Trang chủ
Tiểu sử diễn viên – NSƯT thẩm Thúy Hằng
Là một mỹ nhân nổi tiếng của nền điện ảnh giai đoạn thập niên 70 và liên tục vào các vai chính trong các bộ phim nổi tiếng với mức cát-xê cao kỷ lục, cựu minh tinh Thẩm Thúy Hằng đã để lại một gia tài phim đồ sộ với khoảng 60 phim. Tuy nhiên, cho đến tận lúc mất đi, thứ người ta nhắc đến bà không chỉ là những bộ phim nổi tiếng mà còn là những tấn bi kịch của cuộc đời nghệ sỹ. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về tuổi thơ, cuộc đời và sự nghiệp của nữ minh tinh màn ảnh thông qua bài viết tiểu sử NSƯT Thẩm Thúy Hằng dưới đây nhé.
Tên thật | Nguyễn Kim Phụng |
Năm sinh | 20/10/1940 |
Quê quán | An Giang |
Nghề nghiệp | Diễn viên, Nhà biên kịch |
Năm hoạt động | Từ 1958 đến 1980 |
Gia đình | Nguyễn Xuân Oánh (cưới 1970) |
Danh hiệu | NSƯT |
Bộ phim nổi tiếng | Người đẹp Bình Dương, Ngưu lang chức nữ, Chiều kỷ niệm, Nàng,Ngậm ngùi… |
Trang cá nhân | Đang cập nhật |
Thẩm Thúy Hằng có tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh ngày 20/10/1940 tại Hải Phòng. Nhưng vào năm 1 tuổi, Thúy Hằng cùng gia đình di cư vào miền Nam (1941) và sống tại An Giang. Cha mẹ bà thuộc tầng lớp công chức, cha là một viên chức trong chính quyền Quốc gia Việt Nam, mất sớm khi bà mới 13 tuổi.
Thuở nhỏ, Thẩm Thúy Hằng theo học trường Huỳnh Văn Nhứt – Long Xuyên. Hết bậc Tiểu học, Kim Phụng lên Sài Gòn ở với người chị theo học Trung học tại trường Huỳnh Thị Ngà, Tân Định. Năm Kim Phụng lên 16 tuổi học lớp Đệ tứ (lớp 9 bây giờ) đã nức tiếng là một hoa khôi trong giới học sinh.
Khi học hết năm Đệ tứ (tức là lớp 9 trong hệ thống giáo dục bây giờ), bà lén gia đình tham gia cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân và đạt giải nhất của cuộc thi sau khi vượt qua 2000 thí sinh khác. Ông chủ hãng phim Mỹ Vân đã đặt cho bà nghệ danh Thẩm Thúy Hằng và chính cái tên này đã theo bà suốt những năm tháng sau này.
Thiếu nữ 16 tuổi từ đó bước vào nghiệp diễn với tên Thẩm Thúy Hằng từ đó. Nữ nghệ sĩ từng cho biết thích cái tên này vì thích con sông Hằng của Ấn Độ, Thẩm là họ của hai người thầy bà mến mộ: Nhà văn Thẩm Thệ Hà dạy văn và nhạc sĩ Thẩm Oánh dạy nhạc cho bà. Còn Thúy là tên của một người bạn rất thân.
Thẩm Thúy Hằng gặt hái trái ngọt ngay từ chặng đầu vào nghề. Bước ra từ cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân. Bà được hãng phim chọn đóng vai chính Tam Nương trong phim điện ảnh Người đẹp Bình Dương (địa danh xưa ở Trung Quốc). Tác phẩm ra mắt năm 1958 do đạo diễn Thành Châu (tức Nghệ sĩ Nhân dân Năm Châu) biên soạn dựa trên tích xưa, kể về cô gái xấu xí vốn bị gia đình ghét bỏ. Nhờ suối tiên, cô thoát xác trở thành thiếu nữ kiều diễm. Nỗ lực vượt mọi gian truân, cô kết duyên, sống hạnh phúc cùng một chàng trai khôi ngô. Cốt truyện đơn giản, môtíp vốn không lạ so với nhiều tác phẩm cùng thời.
Nhờ lối diễn cuốn hút, nhan sắc khả ái của Thẩm Thúy Hằng, bộ phim đã tạo nên hiện tượng, thu hút đông đảo công chúng khi ra rạp. ‘Tam Nương’ cũng là vai diễn đầu tiên giúp tên tuổi bà gắn với biệt danh “người đẹp Bình Dương” trong suốt hành trình nghệ thuật thập niên 50 – 60.
Trở thành một ngôi sao tỏa sáng làng điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng ngày càng nhận được hàng loạt lời mời đóng chính trong nhiều phim nổi tiếng. Sau thắng lợi của Người đẹp Bình Dương, hãng phim tiếp tục dồn sức đẩy tên tuổi bà thành ngôi sao với phim Ngưu Lang – Chức Nữ. Phân cảnh Chức Nữ từ biệt người tình bay về trời trong sương khói lãng đãng, cùng tiếng nhạc du dương do Phạm Duy biên soạn, trở thành một trong những phân cảnh kinh điển của tác phẩm.
Thời điểm đó, Thẩm Thúy Hằng còn đứng đầu danh sách ngôi sao có tiền cát-xê cao. Thậm chí, một giai đoạn, cát-xê của bà thuộc hàng kỷ lục trong làng phim với 1 triệu đồng cho một vai diễn, tương đương 1 kg vàng 9999 ngày nay.
Không chỉ thành công ở mảng điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn nổi tiếng cả trong lĩnh vực sân khấu, đóng kịch nói, tân nhạc và diễn cải lương. Thẩm Thúy Hằng từng biểu diễn rất thành công ca khúc “Hai chuyến tàu đêm” của Trúc Phương và “Tình lỡ” của Thanh Bình. Bên cạnh đó, ban kịch Thẩm Thúy Hằng khi ấy được xếp vào “top ten” những ban kịch nổi tiếng, riêng nữ diễn viên thì được xếp vào danh sách 12 diễn viên sáng giá của kịch nghệ miền Nam.
Ngoài chức danh Trưởng ban kịch, Thẩm Thúy Hằng còn tham gia viết kịch bản, thủ vai chính trong các tác phẩm như: “Sông dài”, “Vũ điệu trong bóng mờ”, “Người mẹ già”, “Đôi mắt bằng sứ”, “Suối tình”, “Dạt sóng”…
Tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng còn vươn tầm châu lục. Thời kỳ trước năm 1975 chính là thời kỳ đỉnh cao danh vọng của Thẩm Thúy Hằng khi bà không chỉ liên tục nhận được những giải thưởng cao của điện ảnh Châu Á và quốc tế mà còn được tôn vinh nhan sắc khi được công chúng mệnh danh là một trong tứ đại mỹ nhân của Sài Gòn trước năm 1975, cùng với Thanh Nga, Kiều Chinh và Kim Cương.
Có thời điểm, hình ảnh của Thẩm Thúy Hằng và Thanh Nga liên tục xuất hiện trên bìa các báo xuân và lịch tết với biểu tượng một người là “Nữ hoàng điện ảnh”, còn người kia là “Nữ hoàng sân khấu cải lương”. Cả hai khi ấy đều đại diện cho nhan sắc phụ nữ khiến nhiều người say đắm.
Vai diễn cuối cùng của Thẩm Thúy Hằng là vai Phồn Y trong vở “Lôi Vũ” của đoàn kịch Kim Cương. Bà đã được nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984.
Tuy đứng trên đỉnh cao của tiền bạc và danh vọng, trở thành nữ minh tinh màn bạc của điện ảnh, nhưng cuộc sống đời tư cá nhân của Thẩm Thúy Hằng lại khá lận đận.
Sinh thời, Thẩm Thúy Hằng từng nói đời bà nhiều nỗi buồn. Thời trẻ, bà lận đận tình cảm lấy chồng thuở đôi mươi. Bà kể, năm 1959 bà bị ép kết. Sau 5 năm chung sống, có một người con, hôn nhân gãy gánh khi bà đang ở độ tuổi đỉnh cao trong nghề.
Tới năm 1970, Thẩm Thúy Hằng lên xe hoa lần thứ hai với một tiến sĩ kinh tế hơn bà 20 tuổi – người có ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp bà sau đó. Khi bốn người con khôn lớn, thành đạt và định cư ở nước ngoài, bà cũng dần giã từ sân khấu, dồn tâm sức vào thiện nguyện. Tuy nhiên, sau đó 33 năm, ông đã qua đời, để lại mình bà lẻ loi.
Sau đó, vào khoảng thập niên 1990, Thẩm Thúy Hằng làm phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, bà không hề xinh lên, “dao kéo” khiến gương mặt của nữ minh tinh biến dạng một cách kinh khủng. Từ khi phẫu thuật hỏng, Thẩm Thúy Hằng sống khép mình, chỉ quanh quẩn trong nhà niệm Phật.
Sau những biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ, từ giã hào quang, Thẩm Thúy Hằng lựa chọn tu tại gia, tìm niềm an nhiên trong lời kinh kệ. Nghệ sĩ Kim Cương cho biết Thẩm Thúy Hằng từng tâm sự rằng với bà, tu hành là một cách giải thoát để gửi thân nương náu nơi cửa Phật, quên đi những tiếc nuối về thời son sắc để có được sự thanh thản, tự tại. Dù vậy, nghệ sĩ vẫn không quên đam mê với sân khấu. Năm 2006, bà ra mắt hai kịch bản Người hạnh phúc, Nụ cười và nước mắt – nội dung đậm chất triết lý về lẽ vô thường, được – mất ở đời.
Phong thái hào sảng, ung dung cũng là điều các đồng nghiệp cảm nhận ở Thẩm Thúy Hằng vào tuổi xế chiều. Đạo diễn Thanh Hiệp nhớ mãi lần tiếp xúc với bà ngày trước. Thắc mắc về thói quen hay dùng son mới trước mỗi suất diễn, anh được nghệ sĩ giải thích bà thường tặng lại son cho các diễn viên trẻ trong đoàn vì thương họ thiếu thốn, sau đó mới mua cây mới. “Chị là vậy, luôn nghĩ về lớp trẻ và vẫn luôn là một Phồn Y tinh tế, bao dung của Lôi vũ”, đạo diễn nói.
Ngày 7/9/2022, bà Thẩm Thúy Hằng qua đời tại nhà riêng ở TPHCM, hưởng thọ 83 tuổi. Sự ra đi của cựu minh tinh màn bạc đã khiến nhiều người tiếc nuối.
NSƯT Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM – cho hay bà và Sở Văn hóa sẽ hỗ trợ gia đình kỳ nữ lo hậu sự cho bà.
Bà Dương Cẩm Thúy – Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM – cho biết trước đó, sức khỏe diễn viên Thẩm Thúy Hằng yếu đi nhiều ngày nay. Gia đình hiện chờ con trai bà ở nước ngoài về để làm các thủ tục cho tang lễ.
Lễ viếng nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng dự kiến được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, quận Gò Vấp, TP.HCM ngày 9/9, lễ di quan vào ngày 11/9.
Trên đây là tổng hợp những thông tin xung quanh cựu minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng hi vọng đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về tuổi thơ, cuộc đời và sự nghiệp của bà cũng như tiểu sử NSƯT Thẩm Thúy Hằng.