Trang chủ
Nghe “Thiên Thai” của Văn Cao – Như đi lạc vào một thế giới khác
Đã có quá nhiều người viết về bài hát Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao. Người ta không tiếc lời khen tặng dành cho nó: “Đỉnh cao của nền tân nhạc Việt Nam”, “Bản nhạc bất hủ nhất của nền âm nhạc Việt Nam từ thập niên 1940 đến nay”… Thiên Thai là một bài hát, mà cũng là một bức họa tiên cảnh được vẽ nên bằng 3 cây cọ trác tuyệt: âm nhạc, văn chương và hội họa.
Lê Dung hát
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền
Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên…
Thiên Thai chốn đây Hoa Xuân chưa gặp Bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn
Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai
là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát cuộc tình duyên
Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần
Gió hắt trầm tiếng ca tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi Chắc không đường về
Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao?
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên…
Chúng tôi cho rằng, tâm hồn mỗi chúng ta là một tấm gương khác biệt. Gương ấy tùy theo góc cạnh cá tính của nó mà cùng một sự vật có thể phản chiếu những hình ảnh khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ rón rén mô tả Thiên Thai trong tấm gương tâm hồn của chúng tôi, mà không dám đoán chắc nó thực sự có phải là Thiên Thai như ý của tác giả hay không. Dẫu sao, Thiên Thai đã một mình nó đứng ở vị trí cao ngất mà các ca khúc thông thường khác không thể với tới: nơi Thiên thượng. Đó là một khúc nhạc tiên. Mà đã là nhạc tiên thì ngôn ngữ người thường chúng ta chỉ có thể gượng mô tả mà thôi.
Thiên Thai, một câu chuyện huyền thoại
Ca khúc Thiên Thai mượn tích cũ ghi lại trong U Minh lục: Hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu cùng vào núi hái thuốc rồi gặp một con suối lớn, bên bờ suối có hai nàng tiên đẹp lộng lẫy. Nơi ấy gọi là Đào Nguyên, một chốn Bồng Lai tiên cảnh. Sau nửa năm sum vầy với người tiên, cả hai đều nhớ quê hương bèn từ biệt các tiên nữ ra về. Về đến nơi, anh em bà con đã phiêu bạt đi đâu, nhà cửa cũng không còn. Hỏi thì không ai nhận ra họ vì họ đã có con cháu đến 7 đời. Hậu nhân chỉ xác nhận rằng đúng là có hai ông tổ tên họ như thế. Hai chàng xa lạ cõi trần, tiếc nuối cảnh tiên nên tìm đường trở lại Ðào Nguyên nhưng không tìm lại được. Về sau cả hai biệt tăm biệt tích không còn ai nghe nói tới Lưu, Nguyễn nữa.
Hoàn cảnh sáng tác
Năm 1940, Văn Cao tới thăm sông Hương. Xúc động trước vẻ đẹp nên thơ của sông Hương núi Ngự, ông viết bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”. Rồi rời Huế, ông vào Sài Gòn mà vẫn mang theo mảnh tình quấn quýt với hồn thiêng sông núi xứ Huế nên viết bài hát “Trên sông Hương”. Người ta bảo rằng, những cảm xúc đầu tiên cho Thiên Thai đã nảy mầm bén rễ từ trong chuyến đi ấy.
Những chất liệu còn thiếu cho Thiên Thai rốt cuộc đã được hoàn thiện đầy đủ trong chuyến dong buồm đi chơi trên sông Phi Liệt ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Nghe ca trù, ngắm cảnh sông nước hoang liêu, Văn Cao đã tiếp tục luồng cảm xúc nhen lên ở sông Hương mà viết nên Thiên Thai. Năm ấy là năm 1941, Văn Cao mới tròn 18 tuổi.
Năm 1944, Văn Cao đã viết lời tựa cho bài Thiên Thai: “…Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi…”. Văn Cao tự nhận mình là Người Sông Ngự.
Về thủ pháp âm nhạc, Thiên Thai là một bước tiến rất xa vượt qua khuôn khổ sáng tác của các sản phẩm âm nhạc thời đó. Ta hãy nghe nhạc sĩ tài danh Phạm Duy, bạn thân của nhạc sĩ Văn Cao và là một người rất am hiểu về tân nhạc, về thị hiếu âm nhạc và các sáng tác thời kỳ ấy nhận xét về Thiên Thai:
“Người Sông Ngự/Văn Cao đã thú nhận rằng mình bị ảnh hưởng sông nước của hai truyện Đào nguyên, Thiên Thai cho nên đã soạn ra một bài hát. Một bài hát, theo tôi thật là tuyệt diệu! Nó vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh. Nếu hình thức ca khúc trong Tân Nhạc Việt Nam cho tới năm 1944 này vẫn còn nằm trong khuôn khổ một đoản khúc được ước định trong một số khuôn nhạc nào đó, với một lối chuyển cung, chuyển điệu công thức nào đó… thì “Thiên Thai” của Văn Cao đã vươn lên một thức rất lớn, chia ra nhiều đoạn, nhiều cảnh, gồm tới con số chín mươi bốn khuôn nhạc, chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu…” — (Hồi ký Phạm Duy).
Nhưng sự độc đáo của phần âm nhạc trong bài hát đâu chỉ có thế. Thiên Thai là ca khúc hiếm hoi sử dụng và phối hợp nhuần nhuyễn ba loại ngũ cung: ngũ cung Việt, ngũ cung Trung Hoa và ngũ cung Tây Nguyên.
Thật có khác gì hình thức chương hồi của nhạc giao hưởng hay các phân cảnh của một vở nhạc kịch trên nền âm nhạc ngũ cung phương Đông, điểm xuyết những đoạn thét nhạc của ca trù với ca từ lấp lánh mê hoặc. Kinh ngạc xiết bao, người cha của hết thảy những tài tình đó mới chỉ có 18 tuổi.
Xưa kia, hai chàng Lưu, Nguyễn đã men theo dòng suối mà lạc vào chốn Đào Nguyên hoa mộng. Thì nay, Văn Cao cũng tạo ra một con sông năm dòng chảy gồm có 94 khúc để chúng ta miên man thả hồn vào đó mà tới được chốn Thiên Thai. Hồn ta càng nhẹ, càng dễ tiến nhập vào cõi thiên tiên ấy.
Thiên Thai đầy hình ảnh nên thơ, nhạc và hương sắc, sao vẫn mờ ảo khói sương
Nhạc sĩ Phạm Duy viết thêm:
“…nhưng Văn Cao không tả thực trong bài Thiên Thai này!
Thiên Thai là một trường ca ấn tượng impressionist tạo cảm xúc cho người nghe nhiều hơn là mô tả một câu chuyện. Tất cả những hình ảnh chính của câu chuyện cổ như hai chàng Lưu Nguyễn, bầy thiên tiên hoặc những cảnh vật như suối hoa đào, chiếc thuyền lan, nước ngọc tuyền đều được mô tả một cách rất mơ hồ… giống như trong một giấc mộng vậy. Ta biết là có con thuyền chở Lưu Nguyễn tới cõi Thiên Thai, ta biết là có bầy thiên tiên múa hát dâng trái đào thơm… nhưng ta không thấy được họ… Trong Thiên Thai cõi mơ của Văn Cao chúng ta không thể nào bước vào cái vườn cấm này được. Ðây là cõi riêng của Người Sông Ngự, cõi riêng của nhạc sĩ Văn Cao.” — (Hồi ký Phạm Duy)
Thực ra, Văn Cao vẫn đang mô tả một câu chuyện đấy, nhưng là chuyện trong mộng. Đã là mộng thì cảnh vẫn hư hư thực thực, chỉ có tình là rõ. Vì là mộng lên tiên nên càng mờ ảo, xa xăm. Nhìn không đủ thấy, lắng không đủ nghe.
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên.
Mở đầu bài hát là tiếng ca vang lừng cao vút trên sóng nước bao la, ấy là lúc chốn cũ người xưa của Lưu Nguyễn bắt đầu hiện về. Ta có thấy ai hát đâu, hình như tiếng ca mênh mông ấy từ mãi đâu tít tận mấy tầng trời thẳm, tỏa ra bốn phương, âm vang trên mặt sóng. Không phải tiếng thì thầm, không phải tiếng ca rời rạc, ngắn ngủn cộc lốc, không phải điệu hò vè dân dã ê a… Không phải những âm thanh trần tục ấy, mà chính là tiếng nhạc trời vang lừng khắp chốn đón người hữu duyên lên thiên giới.
Thiên Thai của Văn Cao có chỗ đặc biệt. Nếu cất lên mấy lời đầu tiên: “Tiếng ai hát…” mà không đủ cao, đủ thanh thoát, đủ mênh mang thì là một thất bại rồi. Buồn Tàn Thu cũng vậy. Danh ca Thái Thanh đã trở thành huyền thoại với cách phát âm nhả chữ những từ đầu tiên của bài hát: “Ai lướt đi…” mà không ai có thể bắt chước được.
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
Theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến, như nước reo mạn thuyền.
Lối lên cõi tiên đã mở và cứ cao dần cao dần theo cao độ của lời hát. Từ “Kìa đường lên tiên” cho đến “theo gió” cao độ tăng liên tục, phơi phới bay bổng. Người ta thấy có mùi hương quanh quẩn, có tiếng đàn lưu luyến, trìu mến, thiết tha, u nhã dìu dặt, lại reo vang như sóng vỗ mạn thuyền mà nào có thấy hình hài rõ rệt. Xưa nay người lạc tiên cảnh có bao giờ tả rõ ra được lối lên trời bắt đầu từ đâu và như thế nào. Hình như cũng chỉ ngơ ngác trong đám nửa mây nửa mù mà thôi.
Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên.
Cảnh đời đã lùi lại phía sau, con thuyền dường như đã trôi vào một nơi nào u tĩnh lắm như một bức tranh thủy mặc. Nơi mà chỉ một thanh âm khe khẽ cũng khiến cành đào mỏng manh run rẩy rơi xuống. Mái chèo khua nước ngập ngừng hay người nghệ sĩ bâng khuâng không biết lạc vào đâu, biết lui hay tiến giữa mờ ảo khói sương. Giữa lúc ấy, thì tiếng ca của người tiên đã vọng đến.
Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc Nghê Thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn
Thiên Thai đây rồi! Một khung cảnh trinh nguyên chưa từng nhuốm bụi trần, nơi ấy người ta vĩnh viễn sống trong cảnh hoa xuân không bao giờ rụng. Cũng phải thôi, vì đó là một thời-không khác. Nơi ấy không biết đến ngày tháng, lúc nào cũng rộn rã say sưa với khúc hát Nghê Thường, với các tiên nữ thướt tha uyển chuyển múa giữa tầng không, với hạc trắng bay lượn dập dờn. Không biết khi lắng nghe khúc Nghê Thường trên ấy, hai chàng Lưu Nguyễn có gặp vua Đường Huyền Tông đa tài lãng mạn? Nét nhạc khúc này vừa đắm đuối vừa u hoài.
Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai, là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên
Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần
Khi tiếng nhạc lắng đi, ánh trăng dìu dịu lại là lúc nỗi nhớ quê hương của người lữ khách lảng vảng quanh quất. Nỗi nhớ quê nhà trong tiếng cuốc kêu. Nét nhạc lúc này trùng xuống như tâm trạng người xa quê. Nhưng ngay lập tức là đoạn thét nhạc ca trù cao vút trong “khúc bồng lai” làm ta nhớ lại tiếng hát cao vang lừng chào đón hai chàng lữ khách lên thiên giới. Những rung động, thanh âm nơi tiên giới bao giờ cũng thanh nhẹ và cao vút. Tiếng đàn như liên miên bất tuyệt, như say như mê ru người quên cả lối về để mãi ở lại trong trường cửu miên viễn. Lại như bày tỏ nỗi khát khao tình ái, muốn đổi cả thiên thu vĩnh cửu lấy một phút mê cuồng đắm say, để ánh trăng xanh mơ màng lạnh lẽo nơi tiên giới tan chảy thành con suối trần gian ấm áp. Dẫu có là “một khắc xuân tiêu giá ngàn vàng” cũng cam lòng.
Thế rồi cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Rốt cục trần duyên chưa đoạn, khi lòng nhớ tiếc phàm trần cồn cào ruột gan thúc giục hai chàng trần hoàn cũng là lúc mà miền tiên giới mờ dần, xa mãi. Chủ âm bài này là Re Thứ chuyển sang Re Trưởng, nhịp điệu nhanh, kết thúc bài hát.
Gió hắt trầm tiếng ca, tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta
Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi, chắc không đường về
Tiên nữ ơi.
Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.
Lưu Nguyễn năm nào nhập Thiên Thai, Văn Cao u hoài nơi trần thế
Thật khó mà tin nổi một kiệt tác như Thiên Thai mà lại được sáng tác bởi một chàng trai trẻ mới 18 tuổi đầu học hành dang dở. Nhưng không chỉ có thế, còn có những kiệt tác Buồn Tàn Thu được Văn Cao viết khi mới 16 tuổi, Bến Xuân, Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa lúc 19 tuổi, Trương Chi lúc 20 tuổi. Ai dù bất công đến đâu nếu có chút hiểu biết về nghệ thuật cũng đành thừa nhận – dù chỉ với bản thân họ – rằng đó là một thiên tài.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một tri kỷ trong âm nhạc của Văn Cao từng nói: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư…”.
Âm nhạc cũng như nghệ thuật có nhiều mức độ. Nó có thể làm bạn với buồn thương của kiếp người, khiến cho tâm tình của thế nhân có nơi an ủi mà đi hết kiếp sống không quá khô khan đơn điệu và lạnh lẽo. Nhưng tột đỉnh của âm nhạc và nghệ thuật lại không phải để níu kéo trần ai, mà chính là dẫn hướng cho con người giải thoát đời sống nhân thế để thăng hoa lên miền thượng giới. Và cũng chính vì thế, Thiên Thai mới trở thành tuyệt phẩm.
Trong video âm nhạc “Giấc Mơ Một Ðời Người” làm trước khi ông mất, Văn Cao tâm sự: “Tại sao tôi nói đến Thiên Thai là bởi vì một nơi một cõi nào đó người ta coi như đất hứa mà cái đất hứa ấy thì không ai tìm được trên cái cõi thế gian này, đi tìm mãi trong những cái hoài niệm của mình tuổi thanh niên thì nhớ ra rằng có lần tìm ra được”.
18 tuổi, tuổi mà người ta “ăn chưa no, lo chưa tới” thì Văn Cao đã tìm thấy cõi tiên.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã từng viết: “Văn Cao, ngay từ độ đôi mươi, đã tự đày ải mình lên miền thiên giới trong đại kiệt tác Thiên Thai. Cuộc nhập Thiên Thai ấy không chỉ có hai chàng Lưu Nguyễn mà thực ra đã có ba chàng: Người tham gia khí muộn vụ thiên hành lên cõi tiên ấy chính là Văn Cao”.
Chúng tôi chỉ đồng ý một nửa với nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Theo thiển ý chúng tôi, Văn Cao đã là từ trên Thiên Thai mà xuống cõi trần. Tài năng thiên bẩm ấy là được an bài để viết nên những kiệt tác âm nhạc và danh tác hội họa, văn chương. Khúc ca Thiên Thai ấy là chuyến trở lại miền quê hương thượng giới của ông, nơi đất hứa mà ông cho rằng đã “tìm ra được”. Nhưng có lẽ nhiệm vụ cuộc đời của ông còn chưa kết thúc, nên Văn Cao đành ngậm ngùi “trần hoàn”. Vả lại, nói như Thi Nại Am thì “một bầu nhiệt huyết chan chan, thân này nợ với giang san còn nhiều”. Nợ đời còn chưa trả đủ sao được lên cõi tiên?
Cũng như Lưu Thần, Nguyễn Triệu, khi từ Thiên Thai, Suối mơ… trở về chốn trần gian tục lụy, đến hàng chục năm không còn ai nhớ ra Văn Cao, chẳng phải vì Văn Cao vô tài hay hết hứng sáng tác. Từ Thiên Thai trở về lúc “trời đất nổi cơn gió bụi”, thế giới của Văn Cao chỉ còn là một căn hộ đi mấy bước chân là hết, chẳng có Đào Nguyên, chẳng có ánh trăng xanh, chẳng có khúc Nghê Thường. May mắn là vẫn còn một người vợ hiền tần tảo thay cho tiên nữ.
Những giai thoại về Thiên Thai để thay cho lời kết
Có một giai thoại trong giới văn nghệ nói rằng, ca khúc Thiên Thai của Văn Cao đã được NASA chọn để tàu Apollo mang theo vào vũ trụ phát đi tín hiệu về văn minh nhân loại. Thực ra đây chỉ là câu chuyện nói vui. Nhưng chuyện ấy dù hư thực thế nào cũng không hề quan trọng. Thiên Thai của Văn Cao không cần nhờ một sức mạnh cơ khí để bay vào không gian. Nó đã và vẫn mãi ở nơi thượng giới trong tâm thức những người yêu cái đẹp vĩnh hằng, cái thanh cao thoát tục. Thiên Thai sẽ còn mãi với tương lai của loài người.
Trong lúc này, thì có lẽ ở chốn Đào Nguyên, Văn Cao đang hát khúc Nghê Thường với “tiếng ca còn rền trên cõi tiên”.
Mời các bạn lắng nghe tuyệt phẩm Thiên Thai với giọng ca Hà Thanh – họa mi xứ Huế, được thu âm trước năm 1975:
Hà Thanh hát
Nguồn: Bình Nguyên