Trang chủ
Ca khúc “Lá Thư Không Gửi” của nhạc sĩ Hoài Linh và lần hát song ca hiếm hoi của ca sĩ Thanh Thúy
Trong sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy kéo dài đã hơn 60 năm của ca sĩ Thanh Thúy, khán giả yêu nhạc vàng rất hiếm khi thấy cô hát song ca với một người nào. Một lần rất hiếm hoi mà Thanh Thúy song ca được ghi nhận, đó là vào thập niên 1980, khi cô hát ca khúc Lá Thư Không Gửi, song ca với nam ca sĩ Thanh Phong.
lần song ca hiếm hoi của ca sĩ Thanh Thúy
Lá Thư Không Gửi không phải là một ca khúc quá quen thuộc trong gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Hoài Linh, mặc dù vậy, đây là một ca khúc rất ý nghĩa, giai điệu và ca từ mang đậm phong cách của người nhạc sĩ tài hoa này:
Đứng trước nhau ngại nói
đường xa không thuận lối
viết thư thay lời.
Nội dung bài hát là nỗi lòng của một chàng trai ngại ngần bày tỏ tình cảm với người mà anh yêu mến. Vì nhút nhát nên còn chần chừ, và đó là sự nhút nhát dễ mến của một người có lẽ là mới yêu lần đầu nên không biết cách làm quen. Khi lần đầu gặp nhau, chàng trai đã thấy rung động, nhưng đứng trước nhau thì ngại nói, để khi “đường xa không thuận lối” thì chỉ còn biết bày tỏ nỗi lòng qua trang thư, để rồi rốt cuộc lại ngại thêm một nỗi nữa là hai người vẫn chưa đủ thân thiết để để viết câu hỏi thăm cho vơi đi nỗi lòng:
Muốn viết câu hỏi thăm ai
bao nỗi niềm vơi
mà không quen người.
Vẫn biết vui đời lính ai không vương tâm tình
giấy trắng nét mực xinh
trăng lên xuyên qua mành
không gian giăng mây thành vạn câu thương nhớ
viết lên lời thơ.
Đến đoạn này thì có thể biết được lý do của “đường xa không thuận lối”, đó là vì chàng là chinh nhân ở miền xa, không thể năng lui tới để kết thêm thâm tình, để rồi đêm nay trăng gió lên khơi, không gian gây niềm nhung nhớ và nỗi lòng khao khát ân tình, chàng gửi vạn câu thương nhớ qua những câu thơ vụng dại.
Ở đoạn nhạc tiếp theo, nhạc sĩ nói về tâm sự của người con gái nơi hậu phương:
Anh hỡi anh người trai hẹn đi xây ngày mới gió lộng hương đời.
Thắm thiết như tình quân dân thôn xóm dừng chân gặp nhau mấy lần.
Lá thắm vương cành biếc đôi chim trao duyên hiền
Muốn nói câu làm quen nhưng không ai khơi đầu
Anh đi ngang qua cầu, vội nghiêng nón giấu dứng vin cành dâu
Đoạn nhạc này bắt đầu hé mở hoàn cảnh gặp gỡ của đôi trai gái, gặp nhau chỉ mấy lần trong những dịp hành quân dừng chân. Chỉ qua ánh mắt trao nhau, họ phải lòng nhau, nhưng theo lẽ thường vào ngày xưa thì người con gái không thể nào mở lời trước, còn chàng thì lại nhút nhát, nên cuối cùng là dù ai cũng muốn nói câu làm quen, nhưng không ai khơi đầu, cơ hội bày tỏ nỗi lòng của nhau vì vậy mà dần bị trôi xa.
Tàn canh em ngồi viết nhờ chim uyên chuyển đến ᴄhιến sĩ câu ước nguyền
Ngày đêm em cầu mong nợ non sông đền xong
Mái tranh hiền vui đời sống chung.
Niềm tâm tư trìu mến hòa lời thơ còn quyến luyến tiếc cung u huyền
Tình quê hương dịu êm
Tình đôi ta đẹp thêm ngắm trông vừng trăng cười trao duyên.
Anh hỡi anh người trai từ phương xa một sớm bước hành quân dồn.
Nắng cháy se vành môi tươi vai áo bạc phai miệng vẫn tươi cười.
Khoé mắt như thầm nói: Em mơ em yêu đời
muốn nói nhưng lại thôi, em e ai chê cười, nên em ghi đôi lời
Mượn trang giấy trắng gửi người ngàn phương.
Thơ nầy em viết
Nhưng không bao giờ, bao giờ em gửi cho người em yêu.
Tựa đề bài hát là Lá Thư Không Gửi, và lá thư này là của người con gái ở hậu phương. Chàng trai ở nơi đầu tuyến vì biết vai mình còn nặng mang nên tình không dám ngỏ, giấu kín tâm tư, nên người con gái ở quê xa thì cũng chỉ biết gởi nỗi lòng qua trang thư, những lá thư không thể gửi.
Dù cho nàng có nhiều mộng mơ, ước nguyện được chung đôi vào một ngày quê hương yên bình, nhưng là phận nữ nhi, niềm mơ ước đó nói ra lại ngại ngùng e bị chê cười, nên cũng lại đành khép kín nỗi lòng mà thôi.
Mối tình lặng thầm từ cả 2 phía cứ như vậy trôi qua, lấy đi quãng thời gian thanh xuân đẹp nhất của 2 người yêu nhau trong thời loạn, với tất cả nỗi khát khao, mong ước, tương tư, nhưng đành giấu kín trong lòng không dám ngỏ.
Mời các bạn nghe lại giọng hát tuyệt vời của ca sĩ Mỹ Thể trình bày trước năm 1975:
Mỹ Thể hát Lá Thư Không Gửi trước 1975
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn