Trang chủ
“Bức Họa Đồng Quê” của nhạc sĩ Văn Phụng – Bức tranh thanh bình tươi đẹp của đồng quê một thuở
Trời xanh xanh bao la mây trắng trắng trắng xóa
Tia nắng tưng bừng chiếu trên đồng lúa vàng
Ðàn chim, chim chim non đang ríu ríu rít hót
Tung cánh bay nhẹ lướt trên cành la đà
hợp ca các danh ca hát Bức Họa Đồng Quê tại hải ngoại
Bài hát Bức Họa Đồng Quê của nhạc sĩ Văn Phụng có nhịp điệu rộn rã tươi vui, là một bức họa đầy màu sắc và rộn rã âm thanh sinh động của bức tranh đồng quê thanh bình: “Trời xanh xanh bao la” – “mây trời trắng trắng xóa”. Trước cảnh đẹp trời mây bao la, tâm hồn người thưởng ngoạn được hòa nhịp với cảnh sắc thiên nhiên bình yên. Đây có thể xem là 1 trong những bài hát rộn ràng nhất cả về lời hát lẫn giai điệu của tân nhạc Việt Nam thời kỳ thập niên 1950.
Dừng chân trước cảnh đẹp của đồng quê, du khách thấy lòng hân hoan theo tia nắng tưng bừng trên đồng lúa chín vàng, màu nắng reo vui theo gió lả lướt trên màu lúa chín hứa hẹn ngày được mùa khắp nơi nơi dân làng ấm no. Tiếng ríu rít của đàn chim non gợi nên khúc hát yêu đời như lời hoan ca nhộn nhịp đầy sức sống dâng tràn.
Từ xa xa xa xa nghe thoáng thoáng tiếng hát
Thôn nữ bên đồng lúa ca lời mơ màng
Tình tang tang tang tang tang tính tính tính tính
Du khách nâng nhẹ phím buông nhẹ tơ vàng
Thoáng nghe tiếng hát của thôn nữ bên đồng lúa, lời ca mơ màng bay xa tỏa hương hoa nội đồng gió ngàn mang theo thả xuống xanh bờ đê cỏ biếc. Lời ca đó mộc mạc như lũy tre hiền lành và trữ tình như lời ca dao thấm đẫm hồn quê, cho thi vị thêm bức họa đồng quê và làm du khách dừng chân xao xuyến, ngẩn ngơ.
Du khách yêu đời theo điệu tình tang của khúc đồng dao tuyệt vời, rồi “nâng nhẹ phím buông nhẹ tơ vàng”, thơm hương mùi lúa chín ngọt ngào khúc hát tụng ca quê hương tươi đẹp. Nhẹ nâng và nhẹ buông phím tơ vàng như sợ cảm xúc của nghệ sĩ trước tiếng hát của thôn nữ sẽ bay đi, như muốn nâng niu từng nét đẹp của đồng quê lên phím đàn thành khúc ca ngày mùa óng ả tơ vàng.
Hỡi nắng hãy sáng lên để ngàn hoa tươi thắm hơn
Hỡi gió hãy cuốn lên để đồng xanh tươi mát hơn
Thôn quê hân hoan mừng ngày mùa sang,
Người người hò vang, đàn hòa tình tang, nhịp nhàng vẳng xa
Hò lơ ho lơ, hò…
Ơi anh em ơi còn gì đẹp tươi
Còn gì mừng vui bằng ngày mùa mới gặt về thảnh thơi.
Ánh Tuyết hát Bức Họa Đồng Quê
Khúc ngợi ca ngày mùa cháy bỏng niềm tin yêu: “Hỡi nắng hãy sáng lên để ngàn hoa tươi thắm hơn – Hỡi gió hãy cuốn lên để đồng xanh tươi mát thêm” làm cho người nghe nhạc lòng phấn chấn hoan ca theo ngàn hoa tươi thắm và gió lộng bát ngát đồng xanh.
Tác giả của bức họa đồng quê tuyệt vời này đã đưa chúng ta đến cảnh quan tươi đẹp của thôn quê ngày mừng mùa lúa mới gặt về. Sau bao ngày dầm mưa dãi nắng ngoài đồng, đến mùa gặt lúa lên là những ngày vui mừng của dân làng, quanh năm suốt tháng lam lũ chỉ trông đến ngày gánh lúa về nhà. Mùa gặt lúa là mùa phấn khởi yêu đời nhất của nông dân, nên người nghe nhạc sẻ chia đồng cảm được câu hát: “Ơi anh em ơi còn gì đẹp tươi” và mừng vui bằng ngày mùa lúa mới gặt về.
Chàng trai vui câu ca thôn nữ cất tiếng hát
Em bé nô đùa rỡn luôn miệng tươi cười
Ðồng quê hôm nay vui, vui với thóc lúa mới
Cho bõ công cày cấy bao ngày mong chờ
Niềm vui hạnh phúc mộc mạc của dân quê là khi ngô khoai thóc lúa đã tràn trề đầy bồ, họ mới được vui vẻ sống thảnh thơi. Ngày gặt lúa mới lên vui tươi như những ngày Tết vì họ đã gặt hát thành quả suốt cả năm lao độc nhọc nhằn. “Chàng trai vui câu ca thôn nữ cất tiếng hát – Em bé nô đùa rỡn luôn miệng tươi cười” là hình ảnh sống động mừng vui hạnh phúc của bức tranh đồng quê.
Công lao cày cấy vun trồng của dân quê, bao ngày chân lấm ruộng bún là bấy ngày chờ mong cho bông lúa đầu tiên trổ ngoài đồng, để được đến ngày:“đồng quê hôm nay vui, vui với thóc lúa mới”. Niềm vui ngày mùa lúa mới gặt là niềm vui không còn gì bằng, của những người nông dân quanh năm suốt tháng sống nhờ hạt lúa củ khoai trên ruộng đồng nghèo khó thân yêu.
Chàng trai xay xay xay thôn nữ giã giã giã
Em bé đưa miệng cắn đôi hạt lúa vàng
Vầng trăng nhô lên cao soi sáng khắp lối xóm
Ai nấy vui làm với muôn ngàn câu hò
Ngày mùa gặt lúa mới lên, thôn nữ giã gạo dưới đêm trăng và chàng trai say theo hương lúa mới, hay mùi bồ kết từ mái tóc của người em gái miền quê quyện với ánh trăng quê mơ màng.
“Em bé đưa miệng cắn đôi hạt lúa vàng” là hình ảnh ấm no và thanh bình được tượng hình vào câu nhạc thật đẹp, cho người nghe nhạc lâng lâng theo niềm vui ngày mùa ở miền thôn dã hiền lành. Thanh cảnh đồng quê đêm trăng thanh gió mát, trai gái thay nhau giã gạo không thấy mệt, vì ai nấy cùng vui vẻ theo niềm vui của ngày mùa, say sưa với câu hò tiếng hát đối đáp nhau suốt đêm thâu.
Bài hát Bức Họa Đồng Quê của nhạc sĩ Văn Phụng ra đời vào thập niên 1950, trong thời điểm đồng bào đang cùng nhau phấn khởi xây dựng cuộc đời mới, trên vùng đất mới đẹp tươi. Có rất nhiều ca khúc ca ngợi đồng quê thanh bình được ra đời trong thời điểm này, nổi tiếng nhất là Trăng Thanh Bình, Khúc Ca Ngày Mùa của nhạc sĩ Lam Phương, Trăng Về Thôn Dã của Hoài An – Hồ Đình Phương, Lối Về Xóm Nhỏ của Trịnh Hưng, Gạo Trắng Trăng Thanh của Hoàng Thi Thơ, Bóng Người Cùng Thôn của Y Vân, Đường Về Hai Thôn, Bến Duyên Lành của Phạm Thế Mỹ… và Bức Họa Đồng Quê của nhạc sĩ Văn Phụng.
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn