Trang chủ
Tuấn Ngọc và những sự thật thú vị ít người biết
Cho đến nay, có thể xem Tuấn Ngọc là một trong những nam danh ca tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình Việt Nam và nhận được rất nhiều sự mến mộ của công chúng. Có một số điều thú vị liên quan đến Tuấn Ngọc mà có thể nhiều người chưa biết, xin được tổng hợp bằng bài viết này.
Vinh quang muộn màng
Là một tượng đài của dòng nhạc tình ca, trữ tình và tiền chiến, nhưng trong suốt gần 40 năm đầu của sự nghiệp, Tuấn Ngọc chủ yếu hát nhạc nước ngoài, không mấy khi hát nhạc Việt. Trước năm 1975, tên tuổi của ông vẫn rất mờ nhạt trong số hàng trăm ca sĩ danh tiếng của miền Nam. Tuấn Ngọc chỉ thực sự tạo dựng tên tuổi với nhạc Việt Nam vào năm 1989, khi đã 42 tuổi, trong CD hát chung với ca sĩ Thái Hiền.
Đó là CD Lời Gọi Chân Mây, có thể xem là thành công đầu tiên của Tuấn Ngọc trong thể loại nhạc trữ tình, với những bài tình ca bất hủ. Mời các bạn nghe lại CD này sau đây:
Từng bị Lệ Thu chê là “hát ngọng”
Trong lần hiếm hoi Tuấn Ngọc thu âm nhạc Việt trước năm 1975 trong băng nhạc do Lệ Thu thực hiện, ông đã hát Bao Giờ Biết Tương Tư, Bài Không Tên Số 5, Ru Em, Chiều Tưởng Nhớ… Sau năm 1975, một lần nữa Lệ Thu đã mời Tuấn Ngọc thu âm trong 1 băng nhạc vào năm 1981, nhưng trong cả 2 lần này Tuấn Ngọc đều không tạo được dấu ấn nào với nhạc Việt, còn bị Lệ Thu chê là “hát ngọng”. Điều này dễ hiểu vì trong 1 thời gian dài Tuấn Ngọc chỉ hát nhạc nước ngoài.
Mời bạn nghe lại giọng hát Tuấn Ngọc trước 1975:
Tuấn Ngọc hát trước năm 1975 trong băng nhạc Tứ Quý
Tuấn Ngọc có nhắc tới về việc này như sau:
“Năm 1971, ca sĩ Lệ Thu có làm một cuộn băng Tứ quý gồm Lê Thu, Khánh Ly, Duy Trắc và tôi. Một thờ gian dài hát nhạc ngoại nên khi quay lại với nhạc Việt, tôi thấy mình hát không chuẩn, nên tôi lại tiếp tục phiêu du trên nhạc Mỹ.
Năm 1981, tôi trở lại với nhạc Việt, thu chung cuốn băng Thuở Ban Đầu với Lệ Thu. Tôi hát những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An, còn Lệ Thu trình bày các ca khúc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Với cuốn băng này, tôi vẫn thấy mình chưa có duyên với nhạc Việt nên lại thêm một hành trình nữa với 5 năm đi chơi nhạc ở Hawaii.
Nếu gọi là sự trở lại với nhạc Việt thật sự và tôi bắt đầu thành công với nhạc Việt bằng việc hát những ca khúc tiếng mẹ đẻ phải là từ năm 1989, sau khi thu chung cuốn băng Lời Gọi Chân Mây với Thái Hiền. Có thể như thế hơi muộn, nhưng tôi tin cái gì cũng có duyên cớ và số phận”. (Trích theo bài phỏng vấn của Hoàng Nguyên Vũ trong sách Thân Phận Và Hào Quang)
Ngoài lạnh trong ấm, nói chuyện hài hước
Nhìn bên ngoài, Tuấn Ngọc có phong cách lịch lãm, chỉn chu và có vẻ là lạnh lùng, khó tính, khó gần. Tuy nhiên những người đã từng được tiếp xúc với Tuấn Ngọc đều dễ nhận thấy ông nói chuyện rất hài hước, dí dỏm và thường pha trò một cách tự nhiên. Trong các show lớn nhỏ, Tuấn Ngọc ít khi cần nhờ tới MC dẫn chuyện, mà ông kiêm luôn vai trò đó với cách trò chuyện tuy ngắn gọn nhưng cũng đủ làm cho khán giả bên dưới cười nghiêng ngã.
Xin ví dụ một trường hợp sau đây, tại một đêm nhạc ở phòng trà trong nước, trước khi hát bài Rong Rêu của nhạc sĩ Nguyễn Tâm, Tuấn Ngọc đã dẫn chuyện:
“Bài này đau lưng lắm, mỏi lắm, mỏi gối nữa, chỉ có cánh đàn ông tụi tôi biết thôi. Vì sao? Vì trong bài hát này có câu: Chỉ vì yêu em nên anh vất vả, chỉ yêu yêu em nên anh mất cả…”
Mời bạn nghe lại Tuấn Ngọc hát Rong Rêu:
Tuấn Ngọc hát Rong Rêu
Tính cách hài hước của Tuấn Ngọc còn được thể hiện qua câu chuyện được ông kể lại như sau:
Cách đây vài năm, lúc ngồi ăn trong một tiệm mì gần nhà ở Bình Thạnh, tôi nghe hai phụ nữ trung niên bàn kế bên hình như đang nói về mình. Một người nói: “Ông này là ông nào nhỉ?”. Người còn lại tiếp lời: “Nhìn quen lắm, cố gắng nhớ đi”. Thấy vậy, tôi nói vọng sang: “Chế Linh”. Một người “ừ ừ” như đã nhớ ra, nhưng người còn lại vẫn chưa chịu: “Không phải đâu. Chế Linh đen hơn nhiều”.
Những người thân xung quanh Tuấn Ngọc đều là nghệ sĩ nổi tiếng
Có thể nói rằng hầu hết những người thân cận trong gia đình của Tuấn Ngọc đều là những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Việt Nam. Cha của ông là nghệ sĩ nổi tiếng Lữ Liên, thủ lĩnh của ban AVT, kiêm nhạc sĩ sáng tác, kiêm nghệ sĩ chơi đàn. Chị của Tuấn Ngọc là danh ca Bích Chiêu. Em trai Tuấn Ngọc là ca sĩ nổi tiếng Anh Tú, cùng một loạt những em gái tài năng là ca sĩ Khánh Hà, Lưu Bích, Thúy Anh, Lan Anh.
Năm 1994, Tuấn Ngọc lập gia đình với ca sĩ Thái Thảo, và gia đình bên vợ thậm chí còn có một danh sách nghệ sĩ còn dài hơn nữa, với bố vợ là nhạc sĩ lớn nhất của Việt Nam là Phạm Duy. Các anh vợ, chị vợ, và cả vợ đều là những ca sĩ, nhạc sĩ tên tuổi. Tuấn Ngọc từng hài hước nói về ông bố vợ nổi tiếng như sau:
“Nhạc sĩ Phạm Duy là một người khá phóng khoáng, dễ chịu nên tôi không bị áp lực gì khi làm con rể ông. Áp lực làm con rể phạm Duy hình như nhẹ hơn là việc làm chồng con gái ông ấy. Có điều khi lấy con gái Phạm Duy thì tôi được cái lợi lớn nhất là hát ca khúc của ông ấy mà… không phải trả tiền bản quyền”.
Là HLV lớn tuổi nhất của một gameshow về âm nhạc
Đầu năm 2019, ca sĩ Tuấn Ngọc lại gây chú ý khi nhận lời làm huấn luyện viên trong chương trình The Voice – Giọng Hát Việt, trở thành huấn luyện viên lớn tuổi nhất (72 tuổi) trong lịch sử gameshow này. Sự xuất hiện của Tuấn Ngọc trên ghế HLV một chương trình mang tính giải trí như vậy đã làm cho dư luận bàn tán xôn xao, người thì ủng hộ, kẻ thì phản đối. Tuấn Ngọc thừa nhận rằng ngay cả vợ của ông cũng không ủng hộ lắm. Tuy nhiên sau tất cả thì Tuấn Ngọc cũng có được đôi chút gọi là thành công trong lĩnh vực này, khi quán quân của Giọng Hát Việt năm 2019 thuộc về học trò của ông là Đức Thịnh.
Những phát ngôn gây tranh cãi
Tuấn Ngọc cũng từng có một số quyết định hoặc phát ngôn gây tranh cãi liên quan đến showbiz Việt ở trong nước, điển hình là đã nhận lời hát song ca với Sơn Tùng MTP, một ca sĩ trẻ có phong cách âm nhạc mang ảnh hưởng từ nhạc Hàn. Bên cạnh đó ông cũng từng nói về sở thích nghe nhạc Hàn của giới trẻ Việt hiện nay như sau:
“Điều duy nhất tôi không hiểu ở giới trẻ Việt Nam hiện tại là tại sao các bạn yêu thích nhạc Hàn Quốc? Nhạc Hàn hay nhạc Pháp đều học hỏi hoặc bị ảnh hưởng của nhạc Mỹ. Văn hóa nghệ thuật Mỹ như tiêu chuẩn chung của thế giới, nếu học hỏi, tại sao lại không học nhạc Mỹ? Nếu tôi là các bạn trẻ, tôi sẽ học những cái hay của nhạc Mỹ, kết hợp nhạc Việt để thay đổi. Thực tế, nhạc Việt còn ấu trĩ lắm”.
Tuấn Ngọc hát song ca với Sơn Tùng MTP
Quan điểm gây tranh cãi về sự tồn tại của mình ở trên đời
Ngoài những phát ngôn gây tranh cãi liên quan đến âm nhạc thì cách đây vài năm, trong một bài phỏng vấn trên báo VnExpress, nam ca sĩ Tuấn Ngọc đã gây sửng sốt với công chúng vì những quan điểm và suy nghĩ riêng về con cái, ông thậm chí khuyên ba cô con gái của mình đừng nên sinh con. Cụ thể, ông nói rằng: “Hồi trẻ, có thể mình nghĩ có con cho vui nhưng đến tuổi này tôi lại nghĩ, không có con là điều tốt hơn.
Tôi rất thương con tôi, hơn tất cả mọi thứ. Nhưng tôi cũng khuyên các con tôi không nên có con. Càng sống, tôi càng thấy sự tồn tại của mình trên trái đất này không giúp ích gì ai hết. Ngược lại, mỗi chúng ta đang góp phần tàn phá trái đất”.
“Cuộc đời buồn nhiều hơn vui”
Giải thích cho việc thường hát nhạc tình cảm, nhạc buồn, Tuấn Ngọc từng trả lời phỏng vấn trên báo zing như sau:
Cuộc đời buồn nhiều hơn vui, tôi thích hát nhạc buồn vì nó cho mình nhiều cảm xúc hơn. Tôi vẫn quan niệm hát phải để tâm hồn vào ca khúc mà chỉ có nhạc buồn mới bắt mình làm được như vậy còn nhạc vui thì ai chẳng hát được. Phần đông nhạc Việt, những ca khúc giá trị từ lời đến giai điệu đều buồn. Nước mình là nước chịu đủ thứ bất hạnh nên nhạc buồn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng buồn quá cũng không nên vì mình mang buồn cho người nghe là điều không tốt. Thế nên sau này tôi đổi nhạc điệu cho bài hát đỡ bi lụy.
Quan điểm về nhạc xưa
Ngoài các quan điểm còn tranh cãi ở bên trên thì Tuấn Ngọc cũng có những lời nói xác đáng để giải thích vì sao nhạc xưa trở thành bất hủ. Xin trích lại 1 đoạn đăng trên báo vietnammoi.vn:
“Theo tôi, vì nhạc ngày xưa người ta viết bằng trái tim, cảm xúc thật, còn bây giờ thì âm nhạc “mì ăn liền”, thương mại hóa và có sự can thiệp của công nghệ âm thanh. Nhạc xưa phần lời rất được chú trọng, ý nhạc là linh hồn ca khúc và mang tính riêng biệt bởi thời đó chưa có YouTube để bắt chước, muốn sáng tác giỏi, hát hay thì phải tự học. Còn bây giờ, nhạc Việt rập khuôn nhiều quá nên nhiều khi chẳng có tình cảm gì.
Nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… đọc lời thôi đã thấy xao xuyến rồi và người nhạc sĩ phải mất bao nhiêu lâu mới sáng tác nên tác phẩm. Ở bên Mỹ, giới trẻ cũng quay trở lại nghe nhạc xưa nhiều lắm vì giá trị nghệ thuật của nhạc xưa rất cao, họ nghe để học hỏi cái hay và phát triển hơn. Thành ra trong tương lai, bolero hay nhạc tiền chiến sẽ trở thành âm nhạc cổ điển của Việt Nam.”
nhacxua.vn biên soạn