Trang chủ
Tiểu sử NSND Bùi Bài Bình
Trên màn ảnh Việt, hiếm có diễn viên nào có thể hóa thân thành nhiều dạng vai khác nhau trong nhiều đề tài, thể loại phim như NSND Bùi Bài Bình. Đáng nói là dù vào dạng vai nào, trong bối cảnh lịch sử xã hội như thế nào, ông cũng đều truyền tải được thần thái nhân vật, như ông đã thể hiện trong “Mùa ổi”, “Gió làng Kình”, “Nhà tiên tri”, “Hương vị tình thân”, “Lối nhỏ vào đời”… Hãy cùng tìm hiểu đôi nét về sự nghiệp, đời tư NSND Bùi Bài Bình nhé!
Tên thật (Tên đầy đủ) | Bùi Bài Bình |
Nghệ danh/Tên riêng | Bùi Bài Bình |
Năm sinh | 20/9/1956 |
Quê quán/Nơi sinh | Hà Nội |
Nghề nghiệp | Diễn viên |
Tác phẩm nổi bật | Kén rể, Bức tường không xây, Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh, Phận đời không muốn nhớ, Sông Hồng reo, Ảo ảnh trắng, Vòng xoáy cuộc đời, Mùa ổi, Hương đất, Ma làng, Sóng ngầm, Lặng yên dưới vực sâu, Những ngày không quên, Hương vị tình thân, Lối nhỏ vào đời, Gia đình mình vui bất thình lình,… |
Giải thưởng | Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh năm 2001 |
Gia đình/vợ/chồng | Vợ: NSƯT Ngọc Thu (1981-nay) |
Thông tin liên hệ | Đang cập nhật |
Mạng xã hội | https://www.facebook.com/profile.php?id=100009331239265 |
Bùi Bài Bình sinh ngày 20/9/1956 tại Hà Nội trong một gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật. Ông là một trong những diễn viên gạo cội điện ảnh Việt Nam.
Ngày bé, nhà ông ở Tô Hiến Thành, một hôm có xe của đoàn phim chạy ngang qua bị nổ lốp. Ông theo mọi người trong khu phố chạy ra để… “xem diễn viên”, và háo hức khi “lần đầu tiên nhìn thấy cô Trà Giang bằng xương bằng thịt ngoài đời”. Thế là đêm hôm ấy, cậu bé Bùi Bài Bình nằm mơ, tưởng tượng sau này sẽ trở thành diễn viên.
Cứ ngỡ mọi việc chỉ dừng lại ở một giấc mộng con trẻ, ấy thế mà năm 1972, anh thanh niên gầy gò Bùi Bài Bình đi thi trường điện ảnh thật và đỗ. Bùi Bài Bình kể lại, lúc đó mẹ nhìn ông thở dài, bảo: “Cả nhà ai cũng là công nhân, thợ nề, dệt chỉ, tự dưng con đi làm diễn viên làm gì”, rồi “Con theo nghề diễn, thì biết đến bao giờ mới được như cô Trà Giang, chú Lâm Tới?”.
Bùi Bài Bình học khóa II (1973-1977) Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội) cùng lớp diễn viên với các nghệ sĩ, như: Bùi Cường (1947-2018), Đào Bá Sơn, Vũ Đình Thân, Thanh Quý, Ngọc Thu, Quốc Trọng, Hữu Mười, Minh Châu…
Ngay từ khi còn học trong trường, vào năm thứ 2, cái răng khểnh duyên dáng của Bùi Bài Bình đã giúp ông được đạo diễn Phạm Văn Khoa và Nông Ích Đạt chọn đóng vai Trác trong “Kén rể”.
Từ vai diễn đầu tiên này, Bùi Bài Bình có nhiều cơ hội được các đạo diễn tham gia đóng phim truyện nhựa, phim video, phim truyền hình. Đây là niềm hạnh phúc, may mắn mà không phải diễn viên nào cũng có được cơ hội này. Về sau này, khi được góp mặt trong nhiều bộ phim nổi tiếng, Bùi Bài Bình cũng cảm thấy tự hào vì đã làm được như lời mẹ ông nói.
Có thể nói, Bùi Bài Bình đến với nghề diễn viên như một cái duyên, một cơ duyên đã được sắp đặt sẵn. Trước khi học trường điện ảnh, ông đã đi học sửa chữa ô tô ở Công ty Cầu đường Hà Nội. Khi đó, ông nghe một số người bạn nói chuyện, có đoàn tuyển diễn viên nên tất cả kéo nhau đi thử. Đến lượt diễn của ông, ông liền ném cái ví xuống đất rồi mắt lơ láo, hỏi mọi người, của anh à, của chị à, nhưng không ai nhận. Bùi Bài Bình tập trung diễn tả đôi mắt đảo trước, chao sau, nhanh như cắt nhặt luôn cái ví nhét vào túi áo. Ngay lập tức tiểu phẩm đã gây sự chú ý của các thành viên Ban giám khảo. Đạo diễn Phạm Văn Khoa ấn tượng ở cách thể hiện của Bùi Bài Bình chính là đôi mắt. Dẫu sở hữu khuôn mặt hiền lành, ngơ ngác, đậm chất quê, nhưng ông đã diễn đôi mắt “gian” quá xuất sắc. Kể từ giây phút đó, Bùi Bài Bình đã thuộc về điện ảnh.
Khi mới bước vào nghề, vì có khuôn mặt hiền lành và đậm chất quê, Bùi Bài Bình được các đạo diễn chọn vào vai những anh bộ đội hiền lành, chân chất như phim: Bức tường không xây (1977), Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh (1983), Sơn ca trong thành phố (1983), Thị trấn yên tĩnh (1986), Lấy nhau vì tình (1990), …
Mặc dù tham gia khá nhiều phim nhưng tên tuổi của ông cũng chưa thật sự gây được ấn tượng mạnh đối với khán giả. Thậm chí, trong vòng 10 năm kể từ năm 1990 đến trước năm 2000, thời kỳ phim “thị trường”, còn gọi là phim “mỳ ăn liền”, nở rộ, Bùi Bài Bình hoàn toàn vắng mặt trên màn ảnh lớn.
Mãi cho đến năm 2000, khi nhận lời tham gia vai Hòa trong “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Bùi Bài Bình mới thật sự tỏa sáng và khẳng định được cái chất riêng của mình.
Với vai diễn này, Bùi Bài Bình đã nhận được giải Diễn viên Nam xuất sắc nhất trong Liên hoan phim lần thứ 13, góp phần đưa bộ phim được giải A của Hội Điện ảnh.
Giải thưởng này đã ghi nhận tài năng diễn xuất của ông trong bộ phim này chính là tấm giấy thông hành để Bùi Bài Bình trở thành sao hạng A trong các dự án phim truyền hình đình đám trong những năm tiếp theo.
Sau khi phim truyền hình lên ngôi, Bùi Bài Bình trở thành “người quen” trên màn ảnh nhỏ. Ông mạnh dạn thử sức mình ở dạng vai mới – vai phản diện. Táo bạo xin đạo diễn cho đổi vai công an sang đóng vai tướng cướp – một người có tính cách ngang tàng là Nhị đại ca – trong phim truyền hình “Dòng sông vàng”, kể từ đây, Bùi Bài Bình tiếp tục làm mới bản thân trong các bộ phim đề tài chính luận như trưởng thôn trong “Hương đất” (2005), Tòng trong “Ma làng” (2007) và Khuếnh trong “Gió làng Kình” (2008)…
Chính những vai diễn phản diện “bị cả làng ghét, bị cả nước chửi” này đã làm cho ông tỏa sáng hơn bởi tài năng không bị “định vị” trong một kiểu nhân vật. Ông đã chứng minh đầy sức thuyết phục người nghệ sĩ tài năng đa dạng với nhiều vai diễn khác nhau để thỏa sức sáng tạo. Nói như nhà thơ Thụy Kha, Bùi Bài Bình đã vào vai phản diện thành công bằng cái tâm chính diện của mình.
Với những đóng góp cho điện ảnh Việt Nam, năm 2011, diễn viên Bùi Bài Bình đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Năm 2015, Bùi Bài Bình trở lại với điện ảnh, đảm nhận vai Bác Hồ trong bộ phim “Nhà tiên tri”. Đây là vai diễn mà nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã nhắm cho ông ngay từ lúc viết kịch bản. Và, không cường điệu hóa, không gồng mình cũng không cần phải thật giống về ngoại hình, Bùi Bài Bình đã thể hiện thành công “Nhà tiên tri” Hồ Chí Minh ở cử chỉ, ánh mắt theo đúng với tinh thần “gần với hiện thực lịch sử nhất, đúng với Bác nhất” của tác phẩm.
Sau cột mốc này, ông lại hóa thân thành những ông bố hiền lành, mực thước rất yêu thương gia đình, con cái trong các bộ phim truyền hình tâm lý xã hội lấy chủ đề gia đình như Chiều ngang qua phố cũ (2016), Bến bờ yêu thương (2019), Cô gái nhà người ta (2020), Hương vị tình thân (2021), Anh có phải đàn ông không (2022), Lối nhỏ vào đời (2022)… hay gần đây nhất là bộ phim Gia đình mình vui bất thình lình (2023).
Với ngoại hình chuẩn “ông bố quốc dân”, vốn sống và kinh nghiệm diễn xuất đã có thừa, có thể nói, ở tuổi này, Bùi Bài Bình chỉ cần bước ra khỏi cửa nhà là có thể lên phim luôn mà không cần phải hóa trang hay chuẩn bị gì nhiều.
Bùi Bài Bình rất yêu công việc của mình. Ông cũng chỉ muốn được làm diễn viên bởi như ông nói: “Công việc của người diễn viên nhẹ nhàng hơn vì chỉ phụ trách nhân vật của mình còn đạo diễn phải có trách nhiệm lo lắng cho tất cả mọi người trong đoàn làm phim”.
Ở tuổi U70, ông vẫn nhận lời tham gia những dự án phim phù hợp bởi tâm niệm “còn sức thì còn làm nghệ thuật, còn cống hiến”. Dù lớn tuổi, nghệ sĩ không quản ngại đường sá xa xôi hay vất vả mà chỉ cần được làm nghề một cách tử tế.
Vì yêu nghề nên ngoài đi diễn, ông còn tham gia dạy nhiều khóa diễn xuất tại Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình (VFC). Dù nhiều bạn lớp diễn viên của ông như lớp trưởng Bùi Cường (đã mất), Vũ Đình Thân, Hữu Mười… học thêm đạo diễn thì ông vẫn bền bỉ, thủy chung với nghiệp diễn và cố gắng đổi mới chính mình thích ứng với từng vai diễn.
NSND Bùi Bài Bình vốn là người kín tiếng về chuyện đời tư với truyền thông nhưng với nhiều đồng nghiệp lĩnh vực điện ảnh thì cuộc sống hạnh phúc của nam diễn viên bên người vợ cùng nghề khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Được biết, vợ của NSND Bùi Bài Bình là NSƯT Ngọc Thu. Cả hai quen nhau khi còn là học viên trường Điện ảnh. Tình yêu chớm nở khi cô gái Hà Thành trót thương thầm chàng thư sinh có chiếc răng khểnh. Khi ấy, nhà Ngọc Thu cách nhà Bùi Bài Bình một bến tàu điện. Sự gắn bó lớn dần lên sau những lần cùng nhau đến trường, tan lớp. Trên những chuyến tàu điện, lời yêu chưa từng ngỏ nhưng tâm hồn hai người nghệ sĩ đã thuộc về nhau tự bao giờ.
Năm 1981, cặp đôi chính thức kết hôn và đến nay đã có 40 năm sống hạnh phúc bên nhau. Ở giai đoạn gia đình gặp khó khăn, Ngọc Thu – người từng ghi dấu ấn với vai Chị Út Tịch phim “Mẹ vắng nhà” của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư lại quyết định lui về hậu phương và toàn tâm chăm sóc gia đình để chồng yên tâm làm nghệ thuật.
Cậu cả nhà NSND Bùi Bài Bình – Ngọc Thu năm nay ngoài 30 tuổi. Đó là một chàng trai có năng khiếu nghệ thuật nhưng chọn theo lĩnh vực ngân hàng. Anh có sở thích đọc sách và thường mua tặng mẹ những cuốn tâm đắc.
Con trai út của vợ chồng NSND đang là sinh viên năm nhất trường Sân khấu điện ảnh. NSƯT Ngọc Thu nói vui rằng cậu bé bị ảnh hưởng gen nghệ sĩ quá lớn từ cha mẹ. Tới mức, bất chấp tất cả để theo nghiệp dù khó khăn.
Niềm vui của gia đình NSND Bùi Bài Bình là được quây quần cùng nhau bàn luận về những vấn đề xã hội, nghệ thuật…
NSƯT Ngọc Thu là người phụ nữ đảm đang và yêu thương chồng, đến nay bà và NSND Bùi Bài Bình đã không còn phải vất vả kinh doanh quán cà phê để lo cho gia đình nữa. Ở tuổi ngoài 60, khi hai con trai đều đã trưởng thành và ổn định, vợ chồng NSND Bùi Bài Bình cho thuê lại quán để có thể yên tâm tận hưởng tuổi già.
Kể về cuộc sống thường nhật của mình, NSND Bùi Bài Bình chia sẻ: “Việc nhà trước nay đều do bà xã quán xuyến nên tôi cũng không tham gia nhiều. Giờ vợ chồng tôi ngày hai bữa cơm đơn giản, tận hưởng cuộc sống an yên“.
Có thời gian rảnh rỗi, hai vợ chồng ông cùng các nghệ sĩ thân thiết như NSƯT Thanh Quý, NSƯT Diệu Thuần, NSƯT Quế Hằng… sẽ hẹn nhau đi du lịch hoặc gặp mặt hàn huyên. Kể về những người bạn tuổi già, NSND Bùi Bài Bình chia sẻ: “Tôi có nhóm bạn cũng khoảng hai chục người. Mỗi năm chúng tôi thường dành vài ba lần để đi du lịch cùng nhau. Chúng tôi coi đó là những dịp để bạn bè gặp nhau và nghỉ ngơi, thư giãn”.
Hiện tại, NSND Bùi Bài Bình dành nhiều thời gian để truyền lại kinh nghiệm cho người con thứ hai là Bùi Dương theo nghề đạo diễn. NSND Bùi Bài Bình tự hào chia sẻ: “Tuy chưa được làm đạo diễn chính nhưng con trai tôi cũng đã tham gia làm trợ lý cho các phim điện ảnh như Cậu Vàng, Kiều. Sắp tới con trai tôi cũng sẽ tham gia một phim của Hội điện ảnh“.
Trên đây là những thông tin tổng hợp của chúng tôi về tiểu sử cuộc đời, sự nghiệp và cuộc sống đời tư của NSND Bùi Bài Bình. Chúc cho nghệ sỹ thật nhiều sức khỏe để cống hiến cho ngành điện ảnh nước nhà. Đừng quên theo dõi HopAmGuitar.vn để biết thêm những thông tin mới nhất nhé!