Trang chủ
Nội dung một bài báo năm 1956: “Thanh Nga – Một mầm non sân khấu cải lương”
Cố nghệ sĩ Thanh Nga được sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều là bầu gánh hát cải lương, cô lại sắc vóc hơn người, có giọng hát hay, từ nhỏ đã được sống trong môi trường tràn ngập ánh đèn sân khấu, những âm thanh vọng cổ vang vọng suốt đêm ngày… Tất cả những điều đó tạo thành yếu tố thuận lợi để đưa cô thành một “nữ hoàng sân khấu” thành công bậc nhất Sài Gòn.
Tuy nhiên, những thuận lợi đó cũng sẽ trở thành số 0 nếu chính bản thân nghệ sĩ Thanh Nga không có sự khổ luyện, không cố gắng trau dồi khả năng của mình. Trong bài báo năm 1956 sau đây sẽ viết về quãng thời gian đó của nghệ sĩ Thanh Nga, khi cô mới 16 tuổi, vẫn còn là một “mầm non” của làng nghệ thuật và phải phấn đấu từng ngày để tìm cho mình được một chỗ đứng riêng. Xin giới thiệu cùng các bạn bài báo đã có tuổi đời 65 năm:
Thanh Nga – Một mầm non sân khấu cải lương
Tác giả: Giang Tan
Báo Kịch Ảnh năm 1956
Trong bài viết này có nhắc đến ông Lư Hoài Nghĩa, đó là tên thật của nghệ sĩ Năm Nghĩa, là cha dượng của nghệ sĩ Thanh Nga. Mẹ của Thanh Nga là bà Nguyễn Thị Thơ (Bầu Thơ), là vợ của ông hội đồng ở Tây Ninh và sinh ra 4 người con, trong đó có nghệ sĩ Hữu Thình (cha của nghệ sĩ Hữu Châu) và Thanh Nga.
Năm 1949, bà Thơ đi thêm bước nữa với ông Năm Nghĩa, rồi sau đó 2 người lập ra gánh hát cải lương Thanh Minh (sau này là đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga). Năm 1959, ông Năm Nghĩa đột ngột qua đời ở tuổi 49, để lại đoàn hát 100 người cho bà Bầu Thơ quản lý.
Thanh Nga năm 16 tuổi được bài báo này giới thiệu như sau: Thành thật, ngây thơ, thông minh, dịu hiền… Thanh Nga gây được cảm mến với mọi người ngay phút đầu tiên gặp em; múa giỏi, hát hay, nét mặt ăn ảnh, ăn ánh đèn nên Thanh Nga cũng thu phục được lòng ngưỡng mộ của khán giả lúc em bước chân lên sàn gỗ.
Nguyễn Thị Thanh Nga, con gái thứ ba của bầu Nghĩa đã được hầu hết khán giả mộ điệu sân khấu cải lương biết đến tên mỗi khi xem đoàn Thanh Minh trình diễn. Cái tên bầu Nghĩa đã xây dựng cho tên Thanh Nga thì cũng có thể nói tên Thanh Nga cũng đã xây dựng cho tên Lư Hoài Nghĩa.
Vì cả hai cha con đều lên sân khấu.
Vì cả hai cha con đều có một lối diễn xuất đặc biệt.
Thanh Nga mới 16 tuổi. Tuổi học và chơi. Thanh Nga cũng vừa học vừa chơi vì múa hát đối với Thanh Nga cũng như là một “trò chơi” mà cô bé ưa thích nhất. Đây chương trình mỗi ngày của cô bé:
Sáng 8 giờ đến 9 giờ học vũ với Vũ Lợi, người điều khiển ban vũ của Thanh Minh. Ngày ngày Thanh nga gặp các bạn trong ban. Nào Hoa, A, Búp, Thuận và Hoàng, người chị dâu của em trong những vũ khúc Mai Quế, Cô Gái Xuân, Khúc Ca Ngày Mùa… Học buổi sáng để tối đêm “hành” trên sân khấu. Có khi Thanh Nga vũ chung với chị em trong ban, có lúc vũ cặp với Vũ Lợi hoặc Vũ Thìn, anh ruột của em, hoặc có lúc vũ một mình như trong vũ trống, lối vũ của Trung Hoa do một Huê kiều dạy em. Bàn tay dẻo, bước chân đều, giọng trong và cao, và nhất là khuôn mặt rất ăn ánh đèn nên trong mọi vũ khúc, Thanh Nga đã trở thành một bông hoa duyên dáng làm cho mọi cặp mắt đều hướng về em.
Học vũ cũng để phục vụ cho đoàn.
Học ca vọng cổ cũng để phục vụ cho đoàn.
Buổi chiều từ 3 giờ đến 4 giờ học Anh ngữ, nhưng từ 5 giờ đến 6 giờ, Thanh Nga lại học ca vọng cổ với Út Trọng, tay đờn kìm điêu luyện của Thanh Minh. Hát cho đúng nhịp, cho giọng ăn với tiếng đàn là việc khó, Thanh Nga đang cố gắng làm tròn công việc ấy và Thanh Nga đã theo đuổi 9 năm nay, nghĩa là em đã lên sân khấu từ lúc 7 tuổi với vai Nghi Xuân trong “Phạm Công – Cúc Hoa”, vai Lệ Sương trong “Đàn Ó Biển” với 3 câu vọng cổ rất mùi mà Thanh Nga vẫn còn nhớ mãi. Hỏi em, em đọc lại không sót một tiếng như cô nữ sinh trả bài học thuộc lòng. Bảo em ca, nét mặt em trở nên buồn đột ngột, rồi em lên giọng, đúng giọng buồn của nhân vật trong truyện:
“Mẹ ôi! Con xin thưa mẹ nên dẹp bỏ những nỗi buồn đau để cho con trong tuổi ngây thơ mà phải vương lấy những nỗi đau buồn. mẹ ráng nuôi con cho đến tuổi trưởng thành, chớ mẹ nghĩ con mới 7 tuổi đầu…”
7 tuổi đã lên sân khấu và để thủ vai nhân vật đúng tuổi mình và để ca 3 câu vọng cổ dài dằng dặc, điều ấy cũng chứng tỏ được óc thông minh của Thanh Nga, và việc làm ấy cũng nói lên được lòng yêu tha thiết sân khấu cải lương của em. Cũng từ ngày ấy cho đến nay, không đêm nào trên sàn gỗ Thanh Minh lại thấy vắng bóng cô con gái cưng của ông bà Lư Hoài Nghĩa. Nào Lệ Hồng trong Con Vật Giữa Chợ Người, nào Công Chúa trong Con Yêu Trong Nhà Cổ, Thiên Thần Trên Thiết Mã với vai bé Khôi (cải dạng con trai), Sóng Gió Đồ Bàn với vai Công Chúa và Lệ Nga, bạn nữ thần trong Yêu Nữ Thần… Trong Đứa Con Hai Giòng Máu thì Thanh Nga thủ vai chính.
Ham vũ cũng như thích ca cải lương nên thì giờ học vũ cũng bằng thì giờ học ca và mỗi tối Thanh Nga đều có vũ và có ca… đem những gì đã thu lượm được ban ngày hiến trọn vẹn cho khán giả lúc ánh sân khấu bật sáng.
Thành thật, ngây thơ, thông minh, dịu hiền… Thanh Nga gây được cảm mến với mọi người ngay phút đầu tiên gặp em; múa giỏi, hát hay, nét mặt ăn ảnh, ăn ánh đèn nên Thanh Nga cũng thu phục được lòng ngưỡng mộ của khán giả lúc em bước chân lên sàn gỗ.
Em thích xi nê, ham những phim mạo hiểm khoa học, ca vũ nhạc, yêu tiếng đàn, mê tiếng trống, ghét những tuồng cao bồi phi ngựa rần rộ… Thanh Nga chẳng mến màu hồng, màu tím, chẳng chuộng màu đỏ, màu xanh, mà chỉ thích một mình màu trắng. Em có thú vui của người nhiều tuổi là mê chơi hoa nhưng chỉ mến hoa huệ hoa lài mà thôi. Hoa huệ, hoa lài thơm mà cũng một màu hoa trắng.
Hỏi em khi nào vui, thành thật em trả lời là khi ca đúng nhịp và được nghe tiếng vỗ tay của khán giả.
Sau những giờ ấy thì cô bé cười nói huyên thuyên với bạn bè, hết chọc cô này, lại tìm đến đùa dai với cô bạn nọ. Nhưng sau hậu trường mà bắt gặp cái nét mặt ấy tiu nghỉu như mèo bị cắt đuôi thì người ta cũng dễ biết cái buồn của Thanh Nga vừa rồi trên sàn gỗ, Thanh Nga đã không làm tròn nhiệm vụ của mình. Thanh Nga buồn hơn cả lúc bị má em rầy oan, đổ tội cho em đã làm rách cuốn sách hay đã chọc ghẹo đàn em khóc.
Phụng sự nghệ thuật, em không bị dắt dẫn vượt mức “nghệ sĩ tính” của những thiếu nữ bị buông lỏng. Trong gia đình em giữ trọn bổn phận người con gái ngoan, dễ dạy, lại được sự dìu dắt sáng suốt của song thân, những người có ít nhiều kinh nghiệm với sân khấu, với cuộc sống, và trường đời, nên Thanh Nga có nhiều hy vọng đạt được kết quả tốt đẹp về sau: ngoài xã hội, người đàn bà hiền lương, trong phạm vi sân khấu, nghệ sĩ sẽ có cái vốn dồi dào để phụng sự cho nghệ thuật.
Màn bạc cũng còn chờ Thanh Nga, ước vọng trở thành cô đào điện ảnh cũng còn là ước vọng của cô gái 16 tuổi ấy, nhưng hiện nay em chưa được một hãng phim nào chú ý đến vì miếng đất cải lương và màn bạc tuy gần đó nhưng cũng còn cách nhau nhiều đường đi nước bước.
Đôi chân mềm yếu ấy đã đặt lên nhiều miền đất nước thân yêu nhưng Thanh Nga chỉ tha thiết Bến Tre với bờ hồ có bóng liễu rũ, Dalat có ngàn thông reo và hồ Than Thở thơ mộng…
Uyển chuyển, nhịp nhàng, dịu hiền, mơ mộng… những đặc tính của những tâm hồn đồng tuổi nhưng ở Thanh Nga chúng ta thấy rõ rệt hơn ở việc em đang làm và đang theo đuổi…
Nhưng ái ngại làm sao khi chúng ta nhìn đến sức khỏe của thiếu nữ 16 tuổi ấy với chương trình nặng nề hàng ngày phải lo tròn: phần lớn thì giờ phải phục vụ cho sân khấu, đêm nào cũng phải có mặt dưới ánh đèn… Con chim hót hay, nhảy giỏi nhưng cứ bị nhốt mãi trong lồng không được bay nhảy rong chơi ngoài trời, liệu rồi đây, một ngày gần thôi, đôi chân chim có được nhẹ nhàng thoăn thoắt nữa không, giọng hát chim có được trong trẻo và cao nữa không. Cũng vì vậy, ông bà bầu Nghĩa cũng nên lãng quên mọi quyền lợi khác nghĩ đến sức khỏe của con như vậy cũng là đang lo xây dựng tương lại cho con gái mình vậy.
nhacxua.vn biên soạn
Tư liệu của Leminh Saigon