Trang chủ
Ca khúc “Chiều Tím” (Nhạc Đan Thọ, Lời Đinh Hùng) và sự giao hòa giữa thi – nhạc
Trong âm nhạc, không hiếm có trường hợp mọi tinh túy của một đời nhạc sĩ được dồn về cho một tác phẩm duy nhất, có thể kể đến một vài trường hợp như nhạc sĩ Thanh Bình với Tình Lỡ, nhạc sĩ Tu My với Tan Tác, Tô Hải với Nụ Cười Sơn Cước, và đặc biệt là nhạc sĩ Đan Thọ với Chiều Tím. Cho dù những nhạc sĩ này có thể có nhiều tác phẩm khác nữa, nhưng công chúng biết đến, hoặc yêu mến thì chỉ có một. Và chỉ cần một tác phẩm duy nhất đó, tên tuổi của nhạc sĩ cũng đã được lưu danh đến muôn đời sau.
Nhạc sĩ Đan Thọ sinh năm 1924, là 1 trong 2 nhạc sĩ lớn tuổi nhất còn lại hiện nay (ông chỉ nhỏ tuổi hơn nhạc sĩ Xuân Tiên sinh năm 1921). Đan Thọ cùng thời với những nhạc sĩ Hoàng Trọng, Nhật Bằng, Hoàng Giác, Ngọc Bích, Canh Thân… Năm 1948, ông gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các tên tuổi khác như Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng…
Năm 1954, Đan Thọ di cư vào Nam và sáng tác một số ca khúc thể hiện nỗi nhớ về cố hương xa vời: Tình Quê Hương, Xa Quê Hương, Bóng Quê Xưa, mỗi bài hát đều thấm đẫm nỗi buồn chan chứa trong lòng người ra đi…
Nhạc sĩ Đan Thọ sáng tác rất ít, và lĩnh vực mà ông hoạt động sôi nổi nhất là nhạc công (violin, saxophone) tham gia trong các ban nhạc từ lúc còn ở Nam Định, Hà Nội, rồi sau đó là ở Sài Gòn. Cuối thập niên 1960, Đan Thọ gia nhập ban Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh và tiếp tục trình diễn tại nhiều phòng trà, vũ trường cho tới năm 1975.
Nhắc về ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Đan Thọ là Chiều Tím, một ca khúc được nhiều nơi ghi là phổ thơ Đinh Hùng và sáng tác thời tiền chiến. Tuy nhiên thông tin này chưa được chính xác.
Chiều Tím phảng phất nét nhạc của thời tiền chiến, giai điệu êm đềm và trữ tình, nhưng là ca khúc được nhạc sĩ sáng tác sau khi đã vào Sài Gòn vào thập niên 1950. Và ca khúc này không phải là phổ thơ Đinh Hùng, mà được nhạc sĩ Đan Thọ viết nhạc trước, sau đó mới đưa cho thi sĩ Đinh Hùng viết lời.
Theo một bài viết của tác giả là nhạc sĩ – thi sĩ Nguyễn Đình Toàn, nhạc sĩ Đan Thọ từng kể lại rằng trong một hôm ngồi cà phê tại quán La Pagode ở góc đường Tự Do, ông đã đưa bản nhạc vừa viết xong (nhưng chưa đặt lời) của mình cho 2 nhà thơ Đinh Hùng và Thanh Nam. Sau khi coi xong, Đinh Hùng nói: “moi biết chơi mandoline, để moi viết lời ca cho”. (moi, trong tiếng Pháp nghĩa là tôi).
Khi Đinh Hùng viết xong lời ca, ba người gặp lại nhau, Thanh Nam đề nghị đặt tên là Chiều Tím. Ca sĩ trình bày ca khúc này đầu tiên trên làn sóng phát thanh là danh ca Anh Ngọc.
Chiều tím chiều nhớ thương ai,
Người em tóc dài sầu trên phím đàn
Tình vương không gian
Mây bay quan san có hay?
Đàn nhớ từng cánh hoa bay,
vầng trăng viễn hoài, màu xanh ước thề,
dòng sông trôi đi lúc chia tay, còn nhớ chăng?
Ai nhớ mắt xanh năm nào
Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu
Kề hai mái đầu
Nhìn mây tím nhớ nhau.
Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn giùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao.
Từ đấy đàn nhớ thanh âm trùng dây vĩ cầm
Người xa vắng rồi chiều sang em ơi
Thương ai hoa rơi lá rơi
Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào
Tìm trong tiếng đàn mùi hương chưa phai
Ý giao hòa còn nhớ chăng?
Mây gió bốn phương giăng hàng
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng
Và em với chàng kề vai áo phấn hương
Chiều hỡi đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào
Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài gió viễn khơi…
Theo đánh giá chủ quan của người viết, ca khúc Chiều Tím sở hữu những đặc tính có thể xem là độc nhất vô nhị, khó tìm thấy ở những bài tình ca mang âm hưởng tiền chiến khác.
Lệ Thu hát trước 1975
Giai điệu trữ tình của bài hát đã kết hợp với những ca từ tuyệt tác của một thi nhân tài hoa bậc nhất của miền Nam. Với những bài nhạc phổ thơ thông thường khác, nhạc sĩ tìm thấy sự đồng cảm trong một bài thơ, rồi phổ nhạc cho những ca từ đã có sẵn đó. Hình thức này không thể tránh khỏi trường hợp bài thơ có những chữ không hợp nốt nhạc, nên bắt buộc nhạc sĩ phải sửa lại, hoặc dùng chữ khác, câu khác. Việc này vô tình phá vỡ cấu trúc và cả ý nghĩa của đoạn thơ/bài thơ gốc.
Riêng với Chiều Tím, dựa trên một nhạc bản có sẵn, thi sĩ Đinh Hùng thỏa sức nhảy múa ngôn ngữ trên giai điệu, và đó có thể xem là sự kết hợp hoàn hảo nhất giữa thi và nhạc, hòa quyện và thăng hoa.
Hiếm có một ca khúc nào viết về cuộc chia ly của người chinh nhân mà lại lãng mạn và nên thơ đến như vậy. Người trai khoác nếp chinh y và ra đi về miền biên ải. Trong một buổi chiều loan ánh tím, chàng nhìn mây nơi quan san chạnh nhớ về người em tóc dài với đôi mắt xanh biếc năm xưa.
Bài hát có những lời thương nhớ của người đi và kẻ ở được gửi đến cho nhau qua đường mây nẻo gió, qua trăng sao, và qua thanh âm của cây vĩ cầm năm cũ vẫn còn giao hòa trong tâm tưởng của cả 2 người, như là một sự thần giao cách cảm. Dù xa nhau vạn dặm, nhưng đôi người vẫn luôn hướng về nhau, nhìn thấy nhau, thậm chí là ngửi được mùi hương năm cũ vẫn chưa phai.
Tuấn Ngọc hát
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)