Trang chủ
Nhạc sĩ Ngọc Trọng và hiện tượng “Buồn Vương Màu Áo” thập niên 1990: Buồn vương màu áo hồng…
Trong làng nhạc hải ngoại, nếu nhắc đến cái tên Ngọc Trọng thì không phải ai cũng biết đến, nhưng khi nghe những giai điệu đầu tiên của bài hát mang tên Buồn Vương Màu Áo mà ông sáng tác, thì chắc hẳn là ai cũng đã từng nghe qua vài lần, bởi vì vào thời kỳ đầu thập niên 1990, ca khúc này đã được thu đi thu lại rất nhiều lần từ nhiều ca sĩ, nhiều trung tâm băng nhạc:
Buồn vương màu áo hồng
Nước mắt theo em đi về với chồng
Giá băng cơn mộng
Một mình anh bước đi âm thầm
Ngày lê từng bước chậm
Phố cũ mênh mang trong chiều gió lộng
Bóng em đâu còn
Đợi chờ đã chín cơn mưa buồn
Con đường vắng
Dấu vết khi xưa bao đêm tâm tư trầm lắng
Phút ái ân xưa trong ta nghe sao sầu đắng
Bên bờ thương đau
Ôi đời sống
Có biết bao nhiêu đam mê trong ta thật ngắn
Vẫn mắt môi xưa đong đưa bóng đêm tàn phai
Sao giờ tê tái
Đời ta là chuỗi dài
Nối tiếp theo nhau bao lần lỡ dại
Thế thôi cũng đành
Cuộc tình mơ ước đã không thành
Buồn cho một kiếp người
Uống mãi cho say bao niềm tủi hận
Bóng đêm tơi bời
Và còn ai nữa trong cuộc đời
Ý Lan hát Buồn Vương Màu Áo
Ca sĩ – nhạc sĩ Ngọc Trọng tên thật là Nguyễn Ngọc Trọng, là em út của MC – nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Thời nhỏ ông đã thích nhạc và tự mày mò sau khi nghe nhạc ngoại quốc, sau đó tham gia đánh đàn ở nhà thờ. Khoảng cuối thập niên 1960, Ngọc Trọng là người đệm đàn trong băng nhạc tự thu của ca sĩ Giang Tử – một người bạn hàng xóm lúc đo vẫn chưa nổi tiếng.
Nhạc sĩ Ngọc Trọng rời Việt Nam khoảng năm 1979, sau khi trải qua các trại tị nạn, ông được đi định cư ở Canada, nơi người anh nổi tiếng của ông đã sang trước đó. Sống ở đây một thời gian, Ngọc Trọng quyết định đến Hoa Kỳ, nơi có sinh hoạt văn nghệ sôi động, để tìm cơ hội phổ biến một số tác phẩm mà ông đã sáng tác.
Thời còn trên đảo tị nạn, nhạc sĩ Ngọc Trọng thường sáng tác nhạc về quê hương. Tuy nhiên sau khi đặt chân lên xứ Canada, ông ngẫm nghĩ lại và nhận thấy trong nhạc Việt thì những bài để lại dấu ấn nhiều nhất thường là nhạc buồn. Nhạc vui cũng có nhiều bài nổi tiếng, nhưng không thể nhiều và được được nghe nhiều bằng nhạc buồn. Từ đó, ông bắt đầu có ý định sáng tác một bài hát có nội dung là nỗi buồn lúc tiễn người yêu bước lên xe hoa, tương tự như những bài đã trở thành bất hủ như là Tôi Đưa Em Sang Sông, Sang Ngang hoặc Chuyện Tình Buồn. Chỉ mất chưa đầy một tiếng, nhạc sĩ Ngọc Trọng đã viết xong bài Buồn Vương Màu Áo. Ông kể lại:
“Tôi thường có thói quen viết tương đối nhanh, không có gò bó sửa tới sửa lui. Khi có cảm hứng trào dâng là tôi viết liền. Tôi quan niệm là cảm xúc mạnh, lời và nhạc nó đến cùng một lúc”.
ca sĩ – nhạc sĩ Ngọc Trọng hát Buồn Vương Màu Áo
Buồn vương màu áo hồng
Nước mắt theo em đi về với chồng
Giá băng cơn mộng
Một mình anh bước đi âm thầm
Nhiều người đã tưởng rằng những câu hát bên trên phải được viết nên bởi một người đang bị dày vò ghê gớm bởi nỗi đau tình nào đó. Tuy nhiên theo lời nhạc sĩ Ngọc Trọng nói thì lúc đó ông không bị chuyện gì cả, đơn thuần chỉ là viết cho tâm trạng của một cô gái, khi bước lên xe hoa rồi mà vẫn ngập ngừng vì trong tim còn chút vương vấn tình xưa.
Sau khi sang Mỹ, tình cờ Ngọc Trọng gặp lại Lệ Thu và nhờ danh ca này phổ biến giúp. Ông đã đến nhà Lệ Thu và ôm đàn hát live 10 bài. Sau khi nghe xong, Lệ Thu với đôi tai tinh tường đã nhận lời ngay với bài Buồn Vương Màu Áo, vì tiên đoán được rằng bài hát này sẽ nổi tiếng. Lệ Thu sẵn sàng tự bỏ tiền để thu âm một ca khúc mới của một nhạc sĩ vô danh, sau đó đưa trung tâm Diễm Xưa phát hành. Qua giọng hát tuyệt vời của Lệ Thu, bài Buồn Vương Màu Áo nhanh chóng nổi tiếng.
Lệ Thu hát Buồn Vương Màu Áo
Thời gian sau đó, các nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của hải ngoại là Ngọc Lan và Ý Lan đã đưa bài hát thực sự trở thành một hiện tượng của làng nhạc hải ngoại, và từ đầu thập niên 1990, hầu hết các ca sĩ hải ngoại đều thu âm bài hát này, được yêu thích nhất trong số đó là phiên bản của Vũ Khanh:
Vũ Khanh hát Buồn Vương Màu Áo
Dù không phải là sáng tác đầu tiên, nhưng Buồn Vương Màu Áo là ca khúc đầu tiên đưa tên tuổi của Ngọc Trọng bước vào làng nhạc, đến được với đông đảo khán giả. Đó là cái duyên may, nhưng cũng là một áp lực quá lớn cho sự nghiệp của nhạc sĩ Ngọc Trọng, bởi vì ông đã sáng tác đến 50 ca khúc, nhưng nhắc đến ông, người ta chỉ nhớ đến Buồn Vương Màu Áo. Tên tuổi của ông đã bị đóng dấu ấn định mệnh vào một ca khúc duy nhất, nên sau đó dù có những bài hát được đánh giá tốt, nhưng vẫn không thể nào vượt qua cái bóng quá lớn đó.
Sau khi Buồn Vương Màu Áo trở thành một hiện tượng, vào năm 1992, Ngọc Trọng viết một bài hát khác có nội dung nối tiếp với ca khúc này, đó là Sầu Vương Khói Mây, được dành riêng cho giọng hát Khánh Hà và Khánh Hà Production:
Khánh Hà hát Sầu Vương Khói Mây
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn