Trang chủ
Ca khúc “Buồn Trong Kỷ Niệm” – Lời tiên định chính xác về cuộc đời của nhạc sĩ Trúc Phương
Nỗi buồn trong âm nhạc là một đề tài muôn thuở. Trong nhạc vàng, những ca khúc buồn về tình yêu luôn nhận được rất nhiều sự đồng cảm của công chúng nghe nhạc, có lẽ là vì không phải ai cũng may mắn được trọn vẹn thủy chung với mối tình của mình. Nỗi đau, nỗi hận, nỗi buồn trong tình yêu như là một khía cạnh cuộc đời, mà hầu như ai mới bước vào yêu cũng phải sẵn sàng đón nhận lấy.
Có lẽ với sự đào hoa, đa tình, đa cảm thường thấy của người nghệ sĩ, các nhạc sĩ nhạc vàng dường như gặp hoàn cảnh thất tình (hoặc buồn tình) rất nhiều. Với sự nhạy cảm vốn có, mỗi lần gặp chuyện buồn như vậy thì lại có một nhạc phẩm để đời được ra mắt.
Tuy nhiên cũng có những ca khúc viết về tình yêu tan vỡ được sáng tác khi người nhạc sĩ đang say sưa hạnh phúc. Sự tan vỡ (nếu có) chỉ đến ở trong tương lai sau này. Lúc đó bài hát sẽ như là sự tiên đoán về một kết cuộc buồn trong tình yêu của người nhạc sĩ. Đó là trường hợp của bài hát Buồn Trong Kỷ Niệm – một sáng tác bất hủ của nhạc sĩ Trúc Phương.
Nhạc sĩ Trúc Phương được xưng tụng là “ông hoàng nhạc bolero”, nhưng không có nghĩa là ông chỉ sáng tác nhạc điệu bolero, và bài Buồn Trong Kỷ Niệm có thể xem là một trong những bài hát giai điệu slow hay nhất trong dòng nhạc miền Nam trước 1975.
Cách đây không lâu, khi được tiếp chuyện với nhạc sĩ Tuấn Khanh (tác giả bài Chiếc Lá Cuối Cùng), ông đã nói với tôi về hiện tượng “bài hát vận vào cuộc đời của tác giả” như sau: “Phải chăng vì các nhạc sĩ như Lam Phương, Trúc Phương viết nhạc quá buồn nên cuộc đời của họ cũng buồn như bài hát vậy”.
Cũng có ý kiến nói rằng vốn dĩ cuộc đời của Trúc Phương đã buồn rồi, và ông chỉ viết nhạc dựa trên hoàn cảnh buồn đó của mình. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng, ít nhất là với bài hát Buồn Trong Kỷ Niệm – một bài hát nói về nỗi đau chia ly, tan vỡ, được tác giả sáng tác ngay vào lúc ông đang đắm chìm trong hạnh phúc ngất ngây khi mới lấy vợ, và vừa có đứa con gái đầu lòng.
Chính nhạc sĩ Trúc Phương đã tâm sự trong một đoạn phỏng vấn:
“Bài “Buồn Trong Kỷ Niệm” được tôi sáng tác trong lúc vô cùng hạnh phúc, bởi lúc đó mới lấy vợ có đứa con đầu tiên, lúc đó đứa con gái mới có 2 tháng mấy, 3 tháng. Tôi đang ngụp lặn trong hạnh phúc. Còn việc tôi viết bài đó thì không hiểu vì sao tôi viết.
Tôi nghĩ là sau này, cái bài đó tiên tri cho mối tình của tôi. Tức là nó báo cho tôi rằng sẽ có một cái ngày mà tôi nhìn về kỷ niệm, về cái nỗi buồn kia. Thật ra thì lúc đó tôi rất hạnh phúc. Tôi cảm ơn các tác phẩm, đã cho tôi những ngày biết trước cuộc đời tôi như thế, mà phần lớn tác phẩm đều có như thế, ngoài “Buồn Trong Kỷ Niệm” ra, còn một số tác phẩm khác”
Qua lời tâm sự này, nhạc sĩ Trúc Phương đã trực tiếp xác nhận rằng ca khúc Buồn Trong Kỷ Niệm như là một lời dự cảm cho cuộc hôn nhân buồn của ông sau đó. Phải chăng với sự nhạy cảm đặc biệt của một người nghệ sĩ, ông đã tiên đoán được vận mệnh trong tương lai của mình, hoặc là có thể đúng như nhạc sĩ Tuấn Khanh đã nói: Cái buồn trong nhạc đã vô tình vận vào chính cuộc đời của người sáng tác.
Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn
Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ
Có đau chỉ thế tiếc thương chỉ thế
Khi hai mơ ước không chung cùng vui lối về
Mình vào đời nhau lúc môi còn non tuổi mộng vừa tròn
Hương thơm làn tóc nước mắt chưa lần khóc
Đến nay thì đã đắng cay nhiều quá
Thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay
Bao năm qua rồi còn gối chiếc
Nghe lòng nhiều nuối tiếc
Thương nhau rồi
Xa nhau rồi
Một lần dang dở ấy
Đêm lạnh vui với ai?
Nụ cười ngày xưa chết trên bờ môi héo mòn tuổi đời
Đi thêm một bước trót nhớ thêm một bước
Nếu ta còn nhớ mắt môi người cũ
Xin mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em!
Nữ danh ca Thanh Thúy là người trình bày thành công nhất nhạc phẩm Buồn Trong Kỷ Niệm, cả trước và sau năm 1975, có lẽ vì vậy mà mặc dù là bài hát rất nổi tiếng nhưng ít có ca sĩ khác hát lại. Có thể nói Buồn Trong Kỷ Niệm dường như là chỉ sáng tác riêng cho giọng hát Thanh Thúy, với những nốt luyến láy mà chỉ có Thanh Thúy mới diễn tả một cách trọn vẹn. Đặc biệt, cách luyến chữ đặc trưng, không giống ai của “tiếng hát liêu trai” được phát huy tối đa trong bài hát này:
Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn
Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ
Có đau chỉ thế tiếc thương chỉ thế
Khi hai mơ ước không chung cùng vui lối về…
Thanh Thúy hát trước 1975
Mở đầu bài hát là lời nhắc nhủ của tác giả. Khi yêu, người ta đắm chìm trong niềm vui, nhưng đâu biết rằng có thể sẽ gặp thêm nỗi buồn gấp cả trăm lần nỗi vui. Đôi khi vì những lầm lỡ mà đánh mất nhau.
Ở đoạn sau, chúng ta cùng nghe Trúc Phương kể chuyện tình của ông:
Mình vào đời nhau lúc môi còn non tuổi mộng vừa tròn
Hương thơm làn tóc nước mắt chưa lần khóc
Có thể nói đây là một chuyện tình đẹp như mơ. Bởi vì ngay cả những đôi uyên ương tâm đầu ý hợp nhất, tâm đắc cùng nhau nhất, cũng phải có đôi lần vì nhau mà rơi giọt nước mắt giận hờn. Nhưng trong bài hát này thì không như vậy: “Hương thơm làn tóc nước mắt chưa lần khóc”.
Câu hát này cho ta thấy cách sử dụng ca từ rất tài tình của tác giả. Cùng là nhạc buồn tình yêu như nhau, nhưng nhạc của Trúc Phương không hề bình dân với ca từ dễ dãi như nhiều nhạc sĩ khác, ngược lại nó đẹp như những câu thơ.
Ngày vui rồi cũng trôi qua nhanh, đến lúc Trúc Phương dự cảm về chuyện tình “đắng cay”:
Đến nay thì đã đắng cay nhiều quá
Thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay…
Bao năm qua rồi còn gối chiếc
Nghe lòng nhiều nuối tiếc
Thương nhau rồi
Xa nhau rồi
Một lần dang dở ấy
Đêm lạnh vui với ai?
Nhiều năm sẽ trôi qua, rồi có ngày nhân vật trong bài hát sẽ ngồi nuối tiếc lại những ngày thương nhau rồi lại xa nhau. Đó là lời sự chính xác của tác giả về tương lai của ông:
Nụ cười ngày xưa chế t trên bờ môi héo mòn tuổi đời
Đi thêm một bước trót nhớ thêm một bước
Nếu ta còn nhớ mắt môi người cũ
Xin mang theo tiếng yêu khi gọi anh với em!
Thanh Thúy hát Buồn Trong Kỷ Niệm sau 1975
Hình tượng “nụ cười chêt trên bờ môi” lại là một cách dụng chữ độc đáo mà không phải nhạc sĩ nào cũng có được. Những ngôn từ như vậy trong âm nhạc đã xác lập sự khác biệt của những nhạc sĩ tài năng. Nụ cười đã được nhân cách hóa để “chết trên bờ môi” là cách ẩn dụ về một cuộc tình dần trở nên u tối, thiếu vắng nụ cười, cuộc đời trở thành héo hon. Chúng ta cũng từng thấy sự ẩn dụ về “bờ môi” tương tự trong các bài hát nổi tiếng khác của nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng:
…lời thương tiếc xa xôi chìm trong mắt trên môi một người… (Đôi Bóng)
…tiếc thay rằng thời gian không ngủ trên môi… (Nếu Anh Đừng Hẹn)
Ở kết thúc của bài hát là sự luyến tiếc khôn nguôi và lời nhắn nhủ với người tình xa: Nếu còn nhớ chút gì về nhau thì hãy còn lưu giữ lại một chút gì của thương yêu ngày nào.
Như lời của chính nhạc sĩ Trúc Phương đã nói, định mệnh đã khiến cho ông sáng tác được nhiều bài hát là những lời tiên định về cuộc sống buồn bã vào cuối đời của ông. Không chỉ là Buồn Trong Kỷ Niệm, mà còn có Thói Đời, Nửa Đêm Ngoài Phố, Mưa Nửa Đêm…
Cho dù cuộc sống có buồn tủi như thế nào đi nữa, nhưng nhạc sĩ Trúc Phương nói rằng chỉ cần những tác phẩm của ông luôn được nhiều thế hệ yêu mến, đó là một niềm vui và niềm an ủi lớn của ông trước lúc ra đi từ giã cõi đời.
Bài: Trần Tuệ Minh Hiếu – Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn