Trang chủ
Paris trong những bản tình ca bất hủ của Phạm Duy & Ngô Thụy Miên
Trong suy nghĩ của nhiều người chúng ta, Paris là một thành phố của tình yêu, là thiên đường của thời trang, là cái nôi của hội hoạ và kiến trúc. Không chỉ thế, mà nước Pháp còn được nhắc đến câu nói ngắn gọn nhưng thể hiện cả một tinh hoa của nền văn hoá, đó là “lịch sự như người Pháp”. Nước Pháp, với Paris, với sông Seine, với nhà thờ Notre Dame de Paris nổi tiếng.
Ai đã từng một lần mơ về Paris? Mơ về một buổi sáng thức dậy trong tiếng chuông vang xa từ ngôi nhà thờ Notre dame de Paris, trong ánh bình minh lấp lánh từ con sông Seine chạy giữa lòng thủ đô?
Đã từ lâu rồi, cái tên Paris như hiện thân của một thiên đường với tất cả những gì lộng lẫy và kiêu sa nhất. Paris với dòng sông Seine thơ mộng, hiền hoà, ngay bên cạnh là kỳ quan Eiffel, công trình kiến trúc bằng thép nằm trên công viên Cham-de-Mar, niềm kiêu hãnh của người dân Pháp và ước mơ một lần đặt chân đến của triệu triệu người trên thế giới.
Paris thơ mộng và nắng Paris đẹp đến thế, nhưng khi bước đi trên đường phố, giữa cái nắng se se lạnh của thủ đô, nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên vẫn phải thốt lên rằng “tôi đi giữa trời Paris mà nhớ thương Sài Gòn”. Vì nắng Paris quá mặn nồng, quá đỗi thân thương như một mảnh tình quê hương.
Người ta có thể đến Paris với nhiều mục đích khác nhau, ở lại Paris cũng trong những khoảng thời gian không giống nhau, và yêu Paris với những lý do cũng khác nhau. Có người chỉ ghé đến Paris trong vài ngày ngắn ngủi. Có người quay về Paris một, hai lần trong năm. Có người đã chọn Paris là nhà trong cuộc viễn du của đời mình. Và trong đó, có không ít người đã chọn Paris làm nơi hò hẹn.
Paris, với công viên ghế đá, với quán nhỏ âm thầm, với rượu đỏ tràn ly, đó là mùa thu của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, là người chọn Paris cho cuộc hẹn hò.
“Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề…” (Mùa thu Paris – Phạm Duy & Cung Trầm Tưởng)
Mùa thu qua, tháng tư mùa đông về, Paris khoác áo tuyết trắng trời. Lúc này, người Sài Gòn ở Paris lại nặng tình với buổi sáng thức dậy cùng ly café nhỏ giọt thơm lừng. Những căn nhà gỗ vùng ngoại ô thành phố lại trở nên ấm cúng lạ lùng với ngọn lửa bập bùng cả ngày lẫn đêm. Cung Trầm Tưởng lại một lần nữa thốt lên
“…Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly.
Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách…” (Tiễn em – Phạm Duy & Cung Trầm Tưởng)
“Tôi là người Việt Nam, cho nên tôi vẫn nhìn Paris từ chỗ đứng của một người Việt Nam. Tôi không thấy mâu thuẫn giữa hai điều đó. Lẽ dĩ nhiên thời trẻ, bồng bột. tôi chỉ nhìn Paris, phảng phất qua bối cảnh của 1 tình quê hương. Tôi không dám nói là tình yêu nước. Từ xuất phát điểm đó, tôi có thể nói là tôi yêu Paris vô vàn.”
Đó là chia sẻ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng với nhà báo Thuỵ Khuê trong một lần ông có dịp quay lại Paris sau gần nửa thế kỷ.
Paris trong tâm tưởng của mọi người sẽ càng nên thơ và yêu kiều hơn với những bài tình ca của Phạm Duy, của Ngô Thuỵ Miên, phổ từ thơ của Cung Trầm Tưởng, của Nguyên Sa. Paris sẽ càng mặn nồng hơn khi bất chợt một lúc nào đó, giữa Sài Gòn náo nhiệt, ồn ào, người ta nghĩ đến sông Seine như một người đang mơ về người tình kiếp trước, với chiều Paris phố xưa còn vui, với điệu Tango giữa trời đêm Luxembourg.
“Ngàn năm sông Seine vẫn lững lừ trôi
Biết bao nhiêu đổi thay cuộc đời
Chiều Paris phố xưa còn vui
Tóc ai mây trời xa xôi.
Ngày xa xưa đó nhớ chăng người ơi
Những đêm Luxembourg lá rơi
Chiều Morvais có em và tôi
Khúc tango sầu chơi vơi…” (Khúc Tango sầu – Song Ngọc)
Cung Trầm Tưởng hẹn người em nơi quán nhỏ, nơi công viên lá đổ giữa trời thu Paris, xin chờ em gắng khổ từng giờ. Còn thi sĩ Nguyên Sa thì không tránh được bồi hồi, không biết rằng ngày trở lại Paris sẽ có gì lạ không?
“Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan?
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim…” (Paris có gì lạ không em – Ngô Thụy Miên & Nguyên Sa)
Paris khi được nhớ đến trong trái tim mỗi người có thể sẽ là những cung bậc khác nhau. Nhưng mãi mãi, Paris sẽ là tình yêu, là niềm cảm hứng bất tận cho những ai đã đến, chưa đến, và sẽ đến.
Theo Cát Linh (RFA)