Lòng ai cũng như muốn ngân nga hát: “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta… Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất…”.
Chàng sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam Đặng Hữu Phúc khi ấy với tấm lòng phơi phới của một thanh niên trước vận hội to lớn mới của đất nước và cảm hứng tự hào dân tộc mãnh liệt trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi đã kết thành hợp xướng Đất nước mang âm hưởng hào hùng đặc biệt.
Đặng Hữu Phúc / Đất Nước – Hợp Xướng (2013)
Chưa có ngày nào cảm động như ngày hôm nay
Đó là những ngày xuân tràn ngập niềm vui của cả dân tộc. Sau những năm người Hà Nội phải sơ tán, chịu bom đạn chết chóc, tang thương thì hòa bình đã trở lại như một điều kỳ diệu.
Một đêm tháng 3, chương trình phát thanh Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam như thường lệ, giọng ngâm thơ tha thiết quen thuộc của nghệ sĩ Châu Loan ngâm bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Đặng Hữu Phúc lắng nghe như nuốt từng lời thơ, giai điệu. Nỗi xúc động càng lúc càng đầy lên trong lòng.
Cả đêm ấy Đặng Hữu Phúc không ngủ được vì nôn nóng mong trời sáng mau để đi kiếm bài thơ. Đặng Hữu Phúc đợi sáng hôm sau đạp xe đến Thư viện Quốc gia tìm kiếm.
Tìm được bài thơ, chàng trai trẻ còn phải “để dành” tới tối đạp xe vào Trường Âm nhạc Việt Nam để sáng tác bởi nhà ông, ngôi nhà nhỏ trên con phố Lò Đúc, rất chật chội, đông đúc như bao gia đình khác ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Buổi tối đến trường, trong căn phòng nhỏ, bên cây đàn piano và ngọn đèn dầu, chàng sinh viên chưa tròn 20 tuổi miệt mài suốt hai đêm hoàn thành bản hợp xướng Đất nước.
Đó là bản hợp xướng với những giai điệu hùng tráng, cộng hưởng với những vần thơ đầy ý chí quật cường và niềm tự hào dân tộc của Nguyễn Đình Thi. Năm 1974, Đặng Hữu Phúc dựng tác phẩm tốt nghiệp trung cấp bằng bài hợp xướng, mời những người bạn cùng trường hát là Ái Vân, Măng Thị Hội, Từ Hậu, Tuyết Nhung, Bang Phác và Trần Tiến.
Nhớ hồi mới viết xong tác phẩm, Đặng Hữu Phúc đạp xe từ nhà mình ở đầu phố Lò Đúc đến nhà Nguyễn Đình Thi ở cuối phố đưa ông xem. Tác giả của bài thơ đón nhận lòng nhiệt tình và tài năng của chàng sinh viên trẻ một cách nồng ấm nhưng từ tốn.
Bẵng đi mấy năm, tới năm 1976 Trường Âm nhạc Việt Nam kỷ niệm 20 năm thành lập đã cho dựng hợp xướng với phần đệm piano để biểu diễn trong lễ kỷ niệm.
Một buổi tập, Đặng Hữu Phúc bất ngờ thấy nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng tới xem. Nghe xong ông khen Đặng Hữu Phúc rất thông minh khi nhặt ra những đoạn thơ hay nhất để phổ nhạc.
Năm ấy hợp xướng Đất nước biểu diễn trang trọng ở rạp Kim Môn (88 Hàng Buồm, nay là Trường mầm non Tuổi Thơ), giữa lúc niềm vui đất nước vừa hòa bình, thống nhất vẫn còn cuồn cuộn trong lòng mỗi người Việt.
Năm 2009, Đặng Hữu Phúc phối từ bản piano viết năm 1973 cho dàn nhạc giao hưởng lớn, gần như không sửa chữa thay đổi. Năm 2013 tác phẩm được dựng hoành tráng với dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, do chính tác giả chỉ huy, diễn trong chương trình kỷ niệm ngày âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc tiêu biểu cho một thế hệ sáng tác âm nhạc mới của đất nước, kết hợp hài hòa chất liệu dân tộc với kỹ thuật sáng tác quốc tế hiện đại, chuyên nghiệp. Anh là tấm gương sáng về sự đam mê âm nhạc, nghị lực trong học tập, tìm tòi. Thật vinh dự cho tôi là người bạn đồng hành, thường xuyên diễn các tác phẩm của anh.
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn
Bám rễ vào vốn quý của cha ông
Gia tài âm nhạc của Đặng Hữu Phúc không chỉ riêng hợp xướng Đất nước mà các tác phẩm khác, từ thanh nhạc tới khí nhạc, đều âm vang một tình yêu với quê hương mình.
Âm nhạc của Đặng Hữu Phúc đậm bản sắc dân tộc, giai điệu quê hương, tình cảm với đất nước, trên nền thủ pháp sáng tác của âm nhạc châu Âu hiện đại. Nhạc trưởng Olivier Ochanine của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời trong buổi hòa nhạc cuối tháng 10-2024 dành nhiều lời khen tặng cho hai sáng tác mới của Đặng Hữu Phúc là Vũ điệu chèo và Lên đồng.
“Đây là những vũ điệu tuyệt vời, tích hợp những tiết tấu và giai điệu từ thế kỷ thứ 10, từ hai loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam là chèo và hát văn. Bản nhạc đầy sáng tạo, chắc chắn vậy!”, nhạc trưởng Olivier nói.
Tổ khúc Chùm hoa Việt Nam của ông được biểu diễn rất nhiều trong và ngoài nước. Đặng Thái Sơn cũng từng biểu diễn tổ khúc này ở Nhà hát lớn Hà Nội năm 2013. Các sáng tác mới của ông như chín bức tranh giao hưởng, Vũ điệu chèo và Lên đồng gần đây cũng được biểu diễn rất nhiều.
Nhưng ngạc nhiên là Đặng Hữu Phúc đã đến với âm nhạc rất tình cờ. Ông theo học nhạc chỉ vì lúc đó cha ông làm hiệu phó Trường Âm nhạc Việt Nam dù phụ trách chính trị chứ không phải chuyên môn âm nhạc. Cha ông đã hướng cậu con trai học âm nhạc để “đỡ nghịch”.
Suốt bốn năm sơ tán, ông chỉ ăn ngủ với cỏ cây đồng ruộng và cây đàn piano, thuộc làu làu những tác phẩm kinh điển viết cho piano. Thế hệ ông, những người từng làm khí nhạc, nhiều người đã trở thành nhạc sĩ viết ca khúc thành danh. Nhưng Đặng Hữu Phúc trung thành với khí nhạc thì “không có tiền còn mất tiền thêm”.
Ông Phúc còn nhớ năm 1983, Trịnh Công Sơn và Trần Long Ẩn tới nhà ông chơi, mến tài mà thương bạn sống vất vả, đã tha thiết khích lệ ông vào TP.HCM để tìm cho mình những cơ hội mới. “Vào đi bọn mình giúp”. Ông Phúc nhớ Trịnh Công Sơn đã nói đi nói lại câu ấy.
Đặng Hữu Phúc cũng rất muốn đi nhưng xoay đi xoay lại vẫn không nghĩ ra cách chi mà đi được.
Nhiều năm sau nhìn lại, thấy cũng như chuyện “Tái ông mất ngựa”, không vào Nam được có khi lại là điều may. “Sứ mệnh của mình là viết khí nhạc, môi trường ở Hà Nội mới được là mình bây giờ”, ông Phúc luôn tự thầm nhắc mình.
Nhưng có điều này thì ông tiếc. Ấy là ông nghĩ đáng lẽ có thể viết được nhiều tác phẩm khí nhạc giá trị hơn nữa nếu như ông không phải đốt đời mình quá nhiều vào chuyện cơm áo.
Tiếc những năm tháng không được thỏa sức sáng tạo những tác phẩm lớn nhưng một điều an ủi với Đặng Hữu Phúc là ngay cả nhạc phim ông cũng làm với sự tận tâm, nhà nghề và được tặng thưởng xứng đáng.
Làm nhạc phim không chỉ giúp ông nuôi gia đình trong giai đoạn đất nước nghèo đói mà còn mang tới cho ông không ít vinh dự. Năm 2005 ông được trao giải Kim Tước cho nhạc phim xuất sắc tại Liên hoan phim Thượng Hải (Trung Quốc) với âm nhạc trong phim Thời xa vắng.
Sáng tạo trên cái nền của gia tài âm nhạc truyền thống trở thành một trào lưu của các nghệ sĩ trên thế giới vài thập niên qua và Đặng Hữu Phúc đã đi cùng lúc với các nghệ sĩ thế giới.
Từ khi còn trẻ, ông đã xác định được con đường đi của mình là bám rất chắc vào âm nhạc truyền thống. Tình yêu đất nước của ông chính là nằm ở tình yêu tha thiết với vốn liếng, gia tài âm nhạc của cha ông mình để lại.
20 năm sung sức nhất đáng lẽ phải dành cho sáng tạo, thì ông Phúc “tiêu” hết cho nhạc phim để kiếm mấy đồng lẻ, trăm quả trứng gà nuôi gia đình. Ông đã làm nhạc cho hầu hết những bộ phim đáng kể nhất của điện ảnh Việt Nam một thời như: Bỉ vỏ, Người đàn bà nghịch cát, Tướng về hưu, Dòng sông hoa trắng, Thời xa vắng, Mùa ổi…
Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc có nhiều năm làm việc tại Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và sau đó là giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Ông cũng đã đi tu nghiệp tại Nhạc viện Paris (Pháp) năm 1991-1992. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.
Tác phẩm của ông gồm hai mảng chính là viết cho thanh nhạc (giọng hát) và khí nhạc (nhạc đàn).
Ở mảng viết cho thanh nhạc, ông đã xuất bản Tuyển tập 60 bài romance và ca khúc cho giọng hát và piano (2012). Ông cũng có một số ca khúc trữ tình được nhiều người yêu thích qua giọng hát của Ái Vân như Ru con mùa đông (thơ Phan Đan), Trăng chiều…
(Nguồn: https://tuoitre.vn/)