Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Biển Nhớ” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) – “Trời cao níu bước Sơn-Khê…”
Biển Nhớ là một trong những ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được sáng tác vào khoảng năm 1962-1963, khi ông đang theo học tại Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Những người yêu nhạc Trịnh thường nhắc đến bài hát này với 2 chữ Sơn – Khê được nhạc sĩ lồng vào trong câu hát:
Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
Triều sương ướt đẫm cơn mê, trời cao níu bước sơn khê
Khánh Ly hát Biển Nhớ
Theo lời kể của những người bạn đương thời, thời điểm ca khúc này ra đời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có một cô bạn gái thân thiết tên là Tôn Nữ Bích Khê. Đó là một cô gái quê Nha Trang, học cùng lớp với nhạc sĩ trong trường sư phạm. Bích Khê có vóc dáng nhỏ nhắn, làn da ngăm đen, mái tóc dài búi ngược ra sau và thường đi guốc cao gót. Nàng không sở hữu một nhan sắc mặn mà như nhiều bóng hồng khác trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, nhưng lại vui vẻ, nhiệt tình và rất có duyên. Đặc biệt, Bích Khê có giọng hát khá hay nên nàng cũng là một gương mặt trong ban hợp xướng của trường mà Trịnh Công Sơn là người gầy dựng.
Hoạ sĩ Đinh Cường, một người bạn rất thân của Trịnh Công Sơn từ những năm tháng tuổi trẻ đến tận sau này, kể lại: Vào mùa hè năm 1962, Trịnh Công Sơn ở lại trường, không về Huế, nên Đinh Cường vào Quy Nhơn thăm bạn và gặp cả nàng Bích Khê. Đinh Cường kể:
“Biển Nhớ, hay bóng dáng của Bích Khê là một giai đoạn ngắn, vì hoàn cảnh và thời cuộc lúc đó. Sơn vào Qui Nhơn nấp dưới bóng trường Sư Phạm. Hè 1962, tôi vào thăm Sơn vì Sơn ở lại, không về Huế. Đêm nào Sơn cũng rủ Bích Khê cùng tôi ra biển ngồi đến khuya. Bích Khê từ Nha Trang ra Qui Nhơn học, cùng lớp, hay săn sóc cho Sơn, lúc ấy chỉ thấy khi nào Sơn cũng mặt chiếc áo chemise kaki vàng. Khê thường đem cà phê đến tặng Sơn. Chúng tôi đã ngồi uống cà phê với nhau dưới mái quán thấp ven biển lợp bằng lá kè. Biển Nhớ là cảm hứng từ muôn vàn đợt sóng lấp lánh trong những đêm khuya khoắt ấy, mà Sơn đã kéo cao cổ áo, chợt rùng mình, rồi có một ngày sẽ xa những dấu chân trên cát, có còn “trời cao níu bước Sơn Khê …”
Sau khi ca khúc Biển Nhớ ra mắt, những người bạn trong trường mới giật mình vì hai chữ “sơn khê” quá đặc biệt nên thường trêu đùa hai người bằng câu hát: “Ngày mai Khê đi, biển nhớ tên Khê gọi về… Không ai rõ thực hư của mối quan hệ giữa hai người bạn Sơn – Khê ấy là gì, chỉ biết rằng, sau này có người hỏi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trả lời rằng: “Bích Khê chỉ là bạn như những người bạn khác, chữ “sơn khê” chỉ là tình cờ”. Không biết là do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn tránh nhắc tới một mối quan hệ đã lùi vào dĩ vãng, chẳng đi đến đâu, hay thực sự nhạc sĩ chỉ “hồn nhiên” thả tên những cô bạn gái quanh mình vào lời hát như rất nhiều những cái tên khác từng hiện diện trong âm nhạc của ông, có thể kể đến như: Diễm, Quỳnh Hương, Hoàng Lan, Lộc, Mai, Bống,…
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, không chỉ vì hai chữ Sơn Khê, mà vì giai điệu, ca từ của Biển Nhớ quá đỗi da diết, bay bổng mà ca khúc này đã trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng và phổ biến nhất của Trịnh Công Sơn.
Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
sỏi đá trông em từng giờ, nghe buồn nhịp chân bơ vơ
Ngày mai em đi, biển nhớ em quay về nguồn
gọi trùng dương gió ngập hồn, bàn tay chắn gió mưa sang
Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng
hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn
Hôm nao em về, bàn tay buông lối ngỏ
đàn lên cung phím chờ, sầu lên đây hoang vu
“Ngày mai em đi… ngày mai em đi…” là những ca từ được lặp đi lặp lại đầy bi thương trong ca khúc từ câu hát đầu tiên tới câu hát cuối cùng. Ta hình dung, một chàng trai đứng đó, trước biển, đôi vai trĩu xuống, cô độc và trơ trọi, tuyệt vọng kêu than những lời ca réo rắt, náo động cõi lòng. Chỉ ngày mai thôi, cô gái sẽ đi, sẽ bỏ lại chàng trai một mình đơn độc lẻ bóng. Nhưng vì một lý do nào đó, chàng chẳng thể nói: Em đừng đi, em hãy ở lại. Tâm trí xáo trộn, cõi lòng ngổn ngang, tê tái, chàng trai đành chỉ biết câm lặng, âm thầm gào thét, kêu than, trải lòng mình vào vạn vật xung quanh.
Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
Triều sương ướt đẫm cơn mê, trời cao níu bước sơn khê
Ngày mai em đi, hồn đá rêu phong rũ buồn
đèn phố nghe mưa tủi hờn, nghe ngoài trời giăng mây luôn
Ngày mai em đi, biển có bâng khuâng gọi thầm
ngày mưa tháng nắng còn buồn, bàn tay nghe ngóng tin sang
Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng
nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương
Cô gái còn chưa đi mà nỗi nhớ của chàng, những xót xa trong lòng chàng đã náo động, cuộn trào, ào ạt như những con sóng biển ngày đêm gào thét, vật vã quăng mình lên vách đá. Tâm trí mê man, tinh thần ủ rũ, hoang lạnh như rong rêu, như liễu rũ, như bờ cát trắng, như mắt đêm đèn vàng, như trời giăng mây luôn,… Dù có kể thêm bao nhiêu đi nữa cũng chẳng thể nào sánh được với nỗi buồn đang ngã rạp trong lòng chàng trai. Nếu không có âm nhạc, những giai điệu réo rắt, giọng ca khàn đầy vang vọng của người ca sĩ thì sẽ chẳng ngôn từ nào có thể kể xiết những nỗi u hoài đó.
Khi bài hát này ra đời thì giọng hát Khánh Ly vẫn chưa xuất hiện trong làng nhạc Sài Gòn, nên đã có nhiều ca sĩ khác hát ca khúc này trước. Tuy nhiên vài năm sau đó, giọng hát Khánh Ly đã thực sự đưa Biển Nhớ trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn, đặc biệt là từ cuốn băng Sơn Ca 7:
Khánh Ly hát Biển Nhớ trong băng Sơn Ca 7
Dù không trực tiếp nhắc đến Biển Nhớ ở đây là biển nào, nhưng nhiều người vẫn biết rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói về biển Qui Nhơn, dựa theo hoàn cảnh sáng tác bài hát. Nếu như nhạc sĩ Hoàng Nguyên tô sắc thêm cho Đà Lạt bằng Ai Lên Xứ Hoa Đào, nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Vũ Hữu Định đã “đội vương miện” cho Pleiku bằng Còn Chút Gì Để Nhớ, thì có thể nói bằng ca khúc Biển Nhớ, nhạc sĩ họ Trịnh đã là người đặt tên cho Qui Nhơn bằng một cái mỹ danh: “thành phố mắt đêm đèn vàng”, câu hát được nhắc đến 2 lần trong bài hát, và thành phố biển Qui Nhơn ngoài việc được nhắc đến qua những giai thoại Hàn Mặc Tử, thì còn hân hạnh được gắn liền với một phần đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thu hút du khách bằng những hình ảnh “bờ cát trắng”, liễu rũ”, “đồi núi nghiêng nghiêng” đã được người nhạc sĩ tài hoa ghi lại bằng âm nhạc.
Như là một sự tri ân, ngày nay ở tại bãi biển mà Trịnh Công Sơn đã cùng ngồi bao đêm với bạn bè (và cả với người con gái “trời cao níu bước sơn khê”), người ta vừa dựng bức tượng nhạc sĩ có khắc bài hát Biển Nhớ ở trên đó.
Biển Qui Nhơn sau này cũng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắc lại lần nữa ở trong ca khúc được ông sáng tác vào những năm cuối đời, đó là Biển Nghìn Thu Ở Lại, nhân một dịp trở lại Qui Nhơn năm 1999. Sau gần 40 năm “biển nhớ”, khi trở lại thì nhạc sĩ vẫn gặp biển của năm xưa, biển như là cuộc tình được nhạc sĩ nhân cách hóa thành “em”, vẫn nghìn thu ở lại đó, nghìn thu… ngậm ngùi.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn