Trang chủ
Những nhóm sáng tác đầu tiên vào thuở bình minh của tân nhạc Việt Nam thập niên 1930
Tân nhạc, nhạc tân thời, nhạc cải cách… là tên gọi thông dụng của dòng nhạc xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng thập niên 1930. Tân nhạc Việt Nam là một thể nhạc lấy nhạc ngữ Tây phương làm nền tảng (thang âm thất cung, hòa âm phối khí bằng nhạc khí Tây phương). Tại Hà Nội, các buổi biểu diễn nhạc cải cách trước công chúng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên vào năm 1938 được xem là mốc khởi đầu cho nền tân nhạc Việt Nam. Tuy nhiên trước thời điểm đó đã có nhiều bài tân nhạc được sáng tác, với ca khúc đầu tiên được công nhận là Cùng Nhau Đi Hồng Binh của Đinh Nhu năm 1930, sau đó là Bẽ Bàng (1935), Nghệ Sĩ Hành Khúc (1936) của Lê Yên, Tiếng Sáo Chăn Trâu (1935), Bên Hồ Liễu (1936), Bóng Ai Qua Thềm (1937) của Văn Chung, Xuân Năm Xưa (1936) của Lê Thương…
Thời khởi đầu, để cùng nhau phát triển và phổ biến tân nhạc vẫn còn lạ lẫm với công chúng yêu nghệ thuật, các nhạc sĩ tiên phong đã có bước đi được gọi là “khai sơn phá thạch”, bằng cách tập hợp thành các nhóm sáng tác để tăng thêm thanh thế cho loại nhạc mới này. Hãy cùng quay ngược thời gian trở về thời điểm 90 năm trước và tìm hiểu về các nhóm sáng tác đã đặt nền móng cho tân nhạc Việt Nam phát triển cho tới ngày nay.
Nhóm Myosotis (Hoa Lưu Ly)
Thành viên chủ chốt: Nhạc sĩ Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Thiện Tơ.
Nhóm nhạc này có chủ trương riêng trong việc giữ gìn bản sắc nhạc dân tộc trên nền nhạc Tây phương.
Nhóm âm nhạc Myosotis được nhóm lên từ khoảng giữa thập niên 1930 trong một vài salon hoặc rạp cine. Khoảng cuối năm 1938, nhóm đã xuất bản những nhạc phẩm đầu tiên của tân nhạc như Đôi Oanh Vàng, Hoa Tàn, Phút Vui Xưa... và những bản nhạc không lời soạn cho guitare Hạ Uy Cầm crủa nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
Tháng 9 năm 1938, nhóm nhạc đã lần đầu tiên trình diễn trước đông đảo công chúng trong một buổi chiếu phim tại rạp Olympia (nay là rạp Hồng Hà đối diện chợ Hàng Da), gồm những sáng tác mới của nhạc sĩ Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước.
Cuộc hòa nhạc đó đã được thanh niên trí thức Tây học hoanh nghênh nhiệt liệt và đón xin các bản nhạc để về tự đàn ca. Sau đó Hội Ánh Sáng do Tự Lực Văn Đoàn chủ trương đã thường xuyên mời ban nhạc Myosotis biểu diễn trong các đại hội gây quỹ từ thiện.
Với nhạc sĩ Thẩm Oánh, một trong những nhạc sĩ Tân nhạc đầu tiên, ông có chủ trương sáng tác theo ý nhạc Việt Nam và phải có những cảm xúc thuần túy Á Đông, với loạt tác phẩm Hồ Xưa, Tiếng Khóc Trong Phòng The, Tôi Bán Đường Tơ, Vợ Chồng Ngâu, Cô Hàng Hoa…
ca khúc Cô Hàng Hoa, bản thu năm 1950
Nhóm nhạc Myosotis cũng đã xe duyên cho nhạc sĩ Thẩm Oánh, vì khi sinh hoạt chung, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã giới thiệu em họ của ông là Trần Anh Đào cho Thẩm Oánh. Họ cưới nhau năm 1938 và sống chung với nhau trọn đời.
Trong cùng nhóm nhạc nhưng khác với Thẩm Oánh, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước có chủ trương soạn nhạc theo âm điệu Tây phương. Những tác phẩm bất hủ Ngọc Lan, Bóng Chiều Xưa, Ôi Quê Xưa… chịu ảnh hưởng từ nhạc cổ điển, nhưng nội dung mang đậm hồn Việt Nam. Điều đó càng thể hiện rõ hơn qua các tác phẩm Tiếng Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự, Ơn Nghĩa Sinh Thành…
danh ca Minh Trang hát Đêm Tàn Bến Ngự, bản thu năm 1946
Với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, ông có sáng tác đầu tay Giáo Đường Im Bóng năm 1938 khi mới 17 tuổi, là khúc tình ca lãng mạn của chính ông với người bạn gái ở Nam Định tên là Hà Tiên. Cũng từ ca khúc này mà họ nên duyên vợ chồng và sống với nhau trọn đời.
Sau Giáo Đường Im Bóng, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ có thêm nhiều nhạc phẩm đáng chú ý như Nhạc Đồng Quê, Qua Bến Năm Xưa, Trên Đường Về, Nhắn Gió Chiều... nhưng không có ca khúc nào tạo được dấu ấn sâu đậm như tác phẩm đầu tay Giáo Đường Im Bóng của ông.
danh ca Anh Ngọc hát Giáo Đường Im Bóng, bản thu năm 1967
Nhóm Tricea
Tricea là cách chơi chữ: “Tri” nghĩa là 3, Tri-CeA nghĩa là 3 chữ C, và (et) 3 chữ A, viết tắt của câu tiếng Pháp: Collection dé Chanté Conpocérm Par des Artistes Annamites Ansociés (Nơi sưu tầm, xuất bản những bài hát của nghệ sĩ Việt Nam).
Nhóm được thành lập năm 1939, với các thành viên chủ chốt là nhạc sĩ Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn, có một cơ sở in li-tô mang tên Tricea chuyên xuất bản những nhạc phẩm của các nhạc sĩ trong nhóm sáng tác, với những ca khúc đầu tiên là Bóng Ai Qua Thềm, Khúc Ca Ban Chiều, Trên Thuyền Hoa… của nhạc sĩ Văn Chung, Biệt Ly, Sao Hoa Chóng Tàn. Tiếng Hát Đêm Thu… của nhạc sĩ Dzoãn Mẫn, Bẽ Bàng của nhạc sĩ Lê Yên.
ca khúc Bóng Ai Qua Thềm, bản thu năm 1949
Nhóm Tricea cộng tác với kột số nhạc công khác để cổ vũ mạnh mẽ Tân nhạc, dạy cho ai thích học và trình diễn nhạc của nhóm. Chủ trương của Tricea là “đi sát gần quần chúng”, hoạt động trong 2 năm thì tan rã.
Với nhạc sĩ Văn Chung (1914-1984), ông là một trong những nhạc sĩ Tân nhạc thời kỳ đầu có sáng tạo thuần Việt nhất, nhờ trải qua thời ấu thơ ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Sáng tác đầu tay của ông là Tiếng Sáo Chăn Trâu, kết hợp giữa hình ảnh làng quê và tinh hoa âm nhạc phương Tây mà ông tiếp thu được qua nhạc Thánh ca, nhạc hướng đạo, nhạc nhà binh.
Những năm tham gia kháng chiến sau năm 1946, nhạc sĩ Văn Chung đã cho ra đời hàng loạt ca khúc mang đậm bản sắc dân tộc như Hò Dân Cày, Thằng Nhai Thằng Nhả, đặc biệt nhất là Lỳ Và Sáo có tính hoạt cảnh và sử dụng nhiều thủ pháp và âm điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ.
Nhạc sĩ Lê Yên chung nhóm Tricea với nhạc sĩ Văn Chung, họ giống nhau ở điểm là cùng được lớn lên trong dòng suối nguồn âm nhạc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, và đều là những nhạc sĩ sáng tác tân nhạc đầu tiên, trước khi tham gia nhóm Tricea. Sau tác phẩm đầu tay mang tên Bẽ Bàng ảnh hưởng giai điệu phương Tây, nhạc sĩ Lê Yên sáng tác Nghệ Sĩ Hành Khúc đầy nét tươi trẻ, phóng khoáng. Ca khúc được công chúng yêu thích nhất của ông có lẽ là Ngựa Phi Đường Xa, cảm tác sau khi nhạc sĩ đi xem xiếc ngựa.
Ban Thăng Long hát Ngựa Phi Đường Xa
Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn là người thứ 3 trong nhóm Tricea, rất được yêu thích với ca khúc Biệt Ly. Ông được sinh ra trong gia đình công chức đam mê cổ nhạc, thích ca trù, chèo, tuồng, cải lương. Không gian âm nhạc đó đã thấm đẫm vào nhạc sĩ từ khi còn nhỏ. Năm 18 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay Tiếng Hát Đêm Thu năm 1937 khi mới 18 tuổi, chung với nhạc sĩ Văn Chung.
Sau khi tham gia Tricea, nhạc sĩ Dzoãn Mẫn sáng tác loạt ca khúc Gió Thu, Một Buổi Chiều Mơ, Sao Hoa Chóng Tàn, Hương Cố Nhân, Nhạc Chiều, và nổi tiếng nhất là Biệt Ly năm 1939. Đó là thời gian nhiều người Việt đi lính thợ sang Pháp lăn mình vào cuộc thế chiến 2, có nhiều cuộc chia ly buồn trên sân ga Hàng Cỏ hoặc bến cảng Hải Phòng. Có thể nói Biệt Ly đã tạo cho nhạc sĩ Dzoãn Mẫn một vị thế trong làng Tân nhạc thời kỳ đầu.
danh ca Mộc Lan hát Biệt Ly, bản thu năm 1948
Nhóm Đồng Vọng
Bên cạnh các hoạt động Tân nhạc ở Hà Nội, Tân nhạc ở Hải Phòng cũng có những hoạt động riêng biệt, với sự hiện diện của tên tuổi tiêu biểu là nhạc sĩ Lê Thương, một thầy giáo dạy Pháp văn và Sử, Địa, nhưng đam mê sáng tác âm nhạc. Lê Thương dạy ở trường trung học Lê Lợi – là nơi tụ tập của nhóm học sinh yêu đàn hát mà ông gọi là nhóm “hippi tiền chiến” gồm có Hoàng Quý, Hoàng Phú, Phạm Ngữ, Canh Thân, sau đó còn có Văn Cao. Nhóm này đã giới thiệu các tác phẩm của nhạc sĩ Lê Thương tại Nhà hát lớn Hải Phòng lúc Thế Lữ ra hoạt động cho hội Ánh Sáng tại đất Cảng mùa hè năm 1939.
Khi nhạc sĩ Lê Thương rời Hải Phòng cuối năm 1939, nhóm “hippi tiền chiến” vẫn duy trì hoạt động. Đây là thời điểm xảy ra thế chiến 2, phong trào Phục hưng ở Pháp do Pétain chủ xướng đã lan sang Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động Hướng đạo của thanh niên. Các hoạt động này cần có những bài hát riêng, là những bài ngợi ca lịch sử hào hùng của dân tộc. Vào mùa xuân năm 1941, trong kỳ trẩy hội Đền Hùng, hàng ngàn Hướng Đạo sinh, trong đó có nhóm “hippi tiền chiến” đã hát vang những bài hào hùng mới sáng tác như Gọi Bạn Lên Đường, Tiếng Chim Gọi Đàn, Dưới Bóng Thông Xanh… của nhạc sĩ Hoàng Quý, Vui Lên Đường của Văn Cao, Ngày Xưa của Hoàng Quý (sau này lấy bút danh Tô Vũ).
Cuối năm 1943, bên cạnh nhóm Hướng Đạo sinh mang tên Đoàn Bạch Đằng, nhạc sĩ Hoàng Quý đã đặt tên cho nhóm “hippi tiền chiến” là nhóm Đồng Vọng, lúc này đã có thêm nhiều sáng tác mới như Bóng Cờ Lau, Nước Non Lam Sơn… là những bài hùng ca đầu tiên của Tân nhạc.
ca sĩ Mạnh Phát (sau này là nhạc sĩ nổi tiếng) hát ca khúc Nước Non Lam Sơn, bản thu năm 1950
Nhóm Đồng Vọng tập hợp lại được khoảng 70 bài, trong đó riêng Hoàng Quý có tới 60 bài, in trong 7 tập nhạc Đồng Vọng. Nhóm cũng lập ra ban nhạc mang tên Violetta để trình bày các nhạc phẩm đó. Có thể nói nhóm Đồng Vọng đã khiến cho Tân nhạc thời kỳ đầu không chỉ có những bài ca lãng mạn có tính chất biểu diễn, mà còn có những bài ca kêu gọi người yêu nước với giai điệu hào hùng, tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phát động phong trào nhạc hùng của Tổng Hội Sinh Viên thời gian sau đó.
Như đã nói bên trên, khởi nguồn của nhóm Đồng Vọng là những người bạn trong nhóm “hippi tiền chiến” được nhạc sĩ Lê Thương tập hợp. Có thể xem Lê Thương (1914-1996) là một trong những người sáng tác tân nhạc sớm nhất. Khi còn là thầy giáo trường trung học, ông sáng tác ca khúc Trưng Vương, một ca khúc lịch sử, là khởi nguồn cho thiên hướng sáng tác sử nhạc của ông về sau này, mà đỉnh cao là bộ 3 ca khúc Hòn Vọng Phu. Những sáng tác của Lê Thương bàng bạc phong vị Á Đông, như Thu Trên Đảo Kinh Châu, Trên Sông Dương Tử, và những ca khúc bất hủ dành cho thiếu nhi học sinh như Thằng Cuội, Tuổi Thơ, Học Sinh Hành Khúc…
danh ca Thái Thanh hát Hòn Vọng Phu 2
Người kế thừa những công việc còn dở dang của Lê Thương ở Hải Phòng là nhạc sĩ Hoàng Quý, người nổi tiếng với ca khúc Cô Láng Giềng đậm chất lãng mạn nhạc tiền chiến. Tuy nhiên di sản đồ sộ nhất của Hoàng Quý là những bài hùng ca yêu nước như Trên Sông Bạch Đằng, Gọi Bạn Lên Đường, Tiếng Chim Gọi Đàn, Bóng Cờ Lau, Nước Non Lam Sơn, Lời Vọng Ngàn Xưa, Dưới Bóng thông Xanh, Đêm Trong Rừng… Lời hát của những ca khúc này không cầu kỳ, bóng bẩy nhưng thôi thúc lôi cuốn người nghe, thôi thúc lòng yêu nước, yêu những anh hùng thuở xưa.
Bên cạnh hùng ca, nhạc sĩ Hoàng Quý sáng tác ca khúc Cô Láng Giềng năm 1943, rồi sau đó không lâu ông làm đám cưới với chính cô láng giềng đó. Nhưng hạnh phúc không được bao lâu, ông lâm bệnh hiểm nghèo và qua đời năm 1946 ở tuổi 26, để lại người vợ góa và di sản âm nhạc vô giá cho hậu thế.
danh ca Anh Ngọc hát Cô Láng Giềng
Một tên tuổi quan trọng khác của nhóm Đồng Vọng chính là nhạc sĩ Văn Cao – một nhạc sĩ thiên tài với sự nghiệp âm nhạc đạt tới đỉnh cao ít người bì kịp trong những năm thập niên 1940.
Nhạc sĩ Văn Cao quê ở Nam Định nhưng được sinh ra ở Hải Phòng, được học nhạc ở trường dòng từ nhỏ. Ông học sáng tác từ các bậc đàn anh đồng hương là Lê Thương, Hoàng Quý, để rồi sớm sáng tác ở tuổi 16 với ca khúc Buồn Tàn Thu vào năm 1939. Ở ngay ca khúc đầu tay này, nhạc sĩ Văn Cao đã cho thấy được nhạc lực thâm hậu, già dặn dù chỉ mới 16 tuổi. Thười gian sau đó, một loạt ca khúc lãng mạn khác được ông cho ra đời như Suối Mơ, Bến Xuân, Trương Chi, và đỉnh cao là Thiên Thai. Bên cạnh đó, là thành viên của nhóm Đồng Vọng, Văn Cao cũng viết những bài ca hùng tráng thể hiện lòng tự hào dân tộc cùng với Hoàng Quý, như Gò Đống Đa, Hò Kéo Gỗ Trên Sông Bạch Đằng… Tuy nhiên vì những ca khúc lãng mạn của ông quá nổi trội nên những ca khúc này ít được biết tới.
2 danh ca Thái Thanh – Anh Ngọc hát Thiên Thai
Phải đến năm 1944, sau khi sáng tác Tiến Quân Ca thì thể loại nhạc hành khúc của nhạc sĩ Văn Cao mới được đẩy lên tới đỉnh cao, sau này trở thành bài Quốc Ca. Sau Tổng khởi nghĩa năm 1945, lòng nhiệt thành với cách mạng đã đẩy nhạc sĩ sang thiên hướng sáng tác những ca khúc phục vụ kháng chiến, như Chiến Sĩ Việt Nam, Không Quân Việt Nam, Hải Quân Việt Nam, Công Nhân Việt Nam, Thăng Long Hành Khúc, Trường Ca Sông Lô… Những rung cảm mang tính ca nhân của nhạc sĩ Văn Cao dần khép lại, thay thế bằng những bài ca mang tính thời cuộc. Trong thời kháng chiến, ông sáng tác Ngày Mùa, Làng Tôi, dù mang chủ đề về làng quê nhưng đã không còn màu sắc lãng mạn như trước.
Tổng Hội Sinh Viên
Cùng với những hoạt động của nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng, ở Hà Nội thời kỳ này cũng nổi lên hoạt động Tân nhạc của Tổng hội Sinh viên, khởi sự trong phong trào sinh viên Đại học, trong đó có nhiều sinh viên quê ở Nam kỳ có năng khiếu âm nhạc. Tổng hội Sinh viên chú trọng đặc biệt đến việc dùng Tân nhạc trong tranh đấu chống Pháp và Nhật, với người đứng đầu là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Những ca khúc như Tiếng Gọi Thanh Niên, Lên Đàng, Reo Vang Bình Minh… được ra đời trong thời kỳ này. Cũng giống như Hoàng Quý, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã sáng tác nhiều bài hùng ca lịch sử để khơi dậy tinh thần dân tộc là Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang…
Trần Khánh hát Bạch Đằng Giang
Nhóm Xuân Thu Nhã Tập
Xuân Thu Nhã Tập là một nhóm nghệ thuật gồm các nghệ sĩ thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó có âm nhạc, đồng nhất về khuynh hướng nghệ thuật.
Xuân Thu Nhã Tập được tập hợp từ năm 1939, đến tháng 6 năm 1942 đã xuất bản được một tập sách có cùng tên là Xuân Thu nhã tập (do Xuân Thu thư lâu xuất bản). Nhóm nghệ thuật này có tư tưởng hướng về dân tộc như các nhóm khác, nhưng có tuyên ngôn rõ ràng và sắc sảo. Riêng với âm nhạc, phần quan niệm đã ghi: “Nhạc – đời – đời – phần đại thừa của xuân thu”, và diễn giải:
“Cỏ hoa nẩy nở dưới ánh mặt trời, và bông lúa chín vàng…Một biểu tượng đương nhiên, cái nhịp của cuộc sống vô cùng. Sắc xuân và hương thu. Hai mùa quá độ, uyển chuyển trong khoảng cao, trong, nhẹ…Hai mùa thực hiện Đẹp và Thơ. Hai mùa rung động cảm thông Người với Đất Trời, Trời Đất và Người”…
Năm 1943, một cây bút nòng cốt của nhóm là Đoàn Phú Tứ, đã nói đến ý nghĩa của cái tên ấy như sau:
“Sống theo cái Nhịp của Trời Đất, mà cái biểu tượng đương nhiên và tốt đẹp nhất là hai mùa Xuân và Thu luân chuyển. Nên lấy hai chữ Xuân Thu làm biểu hiện cho cái Nhạc của Vũ trụ”. Mà “Thơ chính là cái rung động siêu việt trong trẻo, nhịp nhàng của bản nhạc vô cùng ấy”… (trích “Nhạc điệu”).
Nòng cốt của Xuân Thu Nhã Tập là các nhà thơ, nhà văn, về phần nhạc chỉ có một người cộng tác là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, được xem là “anh cả” của Tân nhạc, một người luôn say mê với âm nhạc dân tộc.
nhacxua.vn biên soạn
Tư liệu của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha