Trang chủ
Phim Chân Trời Tím (diễn viên Hùng Cường, Kim Vui, Mộng Tuyền) – Đỉnh cao của điện ảnh miền Nam thập niên 1970
Khi nhắc tới tên Kim Vui, người ta thường nhớ đến phim Chân Trời Tím, là đỉnh cao nghệ thuật điện ảnh miền Nam thập niên 1970, dấu son trong sự nghiệp của nữ ca sĩ – minh tinh Kim Vui, và cũng là cuốn phim cuối cùng mà cô tham gia trước khi theo chồng sang Mỹ định cư năm 1972.
Nghệ sĩ Kim Vui đóng phim không nhiều, cả sự nghiệp điện ảnh chỉ xuất hiện trong vài cuốn phim, không thể so sánh được với Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng hay Kim Cương, Thanh Nga, nhưng chủ cần một vai nữ ca sĩ lụy tình trong phim Chân Trời Tím, tên tuổi của bà đã tỏa sáng rực rỡ và được giải thưởng Văn Học Nghệ năm 1971 của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tượng vàng tại Liên hoan phim Á châu, Đài Bắc – 1971 .
Có được những thành công đó, không phải là chỉ nhờ có nhan sắc cùng thân hình quyến rũ, mà Kim Vui còn có lối diễn chân phương rất tự nhiên, kết hợp ăn ý cùng một nghệ sĩ đa tài khác là Hùng Cường.
Dù chỉ đóng với Kim Vui một phim duy nhất là Chân Trời Tím, nhưng Hùng Cường từng nói rằng Kim Vui là bạn diễn lý tưởng nhất của ông.
Phim Chân Trời Tím phỏng theo tiểu thuyết ăn khách cùng tên của nhà văn Văn Quang, ấn hành năm 1964.
Lúc đó chủ của tờ Kịch Ảnh là ông Quốc Phong có ý định chuyển thể thành phim, nhưng không muốn làm một cuốn phim thị trường hời hợt mà muốn đầu tư thật lớn và bối cảnh, nội dung, và muốn nó mang tầm vóc kinh điển.
Để được như vậy, kinh phí lên đến mức rất lớn và không một hãng phim riêng lẻ nào đủ sức gồng gánh. Vì vậy, một liên hiệp gồm 7 doanh nhân ngành công nghiệp điện ảnh Sài Gòn được thành lập để huy động vốn, cùng thực hiện một cuốn phim thật hoành tráng, lấy tên là Liên Ảnh (Liên Hiệp Điện Ảnh Việt Nam), ông Quốc Phong đứng ra làm giám đốc. Trong số những doanh nhân đồng sáng lập Liên Ảnh, có thể kể đến ông Lưu Trạch Hưng – giám đốc Mỹ Vân Film, và Thái Thúc Nha – giám đốc Alpha Film.
Theo nhà văn Văn Quang kể lại thì ban đầu đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc được mời. Đạo diễn này cũng rất hào hứng với dự án lớn này. Tuy nhiên sau đó đã xảy ra bất đồng giữa 7 ông chủ Liên Ảnh và đạo diễn trong việc chọn diễn viên chính. Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc tìm được một anh sinh viên cao ráo đẹp trai hoạt bát để đóng nam chính, còn nữ chính thì một loạt tên tuổi lớn được nhắc đến là Kiều Chinh, Thanh Lan, Thẩm Thúy Hằng…
Cuối cùng ông Quốc Phong đưa ra đề xuất mời đạo diễn Lê Hoàng Hoa cùng 2 diễn viên nam – nữ chính là Hùng Cường – Kim Vui. Không hiểu là ông Quốc Phong đã thuyết phục ra sao mà 7 ông chủ bỏ vốn làm phim đều gật đầu đồng ý.
Tuy nhiên cả 2 cái tên Hùng Cường – Kim Vui lúc đó đều gây tranh cãi trong giới làm phim, báo chí, và cả công chúng. Kim Vui là một người tuy rất đẹp, đài các và quyến rũ, đã tham gia nghệ thuật đã hơn 10 năm nhưng vẫn không nhiều người biết đến.
Còn Hùng Cường lúc đó đang là tên tuổi lớn và rất được yêu thích trên sân khấu cải lương, và nhiều nữ minh tinh điện ảnh tỏ vẻ lưỡng lự khi nhận lời đóng chung phim điện ảnh với một kép cải lương như vậy.
