Trang chủ
Nhạc sĩ Phạm Duy và những cuộc diện kiến đặc biệt với các lãnh tụ quốc gia: vua Bảo Đại, chủ tịch Hồ Chí Minh, và tổng thống Ngô Đình Diệm
Trong tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy có thể không phải là người tài năng nhất, không phải là người được yêu mến nhất, tuy nhiên, chắc chắn ông là người có đóng góp nhiều nhất cho âm nhạc nếu xét về số lượng ca khúc nổi tiếng, được đông đảo công chúng biết tới. Phạm Duy là người duy nhất sáng tác tất cả các thể loại âm nhạc, và thể loại nào cũng có ca khúc tiêu biểu. Ông cũng là người duy nhất hiện diện trong tất cả các giai đoạn hình thành và phát triển của tân nhạc. Và Phạm Duy còn có một vinh dự khác mà có lẽ duy nhất ông mới có: Được diện kiến những lãnh tụ quốc gia của nhiều chính thể khác nhau ở Việt Nam trong thế kỷ 20, đó là vua Bảo Đại, chủ tịch Hồ Chí Minh, và tổng thống Ngô Đình Diệm.
Chàng hát rong và nhà vua
Phạm Duy được gặp hoàng đế Bảo Đại vào năm 1943, khi ông mới 22 tuổi nhưng tên tuổi đã lừng danh với vai trò là một trong những ca sĩ đầu tiên của tân nhạc. Ông theo gánh hát Đức Huy của Charlot Miều lưu diễn dọc đất nước và giọng hát của ông được khắp nơi yêu mến. Tin đồn về giọng hát đó đến tai của vua Bảo Đại – một người Tây học và thích nghe nhạc Tây. Trong một lần gánh hát Đức Huy dừng chân ở Phan Rang, Phạm Duy đã vinh dự có được một cuộc hội kiến đặc biệt. Ông kể lại trong hồi ký như sau:
“Vào lúc tôi bước vào nghề hát, đã làm gì có báo chí chuyên môn loan tin về những hoạt động của kịch trường hay âm nhạc. Chưa có những vị phóng viên hay ký giả sân khấu để mình kín đáo bỏ vào túi họ tí tiền cà phê, nhờ họ viết bài quảng cáo, khen ngợi. Lúc đó chưa có một bài báo nào nói tới tôi hay nói tới những bài hát của Văn Cao cả. Nhưng tiếng đồn về anh du ca đầu tiên đi gieo rắc nhạc buồn đã được khá nhiều người trong mọi giới biết tới. Cho nên một hôm bỗng có xe hơi của ông tỉnh trưởng Phan Rang là Nguyễn Duy Quang tới rạp hát để đón tôi vào Dinh, giữa sự ngạc nhiên của nhân viên đoàn hát.
Vào trong dinh tôi mới biết là có ông Bảo Đại đang ngồi ở đó. Ông thường trị vì tại Đà Lạt và đi bắn ở trong rừng nhiều hơn là ngồi trên ngai vàng tại Huế. Hôm nay ông từ một vùng săn bắn nào đó xuống chơi thành phố Phan Rang và nghỉ ngơi trong Dinh Tỉnh Trưởng. Tôi đã biết tới sự yêu nhạc của ông vua khi thấy ông đem người con trai của Thượng Thư Phạm Quỳnh là Phạm Bích vào làm bí thư riêng chỉ vì anh này đánh đàn guitare rất giỏi.
Đã không còn coi đối tượng là quan trọng nữa, đã chủ trương khi cất lên tiếng hát là hát cho mình nhiều hơn là hát cho người, nên tôi chẳng có một mặc cảm nào khi ngồi ôm đàn hát cho ông vua nghe. Ông Bảo Đại, rất lịch sự, rất nhã nhặn, sau khi nghe hát xong, ngồi mời tôi ăn bánh ngọt và nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp. Hỏi tôi học nhạc ở đâu? Từ bao giờ? Hơi ngạc nhiên khi thấy tôi trả lời là chẳng học ai cả! Hỏi thăm về ông Khiêm, về gia đình tôi. Một ông vua yêu nghệ thuật như vậy chắc chắn là đằng sau cặp kính đen mà ông thường đeo, có ẩn nấp một đôi mắt nhân từ. Ừ, đúng như vậy, trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, có nhiều kẻ quai mồm ra phê bình Bảo Đại là thế này thế nọ, nhưng tôi chưa thấy ai dám nói ông ta đã bỏ tù hay đã giết một người Việt Nam”.
“Ông Khiêm” mà Phạm Duy nhắc tới bên trên là Phạm Duy Khiêm, anh ruột của nhạc sĩ Phạm Duy, là người Việt Nam đầu tiên đỗ tú tài văn chương Pháp (Bac classique), sau đó còn là tên tuổi được nhiều người biết tới trong chính trường Việt Nam.
Những chương sau đó của Hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy còn nhắc lại sự kiện đó như sau:
“Chỉ có tôi và Bảo Đại ngồi ở trong phòng khách. Ông chăm chú ngồi nghe tôi hát, hỏi thăm gia đình tôi. Gặp ông vua mà cũng chẳng thấy có gì là ghê gớm cả. Ông vua nghe mình hát thì cũng như… ông trọc phú hay ông phu xe – những quý vị khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp — nghe mình hát mà thôi. Nhưng phải công nhận rằng ông Bảo Đại là một người rất nhã nhặn, rất thích âm nhạc. Tiếc rằng tôi không nhìn được rõ đôi mắt của ông vì ông luôn luôn đeo kính đen.”
Hội kiến chủ tịch Hồ Chí Minh
Vào tháng 8 năm 1950, khi tham gia kháng chiến và ở chiến khu Việt Bắc, nhạc sĩ Phạm Duy có được một cuộc hội kiến đặc biệt khác: được gặp trực tiếp chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là thời gian ngay sau khi diễn ra Đại hội Văn nghệ tháng 8/1950 tại Việt Bắc, là hội nghị có tính cách quan trọng đặc biệt với kháng chiến. Sau Hội nghị, nhạc sĩ Phạm Duy được Nguyễn Xuân Khoát (chủ tịch hội nhạc sĩ kháng chiến) cử đi học ở Moskva, nhưng nếu như vậy ông sẽ phải để lại người vợ Thái Hằng đang mang thai Duy Quang tháng thứ 6 ở lại chiến khu. Trước sự phân vân của Phạm Duy, Đoàn Thể đã dành cho ông một ân huệ hiếm có: được gặp vị lãnh tụ kháng chiến.
Phạm Duy kể lại trong hồi ký:
“…Trong một buổi trưa có nắng vàng nhẩy múa trên lá cây, thả bước trên một con dốc nhỏ nằm trong khu rừng Yên Giã, anh Nguyễn Xuân Khoát bá vai tôi, hai người lặng lẽ đi… Một hồi lâu, anh Khoát nói, giọng nói thầm thì:
– Đoàn thể cử tao nói cho mày biết. Là mày đã được kết nạp. Mày sẽ được cử đi Moskva. Mày sẽ được ông Cụ gắn cho một huân chương chiến sĩ. Nhưng có điều kiện. Mày phải bỏ cái tính “chơi” của mày đi. Mày phải khai tử bài hát Bên Cầu Biên Giới. Và nếu xuất ngoại thì Thái Hằng phải ở lại. Một mình mày đi thôi. Về suy nghĩ. Mấy hôm nữa, trả lời tao.”
Và sau đó, như chúng ta đều biết, nhạc sĩ Phạm Duy từ chối đi Moskva, bỏ kháng chiến và đưa vợ về thành, sau đó vào Nam sinh sống. Những gì xảy ra sau đó đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Phạm Duy và anh em Ngô tổng thống tại Dinh Độc Lập
Cuối thập niên 1950, tại Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất ở miền Nam, và danh tiếng của ông chắc chắn là được Tổng thống biết tới. Hơn nữa, khi ông Ngô Đình Diệm vẫn còn là thủ tướng thì anh của Phạm Duy là Phạm Duy Khiêm là Bộ trưởng đặc nhiệm phủ thủ tướng, tới năm 1955 làm cao ủy, rồi làm đại sứ VNCH tại Pháp. Với lý do đó, nhạc sĩ Phạm Duy có rất nhiều cơ hội để có được cuộc hội kiến đặc biệt với một lãnh tụ quốc gia lần thứ 3, đó là với Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Phạm Duy kể lại:
….hồi bấy giờ, tôi được nhà Ngô để ý. Đã có lần tôi được ông Diệm, ông Nhu thân mật hỏi han tôi trên sân cỏ của Dinh Độc Lập vào một buổi tiếp tân và sau đó, nếu scandal về tình không xảy ra, tôi có thể là người được chính quyền giao cho một chức vụ nào rồi. Tôi không dám nói là tôi sẽ nhận việc hay từ chối, nhưng vào thời Thanh Niên Cộng Hoà được thành lập, tôi được mời vào Dinh Độc Lập để dạy hát cho cô Ngô Đình Lệ Thủy, một đoàn viên của đoàn Thanh Nữ
Cộng Hoà…
Ở một chương khác, Phạm Duy cũng viết:
…tôi được mời vào Dinh Độc Lập để gặp hai anh em lãnh tụ họ Ngô. Cả hai ông đều có những cái nhìn rất dữ và cao ngạo. Đối với hai ông, tôi cũng chỉ có đúng một sự lễ phép vừa phải như khi tôi gặp những lãnh tụ khác. Một thứ lễ phép theo kiểu kính nhi viễn chi vốn là một cách rất hay để thoái thác không nhận một ân huệ hay một món nợ vật chất hay tinh thần nào ở nơi những người có quyền hành này. Sự tương kính đã có giữa hai bên rồi thì không bao giờ tôi dám phê phán các nhà lãnh tụ đó cả, từ ông Bảo Đại, qua ông Hồ Chí Minh tới hai vị lãnh đạo họ Ngô. Đó là công việc của lịch sử.
nhacxua.vn biên soạn