Trang chủ
Ý nghĩa của Bài Không Tên Số 7 (Vũ Thành An) – Một làn khói trắng ru đời vào quên lãng…
Cũng như Bài Không Tên Số 6, nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng Bài Không Tên Số 7 không liên quan trực tiếp đến người nào cụ thể trong cuộc đời của ông như 5 bài không tên trước đó.
Bài Không Tên Số 7 được sáng tác vào khoảng năm 1969, là những dòng suy tưởng bất chợt về cuộc đời và những cuộc tình đã đi qua của nhạc sĩ Vũ Thành An:
Một làn khói trắng
Ru đời vào quên lãng
Nâng sầu thành hơi ấm
Xoa dịu tình đau
Ngay từ câu đầu tiên của bài hát này, suốt nhiều năm qua đã có những suy luận vượt xa ngoài dự tính của chính tác giả. Nhiều người nói rằng “làn khói trắng” này chính là khói của nàng tiên nâu trong một phút giây mà người nhạc sĩ muốn đưa hồn mình đi vào quên lãng. Tuy nhiên, trong một lần chính thức lên tiếng, Vũ Thành An đã đính chính rằng đó đơn thuần là khói thuốc, và vào năm 1970, hầu hết thanh niên Sài Gòn đều quen thuộc với làn khói thᴜốᴄ lá.
Những khi buồn, người ta thường tìm đến khói thuốc, như là tìm chút hơi nồng ấm để xoa dịu những tình cuộc đau đã nhiều lần phải nếm trải trong đời.
Anh Khoa hát Bài Không Tên Số 7 trước 1975
Ngày tàn im lắng
Yêu người làm tóc trắng
Tâm sự rồi đến đắng
Như lệ giờ biết nhau
Đêm vỗ về nuôi nấng
Đêm trao ngọt ngào hương phấn
Buông lơi dòng tóc mở
Trên vùng ngày tháng vật vờ.
Đoạn này có câu hát “yêu người làm tóc trắng”, có nghĩa là khi yêu người, mà đặc biệt là yêu thật lòng, làm cho ta phải mang quá nhiều suy tư và mệt mỏi, bạc trắng mái đầu. Tuy nhiên sau này có người hát thành “yêu người LÀN tóc trắng”, làm cho câu hát thay đổi ý nghĩa.
Thân em rồi hoang phế
Lê theo thời gian giông gió
Thôi cũng đành cúi xuống
Cho mộng đời thoát đi…
Nhạc sĩ Vũ Thành An đã từng nói về bài hát như sau: “Khi tôi viết bài đó, tôi nghĩ rằng là thân xác của chúng ta rồi một ngày sẽ không còn nguyên vẹn nữa. Nó sẽ biến đổi… Tôi làm bài đó, khi còn rất trẻ, mới hai mươi mấy tuổi thôi. Tôi đã nhìn thấy thân phận con người sẽ như vậy. Ai cũng phải trải qua như thế thôi. Nhưng có người đón nhận nó, hay có người giữ gìn nó, tùy hoàn cảnh…”
Đó là ý nghĩa của câu hát: “Thân em rồi hoang phế, lê theo thời gian giông gió”. Cuộc đời ai cũng phải có nhiều lần đi qua những cơn bão tố, và chỉ khi biết cúi xuống bỏ qua những tham vọng hoặc bon chen ở đời, thì lúc đó lòng người mới cảm nhận được sự bình yên…
Thùy Dương hát Bài Không Tên Số 7
Một đời đổ cho tình yêu
Từng đêm dòng nước mắt
Sẽ nâng niu đời nhau ư?
Đớn đau anh
Sẽ cho nhau đời nhau ư?
Xót xa em
Dắt đưa nhau mối hận đời người…
Ở câu hát này, hầu như 90% ca sĩ thế hệ trẻ sau này hát thiếu 1 chữ. Đó là chữ rất đơn giản nhưng đóng vai trò quan trọng:
Sẽ nâng niu đời nhau ư?
Đớn đau anh
Sẽ cho nhau đời nhau ư?
Xót xa em
Đây là những câu hỏi, và phải có chữ “ư” thì mới trở thành được câu hỏi. Theo nhạc sĩ Vũ Thành An, chữ này hát thật nhẹ, nhưng đủ để thành tiếng, để thành một câu hỏi xót xa.
Trả lại nước mắt
Cho mệnh đời son sắt
Thôi rồi em cũng mất
Cho tình cúi đầu
Một mình đi mãi
Trên đường dài không thấy
ai người quen tôi đấy
Bao giờ đời sẽ vơi?
Ở đoạn cuối, cũng có những chữ mà khá nhiều ca sĩ hát sai, đó là “mệnh đời”, không phải là “mảnh đời”. Và câu cuối cùng, đó là “bao giờ đời sẽ vơi”. Có nghĩa là đến sau cùng, người chỉ còn lại một mình, trên đường dài lê thê sẽ không còn được thấy người thân quen nào nữa, chỉ có thể lê những bước chân mệt mỏi để sống qua một kiếp mòn, đếm từng giây phút trôi qua để tự hỏi rằng bao giờ thì cuộc đời buồn và thật dài này mới vơi được bớt?
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn