhớ rằng đời là gian dối
Nhưng đôi ta mãi còn nhau…
Duy Khánh và Bạch Tuyết hát Tình Đời
Cảm thương cho nàng ca sĩ, sẵn lòng chịu những tiếng trách chê của người đời, là những người không hiểu mình, chỉ cần còn có một người mà nàng có thể đặt trọn niềm tin tưởng: Chỉ cần anh thôi, còn tin anh nữa thôi…
Bài hát này dù nội dung đơn giản, nhưng là những lời nhạc rất gần gũi. Cũng giống như 2 ca khúc khác là Phận Tơ Tằm và Kiếp Cầm Ca, thường được các nữ ca sĩ hát lên như cũng chính là hát cho chính cuộc đời mình, và nhận được sự thông cảm, đồng cảm của khán giả hâm mộ. Từ đó, những người nữ ca sĩ được thương mến nhiều hơn, khác với quan niệm xưa “xướng ca vô loài” đã làm mủi lòng những người nghệ sĩ đã đem lời ca tiếng hát làm đẹp cho cuộc đời.
Bài hát này được đôi “sóng thần” của làng cải lương là Hùng Cường và Bạch Tuyết hát lần đầu trong dĩa nhựa Asia Sóng Nhạc. Vài năm sau, nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết có thu lại trong băng mangetic, nhưng là song ca với 1 trong tứ trụ nhạc vàng khác là Duy Khánh. Bạn có thể nghe lại cả 2 bản thu âm trong bài viết này.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn