Trang chủ
Ca khúc “Cho Người Tình Lỡ” và chuyện tình buồn như tiểu thuyết của nhạc sĩ Hoàng Nguyên: “Khóc mà chi yêu thương qua rồi…”
Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Nguyên, người ta thường nhớ đến những nhạc phẩm bất hủ của ông về Đà Lạt như: Ai Lên Xứ Hoa Đào, Bài Thơ Hoa Đào,… bên cạnh đó là cuộc đời thăng trầm, rực rỡ và cả bi ai của một người nhạc sĩ tài hoa. Một trong những người học trò của nhạc sĩ Hoàng Nguyên là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã có lần nói về người thầy tôn kính của mình như sau:
“Ông ấy sống rất lặng lẽ, hàng ngày chỉ đến trường học rồi về nhà cặm cụi bên cây đàn. Khi tôi theo học nhạc, thì thầy cư ngụ ở khu vực Nhà thờ Con Gà. Thầy hiền lành và chan hoà với mọi người. Thầy chơi được rất nhiều nhạc cụ khác nhau.”
Điều này khá trùng khớp với nhận định của tác giả Vương Trùng Dương, một người bạn từng có nhiều tháng sống chung phòng với Hoàng Nguyên tại trường Chính Trị vào mùa hè năm 1971 tại Đà Lạt:
“Hình ảnh và tên tuổi Hoàng Nguyên rất thân quen với Đà Lạt, vì vậy khi anh liên lạc để tổ chức văn nghệ cho khoá, được nhiều bóng hồng đáp ứng. Tính tình điềm đạm, ít nói, không thích phê phán, chỉ trích người vắng mặt, anh sống nhiều với nội tâm, chỉ lắng nghe, ít đả phá. Khi đề cập đến những khuôn mặt nhạc sĩ bạn như Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Hiền,… anh chỉ nhắc đến những bản nhạc hay của họ được nhiều người ưa thích.
…Một buổi tối, ngồi nhậu ở Câu Lạc Bộ, nghe Dương Hùng Cường đang theo học khoá Căn Bản CTCT nói về cuộc tình đầy bi thương mà Hoàng Nguyên chấp nhận, tôi mới vỡ lẽ. Thảo nào, những lúc nhìn anh, thoáng hiện nỗi u buồn xa vắng mênh mông.”
“Cuộc tình đầy bi thương” mà những người bạn cùng thời với Hoàng Nguyên thường nhắc đến chính là mối duyên nghiệt ngã, đau đớn với một cô gái mà Hoàng Nguyên “không được phép” quen.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1956, khi chàng trai trẻ Hoàng Nguyên vừa chuyển đến Đà Lạt chưa bao lâu và đang làm công việc dạy Việt văn trong một ngôi trường tư thục do các nhà sư Phật giáo tổ chức. Năm đó, chính quyền Đà Lạt mở cuộc thanh lọc công chức, truy lùng những người bị tình nghi phản kháng và có quan điểm chống đối chính quyền. Do từng tham gia Việt Minh tại Huế trước đó và hoạt động tích cực trong các phong trào văn hoá Phật giáo, đặc biệt chương trình phát thanh Phật giáo trên đài Phát thanh Đà Lạt, nên nhạc sĩ Hoàng Nguyên nhanh chóng trở thành đối tượng bị nghi vấn.
Khi nhạc sĩ Hoàng Nguyên cùng với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (từ Sài Gòn lên) tổ chức đại nhạc hội tại Đà Lạt, Trưởng Ty Cảnh Sát Đà Lạt đến bắt người và khám xét căn nhà trọ của Hoàng Nguyên với lý do nghi ngờ đây chỉ là một hoạt động văn nghệ trá hình nhằm mục đích quy tụ lực lượng chống chính quyền. Hai bản nhạc Tiến Quân Ca và Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao, những sản phẩm văn hoá của miền Bắc, thu giữ được từ trong kệ sách của nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã khiến ông bị buộc tội. Và cũng như rất nhiều tù binh chính trị khác thời đó, Hoàng Nguyên bị đày ra Côn Đảo.
Khi biết nhạc sĩ Hoàng Nguyên là một thầy giáo dạy Việt văn và cả âm nhạc tài giỏi, vị “chúa đảo”, chỉ huy trại tù Côn Đảo, vốn là người gốc Huế, đã có phần ưu ái với Hoàng Nguyên. Ông thậm chí còn đưa Hoàng Nguyên về tư dinh để làm gia sư cho cô con gái cưng vừa tròn 18 tuổi. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Hai người trẻ tuổi, một tài hoa, lãng mạn, đa tình và một cô tiểu thư mới lớn, xinh xắn, nồng nhiệt đều chẳng thể cưỡng lại nhịp đập cuồng loạn của trái tim. Khi cha cô gái phát hiện ra sự việc thì cô gái đã mang thai. Ông đành vội vã xoá lấp dấu vết cuộc yêu đương vụng trộm của cô con gái cưng và gã phạm nhân. Sau khi cấp tốc đưa con gái về Huế, vị “chúa đảo” lập tức tìm cách vận động để Hoàng Nguyên được thả về Sài Gòn, với lời hẹn chờ mọi sự ổn định rồi làm đám cưới. Tuy nhiên, sau khi thu xếp mọi việc ổn thoả, ông lại đổi ý, không muốn gả con gái cho Hoàng Nguyên nữa bởi lo sợ lý lịch “cộng sản” của chàng nhạc sĩ sẽ gây ra nhiều hệ luỵ sau này.
Năm 1960, sau một thời gian dài mất liên lạc, nhạc sĩ Hoàng Nguyên hay tin cô gái đang sống ở khu vực chợ Đông Ba nên đã lặn lội từ Sài Gòn ra Huế để tìm cô. Khi đến nơi, chàng nhạc sĩ mới hay người yêu đã được cha sắp đặt vào một cuộc hôn nhân quyền quý khác, môn đăng hộ đối với gia đình cô. Cay đắng, bẽ bàng, ông trở về và viết một loạt ca khúc thất tình, có thể kể đến như: Thuở Ấy Yêu Nhau, Cho Người Tình Lỡ, Đừng Trách Gì Nhau, Em Chờ Anh Trở Lại,… Trong số này, nổi tiếng nhất là ca khúc Cho Người Tình Lỡ với những lời ca sầu não:
Khóc mà chi yêu thương qua rồi
Than mà chi có ngăn được xót xa
Tiếc mà chi những phút bên người
Thương mà chi, nhắc chi chuyện đã qua
Dạ Hương hát Cho Người Tình Lỡ trước 1975
Đối diện trước sự thật phũ phàng là người yêu đã dứt áo theo chồng, chàng nhạc sĩ trẻ không khỏi choáng váng suy sụp. Dẫu cố tự nhủ lòng trăm vạn lần rằng “khóc mà chi”, “than mà chi”, “tiếc mà chi”, “thương mà chi”,.. nhưng tận sâu trong cõi lòng là sự cào xé, đớn đau đến tái tê, vô vọng:
Anh giờ đây như là chim rã rời cánh
biết bay phương trời nào
Em giờ đây như cành hoa trót tả tơi
đón đưa ngọn gió nào.
Hình ảnh đôi tình nhân bị chia rẽ được khắc hoạ vô cùng bi thiết. Anh như cánh chim rã rời, lạc lõng, mất phương hướng, chẳng biết đi đâu về đâu. Em như cành hoa đã lỡ “trót tả tơi”, phó mặc mình cho “ngọn gió” đón đưa. Dù người yêu cất bước theo chồng không một lời từ biệt, dù mệt mỏi chờ mong rồi hụt hẫng trong thất vọng não nề, chàng trai không hề oán trách mà ngược lại còn vô cùng yêu thương, thấu hiểu và xót xa cho nàng. Bởi nếu anh là cánh chim phiêu lãng đã qua nhiều giông bão, thì em chỉ là cành hoa nhỏ dại khờ “trót tả tơi” vì một chữ yêu.
Ca khúc trùng xuống, trĩu nặng, thê thiết hơn ở đoạn điệp khúc:
Mình nào ngờ tình rơi như lá rơi.
Ngày tình đầy, vòng tay ôm quá lơi.
Để giờ này một người khóc đêm thâu,
Một người nén cơn đau
nghe mưa mà cúi đầu.
Cuộc tình sâu nặng đã đơm hoa kết trái tưởng như chẳng thể chia lìa vậy mà lại “rơi như lá rơi”, nhẹ bẫng, vô tình, chẳng hề báo trước, chẳng thể níu giữ. Ngày tình vẫn còn đầy, vẫn thắm thiết bên nhau thì người đã thoáng cảm nhận được vòng tay ôm lơi, nên khi mà chỉ qua một vài cơn giông gió thì đã dễ dàng buông tay nhau.
Sự bất lực hằn lên từng câu chữ, trĩu nặng trong tâm tư của hai kẻ yêu nhau: “một người khóc đêm thâu, một người nén cơn đau nghe mưa mà cúi đầu”. Nỗi đau ấy chẳng thể phơi bày, chẳng thể kêu gào cho khuây khoả mà chỉ có thể lận sâu vào trong tim, giấu kín trong đêm thâu, nén giữ trong cái “cúi đầu” đầy tuyệt vọng.
Thế là hết, nước trôi qua cầu
Đã chìm sâu những tháng ngày đắm mê
Thôi đành quên những tiếng yêu đầu
Những lời yêu ấy nay đã quá xa.
Nẻo đường cũ giăng đầy mưa khuất mù lối
khiến nên tình đành lỡ
Ta giờ đây như rừng thu
Nắng lịm với chiếc lá vàng cuối mùa.
Chàng trai tự nhủ lòng “thôi đành quên những tiếng yêu đầu”, bởi “nẻo đường cũ giăng đầy mưa” và “khuất mù lối” về. Chàng quyết chí chôn cuộc tình lỡ vào quá vãng mà sao như tự đào mồ chôn chính mình. Câu hát cuối cùng bật lên đầy ai oán, bi thương: “Ta giờ đây như rừng thu, nắng liệm với chiếc lá vàng cuối mùa” nhưng cũng đầy mỹ cảm. Đó chính là cái hay, cái tài hoa của Hoàng Nguyên khiến cho Nguyễn Ánh 9 không ngần ngại xưng tụng người thầy đầu tiên của mình là một “cung đàn tài hoa bạc mệnh”. Bạc mệnh là bởi khi đang trên đỉnh cao tài năng, nhạc sĩ Hoàng Nguyên lại mất đột ngột trong một tɑι nạn gιɑo thông khi mới chỉ 43 tuổi vào năm 1973.
Hồ Hoàng Yến hát Cho Người Tình Lỡ
Riêng trong tình trường, nhạc sĩ Hoàng Nguyên cũng là một người kém may mắn khi liên tục vấp phải đau thương. Sau cuộc tình tan vỡ đau đớn với con gái vị “chúa đảo”, ông trở lại Sài Gòn tiếp tục theo nghề dạy học, rồi thi vào trường Sư Phạm Sài Gòn học khoa Anh Ngữ. Nhờ những nhạc phẩm nổi tiếng của mình đưa đẩy, nhạc sĩ Hoàng Nguyên có dịp kết thân với gia đình nữ diễn viên Huỳnh Khanh và được bà này nhận làm em nuôi. Chồng bà Huỳnh Khanh bấy giờ là tỉnh trường Phan Thiết cũng rất mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên nên đã nhờ ông đến nhà kèm cặp cho cô con gái chuẩn bị thi vào đại học của mình. Run rủi thế nào cô gái không đậu đại học mà trở thành vợ của Hoàng Nguyên. Tuy nhiên, theo những người bạn cùng thời, dù có với nhau 3 người con chung, cuộc hôn nhân này lại không đem lại cho Hoàng Nguyên một gia đình ấm êm, hạnh phúc bởi vợ ông ghen tuông, từng đốt mất nhiều bản thảo ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Nguyên trong thời gian chung sống.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn