Trang chủ
Trong chồng báo cũ: Thanh Thúy – Tiếng hát của định mệnh đối kháng trong thân phận Việt Nam
Trong làng nhạc vàng Việt Nam trước 1975, có rất nhiều nữ danh ca nổi tiếng, nhưng có lẽ không có ai có được đông đảo sự mến mộ nhiều hơn Thanh Thúy. Tiếng hát trầm buồn của cô như một mạch nước nguồn, không bùng nổ như sóng biển ào ạt, mà ngấm sâu và len chảy trong lòng người. Tiếng hát đó như là một chứng nhân của thời cuộc, hát lên cho những phận đời u uẩn, nỉ non như lời tâm sự giữa đêm khuya, chinh phục được đông đảo các tầng lớp công chúng. Chúng ta hãy cùng đọc lại bài báo năm 1972 sau đây để cùng kiểm chứng cho nhận định ấy:
Cuộc đời là một sự tương nhập, tàn phá lẫn nhau đến vô cùng, chính vì thế tiếng hát cất lên, bạo tàn nghe đợi. Biến trình ấy đã thành hình bằng những xung đột trong cõi sống con người và không một ai chịu theo cơn triều và gió cuốn, bởi cơn triều và gió cuốn chỉ là một phiêu lưu của ảo tưởng, nó làm mất cá tính và với muôn đời những mâu thuẫn nội tại vẫn là điểm tựa những hạn giới biết dừng lại bất ngờ. Đời sống chúng ta hôm nay nếu định tâm nhìn kỹ chắn chắn chúng ta đang sống vũ bão với những hành động chẳng chút toan tính nào.
Chúng ta cầm súng, tâm thức chất đầy nghịch hận. Vậy mà chúng ta còn thèm được âu sầu, thèm được tưởng vọng mai sau, thèm được xót xa và bi thảm hóa những phẫn nộ không tình người giữa nỗi người trong chúng ta, giữa Việt Nam trong Việt Nam.
Vòng dây nào đã bắt chúng ta dừng lại vì những chằng chịt mắt lưới kia? nếu không phải là nỗi bi thảm của phận người, phận nước…
Tôi muốn nói đến những nổi loạn trong từ trường tiếng hát của Thanh Thúy và âm vang đó từ mười lăm năm trở lại đây.
Thanh Thúy hát và súng nổ. Những người tuổi trẻ trên dưới ba mươi chắc sẽ đồng ý như thế, bởi từ tiếng hát đó họ đã cùng lúc nghe tiếng súng bên ngoài vọng lại. Tiếng hát trở thành một đối tượng của thách thức, của tranh giành trong vùng đất sống của chúng ta, thời gian trước những năm sáu mươi và cho đến bây giờ.
Những tàn phá tàn nhẫn do cuộc chiến gây nên cho quê hương chúng ta không phải không nát tan và âm vang nức nở nghẹn ngào của tiếng hát Thanh Thúy không bền vững, không uất nghẹn, như lòng dạ sắt son của những tấm lòng vàng của người mẹ Việt Nam với lời ru con trong những đêm lửa đạn.
Nữ danh ca Thanh Thúy theo nhận định của giáo sư Nguyễn Văn Trung trong một bài viết đăng trên tạp chí Bách Khoa nhan đề “ảo tưởng Thanh Thúy” đã một dạo làm xôn xao sinh hoạt thời sự nghệ thuật, và giới thưởng ngoạn cũng đã đồng tình với giáo sư Trung rằng tiếng hát Thanh Thúy đã phản ảnh được tâm hồn con người trong thời đại nhiễu nhương và bất trắc nầy.
Và một điều lạ lùng hơn, giáo sư Trung đã không ngờ tới, Thanh Thúy không chỉ là ảo tưởng mà còn là 1 hiện thân của sức sống và chí phấn đấu.
Hơn mười năm qua tiếng hát ấy vẫn khuất phục bạo động, lòng cuồng tín của những trái tim thiếu cảm xúc, những trái tim thiếu tình người. Và nói theo Faulkoer, Thanh Thúy đã chiến đấu với chính tâm hồn mình. Thời gian đã chứng tỏ điều đó cùng chúng ta.
Thế nên, với những tiếng hát khác của thế giới nhạc trẻ chẳng hạn với những Julie Quang, Carol Kim… những giọng vàng đó nó chỉ dành cho một thiểu số thưởng ngoạn còn trẻ trung chưa biết chiến tranh là gì, chưa biết máu lửa của những cuộc hỏa thiêu kinh hoàng trên trận địa, sự gào thét của thế giới nhạc trẻ là nỗi phẫn nộ ngoại biên hời hợt và giả tạo.
Thanh Thúy không cùng bước trên lộ trình vừa trình bày. Người ca nữ tài hoa của định mệnh đã bước những bước thật nhẹ nhàng giữa giới hạn của những xung đột, giữa yêu thương và thù hận, giữa đổ phá và xây dựng. Ma lực của tiếng hát đó không nhằm chi phối những công việc hằng ngày của mỗi người khi nghe đến, nhưng nó có tác dụng thẩm thấu vào tâm trí người nghe như một kiểm chứng lại hành động đời mình. Có nằm trên 1 đồi cao sau đêm giao tranh với kẻ thù, và nghe tiếng hát Thanh Thúy mới cảm nhận được tất cả những chấn động diệu thoát ra trong mỗi âm thanh. Người nghe đã phân vân, ngỡ ngàng để rồi chìm đắm trong những âm điệu vừa nỉ non kể lể, vừa hờn trách vu vơ, hay chịu đựng phân trần. Niềm tâm sự u uẩn trong mỗi chúng đã có dịp bắt gặp những nhánh sông trong vắt lặng lờ. Những nhánh sông của đời người đã hơn một lần thay gương soi mặt, hơn một lần nhảy xuống ngâm mình hay tung tăng bơi lội. Lòng sông không sâu nhưng bao dung quá, vỗ về quá. Ta biến thành trẻ thơ của một chứng ngộ tình cờ qua tiếng hát của nàng.
Hiện thân Thanh Thúy thực sự còn là một nỗi cô đơn chất chứa, và nàng đã cưu mang nơi mình tràn đầy những tiềm ẩn nội tại của kiếp người đày đọa của chúng ta, và chính nhờ thế người thưởng ngoạn đã giữ được trong tiếng hát đó sự ngưỡng mộ và thương yêu thành kính.
Tiếng hát Thanh Thúy trước hết là 1 đồng vọng của phiến buồn từ những bờ tre xanh ngắt, im phăng phắt giữa cơn nắng buổi trưa hè, đêm thu trăng sáng trên bờ giếng ao hồ, của đồng quê thôn bản, chiều đông hiu hắt của một cơn gió se lòng chỉ còn chờ và nhớ. Phải chờ và nhớ tiếng hát Thanh Thúy trong trầm lặng kiên nhẫn mới nhận được âm vang của lòng mình như lắng xuống lan rộng ra với bao nhiêu thống khổ của con người mang đầy hệ lụy.
Và sau cùng sức nặng của bom đạn còn tàn phá trên quê hương, tiếng hát Thanh Thúy vẫn còn ngưỡng vọng, nhưng mai kia thanh bình đến, mùa xuân về, tiếng hát Thanh Thúy chỉ còn là tiếng lòng lắng sâu trong địa vực vô hình để nhường cho muôn ngàn lời chim ca hát.
Tác giả: Như Ngân
Tiệm báo xưa