Trang chủ
Sự thay đổi của thị trường âm nhạc hiện nay qua ca khúc “Sương Trắng Miền Quê Ngoại” của Đan Trường trên YouTube
Một ca sĩ nhạc trẻ nổi tiếng ở Việt Nam từ hơn 20 năm trước là Đan Trường – hiện đã định cư tại Mỹ, vừa phát hành một loạt ca khúc nhạc vàng, với một dự án mà anh gọi là Bo – Bolero.
Dự án Bo – Bolero này bao gồm các bài nhạc vàng nổi tiếng và quen thuộc với khán giả là Quán Nửa Khuya, Thương Quá Việt Nam, Phượng Buồn, và một điều ngạc nhiên là trong những ca khúc mà ca sĩ này đã đăng trên YouTube, có 2 bài nhạc lính rất “nặng đô”: Lối Về Đất Mẹ và Sương Trắng Miền Quê Ngoại, những ca khúc mà có lẽ gần như sẽ không bao giờ được xem xét cấp phép lưu hành ở trong nước.
Vì sao những bài “nhạc lính” như vậy lại ngày càng phổ biến ở trong nước và dễ dàng được các ca sĩ phát hành ra thị trường như vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này.
Đan Trường hát Sương Trắng Miền Quê Ngoại
Có thể nói, thời gian vừa qua, kể từ khi “trào lưu bolero” trở lại mạnh mẽ ở trong nước, thì các ca khúc nhạc vàng, bao gồm nhạc tình yêu, nhạc quê hương, và cả nhạc thời cuộc, những ca khúc viết về tâm tư tình cảm của người lính năm xưa đã được khán giả chào đón và tìm nghe một cách công khai. Cũng từ đó, rào cản về “nhạc cấm” hay nhạc được phép lưu hành đã được các ca sĩ trong nước “lách luật” bằng hình thức phát hành nhạc trên YouTube, là công cụ phi truyền thống, không chịu sự kiểm duyệt gắt gao giống như phát hành nhạc bằng CD, DVD như khoảng 10 năm trước đây.
Cũng từ đó, rất nhiều ca sĩ ở trong nước, nhiều công ty hoạt động ở trong nước đã tổ chức ghi âm, ghi hình rồi phát hành nhạc trên YouTube, dễ dàng đến được tai nghe của hàng triệu người mà không chịu một sự kiểm duyệt nào đáng kể. Vì vậy mà giờ đây khi mở YouTube, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều ca sĩ vẫn hoạt động ở trong nước đang ê a hát những ca khúc nhạc vàng viết về lính, mà nhiều khả năng là họ không hiểu hết ý nghĩa của những bài hát có tuổi đời trên nửa thế kỷ.
Đan Trường hát Lối Về Đất Mẹ
Xin nói sơ qua về hình thức phát hành nhạc trên YouTube rất phổ biến hiện nay:
Cách đây trên 10 năm, thị trường băng đĩa nhạc vẫn rất sôi động. Tuy nhiên trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển bùng nổ của internet, các website nhạc trực tuyến ra đời, và sự phổ biến sâu rộng của nên tảng YouTube đến tận smartphone của từng người, TV của từng nhà đã đặt dấu chấm hết cho băng đĩa ở thị trường nhạc Việt Nam. Ở thời đại ngày nay, các ca sĩ không thể nào phát hành CD hay DVD vật lý như trước kia được nữa.
Tuy nhiên, khi cánh cửa này khép lại thì một cánh cửa rộng lớn khác lại mở ra, và những ai bắt kịp xu thế, biết thay cách làm, chuyển đổi tư duy, đổi cách tiếp cận dựa theo thời thế thì sẽ vẫn có thể tồn tại và phát triển. Từ mấy năm nay, nhiều ca sĩ chọn phát hành nhạc thông qua YouTube, một kênh phát hành nhạc mới thuận tiện và dễ dàng đưa sản phẩm âm nhạc của mình đi rộng khắp cả thế giới, chứ không bó hẹp không gian như hình thức bán CD vật lý như xưa.
Từ đó, với thị trường âm nhạc, cách tiếp cận đã thay đổi, cả về phía ca sĩ lẫn khán giả: Khi phát hành nhạc thông qua các nền tảng trực tuyến, ca sĩ đưa được sản phẩm tới nhiều người hơn, không thu tiền trực tiếp của người nghe, mà thu thông qua các hình thức trung gian. Với cách làm này, ca sĩ không chỉ thu được tiền từ các sản phẩm mới, mà các MV ca nhạc cũ cũng mang lại thu nhập tương đối.
Ngoài YouTube, hiện nay ca sĩ (hoặc đơn vị nắm bản quyền nhạc) còn hợp tác với các nền tảng nghe nhạc trực tuyến khác như Apple Music, Spotify… để thu phí người dùng hàng tháng và chia sẻ doanh thu. Tuy nhiên nền tảng YouTube vẫn đơn giản, thuận tiện và phổ biến nhất, có đông đảo người dùng nhất, đơn giản vì nó “miễn phí”. (Nhưng có thật sự miễn phí hay không, xin nói tiếp ở bên dưới).
Qua các nền tảng trực tuyến này, khán giả nhanh chóng được nghe nhạc của thần tượng hơn. Dù không được cầm tận tay CD nhạc, nhưng chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng mỗi tháng trả cho Spotify, khán giả yêu nhạc có thể nghe được thoải mái hàng triệu tác phẩm âm nhạc khắp thế giới. Còn với YouTube, thậm chí là được nghe tha hồ mà không phải trả tiền.
Tuy nhiên “không có bữa ăn nào là miễn phí”.
Người ta nói rằng nghe nhạc YouTube là miễn phí, điều đó chưa chính xác lắm, vì người nghe nhạc đã “trả phí” trong mỗi lượt xem, click vào quảng cáo. Nếu chỉ 1 vài người thì không đáng kể, nhưng nếu hàng triệu người như vậy, thì ca sĩ – những người phát hành nhạc, sẽ thu về được một số tiền đáng kể để tái đầu tư âm nhạc. Nếu là nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều fan hâm mộ, thậm chí số tiền thu về còn tương đương, hoặc vượt xa số tiền bán đĩa truyền thống ngày trước.
Đó là cách giải thích một cách dễ hiểu nhất để cho thấy vì sao hiện nay nhiều ca sĩ đổ xô đưa các video nhạc, cả cũ lẫn mới lên YouTube. Dù chậm chân một chút, các trung tâm âm nhạc hải ngoại như Thúy Nga, Asia, Vân Sơn, sau khi đã bị trầy da tróc vẩy một cách đáng kể vì chịu ảnh hưởng của sự thay đổi nói trên, đã chịu quay lại hợp tác với YouTube và đăng nhạc lên nền tảng này. Những trung tâm băng dĩa hải ngoại nhỏ hơn, đã “dẹp tiệm” từ lâu, như Phượng Hoàng, Diễm Xưa, Hải Âu… nay “đội mồ sống dậy” và nằm chễm chệ trên tophit YouTube thông qua một đơn vị ở Việt Nam mua lại và phát hành.
Hiện nay, dễ dàng bắt gặp những chương trình đại nhạc hội có kinh phí đầu tư triệu đô của Thúy Nga, Asia được phát hành miễn phí lên YouTube. Chỉ cần vài động tác bật TV có kết nối internet và cài được app là có thể nghe được toàn bộ kho nhạc đó một cách dễ dàng.
Không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu hết các nước trên thế giới, thời gian ban đầu, các nhà sản xuất âm nhạc lớn đã chọn đối đầu với các nền tảng trực tuyến khi các nền tảng này manh nha phát triển. Bởi trước một sự thay đổi lớn lao như vậy, doanh thu và lợi nhuận của họ bị thay đổi đáng kể. Tuy nhiên sau một thời gian, họ nhận ra rằng không thể nào đảo ngược lại được xu thế, và tốt hơn hết là nên chọn cách hợp tác, hơn là đối đầu…
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn