Trang chủ
Nghe lại những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Quốc Dũng
Nhạc sĩ Quốc Dũng đã để lại gia tài âm nhạc với loạt tình khúc được yêu thích, nhiều thể loại. Nhạc trẻ thời trước 1975, ông có Điệp Khúc Mùa Xuân, Mai, Quê Hương và Mộng Ước, Cơn Gió Thoảng, Bên Nhau Ngày Vui… Nhạc trẻ sau 1975 có Đường Xưa, 9 Con Số Một Linh Hồn, Nỗi Đau Ngọt Ngào…, còn nhạc trữ tình có Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa, nhạc vàng có Lối Thu Xưa, Chuyện Ba Người, Ngại Ngùng, Mắt Huế Xưa…
Suốt sự nghiệp 50 năm sáng tác, hòa âm, Quốc Dũng là một trong những nhạc sĩ nổi bật của tân nhạc Việt với gần 100 ca khúc được công chúng biết tới. Nhiều ca sĩ từng thể hiện nhạc Quốc Dũng, trong đó Bảo Yến – vợ ông – để lại dấu ấn nhiều nhất.
Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa
Đây là ca khúc đầu tay, và cũng là bài hát được yêu thích nhất của nhạc sĩ Quốc Dũng. Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa được viết phần giai điệu lúc nhạc sĩ mới 11-12 tuổi. Đến năm 17 tuổi, sau khi đã tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc thì nhạc sĩ Quốc Dũng viết thêm lời và hoàn chỉnh bản nhạc. Đã hơn nửa thế kỷ từ khi ra mắt, ca khúc này luôn nằm trong danh sách những bài nhạc trữ tình về mùa xuân tiêu biểu nhất.
Khác với nhạc trẻ hoặc những bài nhạc xuân có giai điệu ràng, có một nét chung dễ nhận thấy của những bài nhạc xuân trữ tình của Việt Nam thời kỳ thập niên 1960-1970, đó là bài hát có giai điệu nhẹ nhàng mượt mà, nội dung bài hát thường là những nỗi nhớ xa xăm, bâng khuâng và đầy hoài niệm…
Dạ Hương hát trước 1975
Bài hát này được hoàn thành năm 1969, nhưng phải vài năm sau đó, công chúng mới được thưởng thức qua tiếng hát Dạ Hương trong băng Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh. Giọng hát tha thiết của Dạ Hương cùng ca khúc Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa nổi tiếng không được bao lâu thì biến cố 1975 làm cho những bài nhạc trữ tình buồn không còn được phổ biến nữa. Phải hơn 10 năm sau đó, ca khúc này mới được sống lại qua giọng hát mênh mang buồn của Ngọc Lan.
Ngọc Lan hát
Mai
Ca khúc có tên chỉ có một chữ là “Mai” của nhạc sĩ Quốc Dũng rất quen thuộc với người yêu nhạc với lời hát mở đầu là: “Mai, anh đã xa em thật rồi…”
Bài hát này nổi tiếng qua giọng hát Elvis Phương vào đầu thập niên 1970, đã được trao giải Kim Khánh cho ca khúc hay nhất trong năm. Mời các bạn nghe lại bản thu âm trước 1975:
Elvis Phương hát Mai – Quốc Dũng
Khi nghe ca khúc này, ai cũng biết rằng Mai là tên của một người con gái, nhưng đó là ai thì vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Chính nhạc sĩ Quốc Dũng cũng chưa từng khẳng định “Mai” là ai, mà chỉ lấp lửng rằng trong đời ông đã gặp rất nhiều “cô Mai”, và ca khúc này không nói đến ai cụ thể, mà được viết cho “nhiều cô Mai khác nhau”.
Nhiều người khẳng định rằng Mai chính là Thanh Mai, một ca sĩ khả ái rất ăn ý với Quốc Dũng trong đôi song ca Thanh Mai – Quốc Dũng một thời khuấy động làng nhạc trẻ Sài Gòn với những ca khúc tươi trẻ của Quốc Dũng tự sáng tác, như là “Quê Hương Và Mộng Ước” hoặc “Bên Nhau Ngày Vui”.
Tuy nhiên sau này, chính ca sĩ Thanh Mai đã nói rằng ca khúc Mai đã được nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác trước khi quen biết cô. Vì vậy, Mai của Quốc Dũng chắc chắn không phải là Thanh Mai.
Năm 2017, trên chương trình Jimmy Show, ca sĩ Phượng Mai tiết lộ cô chính là Mai trong bài hát này. Cụ thể, Phượng Mai kể rằng khoảng năm 1971, khi Phượng Mai mới 15 tuổi, đi hát tân nhạc trong ban Tùng Lâm nổi tiếng. Thời điểm đó bà ngoại của Phượng Mai thường cho cô đi theo các ban nhạc lưu diễn khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm. Trong ban Tùng Lâm này có ban nhạc của Quốc Dũng (lúc này mới 20 tuổi). Ban ngày nhạc sĩ Quốc Dũng dạy nhạc ở nhà của danh dài Tùng Lâm, còn cuối tuần hoặc mỗi đêm thì đi lưu diễn theo đoàn Tùng Lâm. Họ đã cùng sinh hoạt trong ban Tùng Lâm này một thời gian ngắn, và nhạc sĩ Quốc Dũng nảy sinh tình cảm với Phượng Mai.
Phượng Mai cho biết lúc đó cô còn rất nhỏ, nghịch ngợm. Một hôm nhạc sĩ mời cô đi ăn, dù không thích nhưng cô lại chọc nghẹo và nhận lời rồi lại không đến. Vì việc này mà Quốc Dũng buồn tình và nghỉ dạy nhạc ở nhà Tùng Lâm 3 ngày liên tục, làm cho danh hài Tùng Lâm phải trách mắng Phượng Mai.
Sau đó 1 tuần, nhạc sĩ Quốc Dũng gửi bài hát “Mai” viết nhạc bằng tay đến nhà Phượng Mai, với những lời nhạc mang nội dung trách buồn cô gái.
Có lẽ vì đây là một “chuyện tình không may”, gắn với một kỷ niệm đáng quên, nên sau này nhạc sĩ Quốc Dũng không bao giờ tiết lộ thêm về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, mà chỉ nói chung chung rằng “có nhiều cô Mai khác nhau” trong bài hát. Trong một chương trình phát sóng năm 2017, Bảo Yến cho biết từng hỏi chồng rằng có phải bài hát ông viết riêng cho Thanh Mai. Nhạc sĩ Quốc Dũng đã trả lời vợ rằng Thanh Mai là nhân vật chính, ngoài ra còn có ba, bốn cô Mai khác được thêm thắt vào.
Lối Thu Xưa
Ca khúc này được nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác khi ông còn rất trẻ, lúc mới 17,18 tuổi, với tên chính thức ban đầu được đặt là Anh Không Dám Nói Yêu Em, còn tên Lối thu Xưa chỉ là tên phụ. Bài hát đã được được ca sĩ Chế Linh thu thanh đầu tiên vào dĩa hát Việt Nam. Có lẽ nhận thấy tiêu đề này không hợp với giai điệu của bài hát nên sau 1975, tác giả dùng cái tên thi vị hơn là Lối Thu Xưa làm tên chính thức.
Bna đâu, bài hát được nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác cả nhạc lẫn lời. Đến thập niên 1990, ông chơi thân với nhà thơ Nguyễn Đức Cường (người viết lời cho các bài hát Đường Xưa, Chuyện Hợp Tan, Hạt Mưa Và Nỗi Nhớ…của nhạc sĩ Quốc Dũng), nên đã nhờ người bạn này sửa lại lời để hay và liền mạch hơn.
Bảo Yến hát Lối Thu Xưa
Điệp Khúc Mùa Xuân
Nhạc sĩ Quốc Dũng từng cho biết: “Tôi viết Điệp Khúc Mùa Xuân năm 1974. Lúc đó mùa Xuân tới, mùa Xuân thì phải thanh bình nhưng mùa Xuân của năm 1973-1974 thì vẫn còn chiến tranh khốc liệt nên tôi viết bài này trong tâm trạng buồn khi đang ở Sài Gòn“.
Suốt 50 năm qua, cứ đến ngày Tết đến xuân về, giai điệu rộn ràng của Điệp Khúc Mùa Xuân lại vang lên ở mọi nhà, trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất về mùa Xuân của người Việt khắp nơi.
Nghe Thanh Lan hát Điệp Khúc Mùa Xuân
Những ca khúc viết cho Thanh Mai: Bên Nhau Ngày Vui, Quê Hương Và Mộng Ước. Cơn Gió Thoảng, Biển Mộng
Năm 1973, nữ ca sĩ Thanh Mai tròn 18 tuôi, được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận làm học trò, và chính vị nhạc sĩ này đã kết hợp Thanh Mai với nhạc sĩ Quốc Dũng để thành đôi song ca trẻ được khán giả yêu thích. Trước đó Thanh Mai theo đuổi dòng nhạc trữ tình, và nhạc sĩ Quốc Dũng đã đề nghị cả 2 hát những bài nhạc trẻ tự sáng tác, từ đó những ca khúc ông viết riêng cho đôi song ca Thanh Mai – Quốc Dũng ra đời. Theo chính nhạc sĩ và cả Thanh Mai xác nhận, thì có 4 ca khúc được viết riêng cho giọng hát Thanh Mai, đó là Bên Nhau Ngày Vui, Quê Hương Và Mộng Ước. Cơn Gió Thoảng, Biển Mộng (còn ca khúc Mai đã sáng tác trước đó).
Trong 4 ca khúc này, nữ ca sĩ Bảo Yến nói rằng cô thích nhất bài Quê Hương Và Mộng Ước, vì nó mang chất riêng của nhạc Quốc Dũng, không nhầm lẫn với nhạc của người khác.
Thanh Mai & Quốc Dũng hát Quê Hương Và Mộng Ước trước 1975
Thanh Mai & Quốc Dũng hát Bên Nhau Ngày Vui trước 1975
Thanh Mai hát Bên Nhau Ngày Vui trước 1975
Những ca khúc sáng tác sau 1975:
Bài Ca Tết Cho Em
Vào khoảng đầu thập niên 1980, ca sĩ Bảo Yến là ca sĩ, kiêm thư ký cho đài truyền hình. Còn nhạc sĩ Quốc Dũng lúc đó chơi nhạc trong ban nhạc của đài, phụ trách hòa âm phối khí cho các chương trình ca nhạc phát trên đài truyền hình.
Đôi ca sĩ – nhạc sĩ tài danh gặp nhau và bắt đầu một chuyện tình đẹp. Bảo Yến kể lại: “Để bày tỏ tình yêu dành cho tôi, anh viết tặng tôi ca khúc Bài Ca Tết Cho Em khiến tôi vô cùng cảm động”.
Bảo Yến cũng nói rằng suốt 40 năm qua, cô đã hát Bài Ca Tết Cho Em rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng đều cảm thấy vui, ấm áp trong lòng và cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như lúc trái tim rung động trước lời tỏ tình của nhạc sĩ Quốc Dũng.
Bảo Yến hát Bài Ca Tết Cho Em
Những bài hát phổ thơ Nguyễn Đức Cường, hoặc nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường viết lời
Những năm thập niên 1980, 1990, nhạc sĩ Quoocfs Dũng chơi thân với nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, và họ cùng hợp tác sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng: Đường Xưa, Chuyện Hợp Tan, Hoang Vắng, Hạt Mưa Và Nỗi Nhớ, Chỉ Là Mùa Thu Rơi…
Nghe Mỹ Tâm hát Đường Xưa
Nghe Như Quỳnh hát Chuyện Hợp Tan
Nghe Ngọc Lan hát Hoang Vắng
Nghe Khánh Hà hát Chỉ Là Mùa Thu Rơi
Những ca khúc phổ thơ Xuân Kỳ
Nhạc sĩ Quốc Dũng kể rằng ông gặp nhà thơ Xuân Kỳ vào năm 1992. Thuở đó phòng thu âm của bạn có đông đảo bạn bè lui tới, và một hôm Xuân Kỳ tới gặp lần đầu, mang theo một tập thơ nhờ ông phổ nhạc. Nhạc sĩ Quốc Dũng chọn trong tập thơ 1 số bài để phổ nhạc chỉ trong một ngày, trong đó có 3 ca khúc đã trở nên nổi tiếng là Ngại Ngùng, Chuyện Ba Người, và Kẻ Đau Tình.
Thơ của Xuân Kỳ thường nói về nỗi đau chia ly, tan vỡ, và cuộc đời của ông cũng là một chuỗi ngày buồn. bảy năm sau khi những vần thơ của ông được phổ nhạc và được công chúng đón nhận, nhà thơ đã lặng lẽ rời dương thế vào năm 1999.
Ngh Như Quỳnh hát Ngại Ngùng
Nghư Bảo Yến hát Kẻ Đau Tình
Nghe Bảo Yến hát Chuyện Ba Người
Người Về Từ Lòng Đất
Đây là một ca khúc đặc biệt của nhạc sĩ Quốc Dũng. Thấu cảm trước nỗi đau của người Minh Anh khi người yêu là diễn viên Lê Công Tuấn Anh qua đời cuối năm 1996, ông đã sáng tác một ca khúc đậm chất liêu trai:
Đêm nay nơi thâm sâu âm u từng cơn gió lùa bên muôn cây reo vi vu
Tựa như tiếng than van bao đau thương miên man suốt trong đêm trường
Trên không gian mênh mang mây đen tìm nhau kéo về ầm ầm mang theo mưa giông
Từng cơn bão bùng bao la vây quanh bên anh nghĩa trang lạnh lùng
Nghe Minh Thuận hát Người Về Từ Lòng Đất
Năm 1997, nam ca sĩ Đặng Thanh Sử là người đầu tiên thể hiện ca khúc này trên sân khấu Nhà hát Bến Thành. Tuy nhiên ca khúc này sau đó nổi tiếng với tiếng hát Minh Thuận ở trong nước và Don Hồ ở hải ngoại.
Nỗi Đau Ngọt Ngào
Ca khúc này đã góp phần đưa tên tuổi ca sĩ Minh Thuận thành ngôi sao sáng trong làng nhạc trẻ Việt thập niên 1990. Chính nữ ca sĩ Bảo Yến kể rằng Quốc Dũng sáng tác bài hát này cho một cô gái 19 tuổi ông quen ở Đà Lạt. Cô gái còn khá trẻ và đem lòng yêu Quốc Dũng, người đã có gia đình, và ông cũng thương mến cô ấy nên cảm thấy cuộc tình ấy đầy ngọt ngào dù mang nỗi đau vì không tới được với nhau.
Nghe Minh Thuận hát Nỗi Đau Ngọt Ngào
Mắt Huế Xưa
Trong nhiều ca khúc nhạc vàng viết về xứ Huế, ca khúc Mắt Huế Xưa của Quốc Dũng viết chung với Đynh Trầm Ca là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất. Nỗi buồn nhân vật được nhạc sĩ ví như đôi mắt của thiếu nữ áo tím: “Màu mắt Huế buồn rưng rưng, khiến cho anh suốt đời không quên/ Ôi mắt thơ đẹp ai oán, mà phong ba vẫn luôn đón chờ”.
Bảo Yến hát Mắt Huế Xưa
Đông Kha – nhacxua.vn