Trang chủ
Ca khúc “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” – Tuyệt phẩm phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy
Năm 1949, tại Thanh Hóa, từ nỗi đau đớn vô cùng vì mất đi người vợ yêu thương, nhà thơ Hữu Loan sáng tác một bài thơ mang tên Màu Tím Hoa Sim. Khi đó ông làm thơ là để cho riêng mình, cho nỗi đau không thể diễn tả bằng lời, và có lẽ là lúc đó ông cũng không thể ngờ được rằng tác phẩm của mình lại có sức sống bền bỉ đến như vậy. Đã hơn 70 năm qua, câu chuyện buồn về một đồi tím hoa sim vẫn được hàng triệu người nhớ đến qua những tác phẩm âm nhạc bất hủ.
Dù ở nơi mà bài thơ được sáng tác, bài thơ bị coi là thứ văn chương ủy mị, tác giả đã bị kết tội và bị kỷ luật, nhưng những câu thơ lay động lòng người đó vẫn được truyền đi rộng rãi trong công chúng bằng những bản chép tay, vào đến tận miền Nam, rồi sau đó được hàng loạt nhạc sĩ phổ nhạc, tiêu biểu là nhạc sĩ Dzũng Chinh với ca khúc mang tên Những Đồi Hoa Sim, rồi sau đó là các nhạc sĩ Song Ngọc, Duy Khánh, Anh Bằng…
Phương Dung hát Những Đồi Hoa Sim trước 1975
Tuy nhiên bài hát nổi tiếng nhất và bám sát theo lời gốc của bài thơ nhất có lẽ là ca khúc Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà.
Nhạc sĩ Phạm Duy, người từng gặp thi sĩ Hữu Loan trong chiến khu từ cuối thập niên 1940, đã bắt đầu phổ nhạc cho bài thơ Màu Tím Hoa Sim ngay từ khi nó vừa được sáng tác, nhưng phải đến năm 1971 thì bài hát Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà mới được hoàn thành, rồi được danh ca Thái Thanh hát lần đầu trong băng Shotguns số 25 của nhạc sĩ Ngọc Chánh, ngay sau đó lại được Elvis Phương hát lại trong băng Shotguns số 26.
Thái Thanh hát Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà trước 1975
Tổng cộng, có ít nhất 5 bài hát đã phổ từ bài thơ Màu Tím Hoa Sim, ngoài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà còn có Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh, sau đó là 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Duy Khánh cũng phổ thành 2 bài nhạc có cùng tên với bài thơ là Màu Tím Hoa Sim, đến thập niên 1990 còn có bài Chuyện Hoa Sim của nhạc sĩ Anh Bằng.
Hai bài hát của nhạc sĩ Dzũng Chinh và Anh Bằng chỉ mượn ý thơ, mượn nội dung câu chuyện để viết nhạc, và đã đạt được thành công lớn, được yêu thích cho đến ngày nay.
Tuy nhiên với 2 bài hát cùng mang tên Màu Tím Hoa Sim của 2 nhạc sĩ Song Ngọc và Duy Khánh thì dường như là đã bị quên lãng, ít có người biết đến, có lẽ là vì 2 bài hát này đã cố gắng bám sát theo bài thơ của Hữu Loan, nhưng lời thơ gốc lại thuộc thể tự do, nếu giữ nguyên câu để đưa vào nhạc thì sẽ bị khống chế rất nhiều về luật vần, vì vậy bài hát không được thanh thoát, với âm điệu không được tự do.
Hoàng Oanh hát Màu Tím Hoa Sim của Duy Khánh phổ nhạc
Còn với bài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, nhạc sĩ Phạm Duy cũng vẫn giữ lại hầu hết câu chữ của bài thơ gốc, và bài hát vẫn rất hay, trở thành bất tử qua thời gian tròn nửa thế kỷ.
Cùng một lời thơ giống nhau, nhưng bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy không đơn điệu về tiết tấu như 2 bài trên, mà lúc thì trầm lắng ưu tư, lúc thì sôi nổi nhịp khúc quân hành, có lúc lên đến cao trào rồi chợt lắng xuống thật nhẹ nhàng. Trong tất cả những bài hát phổ từ thơ Màu Tím Hoa Sim, chỉ có bài của nhạc sĩ Phạm Duy là lột tả được tính chất bi hùng của câu chuyện.
Không giống như những bài nhạc đại chúng thường sáng tác theo cấu trúc 4 đoạn phổ biến là AABA, ca khúc Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà có tới 7 đoạn, trong đó có 6 đoạn hoàn toàn khác nhau, chỉ có đoạn thứ 6 là lặp lại với đoạn 1:
Nàng có ba người anh đi quân đội lâu rồi
Nàng có đôi người em có em chưa biết nói
và:
Nàng có ba người anh đi quân đội lâu rồi
Nàng có đôi người em, những em thơ sẽ lớn
Ở đây xin nói rõ thêm về chữ “quân đội” trong câu hát này. Nguyên bản trong lời thơ của Hữu Loan thì chữ này là “bộ đội”, như đúng trong hoàn cảnh thực sự hồi năm 1949, và khi Thái Thanh hát Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà lần đầu, bà cũng hát là “bộ đội”. Tuy nhiên sau đó có lẽ vì thấy chữ này quá nhạy cảm nên nhạc sĩ Phạm Duy đổi thành “quân đội” để Elvis Phương hát, và trong tờ nhạc phát hành chính thức, ông cũng đổi thành “quân đội”.
Đoạn 1 của bài hát có âm điệu nhẹ nhàng, thong thả, dẫn dắt người nghe đi vào câu chuyện:
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh…
Tôi là người ᴄhιến binh xa gia đình đi kháng ᴄhιến
Tôi yêu nàng như yêu người em gái tôi yêu
Người em gái tôi yêu, người em gái tôi yêu.
“…người em gái tôi yêu” được nhạc sĩ cho lặp lại đến 3 lần, như là để nhấn mạnh chuyện tình cảm, và cũng là để chuyển âm làm cho bài hát được mượt mà hơn để qua đoạn tiếp theo:
Ngày hợp hôn tôi mặc đồ hành quân
Bùn đồng quê bết đôi giầy ᴄhιến sĩ
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Nàng cười vui bên anh chồng “kỳ khôi”
Thời loạn ly có ai cần áo cưới?
Từ âm giai thứ ở cuối đoạn 1, sang đoạn 2 được chuyển thành âm trưởng, làm cho đoạn nhạc mang không khí rộn rã của một đám cưới nhà binh. Cô dâu cười vui hạnh phúc bên anh chồng kỳ khôi mặc quân phục làm lễ cưới, bởi vì thời loạn ly thiếu thốn đủ bề, nên cũng không cần quá trịnh trọng, mà quan trọng nhất là chỉ cần lấy được người mình yêu thương.
Điệu nhạc đang nhanh và rộn rã thì dần chuyển sang chầm chậm, ngậm ngùi:
Cưới vừa xong là tôi đi
Cưới vừa xong là tôi đi…
Âm giai từ trưởng lại chuyển về thứ, để đánh thức trở lại một thực tế phũ phàng: Người rồi cũng phải xa nhau, thấm thía cảnh biệt ly trong thời loạn.
Chồng ra đi vì nước, nhưng lúc nào cũng nhớ về người vợ bé bỏng, không hề lo cho sự an nguy của bản thân, mà chỉ ái ngại khi nghĩ về tâm trạng của người vợ hiền nếu lỡ không may mình vĩnh viễn không thể trở về:
Từ chốn xa xôi nhớ về ái ngại
Lấy chồng chiến binh mấy người trở lại?
Mà nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ, bé bỏng chiều quê.
Đoạn này được hát thật nhẹ nhàng như là ngâm thơ, thể hiện nỗi buồn man mác, âu lo của người chiến sĩ. Từ sự trầm lắng đó, đoạn nhạc đột nhiên chuyển sang hùng hồn, đúng hơn thì đó là sự bi hùng, vì không thể ngờ rằng nỗi âu lo thường trực trước đó của người chồng cũng chính là niềm dự cảm buồn cho một nỗi đau ập tới bất ngờ:
Nhưng không ᴄhêt người trai ᴄhiến sĩ
Mà ᴄhêt người gái nhỏ miền xuôi…
Hai câu hát được lặp lại đến 3 lần, thể hiện nỗi đau thương đến tận cùng, kết thúc bằng lời cảm thán: Hỡi ôi, hỡi ôi…
Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ vàng
Chiếc bình hoa ngày cưới
Đã thành chiếc bình hương
Nhớ xưa em hiền hoà
Áo anh em viền tà
Nhớ người yêu mầu tím
Nhớ người yêu mầu sim!
Giờ phút lìa đời
Chẳng được nói một lời
Chẳng được ngó mặt người!
Đến đây, bài hát được chuyển sang điệu valse nhẹ nhàng, man mác, nhưng cũng thật ám ảnh: chiếc bình hoa ngày cưới nay đã thành chiếc bình hương. Không thể có hình ảnh nào đau đớn hơn như vậy nữa khi nói về tâm trạng của một người chồng, chẳng thể gặp được vợ thời khắc phải vĩnh viễn lìa xa, chẳng được nói một lời, chẳng được ngó mặt người…
Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi
Nàng có đôi người em, những em thơ sẽ lớn
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh
Ôi một chiều mưa rừng nơi chiến trường Đông Bắc
Ba người anh được tin người em gái thương đau
Và tin dữ đi mau, rồi tin cưới đi sau.
Đoạn thứ 6 quay về như đoạn 1, là sự kể lể, tâm tình, nhưng lần này niềm tâm sự đầy ai oán. Tóc nàng thì vẫn còn xanh, còn rất xanh, nhưng rồi phải dừng lại vĩnh viễn ở tuổi 17. Đó là câu chuyện đời thực của thi sĩ Hữu Loan, vợ của ông là Lê Đỗ Thị Ninh qua đời khi tuổi còn rất trẻ. Thời đó thông tin liên lạc còn hạn chế, nên 3 người anh ở nơi xa nghe được tin em gái mất trước khi nghe tin em gái lấy chồng hoàn toàn là câu chuyện có thực.
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt…
Rồi mùa Thu trên những dòng sông
Những dòng sông, những dòng sông làn gió Thu sang
Gió rờn rợn trên mộ vàng
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đoàn quân, những đoàn quân và tiếng quân ca
Có lời nào ru ời ời…
Rồi người ᴄhιến sĩ tiếp tục bước đường của mình, nỗi đau buồn đến tận cùng đó cũng không làm người chùng chân mà bỏ dở dang nhiệm vụ của mình. Nhưng rồi trên những bước đường hành quân, một lần ngang qua đồi sim, lòng người lại chùng xuống, nghe như trong tiếng hát quân ca hùng tráng lại có một nỗi ngậm ngùi, đau đớn, như là có lời ru hời vang vọng từ phía chân mây:
À ơi, à ơi…
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim…
Năm 1993, ca sĩ Elvis Phương có hát lại trên chương trình Thúy Nga Paris By Night 19, và đây có thể xem là bản thu âm hay nhất, đậm chất bi hùng nhất của bài hát. Người hòa âm cho bài hát này chính là cố nghệ sĩ đa tài Chí Tài:
Elvis Phương hát Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà năm 1993
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn