Trang chủ
Nghe lại những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Ngọc Sơn thu âm trước 1975
Nhạc sĩ Ngọc Sơn sinh năm 1934, sinh ra trong một gia đình nghèo không có truyền thống nghệ thuật. Không có điều kiện theo học nhạc, nhưng vì đam mê nghệ thuật nên ông đã trải qua một quá trình dài với những nỗ lực hơn người để đạt được thành tựu nhất định trong làng nhạc.
Năm 20 tuổi, không có bất kỳ kiến thức nào về âm nhạc, nhạc sĩ Ngọc Sơn đến nghệ thuật ở tuổi 20 bằng cách nhờ một người bạn giới thiệu với nghệ sĩ Trần Văn Trạch để xin vô ban Sầm Giang chỉ để được hát trong chung ban hợp xướng vài chục người. Dù chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong ban Sầm Giang nhưng ông thấy được thỏa nguyện vì sống trong bầu không khí nghệ thuật. Cũng nhờ được đi lưu diễn nhiều lần cùng ban Sầm Giang, ông quen biết với vũ sư Lưu Hồng và theo học rồi trở thành vũ công của đoàn Lưu Bình Hồng.
Trở thành vũ công nhưng Ngọc Sơn vẫn chưa dứt niềm đam mê ca nhạc. Lúc đó các ca khúc của nhạc sĩ trẻ Lam Phương đang nổi đình đám khắp miền Nam, Ngọc Sơn rất hâm mộ Lam Phương và thường ra sạp bán nhạc tờ của nhà xuất bản Minh Phát để xem, rồi mua rất nhiều bản nhạc yêu thích về tự nghiên cứu. Ông đã học sáng tác những nốt nhạc đầu tiên bằng cách mua sách kẻ nhạc về rồi ký âm lại dựa theo các bài hát nổi tiếng, nhưng cách này không thành công.
Một hôm nhạc sĩ Ngọc Sơn gặp nhạc sĩ Thăng Long (tác giả bài Quen Nhau Trên Đường Về) và được nhạc sĩ này chỉ cho một cách là mua cuốn sách dạy viết nhạc tên là Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ xuất bản năm 1955. Đây có thể xem là cuốn sách “gối đầu giường” của rất nhiều nhạc sĩ miền Nam thời đó, như là Thanh Sơn, Thăng Long… Nhờ sách của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mà cả một thế hệ nhạc sĩ đã thành danh, trong đó có nhạc sĩ Ngọc Sơn.
Sau một thời gian dài mày mò tự học theo cuốn sách này, những ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Ngọc Sơn được thành hình. Ca khúc đầu tiên của ông được xuất bản là Ngõ Vào Đời, được viết dựa theo điệu hát ru con, nhưng không bán được. Mời các bạn nghe lại ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Ngọc Sơn sau đây:
Hoàng Oanh hát Ngõ Vào Đời trước 1975
Kể từ ca khúc đầu tay vẫn còn non nước này, nhạc sĩ Ngọc Sơn đã không ngừng học hỏi để trau dồi khả năng sáng tác để có được một sự nghiệp âm nhạc, tuy không quá lừng lẫy, nhưng cũng được nhiều người ngưỡng mộ, nổi tiếng nhất là các ca khúc 100 Phần Trăm, Nét Son Buồn, Đêm Buồn Phố Thị…
Ngoài bút danh Ngọc Sơn (cũng là tên thật), ông còn sáng tác với nhiều bút danh khác nhau, đó là Lệ Uyên, Tú Nguyệt, Ngọc Xuân, Thụy Ngọc, Yến Phương, Kim Long.
Không chỉ sáng tác một mình, nhạc sĩ Ngọc Sơn còn hợp soạn cùng các nhạc sĩ khác, nhiều nhất là chung với nhạc sĩ Hoàng Trang, Đài Phương Trang, Tuấn Hải,… và cả nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
Những ca sĩ hát nhạc của Ngọc Sơn nhiều nhất là Giao Linh (cũng là học trò của ông), và danh ca Hùng Cường.
Sau đây, mời các bạn nghe lại những bản thu âm trước 1975 nhạc của nhạc sĩ Ngọc Sơn sáng tác:
100 Phần Trăm (viết chung với Tuấn Hải)
Bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Ngọc Sơn, viết chung với nhạc sĩ Tuấn Hải, và cũng là bài hát viết cho chuyện tình có thật của ông vào dịp đầu năm 1968. Khi đó lửa loạn lan đến đô thành, nhạc sĩ Ngọc Sơn đang là lính chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn cho người dân vào tị nạn trong trường Bác Ái. Trong số những người tị nạn đó có một nữ sinh trung học, và giữa họ nảy sinh một mối tình sâu sắc.
Người thiếu nữ này không hề biết gì về chuyện những người lính phải bị cấm trại 100% vào lúc dầu sôi lửa bỏng đầu năm Mậu Thân, không người lính nào được ra đường. Cô gái rủ đi xem phim, rủ đi Vũng Tàu… nhưng chàng lính Ngọc Sơn không thể đi được. Sợ người yêu giận nên ông đã viết thành bài 100 Phần Trăm để giải thích cho người yêu, mong sự thông cảm của cô gái:
Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm
Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm
Người yêu anh ơi giờ đây lại cấm trại rồi
Nào đâu nào biết tâm tư người lính
Lòng anh nao nao mỗi khi ta hẹn nhau với em tâm tình…
100 Phần Trăm – Hùng Cường hát trước 1975
Nét Son Buồn
Chuyện tình với cô nữ sinh đó rồi cũng tan vỡ. Nuối tiếc về cuộc tình đó, ông đã viết thêm những bài hát khác, như là Còn Gì Nói Đêm Nay, đặc biệt là Nét Son Buồn, để nói hết những gì muốn nói sau chuyện tình buồn:
Khóc đi khóc cho vơi sầu
Em khóc đi, khóc duyên hững hờ.
Để lại dấu tích trong đời
Một mai em về với chồng
Mang theo một mối u hoài
Chất ngất thiên thu…
Nét Son Buồn – Thanh Lan hát trước 1975
Màu Tím Pensee – Mùa Pensée Nở (Đài Phương Trang – Ngọc Sơn)
Bài hát này được 2 nhạc sĩ hợp soạn, đó là Đài Phương Trang và Ngọc Sơn. Trong gia đình, nhạc sĩ Đài Phương Trang gọi Ngọc Sơn là cậu, cả 2 cũng đã từng làm việc chung cho hãng Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
Pensée là loài hoa được nhắc nhiều đến trong nhạc vàng, và khi nhắc đến loài hoa này, người ta nhớ đến giọng ca Giao Linh nhiều nhất, với 2 ca khúc cùng được ký bút danh là Đài Phương Trang – Ngọc Sơn: Màu Tím Pensée và Mùa Pensée Nở.
Cả 2 ca khúc này đều được yêu thích từ trước năm 1975 với tiếng hát Giao Linh. Nếu nghe kỹ lại lời nhạc, chúng ta có thể biết rằng ca khúc Màu Tím Pensée được sáng tác trước ca khúc Mùa Pensée Nở, và câu chuyện trong 2 bài hát này được nối tiếp nhau.
Giao Linh hát Màu Tím Pensee trước 1975
Giao Linh hát Mùa Pensee Nở
Những bài hát khác ký tên chung Ngọc Sơn – Đài Phương Trang:
Nhạc sĩ Ngọc Sơn có khá nhiều sáng tác chung với nhạc sĩ Hoàng Trang. Có một điểm chung giữa 2 nhạc sĩ này, đó là cả 2 đều sử dụng khá nhiều bút hiệu khác nhau. Nếu như nhạc sĩ Ngọc Sơn là Lệ Uyên, Tú Nguyệt, Ngọc Xuân… thì nhạc sĩ Hoàng Trang là Triết Giang, Trần Nguyên Thụy, Thiên Tường, Hồng Đạt…
Trong số những sáng tác chung của 2 nhạc sĩ này, có bài hát Mộng Bình Thường, có nội dung và giai điệu khá giống với bài hát nổi tiếng Đêm Ru Điệu Nhớ của nhạc sĩ Hoàng Trang, mời các bạn nghe Thanh Tuyền hát sau đây:
Mời các bạn nghe lại những bài hát khác của 2 nhạc sĩ này cùng hợp soạn (Click vào hình để nghe):
Ngoài ra, nhạc sĩ Ngọc Sơn cũng sáng tác chung rất nhiều bài với nhạc sĩ Dzoãn Bình (bút danh khác là Vũ Đức):
Những bài hát khác thu âm khác 1975 của nhạc sĩ Ngọc Sơn:
nhacxua.vn biên soạn