Trang chủ
Ca khúc “Chiều Hạ Vàng” và giọng hát Bảo Yến – Ký ức đã xa của một thế hệ
Những năm 80 của thế kỷ trước, sự xuất hiện của giọng ca Bảo Yến tựa như một cơn địa chấn trong làng nhạc. Trong từng ngóc ngách của khắp mọi miền Việt Nam, từ Trung, Nam Bắc, đâu đâu cũng nghe tiếng ca của cô văng vẳng.
Ai đã từng nghe Bảo Yến hát thì sẽ không ngạc nhiên tại sao giọng hát của cô lại có sức hút lớn như vậy. Đó quả thực là một giọng hát độc đáo, hiếm có khó tìm trong muôn vàn giọng hát một màu của âm nhạc Việt. Tiếc rằng nhiệt huyết cống hiến cho sân khấu âm nhạc của Bảo Yến đã sớm lụi tàn chỉ sau gần 10 năm hoạt động âm nhạc. Sự trở lại của Bảo Yến sau này cũng chỉ ở mức cầm chừng và mang tính chất giao lưu nhiều hơn.
Nhưng dù bặt tăm rất nhiều năm trong âm nhạc, trong lòng những người hâm mộ, cái tên Bảo Yến vẫn thấp thoáng đâu đó như một tượng đài không thể thay thế. Bảo Yến có lối hát bolero rất đặc trưng nghiêng về kiểu giọng Trung Bộ, với quãng giọng vang rộng tự nhiên, sắc nét, khoan thai nhưng không kém phần mùi mẫn, da diết, ngọt ngào.
Nhắc đến Bảo Yến, không thể không nhắc đến nhạc phẩm Chiều Hạ Vàng. Ca khúc được viết bởi một nhạc sĩ không mấy tên tuổi, không có nhiều sáng tác nhưng như một mối duyên, lại bất ngờ được tiếng hát Bảo Yến đưa đi rất xa, có lẽ vượt xa cả kỳ vọng của chính tác giả là nhạc sĩ Nguyễn Bá Nghiêm.
Bảo Yến hát Chiều Hạ Vàng
Em hát đi
Ru mây hạ về
Hạ trắng lang thang miên man tình buồn
Dòng sông này lá hát trên cây
Mây trôi trôi chim ngủ đồi nhớ
Những giai điệu buồn vương man mác đưa người nghe chìm sâu trong dòng tâm sự của những buổi chiều mùa hạ. Không biết đã bao nhiêu mùa hạ đến rồi lại đi theo vòng quay của thời gian, chỉ biết rằng cứ mỗi khi hạ về lại có người đứng bên “dòng sông” vắng, để mặc cho dòng tâm trạng lang thang chìm trôi vào miền nhớ. Trong chúng ta, hẳn ai cũng có những mối tình mùa hạ tươi trẻ, nồng say, chói chang, rực rỡ. Những mối tình ấy như những đặc ân mà tạo hoá dành riêng cho tuổi trẻ, để rồi khi đến một độ tuổi nào đó, ngồi nhìn lại những mùa hạ cũ, sẽ không tránh khỏi cảm giác bâng khuâng, hoài nhớ:
Em hát đi
Lênh đênh giọt buồn
Hoài mãi trong ta bơ vơ chiều về
Dòng sông này nhớ mãi em ca
Nhìn hạ về cây lá rưng buồn
Em hát đi
Ru ngủ giấc chiều nay
Mây bay bay mơ tiếng ca trên đồi
Chiều hạ về nhớ áng mây trôi
Lá trên cây hong con nắng mơ màng
Ai đó đã nói rằng, nếu như thanh xuân là một cơn mưa rào thì cho dù có bị cảm vẫn muốn quay lại để được ướt thêm một lần nữa. Bởi những dấu ấn về nó sẽ luôn “hoài mãi trong ta”, sẽ mãi là những khúc ca tươi đẹp nhất trong đời người.
“Em hát đi.. Em hát đi… Em hát đi”, những ca từ lặp đi lặp lại khắc khoải, rưng rưng như một sự khẩn nài, nguyện xin được trở lại những ngày xưa để lại được nghe giọng hát em, để được sống lại những mùa hạ xưa cũ, để tắm mát thanh xuân và để xua đi những miên man tình buồn, những lênh đênh, bơ vơ vọng sâu trong tâm hồn. Nhưng làm gì có ai đảo ngược được thời gian, làm gì có cỗ máy thần kỳ nào đưa được người về quá khứ nên chỉ đành xin một giấc mơ để nghe lại “tiếng ca trên đồi”, để “lá trên cây” được hong chút ấm áp dù gì bằng “con nắng mơ màng”.
Ta lắng nghe ngu ngơ hạ về
Hạ trắng bơ vơ ru em lời buồn
Chiều mây vàng nhớ tiếng em ca
Mây lang thang trong nắng hanh vàng
Chiều Hạ Vàng rõ ràng là một tình khúc. Nhưng xuyên suốt ca khúc, chẳng có câu chuyện tình nào được kể, không trùng phùng cũng chẳng có chia ly, những cao trào xúc động lại càng không có. Toàn bộ ca khúc chỉ như một khúc tâm tình, sẻ chia dòng tâm trạng hoài nhớ mênh mang về những mùa hạ xa xưa trong ký ức của nhân vật trữ tình. Và cái sự miên man, bồi hồi, nhớ thương da diết đó đã được ca sĩ Bảo Yến khắc hoạ sắc nét bằng giọng hát trầm sâu mà như nức nở của mình.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn