Trang chủ
Nhạc Vàng và những cuộc tình buồn, chia lìa trên sân ga…
“Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau” (Thơ Tế Hanh)
Nếu có hình ảnh nào mà khi nhắc tới là đều gợi lên một nỗi niềm chia ly buồn nhưng đầy tính lãng mạn, thì đó chính là hình ảnh đường ray, sân ga và những chuyến tàu.
Có lẽ ai cũng cảm thấy buồn khi nghe tiếng còi tàu rời sân ga, bởi vì nó báo hiệu giờ chia tay, bởi vì đoàn tàu khuất rồi nhưng tiếng còi tàu thì vẫn còn văng vẳng, như hình bóng người thân còn mãi trong tâm tưởng. Đó là nơi chốn mà thi sĩ Nguyễn Bính đã thốt lên ở trong bài thơ Những Bóng Người Trên Sân Ga: Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
Có lẽ bởi vì vậy mà hình ảnh sân ga và con tàu xuất hiện rất nhiều trong âm nhạc, đặc biệt là ở dòng nhạc mang đầy những xúc cảm mênh mang: dòng nhạc vàng.
Nổi tiếng nhất trong số những bài nhạc vàng sân ga và con tàu, có lẽ là bộ đôi ca khúc Tàu Đêm Năm Cũ của nhạc sĩ Trúc Phương và Chuyến Tàu Hoàng Hôn của nhạc sĩ Minh Kỳ và Hoài Linh.
Thanh Thúy hát Tàu Đêm Năm Cũ
Bản nhạc Tàu Đêm Năm Cũ được nhạc sĩ Trúc Phương viết vào đầu thập niên 1960, dành tặng cho những người sĩ quan phải đi xa nhà vì lúc đó chính quyền Ngô Đình Diệm có sắc lệnh hoán chuyển công tác sĩ quan, công chức miền Nam ra miền Trung và ngược lại.
Ngoài bài Tàu Đêm Năm Cũ, Trúc Phương còn một ca khúc rất hay về những chuyến tàu khác, đó là Hai Chuyến Tàu Đêm, được ông viết tặng cho người tình ở Phan Thiết. Lúc đó phương tiện di chuyển tiện lợi nhất từ Saigon đến Phan Thiết để ông đến thăm tình nhân chính là những chuyến tàu. Ở bài hát này, người ta bắt gặp những lời hát buồn nhưng tuyệt đẹp:
Môi em đang xuân nhưng mắt buồn ngấn lệ trần
Chuyện đời sầu đắng vấn vương đôi má dịu hiền
Thanh Thúy hát Hai Chuyến Tàu Đêm
Chuyện tình trong bài hát này thật buồn, vì lúc đó người nhạc sĩ đã có gia đình. Những bóng hồng thoáng qua cuộc đời những người nhạc sĩ tài hoa như Trúc Phương, Lam Phương… đã để lại những tác phẩm để đời không thể nào quên trong lòng người yêu nhạc.
Với bài hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn của Minh Kỳ và Hoài Linh, được danh ca Hoàng Oanh trình bày lần đầu hồi thập niên 1960, cô Hoàng Oanh đã kể lại:
“Mùa hè năm 1962, nhạc phẩm Chuyến Tàu Hoàng Hôn ra đời trong một ngày mưa đầu mùa ly biệt. Nhạc sĩ Minh Kỳ là người đặt nhạc và khi hoàn tất, ông đã mang bản nhạc đến nhờ nhạc sĩ Hoài Linh đặt lời. Bản nhạc được viết tại Thị Nghè giữa năm 1962 và ngay sau đó đã được Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam (của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo) ấn hành và tái bản nhiều lần trong suốt những năm của thập niên 60”.
Giao Linh hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn
Bài hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn viết về cuộc chia ly rất buồn giữa hai người:
Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn
mưa thu bay bay sắt se lòng ướt vai mềm
Hoàng hôn dần xuống
mà ai còn đứng nghiêng trong chiều sương xuống…
Cuộc chia ly trên sân ga vốn dĩ bao giờ cũng buồn rồi, mà lời hát do nhạc sĩ Hoài Linh sáng tác còn mang thêm “mưa thu bay bay” vào khung cảnh, làm nhấn chìm khuất lối đôi tình nhân. Người trên tàu nhìn bóng người yêu qua khung kính cửa sổ nhạt nhoà mưa giăng, còn người ở lại thì chơ vơ nhỏ bé giữa sân ga buồn.
Từ một số lời trong bài hát, và cũng theo thông tin mà ca sĩ Hoàng Oanh chia sẻ, thì người trên tàu là một quân nhân, bộ đôi tác giả Minh Kỳ, Hoài Linh đã viết thêm rõ hơn ở trong lời thứ 2 cho bài hát như sau:
Người ơi chí nam nhi khi đã gửi sa trường
Thì xin phút chia ly này hãy quên đi sầu thương
Đến mai đây mùa thương, nở hoa trên ngàn phương
Là khi đôi tim sẽ vui chung nhịp nỗi niềm…
Sân ga còn là nơi gặp gỡ tình cờ giữa những người không quen biết. Thực ra thì ở đâu thì người ta cũng có thể gặp nhau tình cờ được, nhưng ở trong âm nhạc, sự gặp gỡ tình cờ đó thường để lại những nỗi niềm chia ly, một lần gặp nhau rồi chia cách không biết ngày gặp lại. Đó là tâm sự trong bài hát nổi tiếng Người Tình Không Đến của nhạc sĩ Ngân Giang:
Còi tàu ngân vang xé màn đêm thật hãi hùng
Bên nhau phút giây này sợ ngày mai cách xa nhau
…
Trở lại sân ga đón tàu tôi về một mình
Bao nhiêu phút giây đầu đành gửi theo nước trôi mau
Tình yêu là mộng, thành bọt bèo vào mây khói
Tàu đêm vẫn âm u mà người tình vào thiên thu.
Thanh Thúy hát Người Tình Không Đến
Sân ga là bến đợi, người chờ người đi, và sân ga cũng rất vội vã, người ta gặp nhau tình cờ và cũng xa nhau thật mau, chỉ kịp hỏi thăm nhau một vài câu, đó là nội dung trong bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Sông Trà: Chiều Sân Ga.
Đường tàu còn đây ta đã xa xa nhau rồi
Người chờ người đi ai không thương mà không nhớ
Trời càng về khuya đêm hắt hiu sương lạnh giá
Lắng nghe tiếng còi tàu tìm về trên sân ga.
Dalena hát Chiều Sân Ga
Một bài hát về sân ga vào buổi chiều khác cũng rất nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Dinh, là bài hát Ga Chiều. Sân ga đã buồn, mà các đôi tình nhân còn thích chia tay vào buổi chiều nữa, càng làm nỗi buồn thêm se sắt:
Nhớ lúc chia tay nhìn nhau chẳng biết nói nhau câu gì
Để rồi nguời đi ngàn phương xa lưu luyến lúc phân kỳ
Thôi cầm tay nhau để mong ước đến phút này mai sau
Dù xa nhau nguyện ghi nhớ đến thuở mình bạc đầu.
Rồi anh buớc lần vô toa trong
Lòng vương vấn niềm thương mênh mông
Người em gái tà áo trắng tung bay
Ga chiều im bóng.
Và khi tiếng còi vang nơi xa
Mình quay buớc về trên sân ga
Chiều nay thiếu một bóng dáng thân yêu
Nhớ thương chan hòa…
Thanh Thúy hát Ga Chiều
Một điều bất ngờ thú vị là hầu hết những bài hát về sân ga, con tàu được nhắc đến bên trên đều được ca sĩ Thanh Thúy hát, hoặc thậm chí là gắn liền với tên tuổi của cô, đó là Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tàu Đêm, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Người Tình Không Đến, Ga Chiều… Điều đó cũng dễ hiểu. Giọng ca liêu trai rất buồn của Thanh Thúy rất hợp với không khí xa vắng, cô liêu và sự chia ly của sân ga và những con tàu trong âm nhac.
Trong nhạc vàng, còn rất nhiều bài hát khác nữa có nhắc tới hình bóng con tàu trong lời ca. Chủ đề này không chỉ xuất hiện trong âm nhạc mà có nhiều trong cả thi ca. Có lẽ vì hình ảnh của “những bóng người trên sân ga” luôn mang một xúc cảm đặc biệt mà ở đó có sự đồng cảm của những người thi sĩ, nhạc sĩ và khán giả, độc giả:
Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.
Có lần tôi thấy hai cô gái
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ, bóng xiêu xiêu.
Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
Tôi đã từng chờ những chuyến xe
Đã từng đưa đón kẻ đi về
Sao nhà ga ấy sân ga ấy
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?
(Thơ Nguyễn Bính)
Đông Kha – nhacxua.vn