Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của “Bông Hồng Cài Áo” – Bài hát về Mẹ nổi tiếng nhất của nhạc Việt

19/01/2025.


Trong nhạc Việt, không thể kể hết những ca khúc viết về người mẹ, ca ngợi tình yêu thương vĩnh cửu của mẹ dành cho con cái. Nổi tiếng nhất trong số đó là Lòng Mẹ (Y Vân), Đèn Khuya (Lam Phương), Mẹ Tôi (Nhị Hà)… và không thể không nhắc đến nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với 2 ca khúc Bóng MátBông Hồng Cài Áo.


Duy Khánh hát Bông Hồng Cài Áo

Ban đầu, Bông Hồng Cài Áo là tên của một bài tùy bút viết về Mẹ của thiền sư Thích Nhất Hạnh viết năm 1962 tại Sài Gòn. Bài viết kể về một tập tục cài hoa lên áo mà ông đã gặp ở Nhật Bản như sau:

“Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng…”

Về hoàn cảnh sáng tác của bài hát Bông Hồng Cài Áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, dựa theo bài tùy bút này, có một lần ông đã kể lại:

“Năm 1963, do tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo tôi bị chính quyền cũ bắt giam 1 năm tù. Ở trong tù, người tôi nghĩ đến nhiều nhất là mẹ tôi. Cho nên khi ra tù, tình cờ đọc được tập văn xuôi ‘Bông Hồng Cài Áo’ của thiền sư Thích Nhất Hạnh, những tình cảm trìu mến về mẹ lại bùng lên và tôi đã hoàn thành ca khúc ‘Bông Hồng Cài Áo’ vào năm 1967”


Miên Đức Thắng hát Bông Hồng Cài Áo thu âm trước 1975

Ông Sơn Huy – người học trò cũ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, kể về một kỷ niệm rất đặc biệt với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, về lòng hiếu thảo và hết mực tôn kính mẹ của tác giả ca khúc Bông Hồng Cài Áo:

“Vào những năm đệ thất hay đệ lục (lớp 6,7), lúc đó tôi đang hát trong ban Tiếng Thùy Dương của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tại Đà Nẵng, một buổi chiều đến nhà nhạc sĩ để tập nhạc như thường lệ, tôi vô cùng ngạc nhiên nhìn thấy thầy của mình đang ngồi nghiêm vòng tay bên cạnh cây đàn piano quen thuộc ở góc nhà.

Thấy tôi bước vào, thầy nói rằng: 

– Thầy có lỗi bị mẹ thầy phạt, vậy em đứng chờ đi, khi nào mẹ thầy tha thì thầy sẽ dạy e­m.

Ngay lúc đó, mẹ thầy từ nhà sau bước ra và nói: 

– Thôi học trò con đến rồi, mẹ tha cho con đó”.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đứng dậy và nói: 

– Con cảm ơn mẹ!

Hình ảnh cảm động đó đeo đuổi tôi suốt đời vì chỉ có tình yêu thương mẹ vô vàn, bằng cả tấm lòng quý mến vô biên, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mới viết được ca khúc “Bông Hồng Cài Áo”.

 

Trong bài hát Bông Hồng Cài Áo, có những câu hát ấn tượng như sau:

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?”
– Biết gì?
– Biết là, biết là con thương Mẹ không?”

Ý nghĩa của những câu hát này đã được ghi trong bài tùy bút của thiền sư Thích Nhất Hạnh:

“Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. 

Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” 

Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì?”

Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” 

Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt . Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.”

Dựa vào những ý nghĩa đó trong bài tuỳ bút, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã đưa vào trong ca khúc viết về Mẹ nổi tiếng suốt hơn 50 năm qua.


Tuấn Ngọc hát Bông Hồng Cài Áo

Bông Hồng Cài Áo của thầy Nhất Hạnh vẽ nên người Mẹ qua những hình ảnh và lời văn đơn sơ mà gần gũi, và rất đỗi thân thương: Mẹ già như chuối ba hương, Như xôi nếp một như đường mía lau.

Bài tuỳ bút có những lời khuyên rất ý nghĩa:

“Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên… Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. 

Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ… Một “món quà” như Mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. 

Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ” (Thích Nhất Hạnh)

Cũng bắt nguồn bài tuỳ bút Bông Hồng Cài Áo này, từ năm 1962 trở về sau người Việt bắt đầu có nghi thức “bông hồng cài áo” vào mỗi dịp Vu Lan, đó là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người.

Trong nghi thức đó, các em nhỏ gia đình Phật Tử sẽ cầm hai giỏ hoa hồng, màu đỏ và màu trắng, và đến cài hoa lên áo từng người dự lễ chùa trong ngày rằm tháng 7.

Nghi thức này vẫn còn cho đến nay, và có lẽ sẽ còn mãi mãi về sau này.

Bông Hồng Cài Áo (sáng tác: Phạm Thế Mỹ)

Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ

Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười

ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm

Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối

Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng:
– “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?”
– “Biết gì?” – “Biết là, biết là con thương Mẹ không ?”

Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi.

nhacxua.vn tổng hợp và biên soạn





Theo Nhacxua.vn

Share:

Các bài viết khác:
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và câu chuyện tình đẹp đầy trắc trở
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và câu chuyện tình đẹp đầy trắc trở
[ad_1] Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh 26/9/1948 tại Hải Phòng, là con thứ nhì trong một gia đình có bảy người con. Ông...

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tâm tình về sự nghiệp sáng tác tình ca qua bài phỏng vấn 30 câu
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tâm tình về sự nghiệp sáng tác tình ca qua bài phỏng vấn 30 câu
[ad_1] Trong nền tân nhạc Việt Nam, đặc biệt là tình ca, dòng nhạc Ngô Thụy Miên là một nét đẹp đài các, mang một phong cách rất riêng. Người...

Câu chúc Tết đỉnh hơn chữ đỉnh trong Táo Quân 2025
Câu chúc Tết đỉnh hơn chữ đỉnh trong Táo Quân 2025
[ad_1] Mỗi dịp Tết đến xuân về, Táo Quân luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu với hàng triệu khán giả Việt. Năm nay, chương trình Táo...

Con trai ca sĩ Giang Tử hát Chuyến Đi Về Sáng (Mạnh Phát) để tưởng niệm cha
Con trai ca sĩ Giang Tử hát Chuyến Đi Về Sáng (Mạnh Phát) để tưởng niệm cha
[ad_1] Anh Nguyễn Lê Trương Đông là con trai đầu, cũng là người con trai duy nhất của cố ca sĩ Giang Tử. Trước đây anh đi hát với tên...

Trường Giang: HIEUTHUHAI là ca sĩ – rapper đẹp trai ngoan hiền nhất Việt Nam
Trường Giang: HIEUTHUHAI là ca sĩ – rapper đẹp trai ngoan hiền nhất Việt Nam
[ad_1] Mới đây, Trường Giang đã chia sẻ 2 bức hình với ngoại hình mới lạ và nhanh chóng nhận về lượng tương tác khủng. Khác với hình ảnh giản...

Người từ trăm năm về ngang trường Luật, nhớ về một thuở “tình ca sinh viên”
Người từ trăm năm về ngang trường Luật, nhớ về một thuở “tình ca sinh viên”
[ad_1] “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” Câu hát quen thuộc từng được nghe đi nghe lại trên các làn sóng phát thanh ở miền Nam một thời...

Nhạc sĩ Hoàng Phương – Ca sĩ Bảo Yến và dòng nhạc Gò Công của một thời
Nhạc sĩ Hoàng Phương – Ca sĩ Bảo Yến và dòng nhạc Gò Công của một thời
[ad_1] Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Phương, người ta thường nhớ đến ca khúc quen thuộc Hoa Sứ Nhà Nàng trước 1975 đã được phổ biến sâu rộng từ thành...

Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Tuấn Ngọc – Một “tượng đài” của dòng nhạc tình ca
Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Tuấn Ngọc – Một “tượng đài” của dòng nhạc tình ca
[ad_1] Tuấn Ngọc được xem là một trong những nam ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc trữ tình hải ngoại sau năm 1975 cho đến nay. Ông sở...

Nghệ thuật viết lời Việt cho nhạc ngoại của nhạc sĩ Phạm Duy qua ca khúc Chuyện Tình (Love Story)
Nghệ thuật viết lời Việt cho nhạc ngoại của nhạc sĩ Phạm Duy qua ca khúc Chuyện Tình (Love Story)
[ad_1] Với những người không biết tiếng Anh – như tôi hồi xưa khi học cấp 2 và 3 ban Pháp văn – thì những bài hát nhạc ngoại dịch...

Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Lê Mộng Bảo – Ông giám đốc hào phóng của nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam
Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Lê Mộng Bảo – Ông giám đốc hào phóng của nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam
[ad_1] Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo ngoài vai trò là một nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc  nhạc vàng như Đổi Thay, Thương Về Quán Trọ, Mùa Ve...