Tuy nhiên, sự chọn lựa đó không thể đúng đắn hơn khi bộ phim thành công ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Nhiều người đã chứng kiến cảnh đám đông chen lấn xô đẩy nhau chưa từng thấy để tranh giành mua vé vào xem phim tại phòng vé.
Phim Chân Trời Tím được công chiếu, không những thành công về doanh thu, mà còn đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật năm 1971 của phủ tổng thống. Chưa dừng lại ở đó, Chân Trời Tím lại còn được chiếu tại Lào và Pháp. Đó là lần đầu tiên một cuốn phim Việt Nam phụ đề Pháp ngữ mang tên Lhorizon Pourpre được gởi đi trình chiếu tại Ðại Hội Ðiện Ảnh tổ chức ở Dianard, Anh Quốc. Cùng trong năm 1971, Chân Trời Tím được mời tham gia Liên hoan phim Á châu, Đài Bắc và đạt giải nhất về nghệ thuật (Best Artistic Expression Award from the Asian Film Festival 1971).
Thành công của phim Chân Trời Tím là đến từ nhiều yếu tố: Đầu tư bài bản, kinh phí lớn, đạo diễn tay nghề cao, và dĩ nhiên là có đóng góp không nhỏ của cặp đôi Hùng Cường – Kim Vui với diễn xuất có thể nói là xuất thần, là đỉnh cao của điện ảnh thời đó.
Nhà văn Văn Quang nhận xét: Hùng Cường đã lột bỏ ngay được bộ mặt thường thấy trên sân khấu, anh vào vai diễn bình thường, giản dị như một anh hạ sĩ quan thật ngoài đời. Kim Vui vào vai cô ca sĩ đang yêu tận tình, dịu dàng, chung thủy nhưng khi cần tàn nhẫn lại rất “kinh khủng”. Cả hai như có tài năng thiên phú hay “gien” di truyền. Anh Quốc Phong quá hài lòng vì sự lựa chọn của mình, tuyệt đối tin tưởng vào bộ ba này. Một tờ báo đã viết:
“Trường hợp Liên Ảnh công ty đã dẹp bỏ mọi dư luận, mọi thành kiến và cả sự công kích của một số người. Ông giám đốc Quốc Phong được coi như là người làm thương mại, ông đã nhắm vào con số đông đảo khán giả cải lương, nên đã mời Hùng Cường cộng tác và phim đã thành công như nhiều người biết”.
Một điều góp phần cho thành công của phim Chân Trời Tím là âm nhạc trong phim. Kim Vui vào vài một ca sĩ phòng trà, bà có phần trình diễn ca khúc Nửa Hồn Thương Đau và Người Đi Qua Đời Tôi của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Dù Kim Vui cũng là một ca sĩ, nhưng giọng hát của cô không thể nào sánh bằng với nữ danh ca Thái Thanh. Vì vậy để tăng thêm phần hoàn hảo cho cuốn phim, phần trình diễn 2 ca khúc này của Kim Vui trong phân cảnh hát ở phòng trà được lồng giọng hát của danh ca Thái Thanh.
Thái Thanh hát Nửa Hồn Thương Đau trong phim Chân Trời Tím, phân cảnh Kim Vui hát trong phòng trà
Nửa Hồn Thương Đau được nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết riêng cho cuốn phim này, tức là năm 1970. Nhiều giai thoại được chép lại nói rằng ông sáng tác ca khúc này ngay sau khi chia tay vợ là ca sĩ Khánh Ngọc tỏng niềm đau khổ tột cùng. Tuy nhiên điều này không đúng, vì họ tan vỡ năm 1960, và 10 năm sau đó thì Nửa Hồn Thương Đau mới ra đời.
Trong phim còn có bài hát Chân Trời Tím do ca sĩ Thanh Lan trình bày, tuy nhiên chỉ là nhạc nền phụ. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác ca khúc này năm 1967 sau khi đọc được tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Quang. Nhiều người thắc mắc rằng vì sao bài hát Chân Trời Tím cùng nội dung, trùng tên với phim nhưng vì sao lại không được chọn làm nhạc phim chính? Đó là vì khi phim ra mắt thì ca khúc Chân Trời Tím của Trần Thiện Thanh đã là một bài nhạc cũ, trong khi đó Liên Ảnh muốn có một ca khúc mới toanh cho cuốn phim được đầu tư lớn như vậy, nên đã nhờ nhạc sĩ Phạm Đình Chương soạn bài hát.
Bối cảnh phim là một thời tao loạn, biến động của đất nước thời điểm trước và sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, dõi theo hai số phận: một người nữ ca sĩ và một quân nhân, với một cuộc tình không lấy gì làm tươi sáng, cuối cùng đi đến kết cuộc bi thảm. Bộ phim có những giá trị to lớn về lịch sử và tư liệu. Về lịch sử, nội dung phim ghi nhận lại những diễn biến thời sự, xã hội khái quát của giai đoạn liền trước và sau biến cố chính trị lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963. Về tư liệu, bộ phim là những thước ảnh quý giá để có một cái nhìn về văn hóa, nếp sống, sinh hoạt, ngôn ngữ, kiến trúc, cảnh vật, trang phục, tính tình con người của miền nam Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng trước đây như thế nào. Đó chính là giá trị nhân văn ở bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên này của tác giả Văn Quang.
Sau gần nữa thế kỷ, đến năm 2017, phim Chân Trời Tím được hãng Mỹ Phân lưu giữ trọn vẹn và remaster rồi phát hành dạng DVD-Bluray với hình ảnh rất đẹp, công nghệ rộng đại vĩ tuyến (CinemaScope) tân tiến:
phim Chân Trời Tím
Sau đây, mời các bạn đọc lại một bài báo cũ tròn 50 năm trước, tường thuật buổi chiếu “trình làng” phim Chân Trời Tím tại rạp REX, đăng trên Phụ Nữ Thời Báo năm 1971.
—
Khác với “Chiều Kỷ Niệm” và “Loan Mắt Nhung” đã được chiếu buổi danh dự vào suất sáng, phim “Chân Trời Tím” đã được trình diện với báo chí văn nghệ sĩ và đại diện chánh quyền, cũng tại rạp Rex, nhưng vào xuất 8g30 ban đêm.
Thiệp mời thì ghi 20g30, nhưng ai cũng có thể biết trước là ít nhứt tới 21 giờ mới có thể chiếu phim.
Mặc dù vậy, tôi vẫn cố “giữ lề” tới rạp đúng lúc đồng hồ chỉ 20 giờ 25.
Thấy các ông Quốc Phong, Lưu Trạch Hưng và Thái Thúc Nha là những “bộ phận đầu não” của Liên Ảnh Công Ty đều còn đứng trước rạp, cả ông Giám đố Nha Điện Ảnh Đỗ Tiến Đức, tôi đoán ngay là ông Tổng Trưởng Bộ Thông Tin chưa tới.
Tới cửa vô rạp, nơi soát vé, tôi định móc túi lấy vé mời thì một bàn tay nắm lấy tay tôi kéo vào. Tôi nhìn lên, thì ra là Ngọc Đức. Tôi để ý thấy rất nhiều người khác cũng vô rạp mà không xuất trình vé mời. Tại thiếu người để kiểm soát, hay vì ban tổ chức muốn tỏ ra lịch sự đối với khách của mình?
Tôi bước lên cầu thang phía trái, gặp nhau Kim Vui, Hùng Cường đang đứng cho các ông “phó nhòm” nhụp ảnh. Đồng thời, vô số những bộ mặt quen đang kéo nhau xuống cầu thang, người nào cũng lắc đầu:
– Đông quá xá đông! Không còn một chỗ nào để ngồi cả!
Tôi hỏi Kim Vui:
– Ủa sao kỳ vậy? Anh em ký giả mà cũng không có chỗ ngồi nữa sao?
Kim Vui lắc đầu:
– Tại lúc nãy đông quá, có một số người đã tràn vô rạp mà không hề được thiệp mời.
Một thiếu nữ khác, mà tôi không nhớ rõ là ai, chêm vô nói:
– Ngoài ra, còn có một số khán giả xem hát suất trước biết sắp chiếu “Chân Trời Tím”, không chịu ra về.
Hùng Cường cũng nói:
– Phần thì quan khách được mời cũng đông quá, thành ra thiếu chỗ là dĩ nhiên.
Tôi sực nhớ, hỏi Hùng Cường:
– Bộ đêm nay Dạ Lý Hương nghỉ hát à?
– Dạ có hát chớ! Em đến đây một chút, để ra mắt quan khách, xong rồi là em phải bay về rạp ngay.
Đã biết là trên lầu không còn chỗ ngồi, tôi vội vàng tháo lui, trở xuống dưới nhà. Nơi đây, khán giả cũng đã ngồi đầy hết chỉ trừ một vài hàng ghế ở tuốt phía trước, gần màn bạc.
Tôi tìm được một ghế xếp ở hàng thứ 7 thứ 8 gì đó. Thôi thì đành ngồi tạm để xem vậy. Không ngờ cùng một hàng ghế với tôi, đã có Mộng Tuyền và gia đình, Khánh Băng với bà xã. Và trước mặt tôi, ở hàng ghế thứ 3, thứ 4, vài ký giả danh tiếng cũng đã an tọa.
Hôm mới nhận được thiệp mời đã có vài bạn ký giả tỏ ý phản đối vì nghe tin báo chí được sắp đặt ngồi dưới nhà, trong khi trên lầu chỉ dành cho các đại diện chánh quyền, các ông bà dân cử và ngoại giao đoàn, nhưng nay tới rạp rồi, hầu hết đều… thông cảm, vui vẻ ngồi bất cứ nơi nào tìm được ghế trống. Tuy nhiên, cũng có một số ít bất mãn bỏ về.
Đã 9 giờ rồi, mà ông Tổng trưởng chủ tọa buổi trình chiều vẫn chưa đến. Với tư cách là Tổng giám đốc Liên Ảnh Công Ty, ông Quốc Phong đã ngỏ lời chào mừng quan khách, cám ơn đã đến dự xem đông đủ.
Ông Quốc Phong vừa nói về trường hợp ông Tổng trưởng đến muộn, vì bận tham dự một buổi họp quan trọng tại Bộ Nội Vụ, thì ông Đỗ Tiến Đức chạy bay lên bảo nhỏ: “Ông tổng trường tới rồi!”. Thế là ông Quốc Phong nói luôn: “Chào mừng và cám ơn lòng ưu ái của ông Tổng trưởng đã dành cho Chân Trời Tím”.
Sau đó, Ngọc Phu lãnh phần giới thiệu các tài tửm chuyên viên đã góp công thực hiện Chân Trời Tím. Phần này đã diễn ra một cách chớp nhoáng, có lẽ vì đã quá 9 giờ.
Trong phạm vi bài những “chuyện bên lề” này, tôi không thể phê bình “Chân Trời Tím” mà chỉ xin ghi nhận vài cảm tưởng đầu tiên của những người ngồi chung quanh tôi và của chính tôi nữa.
Phim vừa chiếu một đoạn mở đầu, thiếu phụ ngồi trước mặt tôi đã khều ông chồng mà nói:
– Việt Nam mình quay phim màu coi cũng được quá chớ hả mình?
Ông chồng đáp nhỏ: “Ờ! khá lắm! Coi vừa đẹp vừa mát con mắt!”
Một lát sau, cô gái ngồi bên tay mặt của tôi nói với cô bạn đi chung:
– Kim Vui diễn xuất mấy màn yêu đương tình tứ, coi như là đào xi nê ngoại quốc, có thua gì họ đâu.
Cô bạn trả lời:
– Ờ! Đã tình tứ thì phải tình tứ cho tới nơi tới chốn, chớ diễn cảnh yêu đương mà cứ mắc cỡ rụt rè, e ngại đủ thứ chuyện thì yêu đương với ai!
Lúc Phi hành quân về, đến gặp Liên và hai người hôn nhau đắm đuối như tài từ Tây phương, với những động tác vuốt ve mơn trớn, cậy thanh niên ở bên trái tôi cười khúc khích bảo cậu bạn ngồi bên cạnh:
– Ối cha! Kim Vui và Hùng Cường chịu chơi quá mậy! Không khéo sẽ bị các ông bà đạo đức giả chửi ầm cho mà xem!
Cậu bạn nhún vai đáp:
– Họ đã đạo đức giả thì hơi đâu để tâm! Chỉ sợ những nhà đạo đức thiệt rầy rà thôi!
Cậu kia lại nói:
– Dù sao, Kim Vui và Hùng Cường đã có can đảm đi tiên phong rồi đó! Có lẽ từ nay về sau, các đạo diễn sẽ không còn e ngại khi cần làn như Lê Hoàng Hoa đã dám làm trong “Chân Trời Tím”.
Riêng tôi, 2 cảnh mà tôi mê thích nhứt trong phim là cảnh chân trời tím và cảnh bờ biển ban đêm, dưới ánh trăng huyền ảo (La Nhân)
nhacxua.vn biên soạn