Trang chủ
Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của ca khúc Phố Buồn (Phạm Duy) – Bức tranh chân thật về cuộc sống dân nghèo ở ven đô Sài Gòn thập niên 1950
Giữa thập niên 1950, khi cuộc sống của Sài Gòn hoa lệ vẫn chưa đi vào ổn định, ngay bên cạnh ánh sáng kinh kỳ phồn hoa là những khu nhà lá tồi tàn với đường lầy muôn lối quanh, là nơi sinh sống của những người lao động nghèo tha hương. Đã có ít nhất 3 nhạc sĩ cảm thông với cuộc sống khó khăn đó của một giai tầng xã hội và sáng tác ra những ca khúc mô tả hình ảnh xóm nghèo Sài Gòn của 65 năm trước, đó là nhạc sĩ Lam Phương với Kiếp Nghèo, nhạc sĩ Phạm Đình Chương với Xóm Đêm, và nhạc sĩ Phạm Duy với Bên Ni Bên Nớ, Phố Buồn.
Lưu Hồng hát Phố Buồn
Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết ông sáng tác Phố Buồn năm 1954, nhắc đến người lao động ở những khu nhà vách lá ở ven đô. Không gian của bài hát được mô tả là một xóm nghèo trên con đường nhỏ không tên, có bùn lầy bôi quết, 2 bên là những mái tranh im lìm và tối tăm không đèn. Tất cả những hình ảnh đó hiện ra ngả nghiêng theo bước chân về nhà của một cô gái được tác giả gọi là “em” sau một ngày làm việc vất vả, trong một đêm mưa rả rích:
Ðường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Ðường về nhà em tối đen.
Những gian nhà xập xệ đó là nơi cư ngụ của những công dân hèn mọn, tội nghiệp, chỉ cần nhìn qua song cửa là đã có thể thấy toàn bộ hoàn cảnh của họ:
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Những người lao động nghèo trong xóm mạt hạng này có lẽ là sẽ vĩnh viễn không được hưởng thụ cuộc sống thanh nhàn như là những công dân hạng ưu khác. Quanh năm suốt tháng, sau một ngày mưu sinh vất vả thì đêm về họ chỉ có thể về lại căn nhà 4 vách phênh tồi tàn để chờ hết ngày, thì làm sao biết thế nào là “hương đêm”, làm sao biết những thú vui giải trí ở chốn phồn hoa dù chỉ cách họ một dãy phố nhưng không bao giờ chạm tay tới được.
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm.
Hạt mưa, mưa rơi tí tách
Mưa tuôn dưới vách
Mưa xuyên qua mành
Hạt mưa, mưa qua mái rách
Mưa như muốn trách
Sao ta chạy quanh
Hạt mưa, mưa yêu áo rách
Yêu đôi sát nách
Mưa ngưng không đành
Hạt mưa, mưa gieo tí tách
Mưa lên tiếng hát
Ru cơn mộng lành.
Những người cả đời được ở trong những căn nhà xây vững chãi tường cao, hay là các căn villa hào nhoáng, sẽ không bao giờ biết được thế nào “mưa tuôn dưới vách”, “mưa xuyên qua mành” hay là “mưa qua mái rách” của những căn nhà mái tranh vách nứa, mỗi mùa mưa đến phải huy động tất cả xô chậu trong nhà để hứng nước dột.
Hạt mưa đã “làm bạn” với người nghèo như vậy qua mọi thời, mưa biết yêu áo rách của người nghèo, yêu đôi sát nách của tầng lớp bình dân, và hạt mưa cũng được nhân cách hóa để biết trách nhân thế sao cứ hoài chạy quanh một vòng lẩn quẩn. Vì cảm thông cho những kiếp nghèo nên mưa cũng lên tiếng hát để ru cho xóm nghèo được những đêm yên giấc mộng lành.
Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết: “Với bài này, tôi nghịch ngợm với chữ nghĩa và vần điệu, như mưa rơi tí tách, mưa tuôn dưới vách, mưa qua mái rách, mưa như muốn trách, mưa yêu áo rách… và mơ màng hộ những đôi tình nhân nghèo, phải sống trong những ngôi nhà gỗ mái tôn trong hẻm tối phố buồn rồi nhìn ngôi nhà gạch mà họ mơ tưởng như chiếc bánh ngọt ngon”.
Ðường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang
Ánh sáng kinh kỳ tràn lan
Ðời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng Xuân sang
Yêu phố vui, nhà gạch ngon…
Sài Gòn phồn hoa có muôn vàn ánh đèn đô thị tràn lan, nhưng dù có là bao nhiêu đèn hoa thì cũng không thể nào soi sáng cho tới phố buồn nơi này:
Ðèn đêm không soi bóng vắng
Kinh đô thắc mắc
Im nghe phố buồn
Người đi trong đêm tối ám
Nghe mưa thức giấc
Khuyên nhau chờ mong.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhìn thấu được những đời nghèo lững lờ trôi đi như một chiếc bóng trong đêm tối ám, và thấy cả những cuộc tình nghèo không thể nào thấy được tương lai, chỉ biết khuyên nhau chờ mong mà thôi…
Thanh Thúy hát Phổ Buồn trước 1975
Bài hát Phố Buồn nổi tiếng qua giọng hát Thanh Thúy từ khi cô hãy còn là một thiếu nữ đôi tám. Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét như sau:
“…Nhờ giọng hát ma quái của Thanh Thúy, nhờ nhà xuất bản ở chợ trời âm nhạc tái bản tới 8 lần, bài ca xã hội này phổ biến ra dân chúng rất nhanh, rất rộng mà không cần phải nhờ tới đài phát
thanh…”
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn