Trang chủ
Ý nghĩa của ca khúc “Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ” (Trịnh Công Sơn) – “Vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia…”
Đối với nhạc Trịnh, có lẽ rằng chỉ cần một giọng hát mộc, một cây ghi ta, một chỗ ngồi thuận tiện, thì dù là giữa phố phường đông đúc hay trong đêm vắng im lìm, người nghe vẫn cảm được cái đẹp của giai điệu và ca từ. Đó là thứ âm nhạc không cầu kỳ, hoa mỹ, không cần một kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện để trình diễn.
Trong các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca khúc Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ được xem như là một đoá tường vi tinh khôi, thanh khiết với lời ca đẹp đến ngỡ ngàng. Nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoàng Ngọc Hiến từng viết: “Ca từ của bài này (tách khỏi nhạc) hoàn toàn đứng được như một bài thơ. Một bài thơ hay”. Không chỉ hết lời khen ngợi, Hoàng Ngọc Hiến khi được mời tham gia hội đồng bầu chọn những bài thơ tình hay nhất thế kỷ đã không ngần ngại đề cử cho ngôn từ của ca khúc Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ.
Tuấn Ngọc hát
Thực ra, cái tên này nếu để thêm một dấu phẩy thì sẽ dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn: Đêm, Thấy Ta Là Thác Đổ. Nghĩa là vào một đêm (hoặc đã nhiều đêm rồi), thấy ta như là dòng thác đổ.
Đúng như tên gọi, toàn bộ ca khúc là những dòng thác cảm xúc đổ xuống, ầm ào, chấn động cả khoảng không rộng lớn, với những ca từ huyền hoặc, mê đắm. Những hình ảnh ẩn dụ vừa nhẹ nhàng vừa bí ẩn, tựa như những làn nước trong vắt như pha lê đổ xuống từ đỉnh núi, tung bọt trắng xoá, phủ lên không gian xung quanh nó một làn bụi mưa tươi mát, thuần khiết, tưới mát tâm hồn người nghe, mà dư âm để lại trong trẻo, quyến luyến như dòng nước quanh co, xanh biếc, hiền hoà dưới chân thác.
Ngay từ đầu ca khúc, những lời ca mê đắm cất lên từng chữ từng chữ bung ra, rớt xuống, đi sâu vào tâm thức người nghe:
Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi
Trong đêm khuya, phố vắng, nghe như có tiếng bước chân đơn lẻ, cô độc, lặng lẽ rải bước. Những bước chân chậm rãi, nặng trĩu tâm tư, không hề vội vã. Có lẽ bởi, trên căn gác nhỏ hiu quạnh kia, chẳng có người nào đang đón đợi. Sau những cuộc vui râm ran cùng bè bạn, người lại trở về với căn gác nhỏ mỗi đêm với bốn bức tường chật hẹp, đối diện với nỗi cô đơn, hoang lạnh.
Không gian, thời gian đó, những bước chân lặng lẽ, cô độc đó dường như đã trở đi trở lại rất nhiều lần, rất nhiều đêm chứ không phải “một đêm”. Bởi những “đoá hoa tường vi” kia chẳng phải vô tình mà “chợt nhớ”. Hình ảnh hoa tường vi dù là sắc màu nào luôn gợi nhớ đến những mối tình, và trong bài hát này một cuộc tình sâu kín:
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa
Loáng thoáng trong lời hát, ta hình dung bàn tay một người tình vừa xuất hiện. Bàn tay đã “ngắt” đi “đoá hoa tường vi”, “ngắt” đi cuộc tình duyên bí ẩn và rồi giờ đây đã quên luôn khu vườn tình yêu khi xưa. Hóa ra đó là một cuộc tình dở dang, vì người đã quay gót bỏ đi, không còn nhớ nhung, hoài niệm gì, bỏ một người ở lại, vẫn hoài đứng đó, mãi nhớ nhung “đoá hoa tường vi” xưa cũ. Hãy nghe tiếp những dòng tâm sự của “người ở lại”:
Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do
Người tình đã ra đi, đã “ngắt” đi “đoá hoa tường vi” mỏng manh, thuần khiết vừa bung nở. Thành phố quen bỗng hoá lạ, vui tươi nhộn nhịp bỗng hoá trưa vắng buồn tênh. Bước chân lãng du của “người ở lại” rời xa thực tại, chìm trôi trong không gian, thời gian của dòng tâm trạng sầu buồn, mất mát.
Giữa cái im lìm, tĩnh lặng của không gian, tâm hồn người bỗng co rút lại, nhỏ bé tựa như “lá cỏ”. Một lá cỏ vô danh, không hương, không sắc, lạc lõng giữa cuộc đời, “ngồi hát ca rất tự do”. Một thứ tự do đơn độc, sầu buồn, lạc lõng, chứ không phải thứ tự do hân hoan, ngập tràn hạnh phúc, đáng mơ ước.
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ.
Sự mất mát dường như khiến lòng người trở nên hoang mang, vô định. Dòng cảm xúc, tâm trạng cũng theo đó mà nhảy cóc từ trạng thái này sang trạng thái khác. Từ một người lữ khách lang thang, cô độc, bỗng chốc đã hoá thành “trẻ nhớ nhà”.
Có lẽ lần đầu tiên trong âm nhạc, nỗi hoài nhớ tình yêu lại được ví von như “trẻ nhớ nhà”. Đó là nỗi nhớ cuồng quay, bơ vơ, thiếu đói tình thương, mong nhớ đến gào thét một nơi nơi chốn an yên, quen thuộc. Tình yêu xưa, mối tình xưa tựa như một ngôi nhà yên vui, ve vuốt, sưởi ấm tâm hồn người lữ khách. Một nỗi nhớ rất chân thực, rất gần gũi, mà ai đi xa nhà cũng từng trải qua. Một nhà thơ từng viết về nỗi nhớ nhà vô cùng giản dị, được rất nhiều người yêu thích và đồng cảm:
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà. (Bài Giang Hồ của Phạm Hữu Quang)
Qua 3 đoạn hát, ta bắt gặp đến 3 hình ảnh “phố” khác nhau: “phố nọ”, “phố lạ” và ở đoạn hát này là “phố kia”. Mỗi “phố” là một ngăn kéo cảm xúc khác nhau. Ở câu hát “bàn tay ngắt hoa từ phố nọ”, “phố nọ” đây hẳn là ngăn kéo của niềm hạnh phúc. Còn ở câu hát “Một hôm bước qua thành phố lạ”, thì “phố lạ” là ngăn kéo của những cảm xúc bơ vơ, lạc lõng; và “phố kia” trong đoạn hát “Từ những phố kia tôi về” có lẽ là ngăn kéo của những sầu bi, mong nhớ về mối tình lỡ dở. Từng ngăn kéo cảm xúc, từng cái từng cái một được nhạc sĩ khéo léo kéo ra, rồi tỏ bày dưới những ngôn từ mềm mại, ma mị mà mê đắm.
Trong dòng cảm xúc nhớ mong, thiếu đói tình yêu, những tháng ngày yêu đương êm đềm xưa cũ dần được hồi tưởng lại. Đó là những “ngày xuân” tươi vui, rộn rã, thắm thiết, say mê. Nhưng thật kỳ lạ, nhạc sĩ viết “ngày xuân bước chân người rất nhẹ”. Người ở đây là ai? Là người ở lại hay người quay lưng đi? Trong toàn bộ ca khúc, người ở lại luôn xưng “tôi” và “ta”, vậy “người” ở đây hẳn là người ra đi rồi. Và “bước chân người” trong những “ngày xuân” tình yêu ấy lại “rất nhẹ”, không hề rộn rã, hân hoan, cuồng quay, say đắm như bước chân của những người đang yêu.
Dựa vào hai hình ảnh “bàn tay ngắt hoa” ở đoạn đầu và “bước chân người rất nhẹ” ở đoạn hát này, có thể lờ mờ đoán ra một mối tình đơn phương ẩn giấu sau lời hát. Tình yêu dường như chưa bao giờ được đón nhận từ phía người đi. Những “ngày xuân” hay “mùa xuân” có lẽ chỉ là những cảm xúc hân hoan, nồng đượm từ một phía, cho đến khi “đoá hoa tường vi” bị “ngắt” xuống.
“Mùa xuân đã qua bao giờ”, câu hát ập đến, trầm buồn và hụt hẫng. Người đã đi mang theo mùa xuân, mang theo cả tình yêu của người ở lại, chẳng thể níu giữ, chẳng thể mong cầu.
Nhiều đêm, thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe
Một hôm bước chân về giữa chợ
Chợt thấy vui như trẻ thơ.
Chẳng cần dài dòng văn tự, chỉ bằng một câu hát giản dị: “Nhiều đêm, thấy ta là thác đổ”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khiến người nghe rơi vào mê cung của những dòng cảm xúc, của những rúng động sâu thẳm trong tâm hồn. “Thác đổ” là một thứ cảm xúc không thể chống đỡ, không thể hoá giải, không thể vùng vẫy đào thoát. Từ đỉnh cao muôn trượng, nó ập xuống, thả rơi tự do vào lòng vực thẳm, cuồn cuộn, trắng xoá, náo động một vùng trời. Trước dòng cảm xúc như thác đổ, người ta chỉ có thể chìm trôi trong đó, phó mặc tất cả, bởi sự dữ dội đến ám ảnh, không chỉ dằn vặt thân xác và tâm hồn trong những giấc mơ đêm mệt mỏi, choáng váng, mà “tỉnh ra có khi còn nghe”.
Câu hát tiếp theo thoáng nghe qua tưởng như chẳng có sự liên hệ gì với dòng “thác đổ” náo động vừa qua: “Một hôm bước chân về giữa chợ, chợt thấy vui như trẻ thơ” – Niềm vui trẻ thơ là thứ niềm vui háo hức, giản dị, vô định vô cùng dễ thương, thuần khiết mà tất cả những ai không còn trẻ thơ nữa cũng mong một lần được trở lại trong đời. Nhưng với một người đang vụn vỡ trong nỗi đau tình thì lại khác. Sau những cơn chấn động mạnh về tinh thần, người ta dễ rơi vào một trạng thái tinh thần gần như “xoá trắng” – nói theo ngôn ngữ kỹ thuật thì là “reset lại từ đầu” – giống như một sự chối bỏ đối với hiện thực nghiệt ngã, một sự thanh lọc để đào thoát của tâm hồn. Câu hát thả xuống, chẳng có lời nào oán thán, sầu bi mà nghe xót xa, thương cảm vô cùng.
Nếu Xuân Diệu từng viết: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”, thì đây, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có vẻ cũng rất đồng tình:
Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya
Vườn khuya đóa hoa nào mới nở
Đời tôi có ai vừa qua
Cuộc đời mỗi người là một đốm lửa. Một đốm lửa nhỏ bé hoặc le lói suốt trăm năm hoặc vụt cháy sáng rực rỡ một lần rồi tàn lụi mãi trăm năm. Người ở lại có vẻ đã thấu rõ điều đó trong câu hát “Đời ta có khi là đốm lửa” và vì thấu rõ nên đã chọn lựa. Dẫu biết là “vườn khuya”, đêm tối, dẫu biết cuộc tình là vô vọng, đơn phương, vẫn quyết “nhóm” lên một ngọn lửa hy vọng, nguyện dâng hiến tâm hồn mình cho tình yêu rực sáng, cho “đoá hoa” tình yêu bung nở, dẫu chỉ một lần duy nhất trong đời. Câu hát “đời tôi có ai vừa qua” dẫu buồn man mác, vẫn cất lên nhẹ nhàng chứ không hề u ám, sầu bi bởi kết cục đã được đoán định, đã được chấp nhận, không hề bất ngờ.
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi nghĩ quanh đây hồ như
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ
“Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ, tôi nghĩ quanh đây hồ như”… hồ như có nấm mộ nào đó dành cho mối tình vô vọng? Trên trần đời này, chắc chẳng có nỗi đau nào đau hơn nỗi đau tự mình đào mồ chôn sống những thứ mình yêu quý, trân trọng, gìn giữ, coi như lẽ sống ở đời. Xuyên suốt toàn bộ ca khúc không có bất kỳ tia hy vọng nào được thắp lên, đến câu hát này thì hoàn toàn tuyệt vọng. Tình yêu đã mất, mối tình xưa đành chôn chặt nơi hầm mộ và cuộc đời người từ đây cũng “hết mang điều mới lạ”, cũng trở nên băng giá, ơ hờ. Tâm trạng đó, cảm xúc đó có khác gì người nằm dưới mộ?
Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quỳ
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.
Cho đến tận những câu hát cuối cùng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn giăng ra một ma trận những ngôn từ đầy ẩn dụ, huyền hoặc mà nếu không cẩn thận, người nghe dễ lạc bước vào những con đường vòng vèo, không thể thấy lối ra. Nhưng cũng ở đây, bức màn cuối cùng che chắn cho cuộc tình ẩn mật kia cũng được nhạc sĩ khéo léo vén lên: “Vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia”.
Câu hát cuối cùng này đã hoá giải mọi ngóc ngách của ngôn từ trong “bàn tay ngắt hoa từ phố nọ, giờ đây đã quên vườn xưa” hay “mùa xuân bước chân người rất nhẹ”. Bởi người quay lưng đi đã “mang lời khấn nhỏ” của người tu đạo, chẳng hề vương vấn, lưu luyến, đoái hoài chi tới những ái tình phù phiếm nơi trần thế.
Và người bị bỏ lại, thi thoảng trong lòng cũng nhen nhúm một ý định tương tự người ra đi: “Lòng tôi có đôi lần khép cửa, rồi bên vết thương tôi quỳ”. Dù đôi lần cố gắng “khép cửa” lòng, phong kín những cảm xúc yêu đương, quên hết những giấc mộng trần đời, để nối gót theo người đi “mang lời khấn nhỏ”, nhưng chẳng thể thực hiện, bởi “vết thương” tình kia vẫn cứ còn đó vĩnh viễn, hiển hiện, đau đớn:
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.
Những lời hát giống như một sợi định mệnh, quấn vít quanh người ở lại, vương vấn mãi trong tai người thưởng nhạc.
Khánh Ly hát trước 1975
Toàn bộ ca khúc là 7 đoạn hát mở ra 7 cánh cửa với 7 không gian, 7 cung bậc cảm xúc và rất nhiều hình ảnh khác nhau. Tất cả những ngôn từ, những phép so sánh, ẩn dụ, liên tưởng trong 7 đoạn hát không có một chút gì trùng lặp, đều mê hoặc, dẫn dụ người nghe vào thế giới âm nhạc riêng biệt, không lẫn lộn của ca khúc. Đó chính là tài năng, thần thái khác biệt của người phù thuỷ âm nhạc mang tên Trịnh Công Sơn.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn