Trang chủ
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và “Mùa Thu Đông Kinh” – Một mùa thu buồn ở xứ Phù Tang
Nếu như là một thính giả ngoại quốc, không phải người Việt hay người Nhật, khi nghe hòa tấu ca khúc Mùa Thu Đông Kinh của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, thì chắc chắn họ sẽ ngỡ đó là một tác phẩm chính hiệu của người Nhật, khó ngờ đó là bài hát của một nhạc sĩ Việt Nam, sau nhiều lần đến biểu diễn nghệ thuật ở thủ đô Đông Kinh (Tokyo) xứ Phù Tang, đã cảm tác rồi viết thành. Một điều đáng ngưỡng mộ, đó là mặc dù bài hát có giai điệu và lời ca đậm chất Nhật Bản nhưng vẫn mang bản sắc của giai điệu ngũ cung.
Lạc trong Đông Kinh
vừa khi mùa thu gieo thương nhớ
làm tôi ngẩn ngơ nhìn
Qua hồn thơ chiếc áo buồn kimono
Đôi thiên nga trong hồ cô Geisha trên bờ
thiết tha trong mong chờ…
Năm 1961, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã thành lập Đoàn Văn nghệ Việt Nam với hơn 100 nghệ sĩ tên tuổi và lưu diễn qua nhiều nước Á Châu cũng như nhiều thành phố trên thế giới: Viêng Chăn, Hồng Kông, Ðài Bắc, Bangkok, Singapore, Sénégal, Paris, London, nhiều nơi ở Hoa Kỳ, và nhiều nhất có lẽ là Đông Kinh ở Nhật Bản. Thời đó thủ đô Tokyo được người miền Nam gọi bằng cái tên rất Việt là Đông Kinh.
Trong những lần sang Nhật đó, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bị ấn tượng sâu sắc với mùa thu đẹp tuyệt vời ở xứ sở này khi đi qua những con đường có hàng cây lá đỏ, bước chân trên lá khô và nghe gió thu mang hơi lạnh thoảng qua làm những chiếc lá phong vàng rơi trên vai người mà lòng nghe xao xuyến.
Hình ảnh người geisha trong chiếc áo kimono ngồi buồn nhìn phía xa xăm để trông đợi khách cũng đã gợi cho người nhạc sĩ bao nhiêu hồn thơ, thoáng buồn về thân phận người ca kỹ:
Chờ ai xa xăm từ muôn nẻo đến
Mà chẳng thấy người đâu với cung đàn đang dở dang.
Nhớ thương hoài theo thời gian.
Tiếng koto khơi buồn.
Shamisen não nề.
Khi gió thu về.
Nàng geisha đã ngóng mắt từ muôn nẻo đến nhưng vẫn chẳng thấy người đâu, nên buồn như cung đàn dở dang. Cùng với tâm trạng người ca nữ, tiếng koto khơi nguồn và tiếng đàn Shamisen hòa theo não nề thoáng trong cơn gió thu lạnh về.
Koto là nhạc cụ nổi tiếng của Nhật, gần tương đồng với cây đàn tranh ở Việt Nam. Còn Shamisen là loại đàn Nhật có 3 dây thường được các nàng geisha sử dụng.
Mùa thu Đông Kinh
buồn như tình em trong cơn gió
đìu hiu liễu bên đàng ru lòng ai
Lá thu vàng trên bờ vai
như bao nhiêu thu tình
mang theo bao nỗi lòng
tiếng gió thu lạnh lùng…
Mùa thu ở xứ Đông Kinh này cũng buồn giống như tình của người ca kỹ, như là ngọn liễu đang rung bên hồ đìu hiu gió thoảng lạnh lùng. Người lữ khách, cũng là người nghệ sĩ, bước chân trên thảm lá vàng, chứng kiến bức tranh mùa thu buồn nhưng rất đẹp nên đã không thể ngăn được lòng xao xuyến.
Mùa thu Đông Kinh
gọi đôi hình bóng trong giây phút
chờ trông bước đi tìm tâm tình nhau
Bước đi tìm duyên ngày sau
trong tiếng hát mơ màng
trong ánh nắng ngỡ ngàng
xao xuyến lá thu vàng.
Bài hát này được hát lần đầu trước năm 1975 bởi một giọng ca đặt biệt, đó là ca sĩ Thúy Nga, cũng là người vợ yêu thương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, họ đã gắn bó với nhau từ khi cưới năm 1957 cho đến khi nhạc sĩ qua đời năm 2001. Mời các bạn nghe lại giọng hát Thúy Nga sau đây với phần hóa âm rất ấn tượng:
Thúy Nga hát trước 1975
Bài hát cũng rất được yêu thích qua tiếng hát Thái Thanh:
Thái Thanh hát trước 1975
Tuy nhiên, người gây ấn tượng với tôi nhất trong bài Mùa Thu Đông Kinh là giọng hát đặc biệt của Don Hồ:
Don Hồ hát
Một phiên bản khác của Tuấn Vũ hát cũng được yêu thích:
Tuấn Vũ hát
Đông Kinh cũng là nơi đã chứng kiến một trong những khoảnh khắc buồn nhất trong cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, khi tại đây, ông đã trở thành một người không tổ quốc. Tháng 4 năm 1975, Hoàng Thi Thơ dẫn đoàn văn nghệ sang giao lưu nghệ thuật với một đài truyền hình Nhật Bản, và tại đó ông đã nhận được tin Sài Gòn thất thủ, tất cả đoàn văn nghệ hàng trăm nghệ sĩ đều trở thành những người bơ vơ trên xứ người.
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn