Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của “Bài Không Tên Số 4” (Vũ Thành An) – Triệu người quen có mấy người thân?
Trong loạt bài đã đăng về những bài không tên bất hủ của nhạc sĩ Vũ Thành An, chúng tôi đã viết về hoàn cảnh sáng tác và phân tích ý nghĩa của các bài Không Tên Cuối Cùng, bài không tên Số 2 và Số 3. Những thông tin đó trong bài viết cũng là những lời tâm sự của chính nhạc sĩ Vũ Thành An trong các buổi trò chuyện gần đây của ông.
Sau đây là hoàn cảnh sáng tác của bài hát tiếp theo: Bài Không Tên Số 4:
Khóc cho vơi đi những nhục hình
Nói cho quên đi những tội tình
Đời con gái cũng cần dĩ vãng
Mà em tôi chỉ còn tương lai…
Bài hát này được nhạc sĩ Vũ Thành An viết cho một người phụ nữ, một đồng nghiệp mà ông có mối giao tình thân thiết.
Câu chuyện được bắt đầu kể từ sau khi mối tình của nhạc sĩ cùng với người tình trong bài hát “Tình Khúc Thứ Nhất” gãy đổ, rồi kết thúc bằng “Bài Không Tên Cuối Cùng” vào cuối năm 1965. Thời gian hơn một năm sau đó, nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng ông như bị rơi và hố thẳm, chới với, không còn niềm cảm hứng nào để viết nhạc.
Trong khoảng thời gian trống trải đó, ông gặp được người phụ nữ trong “Bài Không Tên Số 4”, một người mà ông chỉ gọi là bạn thân, là mối giao tình thân thiết, chứ không phải là tình yêu sâu đậm. Cô cũng là người phụ trách phần thu âm cho chương trình Nhạc Chủ Đề phát trên đài phát thanh lúc ấy.
Vào thời gian đó, nhạc sĩ Vũ Thành An vẫn làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn và cùng nhà văn Nguyễn Đình Toàn phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề phát mỗi tuần một lần vào 11h trưa thứ 2. Trong đài phát thanh có một bộ phận chuyên về thu âm, hòa âm cho chương trình, phần lớn là nữ. Khi lần đầu gặp người nữ nhân viên phụ trách thu âm đó, nhạc sĩ Vũ Thành An đã bị ấn tượng ngay lập tức. Ông kể trong hồi ký:
“Khởi đầu anh rất quý trọng em như một đồng nghiệp giỏi giang. Sau đó từ từ thân hơn, trở thành bạn bè. Chúng ta đã có những buổi hẹn để chuyện trò. Mỗi lần gặp anh là em khóc như mưa, khóc để trút hết những đau buồn em đang mang. Anh có cảm tưởng như anh là người duy nhất được biết những điều thầm kín đó của em, chính vì vậy anh đã viết trong Bài Không Tên Số 4:
Khóc cho vơi đi những nhục hình
Nói cho quên đi những tội tình”
Phương Hồng Quế hát Bài Không Tên Số 4 trước 1975
Vì sao người phụ nữ đó lại khóc như mưa như vậy? Theo lời nhạc sĩ kể lại, là bởi vì lúc đó cô đang chịu nhiều bất hạnh trong hôn nhân. Đã có chồng và 3 người con trai, nhưng gia đình đổ vỡ, cô bị chồng bỏ rơi và phải một mình nuôi đàn con. Đó chính là ý nghĩa của những câu hát sau đó:
Đời con gái cũng cần dĩ vãng
Mà em tôi chỉ còn tương lai
Mai về sau nước mắt có cạn
Khi xa đời thương cho đàn con…
Đời của một người con gái, ai cũng cần những quá khứ bình yên để làm hành trang bước chân vào đời. Nhưng người phụ nữ này đã một lần dang dở, không chỉ vậy mà đó còn là quá khứ rất đau thương, và khi đã trót mang một dĩ vãng không êm đềm như vậy thì cô chỉ còn biết hướng đến tương lai để cố gắng mà thôi.
Tuấn Ngọc hát Bài Không Tên Số 4
Hai câu hát sau đó, như chính nhạc sĩ Vũ Thành An thừa nhận, là câu hát hay nhất, được nhiều người nhắc đến nhất trong bài hát, và là yếu tố quyết định mang đến thành công cho Bài Không Tên Số 4:
Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa?
Ngoài phụ trách thu âm cho chương trình nhạc chủ đề của nhạc sĩ Vũ Thành An, người phụ nữ trong Bài Không Tên Số 4 này còn được chọn là 1 trong 2 nữ xướng ngôn viên truyền hình đầu tiên khi đài truyền hình Sài Gòn bắt đầu được thành lập năm 1966. Khi đó, nhà nào có điều kiện mua TV thì đều xem truyền hình, nhà nào không có điều kiện thì đi xem ké, vậy nên mỗi bổi tối, hầu như người miền Nam nào cũng đều thấy mặt cô.
“Anh đã được hận hạnh cùng em đi dạo phố, đi chợ… Đi đâu người ta cũng nhận ra em, vì mỗi buổi tối họ đều thấy em xuất hiện trên màn ảnh truyền hình. Nhưng họ chỉ nhìn thấy vẻ bên ngoài xinh tươi của em, đâu hiểu được cuộc sống em buồn như thế nào…”
Nhạc sĩ Vũ Thành An đã viết như vậy để giải thích cho câu “triệu người quen có mấy người thân…”
Lệ xóa cho em được không những kỷ niệm đắng
Lời nói yêu thương ngày xưa có trở về tìm?
Nhạc sĩ nói rằng trong thâm tâm của mình, ông rất mong cô sẽ tìm lại được hạnh phúc, muốn chồng cô hồi tâm chuyển ý để quay trở về cùng những “lời nói yêu thương ngày xưa“, để xóa đi lệ nhòa trên đôi mắt lúc nào cũng buồn cùng với bao nhiêu nỗi đắng cay.
Tuy nhiên cũng có những lúc nhạc sĩ cảm thấy yếu lòng, bị mê hoặc bởi vẻ đẹp quyến rũ của một người phụ nữ đã có gia đình. Dù chưa phải là một tình yêu sâu đậm, nhưng vì đã trải qua trống vắng tình yêu một thời gian dài, nên có một hôm ông cảm thấy muốn cùng người phụ nữ đó chia sẻ cuộc đời, muốn cưới làm vợ. Ngay sau khi ngỏ lời cầu hôn, ông đã tự cảm thấy ngỡ ngàng với chính mình, và người phụ nữ kia cũng rất ngạc nhiên, nhưng rồi chỉ im lặng…
Nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại trong hồi ký:
“Tuy lúc ấy chúng ta chỉ coi như như bạn, nhưng lắm lúc anh không khỏi bị mê hoặc vì nét quyến rũ của em, nhất là đôi môi nũng nịu lúc nào cũng như muốn khóc. Một lần anh đánh bạo muốn hôn lên đôi môi đó, nhưng em đã nhẹ nhàng lảng tránh. Em càng lánh xa anh lại càng bị em cuốn hút, và có lần anh đã đánh bạo hỏi cưới em làm vợ. Em không từ chối và cũng không nhận lời, chỉ im lặng. Và chúng ta không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa…”
Đếm cho em giây phút mặn nồng
Giữ cho em mái tóc bồng
Lời anh nói sẽ còn mãi đấy
Chuyện mai sau xin gửi trên tay
Ngọc Lan hát Bài Không Tên Số 4
“Lời anh nói” trong đoạn cuối của bài hát chính là lời cầu hôn rất vội vã và có phần bồng bột của một chàng nghệ sĩ độc thân dành cho người phụ nữ đã có 3 con. Lời cầu hôn đó thật ngẫu hứng và nhẹ hẫng như mây, lời cầu hôn được thổ lộ trong một phút yếu lòng, khi mà người nói ra câu ấy cũng chưa hình dung ra hết sự phức tạp phía đằng sau đó nếu giả sử như người phụ nữ đó gật đầu.
Nhưng không. Vì cô đã trải qua quá nhiều mất mát, quá nhiều cay đắng để biết rằng mình không thể gật đầu với lời cầu hôn đầy vội vàng như vậy với chàng nhạc sĩ.
Câu kết bài hát là “Chuyện mai sau xin gửi trên tay”, vì nhạc sĩ tin rằng mỗi người đều mang trên mình một số mệnh riêng, và chuyện mai sau này, hãy để số phận quyết định…
“Lời anh nói vẫn còn mãi đấy”, nhưng định mệnh đã không cho họ đến được với nhau.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn