Trang chủ
Nhạc sĩ Ngọc Chánh – Phạm Duy và tuyệt phẩm “Bao Giờ Biết Tương Tư”
Nhắc đến Ngọc Chánh, người ta biết nhiều về ông với tư cách là trưởng ban nhạc Shotguns lừng lẫy một thời; là ông chủ của trung tâm băng nhạc Shotguns đã lăng xê thành công nhiều bài hát và ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Sau này, khi ở hải ngoại, Ngọc Chánh còn được biết đến như một ông chủ của những vũ trường, phòng trà âm nhạc.
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Ngọc Chánh chỉ vỏn vẹn có 3 nhạc phẩm viết chung với nhạc sĩ Phạm Duy là Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Bao Giờ Biết Tương Tư và Tuổi Biết Buồn. Cả 3 nhạc phẩm này đều là nhạc sĩ Ngọc Chánh soạn nhạc và nhạc sĩ Phạm Duy viết lời.
Bài hát đầu tiên được 2 nhạc sĩ hợp soạn là Bao Giờ Biết Tương Tư, ban đầu là bản nhạc nền của Ngọc Chánh viết cho phim Điệu Ru Nước Mắt của đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện năm 1970, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Duyên Anh, nói về chuyện tình thơ mộng của trùm du đãng nổi tiếng là Đại Cathay. Sau khi cuốn phim trình chiếu thành công, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã nhờ nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời ca cho đoạn nhạc phim ông đã viết, và ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư từ đó ra đời, rất được công chúng yêu thích qua tiếng hát Anh Khoa.
Ca khúc là những lời thổ lộ chân phương của một chàng trai khi bước vào tình yêu và sự biến chuyển của dòng tâm trạng khi trải qua những cung bậc khác nhau của cuộc tình.
Tuấn Ngọc hát Bao Giờ Biết Tương Tư
Ngay từ đoạn hát đầu tiên, chàng trai thổ lộ những cảm xúc lạ lùng, tươi mới khi chạm ngõ tình yêu:
Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa
Những cảm xúc tinh khôi, nguyên vẹn của tình yêu đầu đời được gom vén vào lời hát thật tinh tế. Quả thật, chỉ có tình yêu, chỉ có khi biết yêu rồi người ta mới có thể “biết”, có thể thấm đẫm cảm xúc tương tư, mong chờ, chộn rộn cả khi buồn cả khi vui là như thế nào. Những cảm xúc chẳng thể tìm được đâu khác ngoài địa hạt của tình yêu.
Ôi biết đem tim này
Vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy
Rồi biết quên câu cười
Biết cho đôi dòng lệ rơi
Tình yêu mang đến bao nhiêu cảm xúc rạo rực, xôn xao, ngọt lịm, thì cũng mang đến bấy nhiêu cảm xúc sầu muộn, ê chề, tối tăm lạc lõng. Cái cảm giác tê dại, trống trải, mỏng mảnh khi thất tình hay thăng hoa, vỡ oà lên tận đỉnh của tình yêu được nhạc sĩ Phạm Duy ví von bằng những chữ nghĩa thật đắt: “Ôi biết đem tim nầy vắng như lòng giấy, tình yêu lấp đầy”. Bởi khi đã sa vào tình yêu, thì dù hạnh phúc hay khổ đau, tình yêu cũng sẽ chiếm hữu cả trái tim, lấp đầy lên nó những sắc màu mộng mị.
Tình yêu đã trở lại
Đôi mắt đêm ngày vơi hết đọa đày
Tà áo em phơi bày, ngón tay em dài
Tiếng yêu không lời
Khi tình yêu ra đi, kẻ si tình như bị đẩy xuống hố sâu tuyệt vọng, quên cả câu cười, chỉ còn đẫm đôi dòng lệ rơi. Nhưng khi tình yêu trở lại thì “đôi mắt đêm ngày vơi hết đoạ đày”, mọi đau khổ, dằn vặt đều tan biến như chưa từng xuất hiện. Và chỉ cần nhìn thấy “Tà áo em phơi bày, ngón tay em dài” thôi là cõi lòng anh đã thổn thức khôn nguôi những “tiếng yêu không lời”.
Ngày nào lòng tôi đã
Biết vui biết buồn ôm mối tương tư
Ngày nào cánh thiên đường
Đã mở hé tình yêu là trái táo thơm
Tôi ghé răng cắn vào
Miệng môi ngọt đắng
Tình yêu cuối đường
Là trối trăng cuối cùng
Giấc mơ não nùng vợi tan
Tình yêu bao đời nay vẫn luôn là thứ “không hẹn mà đến, không chờ mà đi”. Chẳng ai đoán biết được khi nào tình yêu ập đến, khi nào tình yêu rũ cánh ra đi. Người ta chỉ biết tình yêu hiện diện khi đã “ôm mối tương tư”, khi cánh thiên đường hé mở “tình yêu là trái táo thơm”. Thứ trái thơm ngọt, ngon lành, quyến rũ mà loài người không bao giờ có thể cưỡng lại được ngay từ thuở sơ khai.
Tình yêu nào cũng có vui và buồn, là tâm trạng của những người mang “bệnh tương tư” như thi sĩ Nguyễn Bính hóm hỉnh cho “tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Tâm trạng ôm mối tương tư sẽ buồn ít hơn vui khi “Ngày nào cánh thiên đường đã mở hé tình yêu là trái táo thơm”. Khi tình yêu đã chắp cánh cho đôi lứa đến một nơi thần tiên hạnh phúc, để có thêm một định nghĩa cho tình yêu là trái táo thơm!
Một lần ghé răng căn vào trái táo thơm tình yêu nhiều mê hoặc, để biết rằng tình yêu không chỉ là ngọt ngào mà còn pha lẫn vị đắng cay, có phải chàng trai đã dự cảm được tình yêu của mình sau này không được tròn đầy mong ước…
“Là trối trăng cuối cùng. Giấc mơ não nùng vợi tan…” – Những câu ẩn ý đượm buồn, đem đến cho người thưởng thức man mác ý nghĩa tương tự như câu “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn” của nhạc sĩ Trúc Phương.
Khác với cách giải bày kể chuyện tình lê thê của nhiều nhạc phẩm đương thời, ca khúc Bao Giờ Biết Tương Tư có nhiều ca từ cô đọng ý nghĩa, đã được nhiều người yêu thích vì tựa đề cũng như những lời hát đẹp như lời thơ, ẩn chứa nhiều chân tình của chàng trai “rộn rã đợi em dưới mưa”. Những hình ảnh lãng mạn và ý tình ngợi ca tình yêu trong ca khúc, đã đem lại ý niệm về “Tình yêu là trái táo thơm” cho phần nhiều giới yêu nhạc thời bấy giờ.
Nhạc sĩ Ngọc Chánh cho biết ngay khi hoàn thành ca khúc này, ông nghĩ ngay đến Anh Khoa và đưa cho ca sĩ này hát trong băng Shotguns. Cho đến nay, khi nhắc đến Bao Giờ Biết Tương Tư, công chúng vẫn luôn nhớ đến giọng ca ngọt ngào và nhẹ nhàng của Anh Khoa, mời các bạn nghe lại bản thu âm trước 1975 sau đây:
Anh Khoa hát
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn