Trang chủ
10 ca khúc làm nên tên tuổi danh ca Lệ Thu
Trong làng nhạc trữ tình miền Nam trước năm 1975 với hàng trăm ca sĩ nổi tiếng, người ta thường nhắc nhiều nhất đến 3 nữ danh ca, đó là Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu. Điều đó cho thấy đóng góp to lớn của những nữ ca sĩ này trong tân nhạc Việt Nam.
Vào thập niên 1960, ngay sau khi xuất hiện trong làng nhạc, Lệ Thu đã trở thành một “nữ hoàng phòng trà” đích thực, vượt qua các đàn chị trước đó để trở thành người đắt show nhất tại khắp các phòng trà Sài Gòn.
Trong âm nhạc miền Nam trước 1975, nếu như tên tuổi Thái Thanh đi liền với nhạc Phạm Duy, Khánh Ly thường được gắn với nhạc Trịnh Công Sơn, thì tên tuổi của Lệ Thu không đi liền với bất kỳ nhạc sĩ nào, nhưng cô là người trình bày rất thành công nhạc của rất nhiều nhạc sĩ là Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Cung Tiến… và nhiều ca khúc tiền chiến, trữ tình khác trước năm 1975.
Danh ca Lệ Thu nổi tiếng với rất nhiều ca khúc, trong bài này chỉ xin chọn ra 10 ca khúc đã làm nên tên tuổi Lệ Thu, với các bản thu âm trước 1975.
Những nhạc sĩ Phạm Duy thường đi liền với danh ca Thái Thanh, tuy nhiên riêng với 3 ca khúc này, người ta nhớ giọng hát Lệ Thu nhiều hơn:
Ngậm Ngùi
Gần 20 năm sau khi Ngậm Ngùi được thi sĩ Huy Cận ra mắt trong tập Lửa Thiêng, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho bài thơ. Tuy nhiên trong vài năm đầu, bài hát này không gây được nhiều chú ý như những tác phẩm khác của ông.
Đến đầu thập niên 1960, sự xuất hiện của Lệ Thu trong làng nhạc đã làm sống dậy ca khúc này, đưa Ngậm Ngùi trở thành một trong những bài nhạc phổ thơ thành công nhất của nhạc sĩ Phạm Duy, và sau đó chính nhà thơ Huy Cận đã gửi lời cảm ơn Phạm Duy về việc giúp bài thơ này thêm nổi tiếng.
Thập niên 1960. Lệ Thu là ca sĩ ăn khách tại phòng trà Queen Bee hàng đêm, và ca khúc Ngậm Ngùi luôn được khán giả yêu cầu nhiều nhất. Trong số những khán giả đó có nhà văn Duyên Anh, sau khi nghe Lệ Thu hát Ngậm Ngùi, ông đã viết một bài báo gọi giọng ca trẻ Lệ Thu là Tiếng Hát Vàng Mười, nghĩa là giọng hát quý như vàng không có pha trộn.
Lệ Thu hát Ngậm Ngùi trước 1975
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Nước Mắt Mùa Thu
Sau khi chứng kiến Ngậm Ngùi được phổ biến rộng khắp nhờ tiếng hát Lệ Thu, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết ca khúc Nước Mắt Mùa Thu để riêng tặng cho giọng hát Lệ Thu.
Danh ca Lệ Thu trong một lần về nước biểu diễn, đã từng trả lời phỏng vấn về ca khúc này như sau: “Đúng là nhạc sĩ Phạm Duy viết bài hát này để tặng cho tôi, nhưng đó là cảm nhận của riêng ông. Đôi khi dưới ánh đèn màu mình có một cuộc sống khác, nhưng như tôi đã nói, cuộc sống của tôi không “buồn tênh” lắm đâu”.
Lệ Thu hát Nước Mắt Mùa Thu trước 1975
Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều
Bằng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu…
Thuyền Viễn Xứ
Nữ sĩ Huyền Chi đã sáng tác bài thơ Thuyền Viễn Xứ vào năm 1952 để nói về hoàn cảnh của chính mình khi phải bỏ lại nguyên quán Bắc Ninh để vào Nam sinh sống. Bài thơ được in trong tập Cởi Mở và được nữ thi sĩ ký tặng cho một nhạc sĩ cũng vừa từ Bắc vào Nam là nhạc sĩ Phạm Duy, rồi được nhạc sĩ này phổ thành ca khúc cùng tên.
Như vậy cả bài thơ lẫn bài hát được sáng tác trước sự kiện di cư vào giữa thập niên 1950, nhưng đã nói lên được đúng tâm cảnh của hàng triệu người Bắc đi vào Nam lúc đó. Vì vậy, Thuyền Viễn Xứ đã như vậy khúc tâm ca dành cho người viễn xứ trong nỗi niềm hoài hương. Đến sau năm 1975, một lần nữa Thuyền Viễn Xứ được hát lại để dành cho hàng triệu người rời bỏ quê hương. Trong những sự kiện đó, giọng hát dìu dặt của Lệ Thu luôn được người yêu nhạc nhớ đến và lắng nghe, như là tiếng lòng của cả một thế hệ thời ly loạn.
Lệ Thu hát Thuyền Viễn Xứ trước 1975
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người
Hoài Cảm
Đây là ca khúc đầu tay được nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác khi mới 14-15 tuổi. Ngay từ ở lứa tuổi thiếu niên, nhạc sĩ Cung Tiến cùng với Hoài Cảm đã mang lại sự sửng sốt với giới mộ điệu, bởi những tâm sự chất chứa trong ca khúc của một cậu học trò có thể làm cho người nghe nhạc từ già tới trẻ say đắm, thể hiện được sự chín chắn, trưởng thành và già dặn, chứ không giống như những suy tư của một cậu bé 14-15 tuổi.
Khi được hỏi về hoàn cảnh ra đời của ca khúc này, nhạc sĩ chia sẻ: “Hồi đó nghĩ gì mình đâu có biết, mấy chục năm rồi, đi học thì nghĩ lơ tơ mơ vậy. Tất nhiên bài đó không có một đối tượng nào cả – no object, hoàn toàn là trong tưởng tượng. Trong tưởng tượng, nhớ một người nọ, nhớ một người kia, nhớ một người yêu, nhớ một người bạn, hay là nhớ bất cứ ai. Nhớ là hồi đó tôi mới ở ngoài Bắc vào, năm 1952. Tôi đi sớm, tức là từ Hà Nội vào Sài Gòn sớm lắm. Lúc đi, nhớ tất cả những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, thì là có bản nhạc đó.”
Lệ Thu hát Hoài Cảm trước 1975
Chiều buồn len lén tâm tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa…
Hương Xưa
Đây là một trong những ca khúc ưng ý nhất của nhạc sĩ Cung Tiến được sáng tác năm 1957 để tặng cho danh ca Duy Trác, và chính giọng hát điêu luyện, truyền cảm của Duy Trác đã thể hiện ca khúc này có nhiều cảm xúc nhất, thành công nhất. Bên cạnh đó thì Hương Xưa cũng gắn liền với giọng hát Lệ Thu vào những năm 1960. Ca sĩ Lệ Thu kể về kỷ niệm khi hát Hương Xưa vào gần 60 năm trước như sau:
“Tôi còn nhớ mãi mỗi đêm ở phòng trà Queen Bee, khi tôi hát Hương Xưa xong, khán giả lặng đi một hồi lâu, như là vẫn còn chìm đắm miên man ở trong dòng cảm xúc của bài hát, chưa biết là bài hát đã kết thúc. Tôi hát câu cuối là “Đời êm như tiếng hát của lứa đôi…” rất tình cảm và ngân rất dài. Sau khi dứt tiếng đàn, tiếng hát, mọi người im lặng một lúc, sau đó mới ồ lên vỗ tay…”
Lệ Thu hát Hương Xưa trước 1975
Người ơi, môt chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa?
Ngươi ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò…
Trường hợp nhạc sĩ Trường Sa, những bài hát của ông gắn bó với danh ca Lệ Thu như một định mệnh. Nhạc sĩ này nhiều lần khẳng định niềm cảm hứng sáng tác tình ca của ông được khởi nguồn từ giọng hát truyền cảm của Lệ Thu, và 3 bài tình ca nổi tiếng nhất của Trường Sa đều được Lệ Thu hát đầu tiên:
Mùa Thu Trong Mưa
Mùa Thu Trong Mưa được sáng tác năm 1968, là ca khúc đầu tiên đánh dấu một khuynh hướng sáng tác hoàn toàn khác với trước đó của nhạc sĩ Trường Sa.
Sau khi sáng tác xong và ký hợp đồng với hãng dĩa Việt Nam, nhạc sĩ Trường Sa đã đề nghị mời Lệ Thu hát ca khúc này, người ca sĩ mà ông luôn yêu mến và ngưỡng mộ. Từ sự kết hợp thành công của Lệ Thu cùng với Mùa Thu Trong Mưa, nhạc sĩ Trường Sa có thêm động lực để sáng tác thêm những bài tình ca khác là Xin Còn Gọi Tên Nhau, rồi hoàn tất bài Rồi Mai Tôi Đưa Em đang còn dang dở.
Lệ Thu hát Mùa Thu Trong Mưa trước 1975
Chiều mưa không có em
bờ đá công viên âm thầm
chiều mưa không có em
giăng mắc mây không buồn trôi
Xin Còn Gọi Tên Nhau
Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn…
Chỉ với câu hát đầu tiên Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng, người nghe đã bị cuốn vào thế giới lãng du, bay bổng của những thanh âm, nhịp điệu mê hồn. Tiếng hát ấy chính là tiếng hát của nữ danh ca Lệ Thu vọng ra trên hàng phố khi trình diễn tại phòng trà Tự Do, nơi nhạc sĩ Trường Sa thường lui tới để nghe hát. Khi đó phòng trà nổi tiếng nằm ở góc đường Tự Do – Thái Lập Thành này không cách âm, nên âm thanh của phòng trà được tự do bay bổng ra hàng phố bên ngoài.
Nhạc sĩ Trường Sa cho biết nội dung bài hát Xin Còn Gọi Tên Nhau là viết về một chuyện tình có thật của chính ông, và bài hát thì được sáng tác riêng cho giọng hát Lệ Thu. Vì vậy cũng dễ hiểu khi giọng hát của cô đã gắn liền với ca khúc này.
Lệ Thu hát Xin Còn Gọi Tên Nhau trước 1975
Rồi Mai Tôi Đưa Em
Sau khi kết thúc một mối tình buồn, nhạc sĩ Trường Sa đã viết những nốt đầu tiên của Rồi Mai Tôi Đưa Em năm 1967. Tuy nhiên bài hát này phải gác lại trong dang dở. Chỉ sau khi nổi tiếng với Mùa Thu Trong Mưa với giọng hát Lệ Thu, nhạc sĩ mới hoàn tất ca khúc này để ra mắt công chúng năm 1969.
Nhạc sĩ Trường Sa đã nói về ca khúc này như sau:
“Lý do là bài này ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt với đầy ắp những kỷ niệm cả vui lẫn buồn. Ngoài ra, bài hát cũng được chép tay đề tặng. Ngày nay ở phương trời nào đó, biết đâu vẫn còn người yêu mến trong lặng lẽ. Bài Rồi Mai Tôi Đưa Em sử dụng cung Do trưởng, không quá lê thê u buồn, và tôi vẫn luôn nghĩ rằng nó chuyên chở những kỷ niệm thật đẹp trong một phần đời, một chuyện lòng khó phai nhạt với thời gian. Rồi Mai Tôi Đưa Em cũng mang một chút âm hưởng thánh ca ở câu kết, tôi vẫn thỉnh thoảng trầm ngâm một mình: “Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn – Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng”.
Lệ Thu hát Rồi Mai Tôi Đưa Em trước 1975
Rồi mai tôi đưa em xa kỷ niệm.
Xin lời cuối không dối gian trong mắt em.
Tình yêu cho thương đau nghe buồn thêm.
Gác vắng mưa gợi niềm chăn chiếu.
Nếu phải chọn ra một băng nhạc được cho là hay nhất được thực hiện trước năm 1975 tại Sài Gòn, rất nhiều người sẽ chọn băng “17 Tình Ca Ngô Thụy Miên” năm 1974. Gần như toàn bộ 17 ca khúc trong băng nhạc này đều đã trở thành bất từ sống mãi cùng năm tháng. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, giá trị của những ca khúc, của tiếng hát, những bản hòa âm năm xưa vẫn còn nguyên giá trị.
Trong 17 bài hát này của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, danh ca Lệ Thu góp giọng trong 2 ca khúc, đó là Giáng Ngọc và Bản Tình Cuối:
Lệ Thu hát Giáng Ngọc trước 1975
Lệ Thu hát Bản Tình Cuối trước 1975
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn