Trang chủ
Ca khúc “Kỷ Niệm” (Phạm Duy) và những cảm xúc nguyên sơ nhất của đời người
Có lắm khi cuộc sống xô bồ bôn chen của thực tại làm cho chúng ta mỏi mệt chán chường, chợt thèm trở về với thời gian ngày xưa trong trẻo hồn nhiên, thời niên thiếu tâm hồn trẻ thơ chưa vẩn đục mà trong xanh như bầu trời mùa thu chưa gợn chút màu mây. Ca khúc Kỷ Niệm của nhạc sĩ Phạm Duy đã dẫn chúng ta về lại ngày tháng êm đềm vẫn còn mãi trong ký ức riêng của mỗi người, ai cũng nhớ và lưu giữ cho mình khoảng trời đẹp đẽ khó quên…
Bài Kỷ Niệm được nhạc sĩ Phạm Duy viết năm 1966. Đó cũng là quãng thời gian ông có cảm giác chơi vơi sau khoảng thời gian “ngụp lặn” với hàng chục thể nghiệm âm nhạc khác nhau, cuối cùng thì ông trở về với những cảm xúc nguyên sơ nhất. Phạm Duy nói:
“Tôi rơi vào kỷ niệm, những kỷ niệm của rất nhiều người thuộc lứa tuổi tôi, lúc còn bé, còn ngây thơ trong trắng và được sống ở tỉnh nhỏ, có những buổi chiều đi giữa làng quê ruộng lúa rồi vì quá mê trời mây tía nên không nghe tiếng mẹ gọi về… Hoặc trong những đêm mùa khô ráo ngồi bên cha mẹ, nghe tiếng còi tầu xe lửa để mơ ước viễn du. Tôi nhớ lại kỷ niệm và xin đi lại từ đầu…”
Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo
Tôi nghe tiếng còi tầu.
Cho tôi lại chiều hè
Tôi đi giữa đường quê
Hai bên là hương lúa
Xa xa là ngọn tre
Thấp thoáng vài con nghé
Tiếng nước dưới chân đê
Tôi mê trời mây tía
Không nghe mẹ gọi về.
Cho tôi lại nhà trường
Bao nhiêu là người thương
Không ai thù ai oán
Ai cũng bảo tôi ngoan
Tôi yêu thầy tôi lắm
Nhớ tiếng nói vang vang
Tôi theo tà áo trắng
Cô em bạn cùng trường.
Cho tôi lại một mùa
Mưa rơi buồn ngoại ô
Ðêm đêm đèn trong ngõ
Soi sáng mảnh tim khô
Tôi mơ thành triệu phú
Cứu vớt gái bơ vơ
Tôi mơ thành thi sĩ
Ðem thơ dệt mộng hờ.
Cho tôi lại còn nhiều
Cho tôi lại tình yêu
Tôi không cần khôn khéo
Tôi không đòi bao nhiêu
Cho tôi lòng non yếu
Dễ khóc, dễ tin theo
Cho tôi thời niên thiếu
Cho tôi lại từ đầu
Cho đi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau
Xin đi từ thơ ấu
Ði vui và bên nhau
Trong tim thì sôi máu
Khoé mắt có trăng sao
Bông hoa cài trên áo
Trên môi một nguyện cầu.
Thái Thanh hát bài Kỷ Niệm thu âm trước 1975
Tuổi thơ mãi mãi như viên kẹo ngọt ngào trong tâm tưởng, ao ước được trở về để được sống trong hương vị của tháng năm đẹp nhất của đời người. Được sống lại với hình ảnh đầm ấm của gia đình với cha đang ngồi đọc báo và mẹ ngồi khâu áo bên ngọn đèn dầu. Trăng treo trên ngọn cau, ánh trăng bàng bạc loang màu hạnh phúc bình dị lắng nghe tiếng còi tàu xa xa. Tiếng còi tàu từ sân ga tuổi thơ ngày ấy, có lúc thi thoảng kéo về cả chân trời mộng tuổi ấu thơ tưởng như chỉ mới đây thôi…
Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo
Tôi nghe tiếng còi tầu.
Cho tôi về lại một chiều hè đi lang thang giữa đồng quê, hai bên được rập rờn thơm hương lúa, mùi hương của đồng nội cỏ ngàn quê hương như lậm mãi vào tâm hồn vào máu thịt của những người con Việt. Xa xa là ngọn tre lả lướt du dương theo gió chiều bản tình ca đồng quê muôn thuở. Thấp thoáng vài con nghé thơ thẩn trên đồng chiều, lắng nghe du dương tiếng sáo diều vi vu trên trời, tiếng nước róc rách êm ả dưới chân đê.
Tất cả là một bức tranh thôn dã êm đềm lưu mãi vào ký ức của người Việt Nam, khôn nguôi nỗi nhớ về khoảng tháng ngày yêu dấu chỉ còn là nước vỗ chân cầu thời gian, vương víu mãi hồn đam mê mây tía trời hồng của tháng ngày xưa cũ, nhớ nhung mãi không thôi giấc mơ cỏ nội hương đồng vút bay cao theo tiếng đập cánh của cào cào châu chấu, vọng mãi dư hương trên cánh đồng tuổi thơ chập chờn cánh cò bay lả…
Cho tôi lại chiều hè
Tôi đi giữa đường quê
Hai bên là hương lúa
Xa xa là ngọn tre
Thấp thoáng vài con nghé
Tiếng nước dưới chân đê
Tôi mê trời mây tía
Không nghe mẹ gọi về.
Cho tôi về lại ngôi trường xưa cũ, nơi thương mến từng góc ghế bàn lớp học, nơi tình yêu thương gắn bó biết bao nhiêu người thân yêu, nơi không có toan tính oán thù, chỉ có tình yêu thắm hồng bình minh trên từng trang giấy vở. Tôi yêu tiếng thầy giảng bài mỗi sớm mai vang vang vọng ra ngoài cửa lớp, những bài học thuộc lòng đầu đời từ lời thầy đã ghi nhớ mãi trong trí óc non nớt của lũ học trò. Cho tôi ngẩn ngơ lại một lần theo tà áo trắng của cô bạn cùng trường, xôn xao cũng hoa cỏ bên đường hay bởi tà áo của ai trắng quá nhìn không ra…
Cho tôi lại nhà trường
Bao nhiêu là người thương
Không ai thù ai oán
Ai cũng bảo tôi ngoan
Tôi yêu thầy tôi lắm
Nhớ tiếng nói vang vang
Tôi theo tà áo trắng
Cô em bạn cùng trường.
Cho tôi lại một mùa xưa cũ, nghe mưa rơi buồn vùng ngoại ô có những mái tranh nghèo, nhưng tâm hồn người ngoại ô thì luôn giàu có vì luôn mơ những giấc mơ đẹp cho đời. Ánh đèn vàng hiu hắt trong ngõ vắng soi sáng bao giấc mộng đẹp ước mơ thành thi nhân. “Tôi mơ thành thi sĩ. Đem thơ dệt mộng hờ”. Tuy chỉ là mơ thôi nhưng tác giả cũng đã là thi sĩ rồi khi nhận ra thơ chỉ đem dệt những giấc ơ hờ viễn mộng.
Cho tôi lại một mùa
Mưa rơi buồn ngoại ô
Ðêm đêm đèn trong ngõ
Soi sáng mảnh tim khô
Tôi mơ thành triệu phú
Cứu vớt gái bơ vơ
Tôi mơ thành thi sĩ
Ðem thơ dệt mộng hờ.
Cho tôi lại tình yêu một thuở ban đầu. Tình yêu nguyên sơ khờ khạo thật thà của tôi ngày ấy không cần tinh khôn trí trá. Dễ tin dễ khóc là bản chất của trẻ thơ, là nguyên thủy của tình yêu thánh thiện không đòi hỏi sự đền đáp ân tình. Thứ tình yêu trong trắng, cho rất nhiều để nhận lại nỗi hoài niệm niềm ban sơ vĩnh cửu, đó là tình yêu thời niên thiếu trong trẻo ngây thơ tuyệt đẹp, mỗi lần nhớ lại là mỗi lần hoài vọng nâng niu thêm nét thanh cao đã làm tươi đẹp thêm cho cuộc đời chuỗi ngày sau này.
Cho tôi lại tình yêu
Tôi không cần khôn khéo
Tôi không đòi bao nhiêu
Cho tôi lòng non yếu
Dễ khóc, dễ tin theo
Cho tôi thời niên thiếu
Cho tôi lại từ đầu
Cho tôi đi lại từ đầu, ngày chưa biết ưu sầu gian nan giông bão cuộc đời. Thời gian ơi xin đừng vội trôi nhanh về tương lai. Cho tôi chậm lại những ngày ấu thơ với những bước vui thấp cao với từng niềm vui thơ trẻ. Cho tôi nhảy lại những bước chân sáo ngày xưa, trái tim hừng ánh mặt trời mới mọc và khóe mắt toát ra ngàn trăng sao lấp lánh cả bầu trời mơ ước. Những bông hoa đồng nội cài mơ ước lên ngực áo và lời nguyện cầu cho đất nước hoan ca thanh bình luôn ấp ủ ở trên môi.
Cho đi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau
Xin đi từ thơ ấu
Ði vui và bên nhau
Trong tim thì sôi máu
Khoé mắt có trăng sao
Bông hoa cài trên áo
Trên môi một nguyện cầu.
Với ca từ mộc mạc chân thành và giai điệu luyến tiếc réo rắc nhớ nhung, nhạc phẩm Kỷ Niệm của nhạc sĩ Phạm Duy đã cho người nghe quên đi những giây phút hối hả quay cuồng của cuộc sống thực tại, để trở về lại với những ngày còn thơ ấu vô tư. Những kỷ niệm của ngày tháng này luôn sống mãi trong lòng mỗi người, bằng tài năng của nghệ sĩ nhạy cảm trước nỗi vô tình trôi nhanh tàn nhẫn của thời gian, Phạm Duy đã đưa chúng ta về gần lại với kỷ niệm thời niên thiếu, cho ta cảm giác cảm xúc được về lại khoảng trời mơ mộng đầy mơ ước thanh tao của những ngày xưa thân ái
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn