Trang chủ
Nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Khánh Băng
Nhạc sĩ Khánh Băng là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc vàng, tác giả của nhiều bài hát bất tử là Vườn Tao Ngộ, Sầu Đông, Nếu Một Ngày, Sáu Tháng Quân Trường, Giờ Này Anh Ở Đâu, Vọng Ngày Xanh…
Qua những ca khúc nổi tiếng này của nhạc sĩ Khánh Băng, có thể thấy ông đã sáng tác và nổi tiếng với nhiều thể loại nhạc khác nhau. Từ những bài âm hưởng nhạc tiền chiến thời thập niên 1950 là Vọng Ngày Xanh, Nụ Cười Ngây Thơ… đến các bài nhạc vàng thuần túy như Giờ Này Anh Ở Đâu, Vườn Tao Ngô, Nỗi Buồn Đêm Đông, Đôi Ngả Chia Ly, Sáu Tháng Quân Trường…, nhạc có giai điệu sôi động là Sầu Đông, Có Nhớ Đêm Nào, nhạc tình ca lãng mạn như Nếu Một Ngày, và nhạc quê hương là Trên Nhịp Cầu Tre, Chiều Đồng Quê…
Sau đây, mời các bạn nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Khánh Băng.
SẦU ĐÔNG
Ca khúc được nhiều người biết đến nhất của nhạc sĩ Khánh Băng có lẽ là Sầu Đông, được viết theo điệu Twist rất thịnh hành ở Mỹ vào đầu thập niên 1960.
“Chiều nay gió đông về
dừng chân trên bến xưa…”
Hùng Cường hát Sầu Đông
CÓ NHỚ ĐÊM NÀO
Một ca khúc nhạc sôi động nổi tiếng khác của ông là Có Nhớ Đêm Nào, có thể được hát theo điệu Swing hoặc Twist nổi tiếng với tiếng hát gằn giọng đặc biệt của “nữ hoàng kích động nhạc” Mai Lệ Huyền:
“Có nhớ đêm nào?
Về chung với nhau nơi này
Tìm đến hòa khúc sum vầy
Tình xuân ngất ngây ta cùng say…”
Mai Lệ Huyền hát Có Nhớ Đêm Nào trước 1975
VỌNG NGÀY XANH
Ca khúc đầu tiên làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Khánh Băng là năm 1956 với ca khúc Vọng Ngày Xanh, mang phong cách của dòng nhạc tiền chiến, với lời ca và giai điệu nhẹ nhàng và có phần u uẩn.
“Trời mưa gió lá cây tơi bời khắp nơi,
Tan nát bao cánh hoa tươi bên thềm gió chiều thét gào não nề
Ôi trời mưa gió điêu tàn gieo bao đau thương…”
Lệ Thu hát Vọng Ngày Xanh trước 1975
NẾU MỘT NGÀY
Ngoài nhạc vàng, nhạc kích động hoặc là nhạc phong cách tiền chiến, nhạc sĩ Khánh Băng còn sáng tác nhạc tình với lời ca đẹp như thơ trong ca khúc Nếu Một Ngày, với một phong cách quen thuộc của dòng nhạc tình ca thập niên 1960-1970:
“Nếu một ngày không có em
Thì niềm cô đơn dài như năm tháng…”
Thái Châu hát Nếu Một Ngày trước 1975
VƯỜN TAO NGỘ
Vườn Tao Ngộ được nhạc sĩ Khánh Băng viết với bút danh Nhật Hà, là một trong những bài nhạc vàng được yêu thích.
Vườn Tao Ngộ là khoảng đất thuộc Trung tâm huấn luyện Quang Trung ngày xưa, là nơi mà người yêu, người vợ và gia đình các tân binh đến thăm những người lính trẻ đang được huấn luyện, sau những ngày gian khổ nơi quân trường. Bài hát viết lên những tâm sự của những người gặp nhau ở nơi vườn tao ngộ đó.
Hôm nay ngày chủ nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh,
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi
Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên dần…
ca sĩ Giao Linh hát trước 1975
GIỜ NÀY ANH Ở ĐÂU
Một bài nhạc vàng nổi tiếng viết về người lính khác của nhạc sĩ Khánh Băng là Giờ Này Anh Ở Đâu, nhắc đến đầy đủ những quân trường khắc nghiệt nhất của một thời.
“Giờ này anh ở đâu?
Quang Trung nắng cháy da người
Giờ này anh ở đâu?
Dục Mỹ hay Lam Sơn?
Giờ này anh ở đâu?
Đồng Đế nắng mưa thao trường…”
Thanh Tuyền hát Giờ Này Anh Ở Đâu
ĐÔI NGẢ CHIA LY
Anh ơi, nép vào lòng anh
Má kề bên nhau ta nhắc chuyện ngày qua
Cho mối duyên thêm mặn mà…
Đó là phần mở đầu trong bài hát Đôi Ngả Chia Ly của nhạc sĩ Khánh Băng. Có thể bạn cảm thấy có gì đó sai sai, vì sao lại là “anh” nép vào lòng “anh”? Đó là lời hát chính xác trong tờ nhạc in trước 1975 và trong cả bản thu của ca sĩ Thanh Tuyền trước 1975 sau đây:
Thanh Tuyền hát trước 1975
Theo lời con trai út của nhạc sĩ Khánh Băng cho biết, từ Anh trong lời hát này không phải là “anh em” trong cách xưng hô, mà đó là tên của vợ nhạc sĩ Khánh Băng: bà Hứa Thị Nhật Anh. Bài hát Đôi Ngả Chia Ly được nhạc sĩ sáng tác dành cho vợ trong một lần bà giận bỏ về nhà mẹ ruột.
Tuy nhiên, cũng trong tờ nhạc sau đây, nhạc sĩ vẫn mở ngoặc thêm chữ (Em) trong chữ đầu tiên, nghĩa là nếu hát “Em ơi nép vào lòng anh” thì vẫn đúng:
Ngoài ra tên bài hát là Đôi Ngả Chia Ly, nhưng sau này rất nhiều nơi ghi sai chính tả thành Đôi Ngã Chia Ly. Ngả ở đây là Ngả Rẽ, chứ không phải là Ngã xuống.
CHIỀU HOANG
Ðường chiều hoang vắng chỉ mình tôi
Tìm đến thăm người yêu
Người em gái nơi thành đô
Tôi người trai sóng gió tìm em
Dù đồi cao dù bão bùng
Dù sông dài ngăn cách nhau
Đó là lời bài hát Chiều Hoang, nổi tiếng qua giọng hát Elvis Phương, là sáng tác của nhạc sĩ Khánh Băng, nhưng đã bị nhiều người nhầm là của nhạc sĩ Lam Phương.
Elvis Phương hát
CHỜ NGƯỜI
Sau năm 1975, nhạc sĩ Khánh Băng bắt đầu sáng tác thể loại nhạc quê hương, âm hưởng dân ca Nam Bộ, và nổi tiếng nhất là Chờ Người và Trên Nhịp Cầu Tre:
“Một người con gái đứng nghiêng nghiêng vành nón lá
Đường chiều bờ đê lối xưa kỷ niệm thiết tha…”
Trong bài hát này, nhạc sĩ đã vẽ lên hình ảnh tuyệt đẹp của một người con gái mong ngóng người yêu. Hình bóng nhỏ bé của một cô gái nghiêng vành nón lá đứng chờ người yêu trông thật mong manh, bé nhỏ và đáng thương. Chiều chiều bóng dáng ấy lại ra bờ đứng trông, dù không thể biết rằng phải chờ đến khi nào.
Như Quỳnh hát Chờ Người
TRÊN NHỊP CẦU TRE
Trên Nhịp Cầu Tre là bài hát rất quen thuộc với khán giả yêu nhạc trữ tình quê hương thập niên 1990, một ca khúc âm hưởng dân ca tiêu biểu nhất vào thời gian đó:
Có ai nhớ về mấy nhịp cầu tre bờ ao đong đưa
Ruộng lúa phì nhiêu tận cuối chân trời thẳng cánh cò bay
Bến sông cuối làng có con đò
Đưa người khách lạ với câu hò
Trên nhịp cầu tre, tóc xõa bờ vai
Một người con gái đứng nghiêng nón chờ
Bảo Yến hát Trên Nhịp Cầu Tre
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn