Trang chủ
Bài hát “Những Đồi Hoa Sim” (Nhạc sĩ Dzũng Chinh – Ca sĩ Phương Dung) và dĩa nhựa ăn khách nhất trước 1975
Thập niên 1960 tại Sài Gòn là thời kỳ hoàng kim của thể loại dĩa nhựa với rất nhiều hãng dĩa nổi tiếng: Hãng Dĩa Việt Nam, Continental, Trường Sơn, Vô Tuyến, Sơn Ca, Dư Âm, Thiên Thai, và nổi tiếng nhất có lẽ là hãng Asia Sóng Nhạc của ông Nguyễn Tất Oanh, quy tụ và độc quyền các ca sĩ nổi tiếng nhất thời đó.
Riêng với hãng thu thanh Asia Sóng Nhạc, dĩa nhựa nổi tiếng nhất và bán chạy nhất của hãng này chính là dĩa hát có mã hiệu S.N. 739/2092, vì nhờ có bài hát Những Đồi Hoa Sim (nhạc sĩ Dzũng Chinh) với phần trình bày của ca sĩ Phương Dung. 3 bài hát còn lại trong dĩa nhạc 45 vòng này là Tình Đêm Phố Cũ (Thanh Thúy ca), Đêm Nay Ai Đưa Em Về (Lệ Thanh ca) và Sang Ngang (Phương Dung ca).
Gần đây, trong một lần hát ở phòng trà WE ở Sài Gòn, ca sĩ Phương Dung có kể lại rằng thời đó, vì nhờ có Những Đồi Hoa Sim của Phương Dung mà dĩa hát này đã đạt được doanh số kỷ lục, nên ông Nguyễn Tất Oanh – chủ hãng dĩa Asia Sóng Nhạc – ngoài việc trả thù lao cố định thì đã thưởng thêm cho Phương Dung một chiếc xe hơi, nhưng cô đã từ chối vì còn nhỏ tuổi, chưa biết lái xe.
Phương Dung hát Những Đồi Hoa Sim trước 1975
Khi người viết bài này gặp cô Hồng, là con gái của ông Nguyễn Tất Oanh, cô cho biết đây là dĩa hát bán chạy nhất trong lịch sử của Sóng Nhạc. Là người trực tiếp tham gia quá trình sản xuất dĩa nhựa, cô Hồng nói rằng tất cả các máy ép dĩa của hãng phải cùng hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm chỉ để in duy nhất 1 dĩa này. Điều đó có nghĩa là tạm ngưng tất cả các dĩa hát khác chỉ để tập trung cho dĩa hát có bài Những Đồi Hoa Sim.
Dĩa hát này được người nghe nhạc tìm mua nhiều đến nỗi các đại lý liên tục đến trụ sở Sóng Nhạc để yêu cầu số lượng lớn, lấy về được càng nhiều dĩa càng tốt. Vì không thể sản xuất kịp nhu cầu quá lớn đó nên ông chủ Sóng Nhạc phải “giấu” bớt để có thể chia đều cho các đại lý, bởi vì nếu chia số lượng không đồng đều thì sẽ bị phân bì.
Đó có lẽ là lần duy nhất mà hãng sản xuất dĩa phải giấu bớt đề không bán quá nhiều cho 1 đại lý. Điều này cho thấy độ hot của Những Đồi Hoa Sim thời điểm đó.
Bài hát Những Đồi Hoa Sim (phổ thơ Hữu Loan) là sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ bạc mệnh Dzũng Chinh, người đã qua đời khi mới 28 tuổi. Là một quân nhân quanh năm trên trận địa, ông sáng tác không nhiều, nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc vàng bằng những ca khúc bất hủ và có được nét rất riêng, ngoài Những Đồi Hoa Sim còn có các ca khúc Tha La Xóm Đạo (phổ thơ Vũ Anh Khanh), Lời Tạ Từ và Đêm Dài Chưa Muốn Sáng.
Đã hơn nửa thế kỷ kể từ lúc nhạc sĩ Dzũng Chinh không còn trên cõi thế, nhưng những tác phẩm của ông thì vẫn mãi, và sẽ sống mãi cùng thời gian.
Đôi điều về hãng dĩa Sóng Nhạc:
Hãng dĩa Asia Sóng Nhạc nguyên là một hãng sản xuất dĩa đá được thành lập từ năm 1939 mang tên là Asia. Sau đó Asia còn có thêm nhãn hiệu Việt Thanh, chủ yếu là thu âm, phát hành cổ nhạc trong dĩa hát 78 vòng. Từ cuối thập niên 1950, hãng Asia lập thêm nhãn hiệu là Sóng Nhạc để phát hành tân nhạc, bắt đầu sản xuất dĩa nhựa (vinyl) 45 vòng, 33 vòng, trở thành hãng dĩa nổi tiếng nhất Sài Gòn thập niên 1960.
Mặc dù tên nhãn hiệu là Sóng Nhạc, nhưng tên công ty vẫn là Asia nên người ta vẫn quen gọi tên hãng dĩa là Asia Sóng Nhạc.
Hãng Sóng Nhạc có văn phòng đặt tại số 37 đường Phạm Ngũ Lão Quận 1. Cơ sở kỹ thuật của hãng Sóng Nhạc gồm có phòng thu thanh, phòng ép dĩa và sang băng đặt trụ sở ở đường Bến Hàm Tử (nay là Võ Văn Kiệt).
Thời điểm đầu thập niên 1960, hãng Sóng Nhạc đã độc quyền phát hành giọng hát của 4 nữ danh ca hot nhất thời đó là Phương Dung, Thanh Thúy, Trúc Mai, Minh Hiếu. Đó cũng là 4 giọng ca nhạc vàng thế hệ đầu. Sau thời điểm đó thì các ca sĩ Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan, Phương Hồng Quế… mới lần lượt xuất hiện.
Ngoài ra từ khoảng giữa thập niên 1960, hãng Asia Sóng Nhạc còn hợp tác với nhóm sáng tác nổi tiếng Lê Minh Bằng (Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng) trong việc lăng xê các ca sĩ do lớp nhạc Lê Minh Bằng đào tạo, đồng thời phát hành nhạc do 3 nhạc sĩ này sáng tác.
Đến đầu thập niên 1970 tại Sài Gòn, khi dĩa nhựa hết thời và chuyển sang thời kỳ băng cối (băng magnetic) phát trên đầu băng cối Magnetophone thì ông Nguyễn Tất Oanh đóng cửa Sóng Nhạc, chuyển sang làm nghề khác. Các bản thu cũ của Sóng Nhạc vào thập niên 1960 được các công ty khác mua lại bản quyền và phát hành trên băng cối và băng cassette sau này. Đây là một điều đáng tiếc, vì chỉ vài năm trước đó hãng Sóng Nhạc vẫn còn dẫn đầu về dĩa nhạc, nhưng khi thị trường chuyển hướng, hãng này đã không thích nghi và chuyển đổi kịp thời nên đã bị đóng cửa.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn