Trang chủ
Tiểu sử NSND Lê Khanh “Nơi giấc mơ tìm về”
Xinh đẹp như Lê Khanh, duyên dáng như Lê Khanh, sang trọng như Lê Khanh… nghe có vẻ giống những lời nhận xét ‘có cánh’ dành cho một người nữ nghệ sĩ Hà Thành. Tuy nhiên, nếu ai biết đến Lê Khanh và hành trình của cô từ lúc cô còn bình minh đến khi chớm sang xế chiều chắc hẳn sẽ thấy những lời nhận xét đó quả thật không hề phóng đại. Dù ở trên sân khấu, trong điện ảnh hay ngoài cuộc đời cô đều biết cách gây chú ý và tỏa sáng theo một cách riêng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu đôi nét về tiểu sử NSND Lê Khanh, cuộc đời, sự nghiệp và đời tư của nữ nghệ sĩ nhé!
Tên thật (Tên đầy đủ) | Trần Mai Khanh |
Nghệ danh/Tên riêng | Lê Khanh |
Năm sinh | 14 tháng 7 năm 1963 |
Quê quán/Nơi sinh | Hà Nội |
Nghề nghiệp | Diễn viên sân khấu, Diễn viên điện ảnh, Diễn viên truyền hình, Đạo diễn, Người mẫu |
Tác phẩm nổi bật | Rừng trúc; Vũ Như Tô; Bến bờ xa lắc; Romeo và Juliet; Âm mưu và tình yêu; Đời cười 1,2,3; Khôn ngoan không lại với giời; Săn bắt cướp; Mùa hè chiều thẳng đứng; Gái già lắm chiêu 3; Cô gái đến từ quá khứ; Chuyện tình bên dòng sông; Người Hà Nội; Chiếc mặt nạ da người; Mẹ ơi bố đâu rồi; Nơi giấc mơ tìm về… |
Giải thưởng | Nữ diễn viên chính xuất sắc – Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 Nữ diễn viên chính xuất sắc – Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 Diễn viên điện ảnh nổi bật của năm 2022 – Nghệ sĩ tiêu biểu lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn |
Gia đình/vợ/chồng | Chồng: Phạm Việt Thanh Con chung: 2 |
Thông tin liên hệ | Đang cập nhật |
Mạng xã hội | Facebook: https://www.facebook.com/nsndlekhanh |
Lê Khanh tên thật là Trần Mai Khanh, sinh ngày 14 tháng 7 năm 1963 tại Hà Nội. Cô là con của cặp đôi nghệ sĩ kịch nói NSND Trần Tiến và NSƯT Lê Mai, là em của NSƯT Lê Vân, diễn viên điện ảnh, nghệ sĩ múa và là chị của NSƯT Lê Vi, nghệ sĩ múa.
Trong làng giải trí Việt Nam, hiếm có gia đình nào mà tất cả bố mẹ con cái đều nổi tiếng như nhà NSND Lê Khanh. Không chỉ vậy, hai bên nội ngoại đều có truyền thống hoạt động nghệ thuật. Gia đình NSND Trần Tiến có hai anh em thì cả hai đều theo nghệ thuật, anh ruột ông là NSƯT Trần Văn Nghĩa – nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương.
Ông ngoại của Lê Khanh là nhà thơ – kịch tác gia Lê Đại Thanh, từng là giáo viên, học trò của ông sau này có nhiều người nổi tiếng như nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Nam Cao… Bà ngoại Lê Khanh là diễn viên kịch Đinh Ngọc Ánh, các cậu là họa sĩ Lê Đại Chúc và đạo diễn, NSƯT Lê Chức.
Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề nên không khó hiểu khi Lê Khanh cùng các chị em sớm phát triển tài năng và tất cả đều có những thành công nhất định, được đồng nghiệp cũng như nhiều lớp diễn viên thế hệ sau này nể phục.
Giỏi giang là vậy, thế nhưng chia sẻ trên show truyền hình “Chị em chúng mình “ năm 2020, NSND Lê Khanh tiết lộ cô từng có quá khứ học hành bết bát.
Khi được hỏi về một kỷ niệm “lần đầu tiên” đáng nhớ trong đời, nữ nghệ sĩ sinh năm 1963 cho biết cuộc đời cô trải nghiệm vô vàn cái “đầu tiên” nhưng có một cái “đầu tiên” hơi thê thảm mà cô không thể quên. Đó là lần đầu tiên bị đúp lớp.
Cô chia sẻ rằng mình đóng phim, diễn kịch từ bé nên đầu óc lúc nào cũng “mơ mơ màng màng, trên mây trên gió” nên nhiều khi không thuộc bài, đặc biệt là những con số luôn nhảy múa trước mắt, không thể nào tập trung học được. Lúc nào cô cũng chăm chăm để đến giờ đi diễn.
“Có một mùa hè tôi nghỉ 3 tháng liền. Đến ngày đi học, tôi cứ túm áo mẹ, mẹ hỏi ‘Cái gì?’ thì tôi bảo ‘Mẹ phê vào đây cho con là: Cháu nó bị ốm suốt 3 tháng hè, nó không học bài’. Mẹ tôi hiểu được ngay, biết thừa là con gái mình như thế nào. Mẹ bảo: ‘Con ơi, thế này không được rồi, xấu hổ quá’.
Mẹ thuyết phục suốt cả một đêm hôm đấy, tôi khóc ròng ròng. Mẹ bảo: ‘Nếu mà học dốt thì nhục lắm con ạ. Sau này dù có là diễn viên nổi tiếng nhưng con dốt thế này thì người ta cũng không tôn trọng đâu. Thôi con thương mẹ, thương con, con chịu khó đúp lớp đi’. Rồi tôi cũng bằng lòng“.
Chấp nhận học lại lớp, tuy nhiên Lê Khanh xấu hổ vì lúc đó rất thích một cậu cùng trường đẹp trai. “Tôi cứ giả vờ đi đi lại lại nhà cậu ấy suốt, những lúc cậu ấy đi học thì giả vờ ngồi học bài trước cửa. Giờ cậu ấy biết mình đúp lớp, thế mà lên tivi. Xấu hổ không biết chui vào đâu”, nữ nghệ sĩ hài hước kể.
Lê Khanh cho biết thực sự trong lòng cô có oán mẹ mình rằng sao không bao che để mình có thể được lên lớp, lại để con tới nông nỗi này. Nhưng sau này cô thấy cảm ơn mẹ vì sự khắt khe và lúc nào cũng lao đầu vào học. Cuối cùng, cô đã học tốt hơn, tới mức trường nói nên đi thi sư phạm. Nhìn lại, Lê Khanh vẫn thấy biết ơn cái sự “ê chề” của tuổi thơ đã cho mình động lực và phấn đấu được như ngày hôm nay.
Sinh ra giữ một cái nôi của nghệ thuật nhưng ít ai có thể nghĩ rằng, Lê Khanh bước chân vào nghệ thuật từ rất sớm – năm 1970, năm cô mới lên 7. Thậm chí, Lê Khanh từng chia sẻ rằng cô còn được đóng kịch từ khi còn nằm trong bụng mẹ – NSƯT Lê Mai. Những vai diễn và những trải nghiệm sân khấu của mẹ đã giúp cô hình thành nên thế giới quan nghệ thuật từ sớm.
Lê Khanh tâm sự: “Thực ra, tôi biết đến nghề diễn lần đầu tiên năm tôi lên 8 tuổi. Đó là một bộ phim nửa truyền hình nửa sân khấu. Nói là nửa nọ nửa kia vì nó được diễn trực tiếp trên sân khấu 58 Quán Sứ nhưng ngoại cảnh lại được quay tại bãi tre Sông Hồng. Nghe có vẻ phức tạp, song có một dấu ấn đó là một thời khắc cuối cùng của công nghệ truyền hình thủ công. Đó là một vai diễn duy nhất tôi diễn cùng với bố tôi, NSND Trần Tiến cho đến tận bây giờ. Bố tôi đóng vai ông và tôi vào vai cháu.”
Một năm sau, lên 9 tuổi, Lê Khanh được vào vai bé Bu-Mi phim “Hai bà mẹ” (Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, một bộ phim nói về tình hữu nghị Việt Lào). Bộ phim đã làm bước đệm cho cô thấy rằng, nghệ thuật là một điều gì đó thực sự quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp của bà.
Lúc 15 tuổi rưỡi, Lê Khanh nhận được vai chính đầu tiên – cô thanh niên xung phong Tuất trong bộ phim “Từ một cánh rừng” của nữ đạo diễn Đức Hoàn vào năm 1978.
Bước sang tuổi 16, Lê Khanh xin tuyển sinh và đầu quân vào Nhà hát Tuổi Trẻ. Lê Khanh thuộc thế hệ diễn viên khóa 1 của Nhà hát. Với đôi mắt u huyền, cô từng truyền tải thành công vai Juliet trong vở kịch kinh điển”Romeo & Juliet” trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội). Thập niên 1980, Lê Khanh còn đóng đinh với các vai nữ hoàng, quận chúa như: Lý Chiêu Hoàng (vở “Rừng trúc”), Minfo (vở “Âm mưu và tình yêu”)… Vậy là, dù điện ảnh tìm đến trước nhưng Lê Khanh quyết định chọn sân khấu làm nghề chính, vì thế mà cô không lăn tăn, chú tâm tuyệt đối vào sân khấu suốt 10 năm.
Sau 10 năm chú tâm tuyệt đối cho sân khấu, Lê Khanh bắt đầu “bù đắp” cho nghệ thuật thứ bảy. Đây chính là giai đoạn cô tỏa sáng trên màn ảnh với hàng loạt vai nữ chính, ở cả dòng phim chính luận, chiến tranh cách mạng và phim thị trường như: Tu sĩ Băng Thanh trong “Săn bắt cướp”, chiến sĩ biệt động Điệp trong “Dòng sông hoa trắng”, Thùy trong “Anh ấy không cô đơn”, Lan trong “Chuyện tình bên dòng sông”, Thoa trong “Bản tình ca cuối cùng”, Kiều Loan trong “Chiếc mặt nạ da người”…
Lê Khanh nhanh chóng trở thành gương mặt điện ảnh quen thuộc, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người xem. Trung bình mỗi năm cô đóng 2 phim. Lê Khanh tiết lộ, do “đóng đô” ở thành phố Hồ Chí Minh nên chị đã mua luôn một căn nhà để tiện làm nghề.
Sau này, Lê Khanh trở lại với sân khấu và thể nghiệm những phong cách khác nhau, trong đó có hài kịch và liên tục gây bất ngờ với những lần xuất hiện mới mẻ, ấn tượng. Cô còn “nhảy” sang đọc thơ với dàn nhạc giao hưởng, diễn kịch đương đại, kịch hình thể, kịch ước lệ, đi nước ngoài diễn giao lưu… Cứ thế, Lê Khanh mạnh dạn xông vào những vùng đất mới, tìm tòi cái mới để làm mới mình.
Ngoài chính kịch, diễn viên Lê Khanh còn lấn sân sang làm hài kịch với vai diễn ấn tượng trong “Đời cười” năm 1999. Bằng lối diễn xuất chuyên nghiệp và có duyên, Lê Khanh đã có thể lấy được tiếng cười từ phía khán giả, giúp họ cảm thấy sảng khoái, hồn nhiên trong tâm hồn. Cô từng tham gia sân khấu Idecaf của nghệ sĩ Thành Lộc suốt 6 tháng liền vở Âm mưu và tình yêu. Hồi đó cô, NS Thành Lộc, Hữu Châu, Minh Trí cứ ao ước được diễn cùng nhau, thế là rình cơ hội đóng với nhau trong vở bi kịch cổ điển này.
Trong mảng phim điện ảnh thì không thể không kể đến những bộ phim điện ảnh mà Lê Khanh đã góp phần đưa tên tuổi lên một tầm cao mới. Một trong những bộ phim để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả là phim “Người Hà Nội” của đạo diễn Hoàng Tích Chỉ. Trong vai nhân vật Thảo đã phần nào xây dựng và truyền tải thành công hình tượng của một người phụ nữ Hà thành với những nét tính cách tiêu biểu, đặc trưng.
Ngoài là một diễn viên điện ảnh, nghệ sĩ kịch nói thì Lê Khanh còn là một đạo diễn sân khấu tài ba, bà từng đạo diễn các vở như “Nhà ôsin”, “Tất cả đều là con tôi”, “Lời thề thứ 9″… hay vở hài kịch ngắn như “Thị Hến”…
Năm 2001, Lê Khanh được phong danh hiệu NSND khi mới bước sang tuổi 38. Và tính tới thời điểm này, nữ nghệ sĩ là diễn viên sân khấu trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này trước thời hạn.
Năm 2008, sau khi tham gia phim “Con đường sáng” NSND Lê Khanh bắt đầu vắng bóng trên màn ảnh và chuyên tâm đảm đương nhiều vai trò như công việc giảng dạy, làm đạo diễn và quản lý trong vai trò Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội. Diễn viên “Mùa hè chiều thẳng đứng” mong muốn tạo ra thế hệ diễn viên trẻ đủ thực lực để theo đuổi con đường điện ảnh.
Gần đây, sau một thời gian khá dài vắng bóng trên phim truyền hình Việt, NSND Lê Khanh đã tái xuất trên màn ảnh nhỏ cùng một loạt các nghệ sĩ nổi tiếng trong dự án phim Việt dựa theo kịch bản của Mỹ – “Mẹ ơi, bố đâu rồi”. NSND Lê Khanh cho biết, lí do chị nhận lời tham gia bộ phim “Mẹ ơi, bố đâu rồi?” lần này là vì bây giờ mới có thời gian vì chị mới nghỉ hưu tại Nhà hát Tuổi trẻ sau suốt quãng thời gian dài làm nghề và gắn bó với sân khấu. Đồng thời, nữ nghệ sĩ chia sẻ thêm rằng chị quyết định quay lại với phim truyền hình là bởi kịch bản phim lần này rất hấp dẫn và nhiều ý nghĩa đối với chị.
Trở lại màn ảnh rộng sau 20 năm vắng bóng, NSND Lê Khanh liên tục xuất hiện trong các dự án phim điện ảnh lớn và gặt hái thành công mới ở độ tuổi U60. Nữ NSND còn sẵn sàng chấp nhận cắt bỏ mái tóc dài mà cô đã nuôi suốt 20 năm để có thể hóa thân thành nhân vật “Lý Lệ Hà” đầy sắc sảo trong phim “Gái già lắm chiêu V”.
Năm 2021, nữ nghệ sĩ nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 22 với vai diễn Lý Lệ Hà trong Gái già lắm chiêu V. Năm 2022, NSND Lê Khanh còn vinh dự được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch trao tặng giải thưởng “Diễn viên điện ảnh của năm”.
Sau 40 năm, khi đã đủ kinh nghiệm để tự tin nói rằng “Tôi là diễn viên điện ảnh thực thụ“, NSND Lê Khanh thực hiện tâm huyết giảng dạy, tìm kiếm và đào tạo lứa diễn viên mới cho điện ảnh. Cô mời những diễn viên có kinh nghiệm diễn xuất, đào tạo như NSƯT Thành Lộc, NSND Hồng Vân cùng các diễn viên nổi tiếng như Ninh Dương Lan Ngọc, Kaity Nguyễn… để giảng dạy thế hệ diễn viên trẻ.
Mới đây, tháng 5/2023, NSND Lê Khanh tiếp tục tái xuất màn ảnh nhỏ với vai bà Lan trong bộ phim lên sóng giờ vàng VTV mang tên “Nơi giấc mơ tìm về”. Chia sẻ về sự trở lại này trong buổi ra mắt phim vào chiều 9/5 tại Hà Nội, NSND Lê Khanh cho biết, cô rất thích vai diễn trong “Nơi giấc mơ tìm về”.
Nhân vật bà Lan trên phim là một người bà quyền lực, quen áp đặt, nhiều năm điều hành công ty gia đình, muốn nghỉ hưu và để lại cả cơ ngơi cho đứa cháu nội độc nhất. Trong khi đó, cháu nội lại ưa thích cuộc sống tự do, có phần phóng túng, tìm mọi để né trách nhiệm nối nghiệp.
Khoảng cách về thế hệ, sự khác biệt trong suy nghĩ và cả những hiểu lầm đã khiến tình thân rạn nứt, tưởng chừng không thể hàn gắn. Nhưng rồi chính sự thấu hiểu, lòng chân thành đã giúp cả hai vượt qua tất cả. Sau những sóng gió, sai lầm, họ nhận ra trong cuộc đời này, tình thương yêu nhiều khi gắn kết con người ta hơn cả tình máu mủ ruột thịt.
Ở tuổi U60, NSND Lê Khanh và đạo diễn Việt Thanh vẫn được xem là cặp đôi đẹp nhất nhì Vbiz khi đã gắn bó bên nhau hơn 30 năm viên mãn, tròn đầy cùng con cái.
Chồng NSND Lê Khanh là đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Thanh. Anh nổi tiếng qua các tác phẩm như Cô gái trên sông, Săn bắt cướp, Dòng sông hoa trắng, Cây xương rồng trên cát… Trong đó tác phẩm Săn bắt cướp được xem là bộ phim “se duyên” cặp đôi nổi tiếng khi Lê Khanh nhờ đóng bộ phim mà bắt đầu chuyện tình với nam đạo diễn.
Được biết, trước khi cả hai về chung 1 nhà, đạo diễn Phạm Việt Thanh đã từng kết hôn và có một con gái riêng. Cả hai có chung với nhau hai con, con gái sinh năm 1995 và con trai sinh năm 1997.
Hiện tại, NSND Lê Khanh và ông xã đang tận hưởng cuộc sống hôn nhân mãn nguyện và bình yên. Duy chỉ có một điều khiến khán giả bất ngờ và tò mò chính là cuộc hôn nhân này chưa hề có một đám cưới.
Tuy nhiên, NSND Lê Khanh cho biết điều quan trọng nhất trong cuộc sống hai người là sự hòa hợp, sống với nhau như thế nào chứ không phải là một nghi thức trên tờ giấy.
“Tôi và ông xã có một tờ giấy chứng hôn để các con có giấy khai sinh cho đàng hoàng nhưng đến giờ vẫn chưa có một lễ cưới nào diễn ra. Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn dành cho nhau những lời nhắn tình cảm: “Người yêu đi ngủ chưa?”, ”Hôm nay thế nào?”. Chuyện tình cảm của 2 quan trọng nhất vẫn là sự trải nghiệm dành cho nhau. Tôi và ông xã luôn cố gắng giữ gìn tình yêu thương như những ngày còn trẻ“, chị kể.
NSND Lê Khanh cho biết ông xã chị là một người cha có trách nhiệm với con và luôn chu đáo, lãng mạn khi bên vợ. Hơn 20 năm bên nhau, cả 2 vợ chồng vẫn dành cho nhau thứ tình cảm bình dị và hạnh phúc khiến nhiều người ngưỡng mộ.
“Cho đến giờ, chúng tôi vẫn may mắn hơn những cặp đôi khác khi yêu lý tưởng nghệ thuật của nhau, cùng nhau dìu dắt đến ngày hôm nay. Vợ chồng tôi vẫn đồng sáng tạo tác phẩm, anh thiết kế hình ảnh, ánh sáng cộng tác cùng vợ ở lĩnh vực sân khấu và là một người bạn đời lý tưởng của tôi giữa cuộc sống đời thường“, nữ nghệ sĩ nói.
Chính sự gắn kết trong công việc và cuộc sống giúp gia đình NSND Lê Khanh – NSƯT Phạm Việt Thanh có được sự yên ấm đến tận ngày hôm nay. Cả hai đang có cuộc sống thảnh thơi cùng “gia tài” là 2 người con, một gái một trai và hiện đều đã trưởng thành.
Ngoài ra, chia sẻ thêm về bí quyết giữ lửa hôn nhân, NSND Lê Khanh từng nhấn mạnh rằng chỉ có tình yêu và lòng tin. “Trong cuộc sống cần phải có nghệ thuật để nuôi dưỡng tình yêu. Trong nghệ thuật lại cần tình yêu để nuôi cuộc sống“, cô nói.